Monday, May 13, 2024

‘Cần chấm dứt sân sau – sân trước, bổ nhiệm hậu duệ – tiền tệ’

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương trả lời về phương châm 10 chữ năm 2018 của Chính phủ: Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả.

Kỷ cương thể hiện hệ thống có kỷ luật, trật tự, có trách nhiệm giải trình. Trong bối cảnh Việt Nam khi thực thi chính sách vẫn là điểm yếu cố hữu, điều này rất cần thiết để tạo chuyển động mạnh mẽ hơn, để các chỉ đạo, chính sách, luật lệ được thực thi nhất quán, đầy đủ và kịp thời.

Liêm chính là phải làm một cách minh bạch, cẩn trọng, có trách nhiệm trong bộ máy công, để đạt mục tiêu chính sách công, phục vụ cho phát triển. Việc này cũng giúp tránh lạm dụng quyền lực công vì lợi ích riêng. Liêm chính cũng gắn liền với việc phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước hiện nay.

Hai quan điểm này gắn chặt với hành động, nói đi đôi với làm và làm phải nhiều hơn nói. Chúng ta thường nói chính sách ra một, thì hành động phải 10 mới đạt kết quả. Hành động ấy phải nhất quán từ trên xuống dưới, giữa các cơ quan với nhau.

'Cần chấm dứt sân sau - sân trước, bổ nhiệm hậu duệ - tiền tệ'

Sáng tạo nghĩa là phải có cái mới, khác biệt. Trước một yêu cầu, một vấn đề, cần tư duy mới, từ đó có cách làm mới. Chúng ta thường bao biện đúng quy trình, quy định. Nếu không có quy trình thì làm sao? Và giả sử có quy trình rồi nhưng có cách làm mới, hiệu quả hơn thì thế nào? Nói cách khác, nêu cao sáng tạo sẽ tạo động lực sửa đổi quy định, quy trình, không áp dụng một cách thụ động, cứng nhắc.

Hành động, sáng tạo, thì mục tiêu cuối cùng là phải hiệu quả, phải đạt mục tiêu với chi phí thấp nhất, không phải bằng mọi giá.

Các bộ trưởng đã bắt đầu chuyển động

– Từ phương châm đến hành động phải cụ thể hóa như thế nào trong năm 2018, thưa ông?

– Vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, thông điệp rõ ràng như vậy nghĩa là nhận thức được vấn đề, nhận thức được hành động và có sự thay đổi.

Khi người đứng đầu có sự thay đổi sẽ tạo chuyển động theo hướng đó. Còn mọi nơi cứ bình bình sẽ không bao giờ thấy chuyển biến.
TS Nguyễn Đình Cung

Tôi rất mừng là thông điệp của người đứng đầu Chính phủ gửi lãnh đạo bộ ngành, địa phương được giới truyền thông nhận biết, từ đó làm căn cứ đánh giá người đứng đầu, kể cả các bộ và địa phương.

Dư luận sẽ tạo ra được động lực và áp lực, thúc đẩy phát triển, thúc đẩy hành động. Từ nhận thức, áp lực và động lực thay đổi ở Thủ tướng, các phó thủ tướng, giờ đến các bộ trưởng các chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh, các giám đốc sở, các chủ tịch huyện, lãnh đạo cục vụ…

– Năm 2017, Thủ tướng nhiều lần phàn nàn về tình trạng “trên nóng dưới lạnh”… Trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đến đâu khi xảy ra tình trạng này?

– Năm 2016 chỉ đạo nhiều, thực hiện ít hơn. Năm 2017, tôi thấy các bộ bắt đầu chuyển động, đặc biệt là các bộ trưởng. Ở cấp Trung ương, riêng về cải thiện môi trường kinh doanh năm 2017 có thay đổi rõ nét, không phải trên bảo dưới không nghe nữa. Họ tự thay đổi, tự cải cách.

Địa phương cũng có sự năng động của mình, nhưng phần triển khai chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng về địa phương vẫn chậm.

Về nguyên tắc, địa phương không phải cơ quan ban hành thể chế, mà thực thi thể chế, chính sách, vì thế trách nhiệm và thái độ, cách thức làm việc rất quan trọng. Trước một vấn đề mà thái độ của anh là chia sẻ với khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp thì việc sẽ khác. Còn thái độ vẫn là lạm dụng quyền lực, cố tình gây khó cho người dân và doanh nghiệp để kiếm lợi trên những khó khăn, vướng mắc của người dân, trên thủ tục hành chính Nhà nước thì đó lại là chuyện khác.

Vì thế, các lãnh đạo tỉnh phải chỉ đạo theo hướng không phải ban hành thêm quy định, mà là thay đổi thái độ làm việc, chuyển sang thái độ chia sẻ, đồng hành, đối tác, phục vụ.

'Cần chấm dứt sân sau - sân trước, bổ nhiệm hậu duệ - tiền tệ'

Bổ nhiệm kiểu ‘hậu duệ, tiền tệ’ thì khó xử lý cán bộ yếu

– Công tác cán bộ vẫn là mấu chốt. Ông nghĩ sao về quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc loại bỏ những cán bộ lơ là nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu, còn hành dân, nhũng nhiễu doanh nghiệp?

– Tôi tin chủ tịch tỉnh hoàn toàn có thể xử lý được giám đốc sở, không có gì khó khăn cả.

Nhưng vài năm qua, chúng ta ít ghi nhận trường hợp cán bộ lơ là, yếu kém bị xử lý?

– Việc đầu tiên là phải xem lại công tác bổ nhiệm cán bộ. Tư duy bổ nhiệm phải là chọn người làm được việc, dựa trên trí tuệ, ý thức, thái độ và kết quả làm việc. Nếu vẫn bổ nhiệm theo lối thân quen, bạn bè, theo kiểu “hậu duệ, tiền tệ, đồ đệ, trí tuệ” thì sẽ chẳng thể nào xử lý được cán bộ dù họ có nhũng nhiễu, chây bừa.

Khi bổ nhiệm đúng thì chủ tịch tỉnh hoàn toàn có thể xử lý được giám đốc sở, vì đó là cán bộ dưới quyền của mình. Tương tự, ở cấp bộ với các cục trưởng, vụ trưởng, viện trưởng…

Nếu vẫn bổ nhiệm theo lối thân quen, bạn bè, theo kiểu “hậu duệ, tiền tệ, đồ đệ, trí tuệ” thì sẽ chẳng thể nào xử lý được cán bộ dù họ có nhũng nhiễu, chây bừa.
TS Nguyễn Đình Cung

Thay đổi cách bổ nhiệm, thì sẽ tạo được áp lực để thay đổi và tạo ra sự cạnh tranh trong các ứng viên cho các vị trí này. Và khi được bổ nhiệm, họ cũng thấy sự vinh dự, xứng đáng, và phải làm tốt hơn để đóng góp cho xã hội.

– Theo ông, có vấn đề tồn tại nào không trong cơ chế tạo nên hệ thống các đặc quyền đặc lợi, là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng?

– Tồn tại trong cơ chế là có. Một khi phân bổ nguồn lực không dựa trên tín hiệu thị trường là chủ yếu, mà dựa trên quan hệ cá nhân, dựa trên xin – cho, ai giỏi chạy thì được, ai giỏi xin thì cho thì sẽ không bao giờ đảm bảo liêm chính, kỷ luật.

Vấn đề này chúng ta đã biết, đã nhận thức và đang thay đổi. Nghị quyết Trung ương nhiều lần nhắc việc thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực, phát triển các loại thị trường, phân phối nguồn lực theo tín hiệu thị trường.

Việc này thực ra rất đơn giản. Nguyên tắc là nguồn lực bao giờ cũng khan hiếm, chúng ta phải lựa chọn chỗ nào, người nào để đầu tư tạo được lợi ích kinh tế – xã hội lớn nhất cho cộng đồng.

'Cần chấm dứt sân sau - sân trước, bổ nhiệm hậu duệ - tiền tệ'

– Vậy tại sao bao nhiêu năm qua chúng ta vẫn chưa khắc phục được, khiến câu chuyện về chất lượng tăng trưởng, chất lượng sử dụng nguồn lực vẫn là vấn đề đau đầu?

– Về mặt kỹ thuật thì đơn giản. Về mặt kinh tế – xã hội, khi một cơ chế tạo cho người có quyền lực phân chia nhiều quyền nhiều lợi như thế thì họ không thay đổi.

Chính vì thế, khi người đứng đầu có sự thay đổi thì sẽ tạo chuyển động theo hướng đó. Còn mọi nơi cứ bình bình thì sẽ không bao giờ thấy chuyển biến. Khi một ngành, một địa phương thay đổi thì sẽ tạo ra thực tiễn tốt, rằng chúng ta làm được và làm tốt, từ đó sẽ thúc sự chuyển động trong cả hệ thống.

Loại bỏ tình trạng lũng đoạn, sân sau – sân trước

– Ông kỳ vọng sẽ có một nơi, một ngành đi đầu tự thay đổi, nhưng như nhiều người vẫn nói, có ai lấy đá ghè chân mình bao giờ. Vậy mắt xích cốt lõi nằm ở đâu?

– Đúng là khó thật, nhưng nhìn vào nhu cầu phát triển của con người, thì đến một lúc nào đó, từng cá nhân lấy việc đóng góp phát triển xã hội nhiều hơn là lợi ích cá nhân mình. Tôi tin trong hệ thống sẽ có những người như vậy xuất hiện.

Còn giải pháp như tôi đã nêu là phải thay đổi thể chế, thay đổi cách phân bổ nguồn lực từ xin – cho hành chính bằng cơ chế thị trường và phát triển các loại thị trường, thay đổi vai trò của Nhà nước nhiều hơn, mạnh hơn, để phù hợp nền kinh tế thị trường hiện đại.

'Cần chấm dứt sân sau - sân trước, bổ nhiệm hậu duệ - tiền tệ'

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung. Ảnh: Việt Hùng.

Chúng ta có nhiều thay đổi nhỏ cùng lúc, các thay đổi đó kết hợp với nhau và đến một điểm nào đó sẽ tạo sự chuyển đổi của hệ thống. Trong đó, vai trò cá nhân, và tính thời điểm rất quan trọng.

Những vấn đề này thực ra chúng ta đều đã biết, quan trọng là chia sẻ và nhân rộng hiểu biết này cho dân chúng, xã hội, để nhiều người cùng thảo luận. Từ nhận thức xã hội sẽ chuyển thành áp lực hành động, tạo sự thay đổi nhiều, nhanh hơn. Nhờ đó, ai muốn cải cách sẽ có được lực lượng ủng hộ, và động lực để dấn thân.

Việt Nam phải bớt đi sự lũng đoạn, câu kết, bớt đi những sân sau – sân trước, thì khi đó môi trường sẽ bình đẳng, công bằng hơn, tạo cơ hội cho nhiều người hơn và khi đó người ta nhìn thấy sự thay đổi có thật. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta loại bỏ những giá trị không tốt, sử dụng những giá trị xã hội đúng nghĩa và từ đó thúc đẩy xã hội phát triển. Một môi trường thể chế mới là điều Việt Nam đang cần.

– Như ông nhận xét lúc trước, các bộ đã chuyển động mạnh trong cải thiện môi trường kinh doanh, qua việc gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh. Thế nhưng cũng có những ý kiến cho rằng vẫn còn nhiều sự giằng co trong mỗi bộ, cũng như giữa các bộ, do lợi ích nhóm. Năm 2018 cần làm gì để xử lý được việc này?

– Là người trực tiếp theo dõi về điều kiện kinh doanh Việt Nam nhiều năm qua, tôi có thể khẳng định 2017 có sự khác biệt rất lớn so với các năm trước.

Cũng phải thừa nhận có sự giằng xéo và chống đối cải cách vì lợi ích cục bộ, thậm chí rất mạnh. Nhưng 2017 có gì đó từ áp lực, động lực và cả từ nhận thức của các bộ trưởng về sự cần phải thay đổi, nên đã bắt đầu thay đổi. Có bộ trưởng còn nói với chúng tôi rằng sẽ tiếp tục “từ bỏ quyền lợi, từ bỏ quyền lực” để cải cách, để phát triển.

Có bộ trưởng còn nói với chúng tôi rằng sẽ tiếp tục “từ bỏ quyền lợi, từ bỏ quyền lực” để cải cách, để phát triển.
TS Nguyễn Đình Cung

Thực ra trong năm 2017, họ cũng không làm khác được. Việc thay đổi thực ra là hơi muộn, nhưng đã bắt đầu làm khác. Việc thay đổi có thể từ áp lực bên ngoài, nhưng đã dần chuyển hóa thành động lực nội sinh. Thậm chí, 2017 đã bắt đầu có sự cạnh tranh giữa các bộ với nhau trong sự thay đổi. Đây là việc rất khác. Và 2018 rất cần duy trì động lực thay đổi, trạng thái năng động này.

Dư luận xã hội cần tạo thêm áp lực, chỉ đạo của Thủ tướng cần liên tục hơn nữa, nhiều hơn nữa, và các bộ và các bộ trưởng cần nhận thức hiện mới chỉ là khởi đầu, cần tạo áp lực thay đổi nhiều hơn nữa, để quy mô rộng hơn, mức độ mạnh hơn.

Xem chi tiết quảng cáo

Bỏ qua

‘Vai trò của người đứng đầu vô cùng quan trọng’ TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, trao đổi với phóng viên Zing.vn về quản lý hành chính, về thông điệp 2018 của Thủ tướng.
Mong Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM năng động, tự chủ hơn

– Trong phương châm hành động của Chính phủ năm 2018, yếu tố “hành động” là sự kế tiếp của 2017. Vậy 2018 cần nhấn mạnh hành động gì?

– Trước hết phải tiếp tục làm như năm 2017 – đó là đà tốt để bắt đầu. Đồng thời hành động của trung ương nên mở mang sang lĩnh vực tái cơ cấu, nhất là tái cơ cấu 3 trọng tâm ưu tiên: doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng và đầu tư công.

Để vừa phát triển, vừa giảm chi phí của doanh nghiệp, Chính phủ cũng cần chỉ đạo tập trung vào lĩnh vực hậu cần, và trong những năm trước mắt có thể tốt hơn là 2 ngành du lịch và nông nghiệp.

Tôi cũng muốn các địa phương bớt xin. Địa phương tiếp tục xin thì có nguy cơ trung ương vẫn tiếp tục đi cho, và sẽ không xóa bỏ được cơ chế này. Địa phương cần suy nghĩ nhiều hơn về thực trạng, lợi thế, nguồn lực của mình. Hãy chú ý nâng niu hỗ trợ các doanh nghiệp tại địa phương, bằng cách thay đổi cách thức làm việc, để doanh nghiệp địa phương thành công, chứ không phải lúc nào cũng chỉ lo kiếm ông to về tạo dấu ấn. Nói cách khác, phải tạo được môi trường cho sự thành công ở chính địa phương mình.

Tôi ủng hộ địa phương nào nhiều sáng kiến, cách làm tốt chứ không phải nơi nào xin nhiều. Việc này sẽ tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh hơn giữa các địa phương.

– Quan sát năm 2017, ông thấy địa phương nào làm tốt, có thể là hình mẫu cho sự năng động, tự chủ và sáng tạo?

– Ngoài Bắc thì tôi thấy Quảng Ninh, Thái Nguyên nổi lên, trong Nam thì người ta nói đến Đồng Tháp… Các tỉnh phía Nam năng lực tư duy kinh tế thị trường tốt hơn.

Tôi hy vọng, mong mỏi các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng cần làm nhiều hơn. Như Hải Phòng, về mặt kinh tế còn quan trọng hơn Hà Nội, vì Việt Nam định hướng xuất khẩu, và Hải Phòng là cửa ngõ quan trọng ở miền Bắc. Hải Phòng chưa làm được điều đó thì nên ủng hộ Quảng Ninh để tạo cạnh tranh như một cửa ngõ, bởi có cạnh tranh bao giờ cũng tốt.

Theo Zing.vn

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG