Thế giới những năm gần đây chứng kiến và chịu sự chi phối mạnh mẽ của cạnh tranh chiến lược gia tăng giữa các nước lớn. Điều này được phản ánh rõ nét nhất tại khu vực Đông Nam Á – một tâm điểm đang thu hút sự đầu tư của rất nhiều siêu cường quốc kinh tế.
Mới đây, trang National Interest đã đăng tải bài viết “Đông Nam Á đang trở thành trung tâm thế giới” và không ngạc nhiên khi cả Trung Quốc và Mỹ liên tục hiện diện tại đây. Đặc biệt nhất phải kể đến việc Tổng thống Mỹ Biden đã quyết định chi hơn 150 triệu USD ủng hộ sáng kiến của các nước Đông Nam Á. Từ đó cho thấy vị thế ngày càng cao, mang tầm chiến lược của các quốc gia thuộc ASEAN.
Vị trí chiến lược của Đông Nam Á
Theo National Interest, Đông Nam Á là một khu vực đặc biệt. Bởi trên một vùng đất nhỏ hẹp chỉ 4,5 triệu km2, nhưng có tới 11 quốc gia cùng tồn tại giữa hai đại dương, hàng chục nghìn hòn đảo lớn nhỏ, với những khác biệt lớn về chính trị, tôn giáo, kinh tế. Tuy nhiên, tầm quan trọng chiến lược của Đông Nam Á lại nằm ở chính vị trí địa lý đặc biệt của khu vực này.
Theo số liệu thống kê, là giao điểm của hai trong số những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới kết nối châu Á với châu Đại Dương. Đặc biệt, tuyến đường biển từ eo Malacca qua Biển Đông là tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới. Hằng năm, nơi đây có khoảng 50.000 tàu thuyền qua lại, chiếm 40% hoạt động trao đổi hàng hóa và 25% lượng dầu của thế giới. Trong thế kỷ 21 này, vị trí của nó càng trở nên quan trọng.
Bởi vậy, Đông Nam Á được xem là cửa ngõ để các cường quốc châu Á vươn mình ra thế giới. Đối với các cường quốc bên ngoài, Đông Nam Á là vùng đệm quan trọng để thiết lập ảnh hưởng và triển khai các chiến lược lớn tại khu vực.
Dưới góc độ kinh tế, Đông Nam Á là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới với GDP xấp xỉ 3 nghìn tỷ USD. Với lực lượng lao động trẻ và có tay nghề cao, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh, khu vực Đông Nam Á hứa hẹn đem lại nhiều cơ hội hợp tác kinh tế cho các đối tác, nhất là các đối tác lớn.
Thêm vào đó, ASEAN còn là tổ chức được đánh giá là có tiếng nói quan trọng đối với các vấn đề chung của khu vực và thế giới. Bằng việc triển khai chính sách đối ngoại mở rộng và cân bằng, ASEAN đã từng bước khẳng định vai trò trung tâm trong các thể chế đa phương tại khu vực.
Nhiều diễn đàn, cơ chế hợp tác do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như EAS, ARF, ADMM+ và các ASEAN+ đã thu hút sự tham gia của các cường quốc ở trong và ngoài khu vực, phát huy tốt hiệu quả trong xử lý các vấn đề an ninh chung. ASEAN trở thành một hình mẫu hợp tác thành công trên thế giới, có vị thế đáng kể trong đời sống quan hệ quốc tế.
Từ đây, trong cục diện vừa hợp tác vừa đấu tranh, các cường quốc đều tìm mọi cách để tranh thủ tác động, lôi kéo, thiết lập ảnh hưởng với ASEAN nhằm phục vụ lợi ích của mình. Một trong số đó phải kể đến Mỹ và Trung Quốc.
Đông Nam Á giữa bàn cờ Mỹ – Trung
Có thể thấy rằng, với xu hướng quyền lực chuyển dịch từ Tây sang Đông, cách thức tác động và tập hợp lực lượng đối với ASEAN của hai nước này cũng có sự khác nhau, xuất phát từ tính toán chiến lược của mỗi nước.
Trong khi Trung Quốc với ưu thế vượt trội về tiềm lực kinh tế và quân sự, luôn tìm cách tiếp cận, lôi kéo riêng lẻ từng nước ASEAN theo quỹ đạo của mình. Thì Mỹ lại có quan điểm khác biệt, Mỹ luôn muốn một ASEAN đoàn kết có thể giúp duy trì một khu vực tự do và tôn trọng luật pháp quốc tế. Hơn nữa, Mỹ còn đang thúc đẩy, tạo cho ASEAN “đòn bẩy” để tiếp tục gắn kết và phát huy được vai trò trung tâm trong khu vực. Điều này thể hiện rõ nhất ở chiến lược lâu dài của hai nước tại khu vực ASEAN.
Trong khi Trung Quốc xem Đông Nam Á là điểm khởi đầu để triển khai “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI), thì “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (IPS) của Mỹ lại lấy Đông Nam Á làm tâm điểm kết nối hai đại dương.
Theo National Interest, cả hai chiến lược đều mang tầm vóc toàn cầu và hiệu quả triển khai của chúng sẽ là yếu tố quyết định triển vọng vị thế, sức mạnh của hai quốc gia này trong trật tự thế giới và khu vực. Với vị thế là giao điểm của hai đại chiến lược, Đông Nam Á có ý nghĩa quyết định sự thành bại của từng chiến lược, vì thế trở thành địa bàn tranh chấp, lôi kéo quyết liệt của các bên.
Cơ hội và thách thức cho toàn khu vực
Tuy nhiên về mặt khách quan, cuộc cạnh tranh này sẽ mang lại cho Đông Nam Á rất nhiều cơ hội xen lẫn cả những thách thức. Nhằm phục vụ nhu cầu tập hợp lực lượng trong cuộc tranh giành lợi ích và ảnh hưởng, các cơ chế do Mỹ và Trung Quốc dẫn dắt tạo ra nhiều cơ hội cho các nước nhỏ hơn thúc đẩy hợp tác trên các kênh song phương, đa phương và tiểu đa phương. Điều này giúp các nước Đông Nam Á có thêm điều kiện tiếp cận thị trường, đầu tư, công nghệ và thúc đẩy các lợi ích an ninh thông qua khả năng đa dạng hóa các nguồn cung vũ khí, thiết bị quốc phòng, xây dựng năng lực và tập trận chung.
Hiện tại, ASEAN hiện có quan hệ mật thiết với cả Mỹ và Trung Quốc nên đây được xem là nhân tố kết nối các đối tác với nhau, tạo ra các diễn đàn, tiến trình hợp tác khu vực. Bởi vậy, ASEAN cần thể hiện vị thế cầu nối, liên kết hợp tác, đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như các đối tác khác về những vấn đề cùng quan tâm, trên cơ sở coi trọng, dựa trên luật pháp quốc tế.
Một khi Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh, gia tăng ảnh hưởng ở khu vực thì vị thế, vai trò của ASEAN sẽ càng được đề cao, bởi vì khi đó khối này sẽ giữ vị trí trung tâm, trung hòa các mâu thuẫn, khác biệt ở khu vực.
Để tránh mâu thuẫn, ASEAN cần giữ vững lập trường rõ ràng trước sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Đặc biệt nhất, ASEAN cần duy trì quan điểm nhất quán, ứng xử linh hoạt, khéo léo trong quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc được xem là đòn bẩy giúp các nước thích ứng với môi trường, cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hai cường quốc này. Điều đó sẽ giúp các nước điều tiết trong quan hệ Mỹ – Trung, không bị rơi vào thế phải chọn bên, trong khi vẫn đảm bảo lợi ích quốc gia.
Lan Hoa (Theo National Interest)
Theo: Cánh cò