Đó là thông tin bà Chu Thị Bình, khách hàng gửi tiết kiệm 245 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) bị ‘bốc hơi’, kể trong cuộc tiếp xúc với báo chí chiều 6.3.
Eximbank là bị hại, phải trả tiền cho khách hàng
Cụ thể, bà Bình cho biết đã cùng luật sư của mình là ông Phan Trung Hoài có buổi làm việc với Eximbank vào sáng 6.3. Trong buổi làm việc này, Eximbank vẫn giữ quan điểm tạm ứng 14,8 tỉ đồng và đưa ra một số đề nghị đối với bà Bình như hai bên “bảo mật” mọi thông tin liên quan đến thỏa thuận và tiền tạm ứng. Bà Bình cho rằng đề nghị của Eximbank không thỏa đáng khi đề nghị tạm ứng 14,8 tỉ đồng này là để giải quyết khó khăn về tài chính của bà và gia đình, trong khi không chịu trả số tiền 245 tỉ đồng tiền gốc đang gửi tại ngân hàng này.
Bà Chu Thị Bình trao đổi với báo chí chiều 6.3
Luật sư Phan Trung Hoài nhấn mạnh: “Người chờ phán quyết của tòa ở vụ án hình sự liên quan đến ông Lê Nguyễn Hưng (Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM đã rút tiền của Eximbank dưới nguồn gốc tiền gửi của bà Bình) là Eximbank chứ không phải bà Bình. Eximbank phải trả tiền ngay cho bà Bình”.
Thực tế, điều này đã được xác nhận trong công văn của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an gửi bà Bình. Cụ thể, công văn nêu: Eximbank chi nhánh TP.HCM là bị hại trong vụ án hình sự “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ông Lê Nguyễn Hưng lập chứng từ giả mạo liên quan đến các tài khoản tiết kiệm của bà, chiếm đoạt hơn 245 tỉ đồng của Eximbank chi nhánh TP.HCM. Cơ quan Cảnh sát điều tra thông báo để Eximbank chi nhánh TP.HCM biết, thực hiện quyền và nghĩa vụ của Eximbank đối với khách hàng theo quy định của pháp luật. “Vậy thì tại sao bà Bình phải chờ phán quyết của tòa, Eximbank phải trả tiền ngay cho bà Bình số tiền 245 tỉ đồng tiền gốc và lãi”, luật sư Hoài nói.
Kiện ra tòa sẽ tạo tiền lệ xấu
Bà Bình cho biết từ tháng 2.2013 đã gửi 15 sổ tiết kiệm tại Eximbank có kỳ hạn từ 12 – 15 tháng. Nguồn gốc số tiền này chủ yếu từ chuyển nhượng cổ phần, tiền chia lãi cổ phần, tiền mồ hôi công sức của bà và gia đình kinh doanh, tích lũy trong hàng chục năm. Toàn bộ số tiền trên được chuyển từ tài khoản cá nhân của bà Bình.
12 sổ tiết kiệm đã được tất toán, còn lại 3 sổ tiết kiệm đang giữ có số tiền trên 300 tỉ đồng. Dù bà Bình vẫn giữ sổ nhưng số tiền rút trái phép từ 3 sổ này lên đến hơn 245 tỉ đồng (số tiền hơn 54 tỉ đồng vẫn còn ghi nhận trên hệ thống).
Theo bà Bình, thực chất không chỉ có 3 sổ tiết kiệm nói trên bị rút tiền trái phép mà còn nhiều khoản tiền khác cũng bị rút từ 12 sổ tiết kiệm trước đó của bà. Số tiền này được chuyển qua những cá nhân khác mà bà Bình không hề biết và có quan hệ. Một loạt giấy ủy quyền, ủy nhiệm chi, lệnh chuyển tiền có dấu hiệu làm giả về nội dung và hình thức. Đơn cử cùng 1 giấy ủy quyền cho hơn 20 tài khoản và thẻ tiết kiệm để che đậy cho việc rút tiền ra khỏi hệ thống Eximbank từ năm 2013 – 2014 mà Eximbank không phát hiện ra.
“Eximbank đã cố tình né tránh trách nhiệm hoàn trả tiền. Ngay khi tôi phát hiện sự việc hồi tháng 2.2017, phía Eximbank tuyên bố sẽ đảm bảo quyền lợi nhưng đề nghị chờ kết quả điều tra của cơ quan công an. Nay cơ quan công an có kết luận như trên thì phía Eximbank lại yêu cầu chờ phán quyết của tòa”, bà Bình bức xúc.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Eximbank không trả tiền, bà Bình nên khởi kiện ngân hàng này ra tòa. Tuy nhiên theo luật sư Hoài, nếu kiện dân sự vụ việc này sẽ tạo ra một nghịch lý, đó là người gửi tiền còn giữ sổ tiết kiệm mà phải đi kiện ngân hàng để được lấy tiền của mình đã gửi trước đó. Điều này sẽ tạo tiền lệ xấu là đẩy khách hàng khởi kiện khi mất tiền ở sổ tiết kiệm. Việc bà Bình có kiện Eximbank để lấy tiền hay không sẽ chờ trách nhiệm giải quyết của Eximbank.
Theo Thanhnien