Rất nhiều vấn đề “nóng” và “khó” đang đặt trên bàn tân Chủ tịch Hà Nội và Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế. Chúng ta cùng chờ đợi, ủng hộ và tin tưởng rằng, với sự kỳ vọng, lựa chọn của Đảng, với bản lĩnh, kinh nghiệm của những người “cầm quân”, các đồng chí sẽ vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt những trọng trách mà Đảng giao phó, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Các đồng chí: Đào Hồng Lan và Trần Sỹ Thanh.
Chiều ngày hôm nay (22/7), HĐND TP Hà Nội đã bầu đồng chí Trần Sỹ Thanh giữ chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Như vậy là hai ghế vẫn được coi là “nóng” đã “có chủ” là Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Y tế.
Cụ thể, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020 – 2025 vào ngày 15/7, giới thiệu bầu giữ chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội và đã được HĐND TP Hà Nội bầu với 100% đại biểu có mặt tán thành.
Đây trước hết rõ ràng là vinh dự lớn với đồng chí Trần Sỹ Thanh. Vinh dự vì được Bộ Chính trị tin tưởng, chọn lựa để giao trọng trách. Vinh dự vì được HĐND TP Hà Nội bầu để trở thành người lãnh đạo chính quyền cao nhất của Hà Nội – “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.
Tương tự, đồng chí Đào Hồng Lan, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, được phân công giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế từ ngày 15/7 cũng có vị trí đặc biệt, được dư luận xã hội quan tâm sâu sắc vì ngành này liên quan đến sức khỏe – vốn quý nhất của mỗi người dân, mọi gia đình. Hơn nữa, cả 14 đời Bộ trưởng y tế từ trước tới nay đều là chuyên gia y tế, nhưng lần này, đồng chí Đào Hồng Lan là một “ngoại lệ”. Điều này cũng cho thấy sự kỳ vọng rất lớn của Đảng, của Bộ Chính trị đối với vị nữ lãnh đạo này.
Bởi trước đó, khi trả lời câu hỏi của cử tri Hà Nội sau kỳ họp Quốc hội gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành thời gian nói về việc chọn người làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Y tế. Theo Tổng Bí thư, nếu đưa vội người nào đó vào vị trí đang khuyết mà họ không chín chắn thì lại là lựa chọn không chính xác. “Phải chọn người cho đúng, chính xác” – Tổng Bí thư nêu rõ và khẳng định, quan trọng vẫn là công tác cán bộ. Vì thế việc hai đồng chí Trần Sỹ Thanh và Đào Hồng Lan được chọn chắc chắn là rất vinh dự và tự hào.
Nhưng song hành với vinh dự, tự hào luôn là trách nhiệm đi theo. Quyền lực càng cao, gian nan khó khăn càng lớn. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chức danh người đứng đầu chính quyền Hà Nội và người đứng đầu Bộ chăm lo cho sức khỏe của toàn dân.
Đối với tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Hà Nội là Thủ đô, là “bộ mặt” của cả nước nhưng Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục đã được chỉ ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành tháng 5 vừa qua.
Đó là nhiều tiềm năng, lợi thế của Thủ đô vẫn chưa được đánh giá, khai thác, phát huy đầy đủ. Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; năng lực cạnh tranh còn thấp, nhất là so với khu vực và thế giới. Hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường còn hạn chế; phát triển kinh tế, xã hội, phát triển đô thị chưa toàn diện, thiếu đồng bộ; nhiều dự án lớn chậm được triển khai, gây lãng phí nguồn lực; việc quy hoạch xây dựng các đô thị vệ tinh không đạt kế hoạch… Trong đó có những vấn đề gây bức xúc cho người dân như “tắc đường”, “mưa ngập”… rồi sự xuống cấp của những căn nhà chung cư cũ gây nguy hiểm… vẫn là “bài toán” đang chờ lời giải.
Trong bối cảnh như vậy, nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước cùng phát triển thực sự là một trọng trách rất nặng nề, khó khăn.
Tuy nhiên, mỗi người dân Thủ đô tin tưởng đồng chí Trần Sỹ Thanh với kinh nghiệm qua nhiều nhiệm vụ ở các địa bàn, lĩnh vực khác nhau và đều hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ phát huy sở trường, tài năng, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao đúng như lời của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu khi trao quyết định cho đồng chí Trần Sỹ Thanh: “Với kinh nghiệm công tác phong phú, với sự am hiểu nhiều lĩnh vực và nhiều năm sống ở địa bàn TP Hà Nội, Bộ Chính trị tin tưởng đồng chí Trần Sỹ Thanh sẽ phát huy tốt năng lực, sở trường, các kinh nghiệm đã có, tuân thủ nguyên tắc năng động sáng tạo, không ngừng nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của Nhân dân”.
Cũng giống như trọng trách của đồng chí Trần Sỹ Thanh, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan bên cạnh việc được phát huy những thành tựu của ngành Y tế của các thế hệ trước thì đồng chí sẽ phải đối mặt khá nhiều khó khăn, bộn bề của ngành. Trong đó, có không ít khó khăn tồn đọng từ trước và vẫn chưa được tháo gỡ kịp thời do vướng cơ chế, hoặc chưa có hành lang pháp lý để giải quyết hiệu quả. Điều này đòi hỏi người đứng đầu ngành Y tế cũng như các cơ quan, ban, ngành phải vào cuộc tìm giải pháp tháo gỡ.
Đó chính là khó khăn liên quan đến tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế ngày càng phổ biến ở các bệnh viện trong cả nước, trong đó có lí do “nhạy cảm” là việc một số doanh nghiệp, địa phương, bệnh viện xuất hiện tâm lý e ngại, sợ mắc lỗi nên lúng túng, chậm trễ đấu thầu. Đó còn là trình trạng thiếu nhân lực trầm trọng ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe cấp cơ sở mà ở các đời Bộ trưởng trước chưa giải quyết ổn thỏa và nó càng trở nên khó giải hơn sau 2 năm COVID-19 hoành hành khiến hàng loạt bác sĩ và nhân viên y tế nghỉ việc.
Rồi công tác khám, chữa bệnh còn nhiều bất cập, bảo hiểm y tế và các chính sách chăm sóc sức khỏe toàn dân chưa được triển khai tốt ở một số địa phương, đặc biệt trong và sau thời gian dịch COVID-19. Điều này liên quan đến yêu cầu sửa đổi, bổ sung đối với hàng loạt các luật liên quan đến ngành Y tế như: Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng chống dịch và cả những luật khác có liên quan như Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Tài sản công… đang là vấn đề nóng. Chưa kể một số nghị định, thông tư có liên quan, đặc biệt là những vấn đề như xã hội hóa, tự chủ bệnh viện… cũng cần được quan tâm đặc biệt lúc này. Và cả tư tưởng chủ quan trong phòng, chống dịch COVID-19 khi mà cả Tổ chức Y tế thế giới và các nhà khoa học đều nhận định, dịch vẫn còn diễn biến phức tạp và nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới nên chúng ta không thể lơ là.
Công việc phía trước rất nhiều nhưng chúng ta hy vọng, dưới sự quản lý, điều hành của đồng chí Đào Hồng Lan, ngành Y tế nước nhà sẽ từng bước khắc phục được các khó khăn tồn đọng. Đặc biệt, hệ thống y tế sẽ phát triển vững chắc trước bối cảnh COVID-19 đang đe dọa quay lại, dịch sốt xuất huyết xuất hiện và làn sóng hậu COVID-19 đang gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.
Và đúng như kỳ vọng của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi trao Quyết định cho tân Quyền Bộ trưởng ngày 15/7: “Trên cương vị mới với nhiều thách thức này, tôi tin tưởng rằng đồng chí Đào Hồng Lan sẽ tiếp tục phát huy năng lực, sở trường của mình, cùng với tập thể Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành, kế thừa truyền thống tốt đẹp của ngành Y tế, không ngừng nỗ lực, phấn đấu, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao”…
Rất nhiều vấn đề “nóng” và “khó” đang đặt trên bàn tân Chủ tịch Hà Nội và Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế. Chúng ta cùng chờ đợi và ủng hộ, tin tưởng rằng, với sự kỳ vọng, lựa chọn của Đảng, với bản lĩnh, kinh nghiệm của những người “cầm quân”, các đồng chí sẽ vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt những trọng trách mà Đảng giao phó, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Thu Hà
Nguồn: