Đang ăn, chợt có cuộc điện thoại công việc. Tôi đứng dậy nghe điện, vui chân đi dọc chiều dài ngôi nhà sàn, băng qua bếp lửa thứ 2 vốn là không gian riêng của đàn bà, con gái trong nhà người Thái. Chợt thấy chị chủ nhà đang ngồi khóc rấm rứt.
Linh cảm có chuyện, tôi quay lại mâm rượu. Tại đấy mấy anh chàng trong tổ công tác của tôi vẫn đang chúi mũi vào đĩa cổ cánh, chân gà khoái khẩu mà chẳng ai để ý đến anh chủ nhà đang trĩu buồn với nụ cười gượng gạo…
Công an xuống bản.
1. Lần ấy, chúng tôi đang xuống một bản người Thái ở vùng thượng huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái trong cuộc điều tra vụ án giết người chưa rõ thủ phạm. Dẫn đường cho tổ công tác là một anh Công an viên trạc 45 tuổi. Xế trưa đói meo mà đương sự đi nương trưa về. Giữa đồng đất mênh mông kiếm đâu ra cái ăn, người dẫn đường liền ngỏ ý mời cả bọn về nhà “bắt con vịt làm canh”. Mừng húm, câu xưa “buồn ngủ gặp chiếu manh” là thế, những anh chàng háu đói rối rít cảm ơn rồi cùng anh phóng vài cây số đường quanh co, để về nhà làm bữa.
Ban đầu cả bọn tính ù xuống ao lùa vịt nhưng như thế sợ lâu, mà bụng nghe đã réo rắt, cồn cào như sắp lả. Thấy vậy chủ nhà bèn bắt lấy con gà sống chuồng dễ có đến 3 cân để luộc cho nhanh. Khi chặt gà xếp mâm, chúng tôi đứng vây quanh vì mùi thịt thơm nức bốc lên ngào ngạt, như hành hạ những cái bụng đang sôi ùng ục. Người vùng cao rất hiếu khách, nhất là được đón các anh Công an trên tỉnh về xã điều tra vụ án nghiêm trọng. Bởi thế mà cả nhà họ cứ tíu tít, rộn ràng, người thì xăng xái đi hái lá chanh, người trải chiếu, rót rượu.
Loáng cái, mâm cơm đã được bưng lên, với ngồn ngộn 3 đĩa thịt gà tú ụ, nhưng cặp mắt của khách lại cứ dồn cả vào đĩa cổ cánh, chân gà xếp riêng, đặt trước cái bát, 2 chén rượu kê ở giáp cửa sổ gian giữa ngôi nhà sàn. Tôi thấy lạ vì có 6 người, nhưng trên mâm có 7 cái bát, 8 cái chén, liền hỏi chủ nhà. “Có thêm khách hả anh?”. Anh cười nhưng không nói gì. Chúng tôi cũng chẳng bận tâm, vì mọi giác quan đang hướng vào mâm rượu.
Vào cuộc, sau chén rượu nâng lên, đám trai trẻ chúi mũi vào đĩa cổ cánh nên chỉ phút chốc đã hết veo. Đúng lúc ấy chị chủ nhà lên tiếp thêm bát canh. Tôi ngước lên, thấy chị nhìn chằm chằm vào cái đĩa không rồi mắt bỗng đỏ hoe. Chị không cười, lặng lẽ đặt bát canh xuống mâm rồi trở lại cái bếp lửa thứ 2 phía trong, là không gian riêng của phụ nữ trong gia đình người Thái.
Rượu được vài tuần, anh chủ nhà không còn vẻ tươi tỉnh như lúc mới vào mâm. Rồi tôi có điện thoại nên đứng dậy, tiện chân đi vào bên trong, qua cái bếp lửa thứ 2 và thấy chị vợ đang khóc. Tưởng có chuyện gì, tính an ủi bà chị nên tôi ngồi xuống hỏi han. Chị không nói gì, chỉ khóc.
Tôi trở về mâm rồi hỏi anh chủ nhà về sự việc lạ thường này. Gặng mãi, rồi anh nói: “Các chú trên tỉnh lần đầu xuống bản này, chưa rõ phong tục nên chúng tôi không trách. Người Thái chúng tôi ở đây có tục lệ, trong nhà có người mất chưa tròn 100 ngày, thì coi như họ vẫn đang ở cùng, sinh hoạt cùng với người thân. Bố vợ tôi cũng mới mất chưa đầy tháng, nên bữa cơm nào cũng phải sắp đồ cho ông như hồi còn sống. Đĩa cổ cánh, đầu, chân gà ấy là của ông, các chú ăn cả rồi!…”.
Nghe anh nói đến đây, tất cả chúng tôi cùng nhìn nhau, ai cũng đỏ bừng mặt vì xấu hổ. Cảm giác “sái” – (ngượng ngập) cho đến giờ vẫn ám ảnh tôi mỗi khi nhớ lại chuyện ấy. Là tổ trưởng tổ công tác, tôi chân thành xin lỗi anh, rồi cả bọn buông đũa, ra bếp lửa xin lỗi chị. Chủ nhà nói xuê xoa cho chúng tôi đỡ ngại rồi mời trở lại mâm, nhưng miếng thịt, xêu cơm từ lúc ấy sao mà khó nuốt, đắng ngắt trong cổ. Mặc cảm thất thố, có lỗi với chủ nhà cứ trĩu nặng.
Người dân tộc thiểu số vốn thật thà, anh chủ nhà nói để chúng tôi rút kinh nghiệm, rằng vào nhà đồng bào phải để ý rất nhiều thứ. Chúng tôi há hốc mồm nghe, bởi những chuyện thế này có ai nói cho đâu mà biết? Cũng chẳng sách nào dạy. Anh nói đại ý người thiểu số vùng cao có nhiều phong tục, tập quán, điều cần kiêng kỵ… khác với người Kinh. Đến bản, đến nhà mà không biết văn hoá của họ sẽ dễ gây ra những điều thất thố, làm phiền lòng gia chủ.
2. Mang câu chuyện xưa kể lại với Thứ trưởng Hoàng Thị Hạnh – Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ, bà cười vui vẻ rồi cho biết kiến thức về văn hoá dân tộc, kỹ năng giao tiếp với đồng bào thiểu số là rất cần thiết, vì nước ta là ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Với cán bộ chiến sĩ Công an, trong hành trình công tác đến vùng đồng bào dân tộc, thì văn hoá vùng miền là điều phải chủ động tìm hiểu trước thông qua sách báo, hoặc từ kinh nghiệm của đàn anh trong nghề. Có hiểu văn hoá của họ, cư xử mới vuông tròn. Đồng bào vốn bộc trực, khái tính, có quý mới giúp, không quý không giúp. Còn nếu bị ghét bỏ, hằn thù… thì việc sẽ không “trôi”. Do đó cần phải biết trước điều gì nên làm, điều gì nên tránh khi xuống bản.
Là Phó ban chỉ đạo Tây Bắc trong nhiều năm, giờ làm công tác dân tộc miền núi, Thứ trưởng Hạnh đầy ắp tri thức văn hoá, phong tục, tập quán của đồng bào thiểu số. Bà chia sẻ những kinh nghiệm cần thiết khi đến vùng dân tộc. Chẳng hạn, đến cổng nhà mà thấy treo cành lá cây còn xanh ở trên cột cao, hoặc có mảnh phên nứa đan mắt cáo, thì đó là tín hiệu báo dừng bước vì trong nhà đang có việc cúng bái, người ốm, bà đẻ… không muốn người lạ xuất hiện. Nhất là xuất hiện các mẩu xương hàm lợn, trâu bò treo trên tấm đan thì chắc chắn đang cúng ma bên trong, người lạ không nên quấy rầy.
Ở nhiều nơi, chủ nhà không thích khách đến trong bộ áo quần bằng vải lanh trắng chưa nhuộm, vì nó mang màu tang lễ, chết chóc, sẽ không may mắn. Với người Thái, Tày, Mường, nơi giáp cửa sổ là vị trí ngồi trang trọng nhất trong nhà, chỉ dành cho chủ nhà, người cao tuổi nhất, hoặc để trống bởi là chỗ ngồi của tổ tiên, ông bà đã khuất. Nếu ăn cơm ở khu vực bên cửa sổ, thì khách không nên ngồi ở vị trí đó.
Vào mâm nếu chủ nhà không mời thì không được ngồi ngang hàng với người già nhất trong mâm, đồng thời phải tôn trọng sự sắp đặt vị trí ngồi của chủ nhà; không được gắp đầu gà, chân gà, gan gà (những thứ này là để dâng người đã khuất, như câu chuyện chúng tôi đã gặp). Khi ăn khách không được rót rượu trước, không gắp thức ăn trước.
Khi muốn từ chối rượu, đặt chéo đôi đũa trên miệng bát là được “tha”. Trong khi ăn uống không nên vừa ăn, vừa nói quá to. Ăn xong tuyệt đối không được úp chén, úp bát xuống mâm, trừ thầy mo mới được làm điều ấy. Đến vùng nào mà có dư luận về tục bùa ngải, nên thủ sẵn trong túi mấy quả ớt tươi. Khi vào mâm đặt ớt trước mặt, đảm bảo bình an vô sự(!)
Bếp lửa vùng cao.
Nếu ngủ lại ở nhà đồng bào, không được nằm ngủ dọc theo đòn nóc nhà (chỉ người chết mới nằm như vậy), không ngủ dậy quá muộn, không đắp ngược chăn. Khi nói chuyện với dân bản, không nên nói quá to hay có cử chỉ gay gắt, đặc biệt không dùng ngón tay trỏ của mình chỉ vào mặt người đang đối thoại. Không tranh cãi với người già, phụ nữ và trẻ em, không nên biểu lộ tình cảm thái quá đối với phụ nữ đã có chồng, con gái đã có người yêu, phụ nữ góa chồng.
Đặc biệt, đừng tự tiện xoa đầu trẻ em, nhất là trẻ người Mông, Dao, vì bà con cho rằng hồn người trú ngụ ở đầu, bị người lạ sờ vào hồn hoảng sợ bỏ trốn, làm cho trẻ hay bị ốm đau…
Một số người rẻo cao dường như chứa đựng một tâm lý mặc cảm cố hữu trong giao tiếp với người Kinh. Nên khi tiếp xúc, tuyệt đối không được dùng những từ dễ khiến họ hiểu là khinh rẻ, miệt thị dân tộc. Cần phải dùng đúng chữ gọi tên dân tộc họ tại các văn bản chính thức của Nhà nước…
Khi gặp gỡ dân bản, kể cả không biết tiếng thì nụ cười thật thà, chân thành là cách giao tiếp tốt nhất. Vì thế hãy luôn nở nụ cười, chủ động chìa tay ra bắt. Nếu ở lại dài ngày trong bản, cần lắng nghe, quan sát, không nên vội vàng phê phán, chê bai cuộc sống, nếp sinh hoạt của dân bản địa, như chê mất vệ sinh, lạc hậu, mê tín, dị đoan…
“Dân tộc nào cũng có văn hoá, phong tục tập quán hay những điều cấm kị riêng của mình, chúng ta cần tôn trọng điều đó, đồng thời nên tự trang bị những tri thức cần thiết để hiểu và chung sống. Có như vậy thì sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hoá mới không trở thành chướng ngại trong quá trình giao tiếp, làm việc với đồng bào” – Thứ trưởng Hạnh góp ý.
Đào Trung Hiếu