Saturday, May 18, 2024

KHÚC VĨ THANH CHO HẢI NINH, QUẢNG NINH (QUẢNG BÌNH)

KHÚC VĨ THANH CHO HẢI NINH, QUẢNG NINH (QUẢNG BÌNH)

Bình minh trên bãi biển Hải Ninh

Đừng lặp lại bài học sai lầm ở Sân bay Đồng Hới

Năm 2004, khi Cụm Cảng hàng không miền Bắc (sau này là Tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc) chuẩn bị khởi công xây dựng Cảng hàng không Đồng Hới, giá đất xung quanh khu vực sân bay ở Lộc Ninh, nhất là đoạn từ ngả ba Quốc lộ 1A vào cổng sân bay tăng chóng mặt. Sở dĩ giá đất ở đây tạo cơn sốt đất tại TP Đồng Hới vào thời điểm đó là vì, giới cò đất đồn thổi rằng sau khi sân bay đi vào hoạt động, đây sẽ trở thành địa điểm kinh doanh sầm uất, hái ra tiền. Những thửa đất xung quanh sân bay xưa nay nằm trong hốc hẻm của xã Lộc Ninh giá rẻ như bèo bỗng chốc biến thành mảnh “đất vàng” cho các nhà đầu cơ. Lầm tưởng rằng đầu tư đất ở đây chẳng mấy chốc sẽ giàu có nên người người, nhà nhà đua nhau, đặc biệt là giới cò đất lùng sục tìm mua, khiến cho giá đất bị đẩy lên gấp 4 – 5 lần giá bình thường.

Sau gần 4 năm thi công, ngày 18/05/2008, công trình đã khánh thành và được đưa vào khai thác sử dụng. Đến nay, Cảng hàng không Đồng Hới đã gần 10 năm hoạt động, những viễn cảnh vẽ ra về giấc mộng hóa vàng hoàn toàn sụp đổ. Thay vào đó, chỉ là những bãi đất để không, một vài hàng quán lèo tèo, thi thoảng có mấy lái taxi chờ đón khách ghé lại mua gói thuốc lá, dăm ba chai nước lọc, vài thanh kẹo cao su. Vì hành khách đi máy bay xuống sân bay thì bắt taxi về trung tâm thành phố ăn nghỉ, không thì có người nhà đến đón, có mấy ai lai vãng ở trước cổng để ăn uống, nghỉ ngơi.

KHÚC VĨ THANH CHO HẢI NINH, QUẢNG NINH (QUẢNG BÌNH)

Đường vào Cảng hàng không Đồng Hới vẫn đìu hiu sau gần 10 năm đi vào hoạt động

Việc đưa thông tin về giá đất ở Cảng hàng không Đồng Hới của 10 năm về trước dù không liên quan đến câu chuyện đất đai ở Hải Ninh ngày hôm nay. Nhưng đó là bài học của ngày hôm qua cho người dân Hải Ninh tham khảo, hãy là nhà đầu tư thông minh, khôn ngoan để tính toán, lựa chọn lô đất nào phù hợp với hoàn kinh tế gia đình, đừng “trót đâm theo lao, phải theo lao” không còn đường gỡ, mãi ngụp lặn trong đống nợ nần.

Câu chuyện về FLC

Hải Ninh, là xã bãi ngang thuộc diện xã nghèo của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình với diện tích tự nhiên 39,164 km2. Đất đai toàn cát trắng và nghèo chất dinh dưỡng. Những năm trước đây, UBND huyện Quảng Ninh đã thực hiện hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho các hộ dân để triển khai các dự án trồng rừng nhưng hiệu quả không cao. Song thiên nhiên bù lại thiệt thòi cho mảnh đất khó nhọc này rất hợp với giống khoai lang. Nghề trồng khoai lang đang là hướng đầu tư trọng tâm trong lĩnh vực nông nghiệp của xã. Năm 2017, toàn xã trồng được 10,5 ha khoai lang, năng suất bình quân 249,4 tạ/ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 261,87 tấn. Toàn xã hiện có 300 hộ dân và 01 Hợp tác xã tham gia chế biến khoai gieo. Sản lượng khoai gieo toàn xã đạt 240 tấn. Mảnh đất Hải Ninh được nhiều người biết đến với thương hiệu khoai gieo nổi tiếng. Trồng khoai lang, kết hợp phát triển kinh tế trang trại, nuôi trồng thủy, đánh bắt hải sản gần bờ trở thành hướng đi chủ lực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Ninh.

Mảnh đất Hải Ninh vốn thanh bình, yên ả như dây khoai lang, ngọn rười. Nhưng từ khi bắt đầu có thông tin về dự án Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, thương mại và giải trí cao cấp do Tập đoàn FLC đầu tư chuẩn bị triển khai tại xã Hải Ninh và xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy) thì tình hình ở địa phương này bắt đầu dậy sóng.

KHÚC VĨ THANH CHO HẢI NINH, QUẢNG NINH (QUẢNG BÌNH)

Phối cảnh tổ hợp dự án FLC Hải Ninh

Một số cán bộ huyện, xã biết trước dự án sắp sửa triển khai nên đã tìm cách chuyển nhượng các diện tích đất đất đã cấp cho các hộ dân, chuyển đổi mục đích sử dụng để được hưởng đền bù cao khi thu hồi đất để triển khai dự án. Điển hình là bà Lê Thị Xinh, nguyên Phó phòng NN&PTNT huyện, Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

Đây là dự án mang tính động lực, có ý nghĩa đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, tạo ra nhiều việc làm cho con em địa phương, nâng cao thu nhập, tăng nguồn thu lớn cho ngân sách của tỉnh. Nếu không có Tập đoàn FLC đầu tư vào mảnh đất khô cằn, nghèo xơ, nghèo xác này thì có lẽ 20 – 50 năm nữa cũng chả có nhà đầu tư nào tìm đến. Vì nơi đây không có tiềm năng gì khác ngoài tiềm năng về đất đai. Do đó, chủ trương của lãnh đạo tỉnh mời gọi Tập đoàn FLC là việc làm vô cùng sáng suốt để khai phá vùng đất hoang sơ, nghèo khó này. Đây chính là tư duy đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của lãnh đạo tỉnh.

Khi xảy ra sự cố môi trường biển các tỉnh miền Trung, trong đó có xã biển Hải Ninh bị ảnh hưởng chưa rõ nguyên nhân. Đúng thời điểm đó, Tập đoàn FLC chuẩn bị tổ chức lễ khởi công công trình. Do một số đối tượng xấu kích động, xúi giục làm cho nhiều người dân lầm tưởng, dự án FLC cũng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nên đã tụ tập đông người. Một số phần tử quá khích bị kích động đã có hành vi gây rối, chiếm lĩnh sân khấu, khiến cho lễ khởi công ngày 24/4/2016 bị đổ bể.

Việc người dân Hải Ninh nằm trong vùng hưởng lợi của dự án chưa thấu hiểu chủ trương mời gọi đầu tư của tỉnh, chưa nắm bắt được các thông tin về dự án của Tập đoàn FLC là lỗi một phần các ban, ngành liên quan của tỉnh chưa làm tốt công tác tuyên truyền, đả thông, nắm bắt tư tưởng người dân. Hơn 5 tháng sau khi xảy ra sự cố tại lễ khởi công, tỉnh Quảng Bình mới có tài liệu tuyên truyền phát hành cho các cơ quan, ban ngành và nhân dân địa phương thông tin về dự án. Cách làm theo “quy trình ngược” chẳng những không hiệu quả mà khiến cho dư luận bất bình và không đồng tình.

Cũng từ đây, tình hình ANTT ở địa bàn xã Hải Ninh có nhiều diễn biến phức tạp. Khởi đầu là vụ kiện giữ Trương Thị Hồng và bà Lê Thị Xinh, việc đền bù sự cố…. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại về vụ việc các cơ quan chức năng của tỉnh đã kết luận và chỉ đạo xử lý kịp thời, đúng người, đúng mức độ vi phạm. Chính bà Xinh cũng phải trả giá cho hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi khi giao đất, chuyển đổi mục đích, tách thửa để chuyển nhượng trái quy định 7,1ha với án cảnh cáo về mặt Đảng và chính quyền. Tập thể cấp ủy, chính quyền huyện Quảng Ninh và xã Hải Ninh đều phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc vì để xảy ra sự cố và sai phạm trong quá trình giải phóng mặt bằng cho dự án của Tập đoàn FLC.

Vụ kiện này tốn không biết bao nhiêu giấy mực và kéo theo bao nhiêu hệ lụy, bất ổn về an ninh nông thôn. Đến ngày hôm nay, dù đã bước qua những ngày đầu của năm mới 2018, bà Lê Thị Xinh đã nghỉ hưu rồi mà dư chấn của nó vẫn còn và hậu quả vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Điển hình là trong mấy ngày vừa qua, người dân tiến hành tập kết vật liệu, xây dựng móng nhà trái phép trên các phần đất ở khu tái định cư mới ở thôn Tân Hải gây phức tạp và tạo thành điểm nóng về ANTT. Vấn đề này các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Bình cần nhanh chóng có giải pháp kiên quyết chấm dứt tình trạng này để lập lại trật tự quản lý đất đai và ổn định tình hình ANTT tại địa bàn Hải Ninh.

Điều mất mát lớn nhất mà cấp ủy, chính quyền huyện Quảng Ninh cho đến xã Hải Ninh đều nhận ra đó là niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân Hải Ninh dành cho cấp ủy, chính quyền và những người thi hành công vụ đã suy giảm đi rất nhiều. Vấn đề mà người dân mong đợi, là cấp ủy, chính quyền huyện Quảng Ninh và xã Hải Ninh phải biết gần dân, tin dân, nghe dân và dựa vào dân, tôn trọng nhân dân để có sự hành xử đúng đạo đức công vụ, đúng luật và mang tính nhân văn may ra mới khôi phục lại niềm tin trong nhân dân. Có lẽ điều đó đối với cấp ủy chính quyền từ huyện Quảng Ninh xuống xã Hải Ninh không đến nổi khó khăn mà không thể không làm được.

Qua tìm hiểu được biết ở những địa phương mà Tập đoàn FLC có dự án đầu tư như Vĩnh Phúc, Sầm Sơn, Thanh Hóa, Quy Nhơn, Bình Định… đều có điều tiếng không hay về vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, nợ tiền công người lao động, nợ tiền hợp đồng các doanh nghiệp thi công công trình…. Ở dự án FLC Hải Ninh, ít nhiều Tập đoàn FLC vẫn còn lặp lại những điều tiếng không hay đó. Thiển ý của người viết và có lẽ là phần đa nhiều người sẽ đồng tình, ủng hộ là mong muốn Tập đoàn FLC cần có tinh thần cầu thị, những điều chưa tốt ở các dự án đã đầu tư ở các địa phương khác trong thời gian trước đây cần chấm dứt, không nên tái phạm và đừng để bị điều tiếng “FLC đi đến đâu, ở đó mất cán bộ”. Làm được thế cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là người dân nơi có dự án triển khai đồng thuận, ủng hộ. Có như vậy dự án mới thuận buồm xuôi gió, mọi việc mới trở nên hanh thông hơn và để lại tiếng thơm cho doanh nghiệp.

Chưa dám chắc khi đi vào hoạt động Khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, thương mại và giải trí cao cấp của Tập đoàn FLC sẽ là “con gà đẻ trứng vàng” nhưng đây sẽ là tín hiệu tốt về đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch cho Quảng Bình theo hướng hiện đại, bắt nhịp với du lịch trong nước và quốc tế. Đó chính là tiền đề quan trọng giúp du lịch Quảng Bình có bước phát triển vững chắc hơn trong hành trình kết nối với “Con đường di sản miền Trung”.

Trung Sơn

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG