Friday, November 22, 2024

‘Triệt’ sân sau của quan chức

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, việc mở rộng phạm vi luật PCTN sang khu vực tư nhân sẽ góp phần hỗ trợ, thúc đẩy làm tốt hơn công tác PCTN trong khu vực công.

'Triệt' sân sau của quan chức

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, trao đổi tại hội thảo sáng 6.12

Hiện nay, do tính đan xen của công và tư trong sở hữu, loại hình DN và đặc biệt là tình trạng dùng DN tư nhân làm “sân sau”, câu kết, hình thành “nhóm lợi ích” thì nếu không chống tham nhũng trong khu vực tư sẽ khó chống tham nhũng trong khu vực công. “Do đó, việc mở rộng PCTN sang khu vực tư sẽ hỗ trợ cho công tác PCTN của khu vực công, giúp công tác này ở khu vực công làm tốt hơn”, ông Cường nói.

Ông Cường cũng cho biết, pháp luật PCTN đã quy định rất rõ, người có chức vụ quyền hạn trong khu vực công không được thành lập DN, không được góp vốn mua cổ phần, cũng không được để người nhà mua cổ phần trong lĩnh vực mình quản lý. Luật PCTN cũng đã quy định những người giữ chức vụ quản lý không thành lập DN trong lĩnh vực mình quản lý trong một thời hạn nhất định sau khi nghỉ hưu. “Tất cả quy định này là để hạn chế tình trạng sân trước, sân sau. Trước đây, rất nhiều người vi phạm nhưng chưa có ai đề cập và cũng không bị xử lý”, ông Cường nêu và cho rằng, việc mở rộng phạm vi PCTN sang khu vực tư sẽ tạo ra các công cụ để xử lý vấn đề này.

Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao cũng bày tỏ sự tán thành việc luật PCTN sửa đổi mở rộng quy định PCTN sang cả khu vực ngoài nhà nước.

Mặt khác, ông Độ cũng cho rằng việc PCTN trong lĩnh vực ngoài nhà nước sẽ không phức tạp, khó khăn như khu vực nhà nước. Theo đó, các biện pháp phòng chống tập trung vào các tổ chức xã hội và các DN. Tham nhũng trong lĩnh vực ngoài nhà nước được nhìn nhận thông qua một số yếu tố cơ bản như: hối lộ quan chức, còn gọi là tham nhũng chung; câu kết với quan chức để tham nhũng; các DN thông đồng, câu kết với nhau để chiếm đoạt tài sản của nhà nước để vụ lợi; Tham nhũng trong nội bộ DN gây thiệt hại cho các cổ đông.

Cũng theo PGS-TS Trần Văn Độ, nếu PCTN khu vực ngoài nhà nước được thực hiện tốt, sẽ xử lý được vấn đề DN “sân sau” của quan chức, vốn là vấn đề rất nhức nhối từ trước đến nay.

“Trước đây chúng ta cứ nghĩ rằng luật chỉ cần quy định cấm người thân thích là được. Song sân sau đâu cần người thân thích. Chỉ cần bạn bè góp vốn, cổ đông cổ phần vào đó là xong.

Cái này chúng tôi nghiên cứu và phát hiện từ lâu rồi”, ông Độ nói và cho rằng với các quy định mang tính “khung sườn” trong luật PCTN (sửa đổi) thì các luật DN, luật Đầu tư… cũng phải được sửa đổi mới tạo ra sự đồng bộ.

Theo đó, phải xóa bỏ các giấy phép, điều kiện thành lập, kinh doanh không cần thiết, xác định phạm vi thanh tra, kiểm tra hợp lý đối với DN; không tạo cơ chế xin cho, đảm bảo tự chủ cho DN; loại bỏ tình trạng bôi trơn, chống lợi ích nhóm, nhũng nhiễu, nhận hối lộ của cán bộ, công chức đối với khu vực ngoài nhà nước…

Sẽ xác minh kê khai tài sản ngẫu nhiên

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường, một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng quan trọng là kiểm soát tài sản, thu nhập của những người giữ chức vụ, quyền hạn trong DN nhà nước đã được đổi mới cơ bản, trong đó có vấn đề xác minh tài sản. Cụ thể, việc xác minh các bản kê khai tài sản sẽ thực hiện theo xác suất ngẫu nhiên, bất cứ ai cũng có thể rơi vào diện xác minh và có kế hoạch xác minh. “Quy định như vậy sẽ khiến ai cũng phải kê khai trung thực; nếu không khi xác minh phát hiện kê khai không trung thực sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc”, ông Cường cho hay.

Thái Sơn (Thanh niên)

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG