Chính quyền Myanmar đang tìm kiếm sự hợp tác của cộng đồng quốc tế nhằm đối phó đại dịch Covid-19 giữa lúc chuyên gia của Liên Hợp Quốc cảnh báo Myanmar có nguy cơ trở thành “quốc gia siêu lây nhiễm”.
Myanmar đang phải trải qua đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay giữa lúc vẫn chìm trong cuộc khủng hoảng kép về kinh tế, chính trị.
Tom Andrews, một đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Myanmar, bình luận với báo Guardian: “Chúng tôi biết, số ca nhiễm (ở Myanmar) đang tăng mạnh. Một sự gia tăng rất nhanh chóng, đáng báo động”.
Hãng tin Irrawaddy của Myanmar cho biết, 10 nhà hỏa táng mới dự kiến sẽ được xây dựng thêm ở Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar để đối phó với tình trạng người chết gia tăng nhanh.
“Ở Yangon có thể dễ dàng nhìn thấy 3 kiểu xếp hàng. Hoặc xếp hàng trước các cây rút tiền, hoặc mua bình ôxy hoặc tại các nhà xác, các lò hỏa táng”, ông Andrews nói. Theo truyền thông quốc tế, tình trạng thiếu hụt ô xy y tế, thuốc men và thiết bị y tế đang diễn ra khắp nơi ở Myanmar. Ở một số khu vực, người dân bắt đầu treo cờ trắng và cờ vàng bên ngoài cửa nhà để kêu gọi hỗ trợ lương thực và thuốc men.
Chuyên gia của Liên Hợp Quốc cảnh báo: “Myanmar đang trở thành một quốc gia siêu lây nhiễm Covid-19 với những biến chủng nguy hiểm và dễ lây lan như Delta. Điều này cực kỳ nguy hiểm”.
Lệnh phong tỏa ảnh hưởng đến hàng triệu người cũng không thể ngăn chặn số ca lây nhiễm tăng mạnh khi chương trình tiêm chủng vắc xin đình trệ, hệ thống xét nghiệm gần như sụp đổ, các bệnh viện công gần như tê liệt vì đội ngũ y tế đình công. Trong khi đó, các nhà hỏa táng quá tải vì số người chết tăng nhanh. Nhiều tình nguyện viên đã hỗ trợ vận chuyển và mai táng thi thể của các nạn nhân Covid-19 chết tại nhà.
Trong ngày 28/7, Myanmar ghi nhận thêm gần 5.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên hơn 284.000 người. Hôm qua, Myanmar cũng ghi nhận 365 ca tử vong, nâng số người chết vì đại dịch ở đây lên hơn 8.200 ca, trong đó hơn 4.600 ca ghi nhận chỉ từ đầu tháng 6 đến nay. Tuy vậy, giới quan sát cho rằng, số ca nhiễm và tử vong thực tế có thể cao hơn nhiều so với thống kê.
Myanmar muốn hợp tác đối phó Covid-19
Trong một bài phát biểu ngày 28/7, Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing kêu gọi mở rộng hợp tác với các nước ASEAN và “những nước thân thiện” khác nhằm ngăn chặn, kiểm soát và điều trị Covid-19.
Ông cũng kêu gọi đẩy mạnh tiêm chủng bằng cả vắc xin được tài trợ và vắc xin do Nga hỗ trợ sản xuất trong nước.
Đến nay, Myanmar đã tiêm chủng cho khoảng 1,75 triệu người trong số 54 triệu dân. Đầu tháng này, Myanmar đã nhận được 1 triệu liều vắc xin từ Ấn Độ. Giới chức Myanmar cũng cho biết, tuần trước, Trung Quốc đã bàn giao cho Myanmar một lô vắc xin Sinopharm, lô vắc xin này sẽ được ưu tiên cho người dân sống ở vùng giáp biên giới Trung Quốc. Chính quyền Myanmar đã đặt mua 4 triệu liều vắc xin từ Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ hỗ trợ thêm 2 triệu liều nữa.
(Theo Guardian)
Theo: Cánh cò