Hơn một tháng nay, các trang mạng chống cộng, như VOA tiếng Việt, RFA, BBC, Saigonnho, Littlesaigontv, Vietbao… đồng loạt đưa tin “nhà văn” Dương Thu Hương được trao Giải toàn cầu 2023 (Cino-Del-Duca 2023) trong khuôn khổ Lễ hội Sách Paris. Đáng nói, tôn chỉ, mục đích của giải thưởng Cino del Duca do Simone Del Duca là “tôn vinh sự nghiệp của tác giả người Pháp hoặc người ngoại quốc có tác phẩm khoa học hoặc văn học mang thông điệp của chủ nghĩa nhân văn hiện đại”, nhưng lại được trao cho Dương Thu Hương. Vậy Dương Thu Hương là ai mà được nhận “vinh dự” này?
KẺ VONG QUỐC NGAY TỪ KHI CHƯA RA KHỎI ĐẤT NƯỚC
Vào thời điểm “đêm trước đổi mới” của đất nước, khi những cái cũ kỹ, lạc hậu cần đổi thay, nhưng vẫn bám víu trong thói quen của một số vị lãnh đạo và cái mới, tiến bộ chưa định hình rõ ràng, trong khi các văn sĩ khác vẫn chắt lọc, khơi nguồn cái hay, cái đẹp trong cuộc sống để cho ra những tác phẩm ngợi ca cái đẹp, xây dựng xã hội tiến bộ thì Dương Thu Hương lại tưng bừng ra mắt cuốn sách “Bên kia bờ ảo vọng”. Cuốn sách đã gây sóng gió trên văn đàn trong nước bởi những quan điểm, góc nhìn phiến diện, không biết cảm thông với những khó khăn của đất nước thời kỳ bị Mỹ và phương Tây bao vây, cấm vận. Bằng sự định kiến cố hữu về chế độ xã hội chủ nghĩa, Dương Thu Hương chỉ nhăm nhăm mổ xẻ, khoét sâu những cái lạc hậu của đất nước thời kỳ ấy và hết lời ngợi ca các giá trị phương Tây. Giọng điệu ngang ngược và thái độ bất cần của Dương Thu Hương lập tức được các thế lực thù địch với Việt Nam tung hô, gọi bà ta là “cấp tiến”, là “dám đấu tranh cho công bằng, tiến bộ”… Và rồi sau chuyến giao lưu với các văn sĩ Pháp, Dương Thu Hương đã không trở về nước.
Ngay lập tức, bà ta quay lại chửi rủa chế độ, mạt sát nhân dân, nói xấu đất nước mình. Ngoài thường xuyên trả lời phỏng vấn các trang mạng có tư tưởng thù địch với Việt Nam, những ngày lưu vong tại Pháp, Dương Thu Hương liên tiếp xuất bản các cuốn sách mang nội dung xuyên tạc như: Thiên đường mù, Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen, Vô đề… Tất thảy đều có nội dung bóp méo sự thật về đất nước, chửi rủa nhân dân Việt Nam là “mọi rợ”, nhưng lại dùng nhiều lời hoa mỹ ca ngợi phương Tây – nơi đã tài trợ tiền bạc cùng những danh hiệu ồn ào như “chiến sĩ dân chủ”, “nhà văn đấu tranh vì tự do” cho bà ta.
Trong “Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen”, Dương Thu Hương đã hùa theo giọng điệu của những kẻ chống phá Việt Nam, rằng “Cộng sản Bắc Việt đã gây ra cuộc chiến tranh làm hàng triệu người thảm tử”. Bà ta còn nhai lại giọng điệu của thực dân Pháp, gọi tên nước ta là An Nam một cách miệt thị và cho rằng, lịch sử mấy ngàn năm kiên cường, bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc ta là “lịch sử bất hạnh của một dân tộc hèn mọn”. Đặc biệt, trong “Đỉnh cao chói lọi”, Dương Thu Hương đã dùng nhiều từ ngữ cay độc để xuyên tạc, xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh – điều không một người Việt Nam chân chính nào có thể tha thứ. Đối với mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình ảnh thiêng liêng, được khắc sâu trong tâm khảm. Mỗi người Việt Nam đều tự hào bởi chính Người đã làm rạng rỡ non sông, đất nước Việt Nam. Niềm tự hào về Bác không chỉ người Việt Nam nói với nhau mà thế giới cũng đã công nhận Bác Hồ là anh hùng giải phóng dân tộc, chiến sĩ cộng sản quốc tế lỗi lạc và kiên trung, danh nhân văn hóa thế giới. Chính vì vậy mà Bác được người dân Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới yêu mến. Và cũng chính vì điều đó mà các thế lực thù địch với Việt Nam luôn nuôi dã tâm bôi nhọ, xúc phạm, hạ bệ hình ảnh của Người. Và khi “cường độ” chống phá đất nước đã lên cao độ, khi thấy không còn đường về, Dương Thu Hương ngày càng trơ tráo hơn.
CÓ GÌ ĐÁNG TỰ HÀO MÀ ẦM Ĩ
Thường những người có tính tự cao tự đại, luôn nghĩ mình minh triết hơn người sẽ dễ dàng mắc vào cạm bẫy của các thế lực thù địch. Không chỉ Dương Thu Hương mà thời gian qua, không ít văn sĩ, trí thức cũng coi mình là “số 1” và thường chê bai những thứ quanh mình. Họ không chú tâm hoạt động văn hóa nghệ thuật mà lại quan tâm thái quá đến chính trị và muốn nổi tiếng bằng con đường chính trị, như nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhà báo Nguyễn Thông hay nhạc sĩ Tuấn Khanh… Đầu tiên chỉ là những ý kiến trái chiều được thể hiện một cách gay gắt. Những người này thường chỉ nói theo cảm tính, thể hiện quan điểm cá nhân mà không đặt vấn đề trong một bình diện rộng lớn với lợi ích của quốc gia, dân tộc trên hết để tranh luận một cách khách quan, bình đẳng. Tiếp theo sẽ là cái bắt tay với các nhà “dân chủ” rồi trở thành những kẻ chống phá. Thế nên những người hay chỉ trích, chê bai Đảng, chính quyền, chê bai chế độ thường được các thế lực thù địch, cơ hội chính trị săn đón.
Đầu tiên chỉ là chê những người xung quanh quê mùa, bần tiện, kém văn minh. Tiếp theo là chê bai, chỉ trích cả xã hội. Ra đường gặp một vụ tai nạn, họ chỉ trích công an, chính quyền không làm tốt trách nhiệm. Không may đâu đó xảy ra hỏa hoạn, tai nạn lao động hoặc thảm họa môi trường, họ sẽ tìm một đối tượng nào đó trực tiếp hoặc gián tiếp (chứ nhất định không phải là họ) gây ra. Thậm chí thiên tai gây lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng sẽ là “tội của mấy ông chính quyền” gây ra… Họ luôn miệng chỉ trích Đảng, Nhà nước, Chính phủ không biết lo cho dân. Rồi chê đất nước mình nghèo, hèn, mông muội như Dương Thu Hương từng viết trong “Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen”. Họ so đất nước mình với nước này nước kia trên thế giới. Rồi họ ca tụng “người ta” văn minh, “người ta” dân chủ, “người ta” chăm lo an sinh tốt chứ không như ở nước mình… mà không ngờ rằng, bản thân đã tự diễn biến, tự chuyển hóa và nằm gọn trong mưu đồ của kẻ xấu. Bởi vì, những người có tầm ảnh hưởng đối với công chúng như các chính trị gia, văn nghệ sĩ, nhà khoa học thì những lời chê bai, chỉ trích của họ sẽ là miếng mồi vô cùng ngon lành đối với những kẻ chống phá đất nước.
Trở lại chuyện Dương Thu Hương được trao giải Cino del Duca do Simone Del Duca, các trang mạng chống cộng ầm ĩ đưa tin và còn thắc mắc rằng báo chí trong nước không nhắc gì đến “sự kiện” này. Thử hỏi, một kẻ vong quốc, phản trắc và chống phá đất nước điên cuồng, đến độ không còn đường về như Dương Thu Hương thì cho dù bà ta có nhận giải thưởng gì, do ai trao tặng, cũng có gì đáng tự hào mà ầm ĩ!
Nguồn: Thảo Linh
Báo Bình Phước
Nguồn: Tre làng
Nguồn: