Mỹ đang xem xét tiêm liều vắc xin thứ ba. Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép tiêm. Anh và Đức chuẩn bị cho phép từ đầu tháng 9-2021.
Hãng dược phẩm Pfizer đã sẵn sàng nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp liều vắc xin COVID-19 tăng cường (liều thứ ba) trong tháng 8-2021.
Pfizer và Moderna nói gì?
Pfizer đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng để xác định hiệu quả của hai loại vắc xin tăng cường gồm liều thứ ba của vắc xin Pfizer đang sử dụng hiện tại và liều vắc xin thứ ba phiên bản mới.
Pfizer tin rằng mức bảo vệ sau khi tiêm đủ hai liều vắc xin Pfizer sẽ giảm dần theo thời gian, do đó cần phải tiêm liều thứ ba từ 6 đến 12 tháng sau khi tiêm đủ hai liều.
Theo nghiên cứu riêng của Pfizer (chưa công bố chính thức hoặc chưa qua bình duyệt), liều Pfizer thứ ba đã làm tăng lượng kháng thể từ 5-10 lần nhiều hơn so với tiêm hai liều.
Trong khi đó, hãng dược phẩm Moderna tuyên bố đang nghiên cứu xem có cần thiết phải tiêm liều thứ ba hay không.
CDC và FDA nói chưa đủ dữ liệu khoa học
Tại Mỹ, trong tuyên bố chung công bố hôm 8-7, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cũng như Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) khẳng định: “Những người tiêm đủ vắc xin đã được bảo vệ khỏi bệnh nặng và tử vong, bao gồm cả các biến thể đang lưu hành trong nước như biến thể Delta”.
Đối với liều thứ ba, CDC và FDA cho biết chỉ phê duyệt một khi đã có đầy đủ dữ liệu khoa học chứng minh là cần thiết.
Hai cơ quan này còn lưu ý hầu hết các ca nhập viện và tử vong do COVID-19 đều là những người chưa tiêm vắc xin (chứ không phải đã tiêm vắc xin nhưng vắc xin không đủ công hiệu).
Giả định nếu cần tiêm liều thứ ba, CDC cho rằng chỉ nên tiêm cho nhóm bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch.
Nhóm này chiếm 5% dân số Mỹ nhưng có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao gấp 10 lần.
CDC còn khuyến cáo không nên tiêm liều thứ ba khác loại vắc xin vì chưa đánh giá được hiệu quả khi tiêm trộn nhiều loại vắc xin sẽ như thế nào.
Ở châu Âu, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đánh giá còn quá sớm để xem xét liệu có cần thiết phải tiêm liều thứ ba tăng cường hay không.
Chưa đủ dữ liệu khoa học vẫn cứ tiêm
Do lo ngại biến thể Delta, một số quốc gia vẫn cho phép tiêm mũi vắc xin COVID-19 thứ ba.
Trang web y học Medscape ghi nhận nhiều nghiên cứu cho thấy liều thứ ba có ích cho nhóm bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch.
Israel là quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm liều vắc xin Pfizer thứ ba cho người trên 60 tuổi (đã tiêm hai mũi vắc xin trước đó hơn 5 tháng).
Lý do Israel tổ chức tiêm liều thứ ba vì mấy tuần gần đây, số ca nhiễm và nhập viện đã gia tăng trở lại do biến thể Delta hoành hành quá dữ.
Theo báo Times of Israel, chiến dịch tiêm liều thứ ba bắt đầu từ ngày 1-8 và kéo dài đến cuối tháng.
TS dịch tễ học Hagai Levine ở Đại học Hebrew đánh giá: “Đây là quyết định dựa trên ý kiến của các chuyên gia và dựa trên logic chứ không dựa trên bằng chứng khoa học vững chắc. Trong y tế công cộng và y học, đôi khi bạn phải đưa ra quyết định dựa trên kinh nghiệm và lý trí”.
Các nước sắp tiêm liều thứ ba
Tại Đức, Bộ Y tế đã đề xuất cho nhóm đối tượng người cao tuổi và người dễ bị tổn thương như người suy giảm miễn dịch được tiêm mũi vắc xin thứ ba từ ngày 1-9 tới.
Mũi thứ ba sẽ là vắc xin Pfizer/ BioNTech hoặc Moderna.
Pháp chủ trương tiêm mũi thứ ba cho những người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng như người được cấy ghép, người mắc bệnh ung thư , người đang chạy thận nhân tạo và người cao tuổi.
Thời gian tiêm chưa ấn định cụ thể, dự kiến có thể vào đầu tháng 9-2021.
Trong khi đó, Anh dự kiến tổ chức tiêm mũi thứ ba cho mọi đối tượng. Thời gian tiêm từ đầu tháng 9-2021 kéo dài đến cuối năm.
Khoảng 2.000 nhà thuốc sẽ lo phần tiêm vắc xin để lực lượng y tế tập trung điều trị bệnh nhân COVID-19.
Chính phủ Nhật dự kiến khuyến khích tiêm mũi thứ ba nhắc lại vào năm 2022.
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt tiêm mũi vắc xin thứ ba.
Thời gian tiêm bắt đầu từ ngày 1-7 dành cho lực lượng y tế và người trên 50 tuổi.
Trong số những người nhận liều thứ ba có Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Trước đó ông đã được tiêm hai liều vắc xin Trung Quốc Sinovac.
HOÀNG DUY LONG
Theo: Cánh cò