Việc ngồi vào cuộc đàm phán với Hoa Kỳ để thúc đẩy việc nâng cấp quan hệ, cùng lúc xuất hiện thông tin Việt Nam nộp đơn xin gia nhập BRICS, sẽ làm tăng sự trọng thể của tiếng nói, vị thế của Việt Nam.
Liệu Việt Nam sẽ gia nhập BRICS?
Gần đây, tại buổi họp báo trước Hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, sự kiện dự kiến diễn ra từ ngày 22-24/8/2023 tại Johannesburg, Nam Phi dưới sự chủ trì của quốc gia này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Nam Phi Naledi Pandor đã thông báo rằng có 23 quốc gia đã chính thức đệ trình đơn xin gia nhập khối BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và cả Nam Phi. Vấn đề mở rộng hiệp hội này sẽ được thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao sắp tới của BRICS.
Các nhà lãnh đạo 5 quốc gia thành viên BRICS. Ảnh: Wikipedia
Theo tờ Spunik của Nga tiết lộ, một trong những quốc gia được đề cập trong danh sách 23 quốc gia là Việt Nam. Thông tin này đã gây bất ngờ lớn và tạo sự tò mò trong cả giới chuyên gia và cộng đồng mạng.
Cụ thể, Algeria, Argentina, Bangladesh, Bahrain, Belarus, Bolivia, Venezuela, Việt Nam, Cuba, Honduras, Ai Cập, Indonesia, Iran, Kazakhstan, Kuwait, Morocco, Nigeria, Nhà nước Palestine, Ả Rập Xê-Út, Senegal, Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ethiopia là những quốc gia có trong danh sách.
Theo bà Hoàng Giang, Tiến sỹ Lịch sử và Quan hệ Quốc tế, việc Việt Nam xuất hiện trong danh sách này thực sự là một sự bất ngờ đối với nhiều người, kể cả trong giới chuyên gia. Trước đây, nhiều chuyên gia đã cho rằng Việt Nam sẽ duy trì tư duy trung lập và không gia nhập khối BRICS, bởi vì từ góc độ chính trị và kinh tế, lựa chọn này không có lợi ích rõ ràng và có thể góp phần kéo vào những mâu thuẫn.
“Tôi cũng đã từng có quan điểm tương tự. Tuy nhiên, có vẻ như tình hình đã thay đổi, khiến Việt Nam quyết định tham gia vào khối này. Có thể Việt Nam đã nhận ra được lợi ích về cả chính trị và kinh tế, đặc biệt là về phía kinh tế. Tham gia BRICS mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường mới, đang nổi lên và đang phát triển”, tiến sỹ Giang cho hay.
Tuy nhiên, đây chỉ là tin tức chưa chính thống và cũng chưa được Việt Nam xác thực.
Không thể phủ nhận rằng tình hình chính trị và địa chính trị thế giới đang thay đổi với tốc độ nhanh chóng. Theo vị chuyên gia, quyết định gia nhập BRICS không phải là một quyết định đột ngột trong năm nay, mà có thể đã được các bên thỏa thuận và giữ kín cho đến thời điểm này. Việc công bố nó có thể liên quan đến việc không còn cần bảo mật thông tin.
Cơ hội nâng cấp đối tác chiến lược
Ngày 9/8/2023, một thông tin đáng chú ý đã xuất hiện trên các trang tin tức Việt Nam, nhấn mạnh đến việc kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Việt Nam – Mỹ (2013-2023). Trong thời gian gần đây, 1/4 thành viên nội các Mỹ đã thăm Việt Nam, đồng thời đoàn doanh nghiệp lớn nhất từ trước tới nay cũng đã có mặt tại Việt Nam, hứa hẹn đầu tư đáng kể vào nền kinh tế Việt Nam.
Thông tin về việc Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cùng phối hợp tổ chức khoá tập huấn kỹ năng truyền thông hiện đại và thông tin đối ngoại cho người phát ngôn của 63 tỉnh, thành phố cũng thể hiện sự quan tâm từ phía Washington đối với mối quan hệ với Việt Nam.
Mỹ đã lần lượt thể hiện ý định nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên mức đối tác chiến lược. Điều này đã được thể hiện trong các cuộc thăm của lãnh đạo Mỹ như Phó Tổng thống Kamala Harris năm 2011 và Tổng thống Joe Biden hứa hẹn sẽ thăm Việt Nam “trong thời gian sắp tới” vào ngày 8/8/2023.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Nhà trắng
Tại các cuộc gặp tháng 4/2023, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thể hiện ý muốn thắt chặt hợp tác song phương trong bối cảnh Mỹ đang cố gắng củng cố quan hệ với các đối tác châu Á. Ngoại trưởng Blinken thậm chí bày tỏ hy vọng quá trình nâng cấp quan hệ giữa Hà Nội và Washington có thể diễn ra “trong những tuần và tháng tiếp theo”. Tổng thống Joe Biden cũng hé lộ rằng Việt Nam đã bày tỏ mong muốn thảo luận về khả năng nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược.
Với các diễn biến và tương tác này, khả năng Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ trong năm nay là hoàn toàn có thể xảy ra. Việc nộp đơn xin gia nhập BRICS cũng là một yếu tố quan trọng, giúp tiếng nói của Việt Nam có trọng lượng hơn, từ đó Việt Nam có thể “mặc cả” và đạt nhiều lợi ích hơn từ cuộc thương lượng với Mỹ.
BRICS, viết tắt của “Brazil, Russia, India, China, South Africa”, là một tổ chức quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực chính trị và kinh tế, tập trung vào các nền kinh tế mới nổi. Tổng cộng, năm nước thành viên BRICS đại diện cho khoảng 42% dân số toàn cầu, với GDP ước tính khoảng 15 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 25% GDP toàn cầu, cùng với dự trữ ngoại tệ hơn 4 nghìn tỷ USD. Sự tăng trưởng và sức mạnh kinh tế của BRICS đã tạo ra tầm ảnh hưởng ngày càng lớn trên đấu trường chính trị quốc tế, góp phần thể hiện tầm quan trọng của một thế giới công bằng hơn.
Đã có hơn 40 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập vào khối BRICS, và danh sách chính thức gồm 23 quốc gia đã nộp đơn xin tham gia. Sự mở rộng của khối BRICS là một chủ đề quan trọng sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới. BRICS có tiềm năng trở thành một khối quốc gia mạnh mẽ hàng đầu trong thế giới đang phát triển, đóng góp quan trọng vào sự thay đổi và phát triển toàn cầu.
Tuệ Ngô
Nguồn: Cánh cò
Nguồn: