Wednesday, November 13, 2024

Những đánh giá sai lệch về Việt Nam trong “Báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế” của Mỹ

Vẫn như mọi bận, mang danh Báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ nhưng lại dựa trên những thông tin không chính xác, thậm chí xuyên tạc của thành phần bịa đặt, chống phá Việt Nam, dùng đó để quy kết, đánh giá sai lệch về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Cụ thể, trong báo cáo này cũng đưa ra nhận định là trong năm qua có sự cải thiện đối với các tổ chức tôn giáo nào được nhà nước công nhận nhưng các nhóm tôn giáo không đăng ký với nhà nước tiếp tục bị chính quyền vi phạm quyền tự do tôn giáo và quyền tự do hành đạo. Các ví dụ được nêu lên hóa ra toàn là tà đạo hoặc tổ chức phản động núp danh tôn giáo như tà đạo Dương Văn Mình, Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất…Điều này khiến dư luận Việt Nam bất bình.

Những đánh giá sai lệch về Việt Nam trong “Báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế” của Mỹ

Ông Nguyễn Phù Nghĩa đã đưa ra 7 đánh giá về sự đảm bảo tự do tôn giáo ở Việt Nam không hề được phía những người soạn thảo báo cáo tự do tôn giáo trên đểm xỉa đến, cụ thể:

1. Nhà nước bảo đảm sự đa dạng, hòa hợp và bình đẳng tôn giáo, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo, mọi người hoàn toàn tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo và không có tôn giáo nào giữ vị trí độc tôn. Các tôn giáo chung sống hài hòa, đoàn kết, gắn bó đồng hành với dân tộc, không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào xã hội, từ thiện, xóa đói giảm nghèo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển đất nước.

2. Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo Hiến chương, Điều lệ và quy định của pháp luật. Đặc biệt, những ngày lễ trọng của các tôn giáo được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo tín đồ tham dự. Việc công nhận tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo được thực hiện theo quy định của pháp luật. Sau khi thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã công nhận 01 tổ chức tôn giáo (Giáo hội Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam), cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 03 tổ chức (Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam; Hội thánh Tin lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam; Giáo hội Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê-su Ky-tô Việt Nam).

Việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung trên phạm vi cả nước được tạo điều kiện thuận lợi. Trước khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực, có hơn 2.600 điểm nhóm, sau khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực, có thêm hơn 1.100 điểm nhóm được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam chủ động trong việc củng cố tổ chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành theo Hiến chương, Điều lệ và quy định của pháp luật. Hàng năm, số lượng chức sắc, chức việc, nhà tu hành và những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp không ngừng tăng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tinh thần của nhân dân.

Nhà nước bảo đảm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo, mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo. Cả nước hiện có 62 cơ sở đào tạo tôn giáo tại 38 tỉnh, thành phố. Một số cơ sở đào tạo của tôn giáo được phép đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Các tổ chức tôn giáo được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện hoạt động xuất bản kinh sách và xuất bản phẩm khác về tín ngưỡng, tôn giáo; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm tín ngưỡng, tôn giáo, đồ dùng tôn giáo bảo đảm phục vụ yêu cầu hoạt động của các tôn giáo. Từ năm 2018 đến năm 2022, Nhà xuất bản Tôn giáo đã có quyết định xuất bản 2.527 ấn phẩm với 8.506.240 bản in, trong đó có nhiều xuất bản phẩm được dịch ra tiếng Anh, Pháp, tiếng dân tộc thiểu số, v.v.

Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo tham gia các hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài. Hàng năm, có hàng trăm lượt chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam xuất cảnh tham dự các hoạt động tôn giáo, khóa đào tạo về tôn giáo ở nước ngoài và hàng trăm lượt cá nhân tôn giáo nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hoạt động tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam còn tích cực tham gia các hội nghị, diễn đàn tôn giáo khu vực và quốc tế; tham gia vào đời sống chính trị xã hội. Quốc hội khóa XV, có 05 vị chức sắc trúng cử đại biểu; 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh; 225chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 246 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện; 646 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và trên 5.000 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021 – 2026, là thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và tích cực tham gia các Hội, đoàn thể khác.

3. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Hiện có 67 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp trên địa bàn các tỉnh, thành phố với hàng trăm người tham gia, chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh (41 điểm nhóm), Hà Nội (13 điểm nhóm) và có quốc tịch từ nhiều nước (Hàn Quốc, Philippin, Singapore, Malaixia, Nga, Mỹ, Pháp,…).

4. Nhà nước bảo đảm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Là quốc gia có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó, có 53 dân tộc thiểu số, với gần 14 triệu người, chiếm khoảng 14,3% dân số cả nước. Nhu cầu chính đáng về tín ngưỡng, tôn giáo đã được các cấp chính quyền quan tâm hướng dẫn, giải quyết. Kinh sách của các tổ chức tôn giáo đã được xuất bản bằng 13 thứ tiếng dân tộc thiểu số.

5. Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đối với người chấp hành án phạt tù. Hiện đã có 17 đầu sách liên quan đến tôn giáo với 4.418 cuốn được đưa vào sử dụng tại thư viện của 54 trại giam, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của phạm nhân.

6. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo phát huy nguồn lực tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Trong lĩnh vực giáo dục, cả nước có khoảng 300 trường và 2.000 cơ sở giáo dục mầm non, 12 cơ sở dạy nghề do các tổ chức tôn giáo thực hiện. Trong lĩnh vực y tế, cả nước có trên 500 cơ sở y tế, phòng khám chữa bệnh từ thiện do các tổ chức tôn giáo thành lập dưới nhiều hình thức, góp phần cùng chính quyền địa phương chăm lo sức khỏe và lan tỏa tinh thần yêu thương trong cộng đồng. Trong các hoạt động từ thiện nhân đạo, bảo trợ xã hội, hiện cả nước có 113 cơ sở trợ giúp xã hội được cấp phép hoạt động, đang chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội.

7.Nhà nước luôn quan tâm giải quyết đất đai liên quan đến tôn giáo. Căn cứ vào nhu cầu của các tổ chức tôn giáo, quỹ đất của địa phương và theo quy định của pháp luật, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện cấp đất cho các cơ sở, tổ chức tôn giáo. Đến nay, số lượng cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên phạm vi toàn quốc chiếm hơn 70%. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới cơ sở tôn giáo. Hiện nay, hầu hết các cơ sở thờ tự của các tôn giáo được sửa chữa khang trang, nhiều cơ sở thờ tự được xây mới. Năm 2022, đã có 203cơ sở thờ tự tôn giáo được cấp phép xây dựng mới; 283 cơ sở được cấp phép sửa chữa, cải tạo.

Vì vậy, để giữ uy tín, thiết nghĩ Bộ Ngoại giao Mỹ cần dựa trên những căn cứ khách quan để tránh đánh giá sai lệch về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói chung, ở Việt Nam nói riêng./.
Nguồn: Võ Khánh Linh

Nguồn: Tre làng

Nguồn:

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG