Trước khi Bác Hồ ra đi gần 8 tháng, ngày 25-1-1969, phiên họp toàn thể, chính thức đầu tiên của “Hội nghị bốn bên về Việt Nam” đã nhóm họp tại Paris.
Thế là, Mỹ đã thua trong “Chiến tranh đặc biệt” (1954-1968), trong “Chiến tranh cục bộ” (bắt đầu từ năm 1968, khi Mỹ trực tiếp đổ lục quân vào tham chiến ở miền Nam). Và, từ đây Mỹ phải nghĩ tới, rất bị động, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” – “Thay màu da xác chết”.
Trước đó, Bác đã viết: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Năm 1973 (ngày 29-3), Mỹ cuốn cờ! Chiến lược “Thay màu da…” của Mỹ chính thức vận hành trong thế xuống thang cuối đường. Từ đây, trên chiến trường miền Nam, sinh – hỏa lực Việt Nam Cộng hòa phải “tự mình” đối đầu với Quân Giải phóng. Từ đây, nhiệm vụ giải phóng miền Nam, căn bản là “đánh cho ngụy nhào” thuận lợi hơn rất nhiều so với khi phải đánh cả Mỹ lẫn ngụy. Phân hóa để dồn sức “đánh đổ từng phần, từng bộ phận” trong tổng thể chiến tranh cách mạng, Bác với Đảng ta là bậc thầy và chưa từng thất bại.
Cũng từ đây, ta có thể nhắm vào Sài Gòn từ nhiều hướng, nhiều ngày: Đông Hà – Quảng Trị từ phía Bắc; Bình Long, Phước Long từ phía Nam…, chưa kể thế “da báo” giữa ta và ngụy khắp miền. Bên cạnh đó, là sự sẵn sàng của “ba thứ quân” trong các vùng địch tạm chiếm.
Rõ ràng, “Mùa xuân đại thắng”, “Chiến dịch Hồ Chí Minh” của ta đã được “hoài thai” từ đó, từ “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” trong lời Bác, trong chiến lược thiên tài của Bác và Đảng ta. Xuân 1975 là một “tất yếu”!
Đo đường đi, người ta cắm từng cột cây số, từ cột số 0 đến cột thứ N. Cột số 0 của “Mùa xuân đại thắng”, tạm tính từ lời Bác. Nếu tính mãi về trước đó thì vẫn được, nhưng rõ nhất và trực tiếp nhất là từ lời Bác “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Lễ duyệt binh kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. |
Giờ là cuối tháng tư năm 2020 rồi, 45 năm sau giải phóng miền Nam rồi, hơn 4 thế hệ người Việt đã thay nhau ra đời rồi (cứ tính 10 năm là một thế hệ, giống như giờ ta thường gọi các lứa – thế hệ người Việt 7X, 8X, 9X… vậy). Và, tôi, một người thuộc thế hệ 5X, rất muốn chúng ta cùng nhìn lại mấy năm 70 ấy của thế kỷ trước, để thêm một lần chiêm ngưỡng cái trí lự, cái “Đan tâm” (Tấm lòng son) của người Việt ta ngày đó “Cái buổi đoạt thành thu Nước ấy – Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên!”.
Này nhé! Trên miền Bắc:
– Từ ngày 30-9-1974 đến ngày 8-10-1974 (tức là sau khi Bác mất mới 5 năm), Hội nghị Bộ Chính trị Đảng ta họp và quyết định phương án giải phóng miền Nam: Hoàn thành cuộc Cách mạng Dân tộc – Dân chủ trong hai năm, 1975 – 1976.
– Từ ngày 18-12-1974 đến ngày 8-1-1975, Hội nghị Bộ Chính trị Đảng (mở rộng), lại ra Nghị quyết, dồn toàn lực giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976. Tuy nhiên, Nghị quyết nêu khả năng lạc quan hơn: Nếu có thời cơ thì lập tức hoàn thành trong năm 1975.
Ấy thế mà:
– Trước đó có hai ngày, ngày 16-12-1974, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ta vẫn phê chuẩn việc “Thành lập Ban Quản lý – Xây dựng công trình thủy lợi – thủy điện Hòa Bình” trên sông Đà.
– Từ ngày 27 đến ngày 29 tháng 12 năm 1974, “Hội nghị những người dùng máy tính điện tử toàn miền Bắc” vẫn được tiến hành.
– Giữa tháng 1-1975, ta đã khôi phục xong Bệnh viện Bạch Mai, trung tâm y tế lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ, vốn đã bị Mỹ ném bom hủy diệt từ cuối năm 1972.
– Và, trước khi ta nổ súng ở Tây Nguyên mở đầu “Mùa Xuân đại thắng” có một ngày, ngày 3-3-1975, Chính phủ ta đã quyết định cho tất cả các cơ quan, lực lượng vũ trang và đoàn thể – từ cấp cao nhất đến cấp cơ sở – bắt đầu làm việc 8 giờ kiểu mới (từ 8 giờ sáng đến 16 giờ 30 hằng ngày), nhằm “thay đổi thói quen làm việc cũ, xây dựng phong cách lao động mới”. Đây có thể coi là bước đi đầu tiên của “Đổi mới” sau này?
Ở miền Nam:
– Ngày 4-3-1975, cuộc “Tổng tiến công mùa xuân” bắt đầu bằng “Chiến dịch Tây Nguyên”. Ta cắt đứt đường số 4 và số 19, cô lập – bao vây – uy hiếp Pleiku, Kontum.
– Từ 1 giờ ngày 10-3 đến 11 giờ ngày 11-3-1975, ta chiếm Buôn Ma Thuột. Từ ngày 14 đến ngày 18-3-1975, ta tiêu diệt toàn bộ Sư đoàn 23 và các lực lượng địch còn lại quanh thị xã, giải phóng quận lỵ Phước An, đập tan kế hoạch tái chiếm Buôn Ma Thuột của địch. Hầu hết tàn quân địch ở Tây Nguyên bỏ chạy theo đường số 7 và ngày 24-3-1975, toàn bộ số quân ấy bị ta tiêu diệt – bắt sống ở trận truy kích Cheo Reo – Phú Bổn. Ta hoàn toàn giải phóng Tây Nguyên. Hơn 12 vạn địch quân bị vô hiệu hóa, ta thu toàn bộ vũ khí – phương tiện chiến tranh. Hơn 60 vạn dân “Trung phần” xưa đã thành “chủ nhân” mới của Tây Nguyên.
– Từ ngày 8-3 đến ngày 29-3-1975, “Chiến dịch Huế – Đà Nẵng” đại thắng (Huế giải phóng ngày 26-3, Đà Nẵng ngày 29-3).
Trên miền Bắc:
– Ngày 24-3-1975, Bộ Chính trị Đảng ta họp: Cuộc tổng tiến công chiến lược của ta đã bắt đầu với “Chiến dịch Tây Nguyên”. Thời cơ chiến lược đã đến! Quyết tâm giành thắng lợi toàn cục trước mùa mưa (nửa đầu tháng 5).
– Ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị Đảng ta họp tiếp: “Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt mà thời cơ chiến lược để tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa chiếm sào huyệt địch đã chín muồi” và từ lúc đó, trận đại chiến chiếm Sài Gòn bắt đầu. Bộ Chính trị chỉ thị: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” là tư tưởng và hành động của các lực lượng vũ trang trên chiến trường, quyết tâm giải phóng miền Nam sớm, tốt nhất là trong tháng 4-1975. Chỉ thị được công bố ngày 1-4-1975 (thế mà, cũng trong ngày 1-4 ấy, miền Bắc khánh thành công trình xây dựng và lắp đặt tổ máy số 5 của đợt 3 mở rộng Nhà máy Điện Uông Bí, nhà máy nhiệt điện lớn do Liên Xô giúp xây dựng).
Ở miền Nam:
– Ngày 8-4-1975, lúc 8 giờ (giờ Sài Gòn), Trung úy phi công Nguyễn Thành Trung lái F5E thả bom xuống Dinh Độc lập.
– Ngày 14-4-1975, tại một khu rừng ở Lộc Ninh, Bộ Chỉ huy chiến trường đề nghị Bộ Chính trị đặt tên cho chiến dịch cuối cùng – Chiến dịch Tổng công kích Sài Gòn – là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Bộ Chính trị đồng ý.
– Từ ngày 26-4 đến ngày 30-4-1975, “Chiến dịch Hồ Chí Minh” toàn thắng. 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ cách mạng thay cờ ba sọc phần phật bay trên nóc Phủ Tổng thống Sài Gòn mà từ đó đã là “Phủ cũ”!
Thế rồi:
– Ngày 13-5-1975, chuyến thư đầu tiên sau 20 năm chia cắt, đưa 15.660 bức thư của đồng bào Sài Gòn – Gia Định ra Bắc. Và từ ngày 15-4 năm ấy, ngành Bưu điện Việt Nam nhận chuyển thư, bưu thiếp cả nước đi – về giữa Sài Gòn và Hà Nội.
– Trong hai ngày, 15 và 17-5-1975, cả nước mừng thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Cuộc cách mạng Dân tộc – Dân chủ đã hoàn thành! Sài Gòn và các thành phố – đô thị miền Nam thực hiện chế độ quân quản (tới cuối tháng 1-1976).
– Ngày 6-8-1975, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra tuyên bố: Cộng hòa miền Nam Việt Nam xúc tiến việc tìm kiếm và khai thác dầu mỏ trên lãnh thổ, lãnh hải của mình và sẵn sàng thảo luận với các chính phủ và công ty nước ngoài muốn tham gia vào việc này.
– Ngày 29-8-1975, khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
– Ngày 22-9-1975, thu đổi tiền Sài Gòn cũ, phát hành đồng tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên toàn miền Nam.
– Ngày 25-4-1976 ,Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất ở 38 tỉnh – thành cả nước.
– Ngày 5-6-1976, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra tuyên bố về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.
– Ngày 12-5-1977, Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra tuyên bố quy định lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
– Ngày 25-4-1978, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thống nhất tiền tệ – phát hành tiền Ngân hàng Nhà nước mới trên toàn quốc.
– Ngày 30-12-1978, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố chủ quyền của Việt Nam với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là “bất khả xâm phạm”…
*
Thế đấy, “hoài thai” một chiến thắng vĩ đại – giải phóng hoàn toàn đất nước – song song với việc chăm lo xây dựng miền Bắc, đồng thời giải quyết bao công việc khác để đất, biển, trời của ta đều là “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, “Lập lại bản đồ một mối giang sơn”, từ ngày ấy, Bác Hồ và cha anh ta đã để lại cho đời sau cơ đồ gấm vóc này! Trí lự ấy, “Đan tâm” ấy sao có thể mờ phai!
Nay, sau ngày ấy nửa thế kỷ rồi, chỉ khi chúng ta làm được những việc vẻ vang “như thế” và “hơn thế” dù có thể “khác thế”, bằng trí lự và “Đan tâm” của mình, “Ngôi nhà Việt Nam” mới là “Nhà có phúc”. Bác Hồ và bao liệt sĩ ta mới có thể ngậm cười! Có trí lự cùng với tấm lòng son thì người Việt ta thời nào cũng thắng!
Đỗ Trung Lai