Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đặc biệt là hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước, chúng ta không chỉ đối mặt với chiến tranh vũ trang mà còn phải đối mặt với những đòn chiến tranh tâm lý hết sức thâm hiểm của kẻ thù. Hiện nay, các thế lực thù địch đang từng ngày, từng giờ, thậm chí từng phút, từng giây chống phá ta quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, trong đó có chiến tranh tâm lý. Chẳng hạn Mỹ dùng 3 loại hình tuyên truyền trong chiến tranh tâm lý ở Việt Nam để tạo nên các sản phẩm thông điệp, bao gồm tuyên truyền “Trắng” là một hình thức tuyên truyền công khai, chính thống, chính thức, tuyên truyền “Đen” và tuyên truyền “Xám” là hình thái tuyên truyền ngụy trang, che đậy, mờ ám, tiêu cực. Trong đó, tin đồn cũng thuộc một nội dung của tuyên truyền “Đen”.
Các thế lực thù địch luôn xác định chiến tranh tâm lý là đòn đánh vào tinh thần, làm tan rã tinh thần của nhân dân và quân đội đối phương. Chính vì lẽ đó, các thế lực thù địch rất coi trọng chiến tranh tâm lý, xem đây là một mũi nhọn tấn công lợi hại trong chiến lược diễn biến hòa bình. Kẻ địch sử dụng đòn chiến tranh tâm lý chính là thực hiện các tác động tâm lý xã hội, đánh vào chỗ mềm yếu, nhạy cảm nhất của con người là tâm lý tinh thần bằng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt làm chuyển hoá đối phương ở mọi lúc, mọi nơi, cả khi làm việc, lúc vui chơi; len lỏi vào từng người, từng nhóm, từng tập thể quân nhân của chúng ta để “bôi đen” nhận thức tư tưởng, “gặm nhấm” tình cảm, điều khiển ý chí và hành động. Chung quy lại, chiến tranh tâm lý làm biến chất tâm lý-xã hội, làm “rã” tâm lý xã hội từ đó mà làm mục ruỗng lý tưởng, tiến tới phá sập hệ tư tưởng, xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Kẻ địch hy vọng làm như vậy vừa đánh vào chỗ yếu của ta, vừa lảng tránh phải đối đầu về chính trị, tạo ra sự ngộ nhận rằng dường như không có vấn đề đấu tranh giai cấp. Khi thực hiện các tác động theo cơ chế tâm lý xã hội kẻ địch đặc biệt quan tâm đến tin đồn, sử dụng tin đồn, tung tin đồn, loan tin đồn như một thủ đoạn, một công cụ lợi hại của chiến tranh tâm lý. Do vậy, để phòng, chống chiến tranh tâm lý có hiệu quả chúng ta phải hiểu rõ về bản chất của tin đồn, cơ chế hình thành nó, những thủ đoạn tạo tin đồn của kẻ địch; trên cơ sở đó biết cách khắc phục có hiệu quả tin đồn do kẻ địch tung ra trong tình hình hiện nay.
Tin đồn là một hiện tượng tâm lý xã hội phức tạp nảy sinh trong cuộc sống cộng đồng, nó thường xuất phát từ thông tin không chính thức, có thể là một thông tin tưởng tượng rồi được truyền miệng, lan truyền bằng con đường không chính thức: rỉ tai, to nhỏ, ngấm ngầm, nửa kín nửa hở hoặc dùng dùng tờ rơi để tuyên truyền những thông tin thất thiệt…(Ví dụ: vừa qua Triều Tiên đã sử dụng hình thức này để tuyên truyền làm náo loạn binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốclàm cho quân đội Mỹ phải đưa ra hàng loạt chỉ dẫn về những điều “nên và không nên làm” khi các binh sĩ bắt gặp các tài liệu tuyên truyền của Triều Tiên, trong đó chủ yếu kêu gọi họ “báo cáo tất cả các thông tin tuyên truyền cũng như các đối tượng khả nghi” cho các nhà chức trách để giúp giảm thiểu nguy cơ đe dọa tiềm tàng.Ngoài ra, một đường dây nóng “chống tuyên truyền” và một trang web đặc biệt cũng đã thiết lập để đối phó với tài liệu tuyên truyền từ Triều Tiên. Việc sao chép các ổ đĩa chứa dữ liệu không rõ nguồn gốc vào bất kỳ máy tính nào tại các căn cứ quân sự của Mỹ cũng bị cấm).
Cảnh báo về Triều Tiên xuất hiện trên Facebook của lực lượng quân sự Mỹ tại Hàn Quốc (Ảnh: RT)
Để có được một tin đồn, thông tin được tổ chức theo một lôgíc tâm lý, trong đó nhu cầu, lợi ích, thiên kiến cá nhân nó được hình thànhtừ ý kiến cá nhân, chính kiến cá nhân, thậm chí sự kiện bị xuyên tạc, bóp méo bởi khuynh hướng, sở thích của cá nhân cho nên tính bột phát, tính cảm tính chủ quan rất lớn, lan truyền nhanh.
Trong khi dư luận xã hội lan truyền bằng lời và chữ viết, bằng con đường chính thức và không chính thức, công khai và bí mật thì tin đồn lan truyền bằng phương thức truyền miệng theo con đường không chính thức qua trao đổi cá nhân, rỉ tai, rì rầm, to nhỏ, đưa đẩy, thêm thắt, ngấm ngầm nửa kín nửa hở… Do đó có nhiều sự kiện có thực xảy ra, qua sự đồn đại mà làm sai lạc hẳn so với bản chất ban đầu của nó như chuyện “nói gà ra quạ”.
Ngày nay, trong diễn biến hoà bình, kẻ địch càng coi trọng thủ đoạn tin đồn, bởi lẽ sử dụng thủ đoạn này sẽ mang lại hiệu quả to lớn. Một mặt nó dễ dàng tận dụng được thành quả cách mạng khoa học kỹ thuật, sự bùng nổ thông tin mà “đạo diễn”, “bịa chuyện”, tạo ra các vụ “xì-căng-đan” làm cho người ta tin là có thật; mặt khác, chúng khai thác triệt để tâm lý con người thích tò mò, đưa tin, “thêu dệt”, thích “đưa chuyện làm quà”… Đặc biệt khi nền kinh tế nước ta còn nghèo, lạc hậu, trình độ dân trí thấp thì càng ưa chuộng cái mới lạ, càng tò mò nhiều chuyện “ngồi lê mách lẻo”. Đặc điểm tâm lý này dễ bị địch lợi dụng khai thác triệt để theo hướng tiêu cực nhằm biến một số quần chúng mất cảnh giác thành kẻ tuyên truyền không công, ca ngợi tán dương chủ nghĩa tư bản, nói xấu chủ nghĩa xã hội, gây mất đoàn kết, làm rối trật tự xã hội.
Các thủ đoạn tạo ra tin đồn trong chiến tranh tâm lý mà địch sử dụng rất đa dạng, tinh vi, như vu khống, xuyên tạc, bôi nhọ, đả kích Đảng, Nhà nước và quân đội ta; tung tin đồn nhảm, lan truyền tin thất thiệt, đổi trắng thay đen, gây hoang mang dao động, làm giảm sút niềm tin của quần chúng đối với Đảng, Nhà nước và quân đội, hoặc “lý tưởng hoá” các sự kiện, các vấn đề có lợi cho chúng như thổi phồng các thành tựu của chủ nghĩa tư bản, đề cao cách ứng xử kiểu Mỹ, các giá trị Mỹ. Trong quân sự, chúng thường khuyếch trương “chiến tranh công nghệ cao”, “vũ khí thông minh”, “cách đánh tối ưu”, “cách đánh tiêu diệt”… để hù doạ, uy hiếp hòng làm lung lay ý chí chiến đấu của bộ đội ta..
Tác động của tin đồn trong các đơn vị quân đội có thể gây hậu quả tâm lý quân nhân như: làm lệch lạc nhận thức, làm lẫn lộn thật-giả, đúng – sai, phải-trái,… dẫn đến người quân nhân hiểu sai những vấn đề về chính trị, kinh tế, quân sự, làm cho một số quân nhân dao động, nghi ngờ tính đúng đắn của đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; làm rối loạn cảm xúc, tình cảm, thái độ yêu-ghét, ủng hộ-phản đối, ca ngợi-phê phán… dẫn tới sự phân tâm, do dự, thiếu tin tưởng trong thực hiện nhiệm vụ của quân nhân; làm xuất hiện những hành vi lệch lạc trong nói, viết, hành động, lộ bí mật quân sự, phát ngôn tùy tiện…
Những tin đồn mà kẻ địch tạo ra có chủ định sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đối với quân nhân và tập thể quân nhân. Để chủ động đối phó với tin đồn nảy sinh trong đơn vị đòi hỏi chúng ta phải thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường quán triệt, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, yêu cầu nhiệm vụ của quân đội choi quân nhân. Kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, nhanh chóng, chính xác, có định hướng cho quân nhân làm vô hiệu hoá những tin đồn mà kẻ địch tung ra. Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị phải duy trì thường xuyên các hình thức thông báo chính trị, nói chuyện thời sự, đọc báo, điểm báo, bản tin truyền thanh nội bộ, bảng tin tuần, thi tuyên truyền viên, thực hiện có hiệu quả ngày chính trị văn hóa tinh thần, ngày pháp luật…
Hai là,trong đơn vị xuất hiện tin đồn chỉ huy các cấp phải nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, nguồn phát tin, người đưa tin ban đầu để ngăn chặn không cho lan truyền trong đơn vị. Trường hợp biết rõ tin đồn về một sự kiện nào đó hoặc biết rõ nguồn gốc ban đầu của tin đồn do thiếu thông tin dẫn đến đồn đại, suy diễn, thêm bớt, thì nhanh chóng cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về sự kiện đó, tạo ra sự nhận xét đánh giá chung của dư luận tập thể.Khi biết rõ người đưa tin đầu tiên vào đơn vị (do sơ xuất, hoặc có ý đồ cá nhân) thì yêu cầu người đó cải chính, nhận khuyết điểm về hành vi đưa tin không chính xác của mình trước tập thể hoặc dùng cá nhân có uy tín, am hiểu về lĩnh vực xảy ra tin đồn để nhận xét, giải thích, bình luận về sự kiện đó, định hướng tư tưởng đúng đắn cho toàn đơn vị.
Ba là, phát huy vai trò cán bộ chủ trì, những cá nhân điển hình tiên tiến trong đơn vị tạo ra những dư luận tập thể tích cực, ngăn ngừa dư luận tập thể tiêu cực, những tin đồn thất thiệt trong đơn vị, cũng như chuẩn bị tư tưởng, tâm lý cho quân nhân trước mỗi sự kiện quan trọng sắp xảy ra. Tiến hành phân loại thường xuyên về chính trị, năng lực và đạo đức cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền, chú trọng những quân nhân yếu kém về tư tưởng, đạo đức, những người có hoàn cảnh phức tạp… vì đây là những đối tượng mà kẻ địch dễ lợi dụng, biến họ thành người lan truyền tin đồn trong đơn vị. Cán bộ chủ trì cần hướng dẫn cá nhân điển hình tiên tiến, những “thủ lĩnh” của các nhóm không chính thức trong việc phổ biến, xử lý và lan truyền thông tin trong đơn vị.
Bốn là, xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên trong đơn vị để hướng dẫn dư luận tập thể tích cực, ngăn ngừa tin đồn tiêu cực phục vụ cho nhiệm vụ của đơn vị. Thực tiễn các thế lực thù địch đang đẩy mạnh các hoạt động tiến công vào trận địa chính trị, tư tưởng của ta hòng tạo ra dư luận tiêu cực, tung tin đồn đòi “phi chính trị hoá” quân đội, gây mâu thuẫn giữa Đảng với quân đội, giữa quân đội với nhân dân (như thông tin quân đội không được làm kinh tế…), trong khi đó một số đơn vị chưa nhận thấy hết vai trò to lớn của dư luận tập thể cũng như tác hại và sự nguy hiểm của tin đồn; thậm chí còn thả nổi, không chủ động tích cực đối phó với tin đồn. Chính vì lẽ đó đòi hỏi các đơn vị phải chủ động xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên được bồi dưỡng lỹ năng thu thập, khai thác, xử lý thông tin góp phần làm “màng lọc” ngăn chặn những tin đồn xấu độc của các thế lực thù địch xâm nhập vào đơn vị, vào tâm lý, tình cảm của quân nhân, xây dựng đơn vị an toàn, vững mạnh toàn diện hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
N. Long (ĐTDC)