Ngày 3/7, lá cờ Việt Nam đã được bắt gặp trong trong trận tứ kết giữa Thụy Sĩ và Tây Ban Nha trên sân vận động Gazprom Arena. Sự xuất hiện của các tín đồ túc cầu người Việt xa xứ đã làm nức lòng không ít fan hâm mộ bóng đá nước nhà, nhưng dường như lại động chạm vào sự tự ái của những kẻ mang trong mình thứ “tiêu chuẩn kép” kệch cỡm và trịch thượng như BBC News Tiếng Việt và Đài Á Châu Tự do RFA.
Ngay sau khi hình ảnh cờ đỏ sao vàng hiện diện ở Gazprom, BBC News Tiếng Việt và RFA đã lập tức phản ứng bằng những phát ngôn phỉ báng hành động của các cổ động viên Việt Nam. Lạ lùng thay, những kẻ luôn ra rả về “tự do” và “nhân quyền” như BBC News Tiếng Việt và RFA ngày hôm nay lại tỏ ra tức tối và cay cú, hằn học trước những hành động đã thể hiện rất trọn vẹn quyền tự do biểu đạt của các cổ động viên Việt Nam.
Dù có phần hơi “lệch nhịp” so với những gì diễn ra trên sân Gazprom ngày hôm ấy, nhưng nhìn chung hành động của các cổ động viên Việt Nam cũng chỉ là một cách thể hiện tình yêu quê hương, nơi họ đang xa cách ngàn dặm, hòa quyện với tình yêu bóng đá mà thôi. Và dù sao thì cũng chẳng có luật lệ nào bắt buộc người xem chỉ được dùng cờ của 2 đội bóng đang thi đấu, và càng không có ai cấm đoán việc treo cờ của một quốc gia không tham gia trận đấu. Đơn giản vì đó là quyền tự do của mỗi con người, không một tổ chức, cá nhân, hay thể chế có quyền xâm phạm.
Và chúng ta cũng có thể thấy rằng sự hiện diện của những lá cờ quốc gia trong các lễ hội, sự kiện tôn giáo long trọng không hề là điều hiếm gặp, dù rằng tôn giáo, văn hóa không được đánh đồng với thể chế, chính quyền. Dù vậy, người dân vẫn mang lá cờ quốc gia tham gia các cuộc diễu hành, lễ hội, vì đó là quyền tự do của mỗi cá nhân, và hơn hết, nó không xâm phạm vào an ninh, hay vi phạm vào các quy định của luật pháp. Không có ai soi mói việc người Mỹ treo cờ Mỹ trong lễ Giáng Sinh hay lễ Phật Đản. Không một ai lại nói rằng “Giáng Sinh, Phật Đản chẳng liên quan đến cờ Mỹ, không được treo cờ Mỹ”. Vậy thì, lý do gì để soi mói cổ động viên Việt Nam trên sân Gazprom, nếu không phải là một thứ “tiêu chuẩn kép” kệch cỡm, trịch thượng và lố bịch? Nếu là cờ Mỹ đã được treo trên sân Gazprom, chắc chắn là sẽ chẳng có những lời thóa mạ này.
Và trong khi những lá cờ Mỹ thậm chí đã xuất hiện một cách “kỳ lạ” trong các cuộc biểu tình đẫm máu tại Hồng Kông – vùng lãnh thổ của một quốc gia khác – thì các trang mạng BBC News Tiếng Việt, RFA chỉ có sự tung hê, ca ngợi như một thứ “biểu tượng của nhân quyền”, thì nay, cũng chính những kẻ này lại thản nhiên chà đạp quyền tự do của người Việt Nam.
Suốt bao nhiêu năm ra sức vu khống về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, thì ngày hôm nay, chính các tổ chức này lại lộ rõ bộ mặt đạo đức giả thật sự của mình. Sự việc ở sân Gazprom đã chứng minh rằng BBC News Tiếng Việt và RFA sẽ không chút ngần ngại vứt quyền tự do và nhân quyền sang một bên để thản nhiên bôi nhọ, lăng mạ người khác. Những “ký giả” sẵn sàng tự cho mình cái quyền xúc phạm con người chỉ vì họ đã thể hiện suy nghĩ, tình cảm của mình. Chỉ vì treo cờ Việt Nam, chứ không phải cờ Mỹ, mà các cổ động viên bị công khai bôi nhọ, phỉ báng. Nó đã thể hiện được rằng “nhân quyền” và “tự do”, thực tế cũng chỉ là công cụ để những kẻ này phá hoại, soi mói. Và một khi mất đi giá trị lợi dụng, chúng sẽ bị vứt bỏ một cách không thương tiếc, như những gì được thể hiện trong sự việc tại sân Gazprom vừa qua…
Thương thay cho thứ “tự do” và “nhân quyền” tại BBC News Tiếng Việt và RFA, ngay khi không phục vụ được cho những trò phá hoại, lăng mạ, thì sẽ bị lột bỏ như một thứ trang sức không hơn, không kém.
Hàn Nguyên
Theo: Hội Cờ đỏ