Tuesday, November 12, 2024

Việt Nam sẵn sàng đảm nhận trọng trách vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021

Việc đảm nhiệm thành công cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 – 2009 đã trở thành một dấu mốc mang tính lịch sử trong việc triển khai chính sách đối ngoại nói chung, ngoại giao đa phương nói riêng và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Thành công này là thực tế quan trọng để Đại hội XII của Đảng xác định đối ngoại đa phương là một định hướng chiến lược của đối ngoại Việt Nam, đồng thời trực tiếp phục vụ việc ứng cử lần thứ hai của Việt Nam vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021.

Tháng 01-2010, ngay sau khi kết thúc và đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (E10) nhiệm kỳ 2008 – 2009, Việt Nam đã nộp đơn ứng cử vị trí E10 nhiệm kỳ 2020 – 2021. Quyết định này thể hiện tính tiếp nối trong tư duy, vừa có sự kế thừa, vừa liên tục đổi mới về tầm nhìn đối ngoại của Đảng, trong đó có tư duy, tầm nhìn chiến lược về đối ngoại đa phương, xây dựng bản sắc đối ngoại đa phương của Việt Nam. Việc ứng cử vào vị trí E10 lần thứ hai của Việt Nam còn có thể được xem là minh chứng cho tính đúng đắn của cách tiếp cận coi ngoại giao đa phương là công cụ hữu hiệu để các nước vừa và nhỏ theo đuổi và bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Để nước ta có thể trúng cử và đảm nhận tốt cương vị này, có rất nhiều vấn đề đặt ra cần được nghiên cứu, giải quyết, như phân tích, đánh giá, dự báo tình hình quốc tế, khu vực và những tác động đến Việt Nam; những nét mới hiện nay trong hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc so với 10 năm trước đây; những bài học kinh nghiệm rút ra khi Việt Nam tham gia đảm nhiệm vị trí E10 nhiệm kỳ 2008 – 2009.

Một số nét mới về tình hình quốc tế và hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Trong những năm gần đây, sự cạnh tranh và cọ xát lợi ích giữa các nước lớn diễn ra có phần gay gắt hơn (đặc biệt là cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương). Việc các nước lớn tăng cường áp dụng các biện pháp song phương và đơn phương trong quan hệ quốc tế đã tác động mạnh và làm ảnh hưởng đến vai trò, vị thế của một số thể chế đa phương lớn. Các nước vừa và nhỏ ngày càng bị động hơn trước sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn.

Bên cạnh đó, cạnh tranh và cọ xát giữa các mô hình phát triển, các trào lưu, xu thế và thiết chế ngày càng rõ nét, quyết liệt hơn. Một số “điểm nóng” có những diễn biến mới, phức tạp hơn; các vấn đề an ninh phi truyền thống, như hoạt động khủng bố, an ninh mạng, biến đổi khí hậu… có xu hướng lan rộng với nhiều diễn biến khó lường.

Quá trình toàn cầu hóa diễn ra làm bộc lộ rõ hơn những mặt trái, những tác động không thuận chiều đối với tất cả các quốc gia. Thế giới đang chứng kiến những hoạt động ngày càng nhiều hơn của phong trào chống toàn cầu hóa, chống hội nhập quốc tế; sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, dân túy dẫn tới những mâu thuẫn đối với xu thế đa phương; sự cọ xát giữa luật pháp quốc tế với chính trị cường quyền diễn ra gay gắt hơn.

Từ thực tế đó, có thể dự báo rằng, xu thế cạnh tranh, đấu tranh này có nhiều khả năng tiếp tục kéo dài trong 3-5 năm tới với chu kỳ lãnh đạo của một số đảng phái, chính khách ở một số quốc gia có thiên hướng dân túy, chống hội nhập quốc tế. Mặc dù nhân loại vẫn khao khát hòa bình và có những nỗ lực để gìn giữ hòa bình; toàn cầu hóa, hòa bình và hợp tác vẫn là dòng chính, chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế vẫn tiếp tục được thúc đẩy và duy trì được vị trí quan trọng không thể thay thế trong quan hệ quốc tế, song hòa bình và an ninh quốc tế trong những năm qua và trong thời gian tới không tránh khỏi những diễn biến phức tạp, chịu tác động từ sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn, kéo theo những điều chỉnh của các nước khác.

Những chuyển động nói trên tại các khu vực trên thế giới và trong quan hệ quốc tế cũng đặt Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trước nhiều vấn đề mới và phức tạp hơn so với 10 năm trước đây. Khối lượng công việc của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày càng tăng đáng kể. Theo bà S. Thôm-xơn (Shamala Thomson), Phó Giám đốc điều hành tổ chức Security Council Report, nếu như năm 2009, số lượng cuộc họp chính thức của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là dưới 200 cuộc, đến năm 2017 đã tăng lên 350 cuộc; số văn kiện của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (gồm nghị quyết, tuyên bố chủ tịch, tuyên bố báo chí) cũng tăng từ 150 văn kiện (năm 2011) lên hơn 200 văn kiện (năm 2017). Chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an ngày càng dày đặc, tập trung vào các vấn đề, các “điểm nóng”, căng thẳng, xung đột, như vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, tình hình khu vực Trung Đông – châu Phi, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, xung đột sắc tộc, tôn giáo và nhiều thách thức an ninh phi truyền thống khác. Ngoài ra, chương trình nghị sự cũng liên quan đến cả những lĩnh vực khác, như sự va chạm, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa các nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (P5) và giữa P5 với các nước thành viên tại Liên hợp quốc. Các nước P5 tiếp tục vừa hợp tác, vừa đấu tranh với nhau, song dường như đấu tranh có phần nổi trội và ngày càng gay gắt hơn, ngày càng có nhiều bất đồng hơn về một số vấn đề quốc tế tại Hội đồng Bảo an. Sự chia rẽ giữa các thành viên P5, đặc biệt giữa Nga với Mỹ và Anh ngày càng lớn, tác động mạnh đến hoạt động của Hội đồng Bảo an. Việc tập hợp lực lượng của Hội đồng Bảo an trong hai năm tới được dự báo sẽ tiếp tục được đẩy mạnh bởi mối quan hệ phức tạp giữa các nước P5. Biểu đồ trên đây cho thấy, từ năm 2008 đến năm 2018, các nước sử dụng quyền phủ quyết đã tăng lên rất nhiều, đặc biệt trong năm 2017 và năm 2018.

Tình hình bỏ phiếu đối với các dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (giai đoạn 2008 – 2018)(1)

Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam khi ứng cử lần thứ hai vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Tình hình quốc tế, khu vực, hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và trong nước thời gian qua đã và đang đặt ra những cơ hội, thuận lợi, cũng như thách thức đối với Việt Nam khi ứng cử lần thứ hai vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 và đảm nhiệm vị trí này trong trường hợp trúng cử.

Một là, thế và lực của đất nước được nâng lên. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cả về tăng cường sức mạnh tổng hợp của quốc gia, giữ vững an ninh và nâng cao vị thế quốc tế. Ổn định kinh tế – xã hội được duy trì vững chắc, kinh tế tăng trưởng khá (GDP tăng bình quân 7%/năm trong 5 năm qua). Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện. Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình (từ năm 2010) với uy tín và vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao.

Hai là, đối ngoại được đánh giá là một trong những “điểm sáng” trong quá trình phát triển của đất nước với nhiều thành tựu, như tiếp tục củng cố và tăng cường các mối quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, tăng cường đan xen lợi ích, tăng cường tin cậy và củng cố các cơ chế hợp tác với các nước; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển, triển khai hài hòa các nhiệm vụ giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ (nhất là an ninh chủ quyền biển, đảo) và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; hội nhập quốc tế và ngoại giao phục vụ phát triển có những bước tiến mới về chủ trương, chính sách cũng như triển khai trên thực tiễn.

Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, ngoại giao đa phương của Việt Nam không ngừng được mở rộng và đi vào chiều sâu. Đối ngoại đa phương hướng tới khẳng định mạnh mẽ vai trò của Việt Nam là thành viên tích cực, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nỗ lực vươn lên để đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể. Đại hội XII của Đảng lần đầu tiên xác định đối ngoại đa phương là một định hướng chiến lược của đất nước với chủ trương “nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”, trong đó “Chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là ASEAN và Liên hợp quốc”(2) là một trọng tâm. Tháng 8-2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 25/CT-TW về “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”. Đây là lần đầu tiên Ban Bí thư ban hành một chỉ thị riêng về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, trong đó đề ra những mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong hơn 10 năm tới trên tất các lĩnh vực(3).

Ba là, những bài học kinh nghiệm có được từ quá trình tham gia vị trí E10 (nhiệm kỳ 2008 – 2009). Việc đảm nhiệm thành công vị trí E10 nhiệm kỳ 2008 – 2009 đã góp phần thúc đẩy tư duy “nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đối ngoại đa phương” của Việt Nam; cung cấp cơ sở thực tiễn quan trọng để Đại hội XII của Đảng xác định đối ngoại đa phương là một định hướng chiến lược của đối ngoại Việt Nam; chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương, đặc biệt là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên hợp quốc. Nhiều bài học kinh nghiệm trên các phương diện qua đảm nhiệm vị trí E10 (nhiệm kỳ 2008 – 2009) thực sự có giá trị giúp nâng cao hiệu quả sự tham gia của Việt Nam tại các thể chế đa phương nói chung và đặc biệt trực tiếp phục vụ việc ứng cử lần hai vào vị trí E10 nhiệm kỳ 2020 – 2021. Đó là:

1- Có tư duy và tầm nhìn đối ngoại xuyên suốt, vượt trước. Việc Việt Nam quyết định ứng cử và đảm nhiệm thành công vai trò E10 nhiệm kỳ 2008 – 2009, trước hết, bắt nguồn từ sự đổi mới tư duy đối ngoại và đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng với tầm nhìn xa, rộng, nắm bắt được các xu thế vận động của tình hình quốc tế. Chủ trương tham gia sâu hơn, tích cực hơn các công việc của Liên hợp quốc là kết quả của quá trình phát triển và đổi mới tư duy đối ngoại của Đảng ta, trong đó có tư duy đối ngoại đa phương. Việc ngay từ năm 1997, ta xác định thời điểm ứng cử và đảm nhận vị trí E10 nhiệm kỳ “cộng trừ 1 – 2 năm” thể hiện tầm nhìn nhạy bén và khả năng dự báo chính xác xu hướng vận động của tình hình, cả trong nước, trên trường quốc tế, khu vực và tại Liên hợp quốc.

Quyết định ứng cử vào vị trí E10 nhiệm kỳ 2008 – 2009 là sự cụ thể hóa quan điểm đối ngoại đa phương “hợp tác nhiều mặt song phương và đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế”, đặc biệt “góp phần làm cho Liên hợp quốc phục vụ đắc lực hơn những mục tiêu của nhân loại là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”. Việc Việt Nam đăng ký ứng cử vị trí E10 nhiệm kỳ 2020 – 2021 ngay sau khi kết thúc việc đảm nhiệm vị trí E10 nhiệm kỳ 2008 – 2009 một lần nữa minh chứng cho sự xuyên suốt, vừa kế thừa, vừa liên tục đổi mới, phát triển phù hợp với diễn biến tình hình trong tư duy và tầm nhìn đối ngoại, trong đó có tư duy, tầm nhìn chiến lược về đối ngoại đa phương của Đảng ta.

2- Chuẩn bị tốt nội dung, xác định mục tiêu và xây dựng kế hoạch sớm; xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao đa phương phù hợp. Chuẩn bị lực lượng và tổ chức thực hiện tác chiến bài bản, phù hợp với thực tế là chìa khóa thành công. Thực tế, Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đã có sự phân công, cử người phụ trách các mảng vấn đề và có cơ chế hỗ trợ, phối hợp với nhau rất hiệu quả. Bên cạnh đó, việc duy trì thông tin liên lạc, trao đổi với Tổ công tác liên ngành ở Hà Nội, Việt Nam cũng hỗ trợ nhiều cho việc tác chiến của cán bộ ngoại giao đa phương của Phái đoàn. Năng lực, trình độ của các cán bộ ngoại giao đa phương giai đoạn này được bà N. Chan (Norman Chan), Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Bảo an đánh giá trong chuyến thăm Việt Nam ngày 12-12-2008, là “năng động, tích cực và được tổ chức tốt”. Kinh nghiệm rút ra trong việc bố trí, đào tạo, tổ chức nguồn nhân lực cho thấy, cần thiết phải xây dựng kế hoạch dài hạn về đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ; xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao đa phương chuyên nghiệp. Điều này sẽ giúp Việt Nam có đội ngũ cán bộ ngoại giao đa phương trưởng thành về bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm, thành thạo ngoại ngữ, tác chiến hiệu quả, chuyên nghiệp trên các diễn đàn, có kỹ năng soạn thảo và chủ trì thương lượng các nghị quyết, các cuộc tham vấn, hội nghị quốc tế…

3- Nắm vững, phát huy, áp dụng linh hoạt, thành công các bài học kinh nghiệm, nguyên tắc đàm phán nghệ thuật ngoại giao Việt Nam. Những kinh nghiệm quý báu trong ngoại giao đa phương của Việt Nam qua các cuộc đàm phán lịch sử trước đây, như đàm phán Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954) về hòa bình ở Đông Dương, Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (năm 1973), đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được quán triệt đến từng cán bộ ngoại giao đa phương để áp dụng khi tham gia đàm phán, góp phần hoàn thành vai trò E10. Thực tiễn đã chứng minh, cán bộ làm công tác đa phương của Việt Nam tiếp tục trưởng thành thông qua các cuộc đàm phán quốc tế về chính trị, ngoại giao, kinh tế.

Kinh nghiệm từ việc tham gia E10 nhiệm kỳ 2008 – 2009 giúp chúng ta có sự chuẩn bị tốt hơn về việc xác định chủ trương, chính sách; xây dựng và chuẩn bị nội dung tuyên truyền để thông tin đến cộng đồng quốc tế về đường lối và chính sách đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng; xây dựng các biện pháp triển khai phù hợp, nhằm đóng góp vào việc thực hiện phương châm chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, qua đó nâng cao vị thế đất nước, phát huy lợi ích quốc gia dân tộc, giữ vững môi trường quốc tế hòa bình phục vụ phát triển nhanh, bền vững đất nước.

4- Nếu trúng cử, Việt Nam có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp tục, nghiên cứu, tranh thủ đề xuất và thúc đẩy một số sáng kiến cụ thể, đóng góp vào hoạt động của Liên hợp quốc nói chung và bảo đảm lợi ích quốc gia của Việt Nam nói riêng. Đồng thời, có thể có những đóng góp thiết thực và trực tiếp trong việc thúc đẩy các nước thành viên hướng đến sự hợp tác, phát huy vai trò quan trọng của đối ngoại đa phương trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Bên cạnh những thuận lợi, cơ hội kể trên, nếu trúng cử lần thứ hai cho vị trí E10 nhiệm kỳ 2020 – 2021, chính sự thành công trong đảm nhiệm vị trí E10 nhiệm kỳ 2008 – 2009 cũng là một áp lực và thách thức đối với Bộ Ngoại giao Việt Nam nói chung và Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc nói riêng. Trong khi đó, bối cảnh quốc tế lại có những diễn biến phức tạp, khó lường; khối lượng công việc của Hội đồng Bảo an gia tăng đáng kể; các cuộc họp tham vấn và công khai cũng kéo dài hơn so với trước đây, sẽ là những thách thức đối với Việt Nam về việc chuẩn bị trước nội dung đối với các vấn đề dự kiến sẽ họp trong giai đoạn 2020 – 2021 và thu xếp hợp lý về thời gian, nhân lực dự họp cũng như theo dõi những vấn đề này.

