Thay vì công khai nêu ý kiến, những người giàu nhất nước Mỹ bí mật thúc đẩy các chính sách bất bình đẳng và mang tính bảo thủ cao.
Tỷ phú Bill Gate, người nổi tiếng với quan điểm trung tả và hoạt động từ thiện. Ảnh: AP.
Nếu đánh giá dựa trên những người nổi bật nhất, các tỷ phú Mỹ có vẻ là một nhóm khá thu hút: đa dạng về ý thức hệ, thẳng thắn bày tỏ quan điểm chính trị và hào phóng trong các hoạt động từ thiện, chưa kể đến sự hữu ích từ sản phẩm và công ăn việc làm mà họ tạo ra, theo Guardian.
Những “người khổng lồ” như Warren Buffett, Jeff Bezos, Bill Gates đều có quan điểm trung tả về nhiều vấn đề, đặc biệt Buffett và Gates được đánh giá là những người chuẩn mực về hoạt động từ thiện. Tỷ phú Michael Bloomberg, cựu thị trưởng New York, nổi tiếng bởi quan điểm ủng hộ kiểm soát súng đạn, quyền của người đồng tính và bảo vệ môi trường. George Soros, nhà hoạt động vì nhân quyền trên khắp thế giới và Tom Steyer, hoạt động trong lĩnh vực thanh thiếu niên và các vấn đề môi trường, đều là những nhà tài trợ lớn cho đảng Dân chủ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các nhà báo điều tra đã hướng sự chú ý của dư luận đến anh em Charles Koch và David Koch, chủ Tập đoàn Koch Industries, nhà tài trợ khổng lồ của những chính sách cực kỳ bảo thủ.
Một nghiên cứu mới và có hệ thống về 100 người giàu nhất nước Mỹ được thực hiện bởi các chuyên gia của Quỹ Ford cho thấy Buffett, Gates, Bloomberg không phải là những hình ảnh tiêu biểu cho giới siêu giàu ở Mỹ. Phần lớn những người giàu nhất nước Mỹ giống Charles Koch hơn: hiếm khi xuất hiện trước công chúng và cũng ít được đề cập trên truyền thông. Những người này cực kỳ bảo thủ về các vấn đề kinh tế. Họ bị ám ảnh bởi việc giảm thuế, đặc biệt là thuế bất động sản vốn chỉ áp dụng đối với những tỷ phú giàu nhất nước Mỹ. Họ phản đối các quy định của chính phủ về môi trường hoặc các ngân hàng lớn. Họ không nhiệt tình với các chương trình tạo việc làm, tăng thu nhập, chăm sóc sức khỏe hoặc lương hưu của chính phủ mà phần lớn người Mỹ đều ủng hộ. Họ xúi giục cắt giảm hoặc tư nhân hóa các lợi ích an sinh xã hội.
Họ đã thực hiện những điều đó như thế nào? Nếu là thật, tại sao các cử tri không biết và không tỏ ra tức giận?
Anh em Charles Koch (trái) và David Koch. Ảnh: CNN.
Câu trả lời rất đơn giản. Những tỷ phú ủng hộ các chính sách kinh tế bảo thủ, không hợp lòng dân và hoạt động tích cực để thúc đẩy những chính sách này thường không công khai nêu quan điểm. Đây là một lựa chọn có chủ ý. Truyền thông thường chú ý đến giới tỷ phú song phần lớn những người này chọn không nêu quan điểm công khai về các vấn đề chính sách. Họ theo đuổi chiến lược được gọi là “chính trị tàng hình”.
Kết luận trên được đưa ra dựa trên nghiên cứu về mọi thứ mà 100 tỷ phú giàu nhất nước Mỹ nói hoặc làm trong 10 năm qua, liên quan đến một số vấn đề chính sách công. Đối với mỗi tỷ phú, nhóm nghiên cứu sử dụng hàng chục từ khóa được lựa chọn cẩn thận để tìm kiếm tất cả những thông tin công khai có liên quan đến các khía cạnh an sinh xã hội, các loại thuế hoặc bất kỳ điều gì liên quan đến phá thai, hôn nhân đồng giới hoặc chính sách nhập cư.
Nhóm nghiên cứu trước hết tìm hiểu về khía cạnh an sinh xã hội, chương trình lớn nhất và được người dân ủng hộ nhiều nhất ở Mỹ. An sinh xã hội là chủ đề của các cuộc tranh luận gay gắt ở Mỹ trong nhiều thập kỷ qua.
Hầu hết các tỷ phú giàu nhất nước Mỹ đều đóng góp tài chính đáng kể, lên tới hàng trăm nghìn USD mỗi năm, thêm vào đó là các khoản đóng góp “quỹ đen” bí mật cho các ứng viên đảng Cộng hòa và những quan chức ủng hộ việc cắt giảm thay vì mở rộng lợi ích an sinh xã hội. Nghiên cứu cho thấy, 97% những người giàu nhất nước Mỹ hoàn toàn không nói gì về chính sách an sinh xã hội cũng như mức lợi ích, điều chỉnh chi phí sinh hoạt hoặc tư nhân hóa trước công chúng. Bởi vậy, cử tri không thể biết rằng hầu hết các tỷ phú đang nỗ lực cắt giảm lợi ích an sinh xã hội của họ.
Thực tế, những người càng quan tâm tới thông tin qua truyền thông càng dễ bị đánh lừa bởi chỉ những người hào phóng hỗ trợ hệ thống an sinh xã hội như Buffett và Soros mới thường xuyên phát biểu về vấn đề này qua các cuộc phỏng vấn.
Về thuế bất động sản, nghiên cứu cho thấy 12 tỷ phú giàu nhất nước Mỹ, trong đó có anh em nhà Koch, đều hoạt động thầm lặng để cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế bất động sản. Họ chi tiền cho các tổ chức định hướng chính sách tìm cách xóa bỏ thuế hoặc thành lập các tổ chức như vậy và phục vụ cho lợi ích của họ. Không một tỷ phú nào làm như vậy để ủng hộ thuế bất động sản.
Một cuộc biểu tình phản đối anh em Koch tại New York, Mỹ năm 2015. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, ở vấn đề này, người dân vẫn có thể bị đánh lừa bởi trong số những tỷ phú từng phát biểu trước công chúng về thuế bất động sản, chỉ hơn một nửa trong số họ thực sự ủng hộ, trong đó có Gates, Buffett, và Bloomberg nhưng những người này không phải kiểu điển hình của giới tỷ phú Mỹ.
Theo nghiên cứu, anh em Koch có một mạng lưới chính trị hoạt động rất mạnh, bao gồm những tỷ phú bảo thủ kín tiếng và họ đóng góp hàng trăm triệu USD cho những hoạt động bí mật. Họ tham gia mạnh mẽ để thúc đẩy chính sách kinh tế bất bình đẳng, không được người dân ủng hộ và mang tính bảo thủ cao. Họ ít nói hoặc không nói trước công chúng về những gì họ đang làm hoặc tại sao họ làm. “Họ trốn tránh trách nhiệm chính trị. Chúng tôi tin rằng loại chính trị tàng hình này có hại cho nền dân chủ”, nhóm nghiên cứu kết luận.
Huyền Lê (VnExpress)