Sự chia rẽ giữa các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng là một thách thức với các nước E10 nói chung và Việt Nam nói riêng khi tham gia Hội đồng Bảo an và đảm nhiệm vị trí Chủ tịch khi phải chủ trì hoặc bày tỏ lập trường về các vấn đề bị chia rẽ giữa các nước P5, trong đó có các nước là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam.

Thách thức kế tiếp là làm quen với “cơ chế” chấp bút (penholder)/trực tiếp dự thảo các văn kiện của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trên một số vấn đề cụ thể. Cơ chế này chưa có trong giai đoạn 2008 – 2009. Gần đây, các nước E10 rất tích cực đưa ra sáng kiến hoặc giữ vai trò chấp bút trong các văn kiện của Hội đồng Bảo an, đơn cử như Thụy Điển và Cô-oét chấp bút các dự thảo Nghị quyết về vấn đề nhân đạo tại Xy-ri, Thụy Điển dự thảo Nghị quyết về trẻ em trong xung đột vũ trang, Hà Lan dự thảo Nghị quyết về Áp-ga-ni-xtan; Bô-li-vi-a dự thảo Nghị quyết về xây dựng hòa bình…

Tóm lại, việc ứng cử vị trí E10 nhiệm kỳ 2020 – 2021 đặt ra những yêu cầu rất lớn đối với Việt Nam, như: 1- Đáp ứng kỳ vọng cao hơn so với nhiệm kỳ 2008 – 2009; 2- Xác định vị trí và mức độ tham gia của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm đóng góp chủ động, tích cực và hiệu quả cho công việc chung của Hội đồng này; 3- Bảo vệ, thúc đẩy quan điểm, lập trường trên các vấn đề an ninh Việt Nam có lợi ích chính đáng tại Hội đồng Bảo an; 4- Tăng cường vị thế, hình ảnh và sự ủng hộ thông qua việc thúc đẩy một số sáng kiến, đề xuất điều phối một số diễn đàn trước và trong quá trình đảm nhiệm vị trí E10 trong Hội đồng Bảo an.

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là nghệ thuật ngoại giao Việt Nam theo phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị bền vững của đối ngoại Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Bất biến là kiên định nguyên tắc độc lập dân tộc và lợi ích quốc gia, quán triệt đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, coi đó là cơ sở nền tảng để triển khai các hoạt động đối ngoại. Giữ vững nguyên tắc và linh hoạt về sách lược là phương châm xuyên suốt của ngoại giao Việt Nam và là nhân tố bảo đảm thích ứng thành công đối với những biến đổi nhanh chóng, phức tạp, đồng thời xử lý tốt các vấn đề trong mọi lĩnh vực, trong đó có mặt trận đối ngoại nói chung và ngoại giao đa phương nói riêng./.

———————————————–

(1) Xem: Voting on draft resolutions: 2008 – 2018, https://unite.un.org/sites/unite.un.org/files/app-schighlights 2018/index.html#decisions, truy cập ngày 20-1-2019
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 153 – 155
(3) Xem: http://baoquocte.vn/doi-ngoai-da-phuong-gop-phan-day-manh-hoi-nhap-tang-cuong-suc-manh-dat-nuoc-85683.html,ngày 18-1 -2019

Nguyễn Việt LâmTS, Bộ Ngoại giao

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG