Vừa qua, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã gửi văn bản yêu cầu Netflix gỡ phim “Little Women” khỏi kho ứng dụng tại Việt Nam do nội dung xuyên tạc lịch sử. Hạn thực hiện yêu cầu này là ngày 5/10. Trước sự kiện này, dư luận trong nước cơ bản đều ủng hộ quan điểm của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có như Dương Quốc Chính (một facebooker) đã đăng tải các bài viết trái chiều đào bới, bóp méo lịch sử Việt Nam thông qua bộ phim này. Vậy thực chất vấn đề này như thế nào?
Bài viết trên tương đối dài với luận điểm chính cho rằng bộ phim chẳng hề nói sai sự thật và thông qua việc lấy số thiệt hại nhân mạng để khẳng định rằng “việc lính Hàn có thể đánh 20, thâmh chí đánh 100 lính Cộng sản cũng không phải quá xa xôi”?!
Vậy thì cụ thể sự việc này là như thế nào? Để rộng đường dư luận, bài viết xin đưa ra mấy vấn đề dưới đây.
Little Women là một tiểu thuyết kinh điển của nữ tác giả người Mỹ Louisa May Alcott, khai thác bối cảnh xã hội phương Tây vào cuối thế kỷ 19 với những thăng trầm trong cuộc đời của những người phụ nữ nhỏ bé. Tác phẩm này liên tục trở thành nguồn cảm hứng của các nhà làm phim châu Âu và châu Á. Và ở thời điểm này, Little Woman một lần nữa được những nhà đạo diễn và biên kịch người Hàn Quốc chuyển thể thành một bộ phim cùng tên. Tuy nhiên, yếu tố “Hàn hoá” của bộ phim lại cũng chính là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi của nó.
Xuyên suốt 8 tập phim Little women, các nhân vật trong phim này đã nhiều lần mô tả chiến tranh Việt Nam với sự xuyên tạc đến trắng trợn và phi lý. Cụ thể, trong tập 5 của bộ phim tái hiện lại một góc của Bảo tàng tưởng niệm chiến tranh Hàn Quốc ở Seoul về cuộc chiến của lính Hàn tại Việt Nam. Phim ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của binh lính Hàn Quốc tại Việt Nam, những người xuất thân khó khăn nhưng đến một quốc gia xa xôi để chiến đấu vì công lý, chiến đấu vì Tổ Quốc, chưa hết, phim đề cao một tướng Hàn Quốc là “anh hùng chiến tranh Việt Nam”… Trong tập 8 của bộ phim, một nhân vật trong phim đề cập đến sự thiện chiến của quân đội Hàn Quốc trong cuộc chiến tại Việt Nam. Nhân vật này không ngớt lời ca ngợi quân đội Hàn Quốc là một đội quân thiện chiến được tuyển chọn và đưa đến Việt Nam và “một người lính Hàn có thể tiêu diệt 20 người lính Việt Nam và có những người lính Hàn Quốc có tiêu diệt 100 lính Việt Nam”. Cùng với đó, phim Little Women còn chứa nhiều tình tiết, phân cảnh đưa các dữ liệu sai hoàn toàn về chiến tranh Việt Nam nhất là lý do vì sao lính Hàn tham chiến ở Việt Nam và thảm sát dân thường Việt Nam.
Đối chiếu mốc thời gian của sự kiện được nhắc đến trong bộ phim thì khả năng những tình tiết này đề cập đến hoạt động của lính Đại Hàn tại Việt Nam giai đoạn 1967 – 1968 dưới thời chính quyền Park Chung Hee.
Ba căn cứ chính mà Facebook Dương Quốc Chính lấy làm cơ sở để khẳng định cho sự thiện chiến của lính Hàn và khả năng mà facebooker này cho rằng “vượt trội” so với Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam bao gồm:
– Độ tuổi của người bị thương và hy sinh phía trên Quân Giải phóng là rất trẻ (18 – 25 tuổi).
– Quân số thương vong của các đơn vị Quân Giải phóng gấp nhiều lần so với binh sĩ Hàn Quốc.
– Binh sĩ Hàn Quốc được trang bị đầy đủ, được cố vấn Mỹ đào tạo và huấn luyện chính quy còn bộ đội Quân Giải phóng thì trang bị thiếu thốn, huấn luyện thời gian ngắn, ngay trên đường hành quân vào Nam chứ ko có thời gian huấn luyện chính quy.
Rõ ràng, logic duy nhất ở đây mà Dương Quốc Chính sử dụng là lờ đi những yếu tố thực tế trong chiến tranh hoặc một trận chiến đấu cụ thể như đối tượng, lực lượng, phương tiện, phương pháp tác chiến, tình huống và điều kiện chiến đấu cụ thể mà chỉ trọng tâm coi việc “đếm xác” là căn cứ quan trọng duy nhất.
Nên nhớ, theo định nghĩa của từ điển Tiếng Việt thì “thiện chiến” mang nghĩa là “chiến đấu giỏi”. Tuy nhiên, một lực lượng nào đó có được công nhận là “chiến đấu giỏi” hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cụ thể là yếu tố con người – yếu tố vũ khí trang bị – khả năng chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu mà trong đó yếu tố con người là quan trọng nhất. Điều đó có nghĩa là cho dù có được huấn luyện chính quy đến bao nhiêu, được trang bị đầy đủ đến bao nhiêu nhưng khi ra chiến trường binh sĩ không có ý chí chiến đấu cao, không có lòng quyết tâm tiêu diệt địch, không có lý tưởng chiến đấu mà chỉ đơn thuần là chiến đấu vì tiền, vì thoả mãn sự “khát máu” thì cũng không bao giờ có thể “chiến đấu đến cùng”!
Trong chiến tranh Việt Nam, thứ tạo nên ưu thế của quân Mỹ và chư hầu (trong đó lính Hàn Quốc đông đảo nhất) là hoả lực và khả năng bảo đảm hậu cần. Trong thời điểm Hàn Quốc tham chiến, cũng là giai đoạn Mỹ tiến hành các chiến dịch tìm – diệt. Phương pháp tiến hành của các cuộc tìm – diệt là sử dụng lực lượng bộ binh, thủy quân lục chiến cùng xe tăng, thiết giáp tiến hành càn quét khu vực mặt đất dưới sự chi viện của các cụm pháo binh dã chiến ở các cụm cứ điểm và trực thăng vũ trang bảo đảm quan sát mặt đất với tầm xa và chi viện hoả lực từ trên không. Với sự bảo đảm như vậy, việc Quân Giải phóng tổ chức lực lượng đánh ngăn chặn và đánh đối kháng trực diện với liên quân Mỹ – Hàn là việc bất khả thi. Sau các cuộc hành quân tìm – diệt, lính Mỹ, Hàn sẽ cơ động về cứ điểm. Hệ quả là cuối cùng phương án mà QGP buộc phải lựa chọn là tiến công vào các cứ điểm (cụm cứ điểm) mặc dù biết thương vong sẽ lớn. Phương pháp duy nhất để đột kích vào cụm cứ điểm là trước đó phải tiến hành “tạo đường mở” qua lớp hàng rào nhiều lớp với vật cản nổ và ko nổ được bố trí dày đặc. Mặt khác kể cả khi tạo được đường mở qua hàng rào, vật cản đi nữa thì quá trình QGP cơ động đội hình vào bên trong để đánh các mục tiêu trong chiều sâu trận địa sẽ bị hoả lực tại chỗ trong công sự của lính Mỹ và chư hầu cũng như hoả lực pháo binh dã chiến chi viện bằng phương pháp “bắn tọa độ” vào đường mở sát thương. Đây chính là nguyên nhân gây ra thiệt hại nhân mạng chủ yếu của QGP. Điều này giải thích cho việc Quân Giải phóng trong giai đoạn này thường có thiệt hại về nhân mạng nhiều hơn Mỹ và chư hầu.
Một trận đụng độ kinh điển giữa lính Hàn với Quân Giải phóng thường được nhắc đến là trận Đồi Quang Thanh (tên gọi khác là trận Trà Bình Đông). Trong trận này, đêm 14/02/1967, Quân Giải phóng tổ chức chiếm lĩnh trận địa theo nguyên tắc xa trước, gần sau. Đến 22 giờ 30 phút đã vào chiếm lĩnh xong, chỉ còn cách hàng rào của lính Hàn Quốc 100m. Lính Hàn Quốc đã phát hiện ra ý định tấn công của QGP, liền gọi pháo từ các cứ điểm gần đó bắn cấp tập vào xung quanh cứ điểm. Các đơn vị của QGP bị thương vong, nhưng điều quan trọng là tiểu đoàn chủ công của QGP không thể cơ động vào chiếm lĩnh đúng theo kế hoạch, yếu tố bí mật của QGP cơ bản không còn. Sau 5 tiếng đồng hồ kể từ khi tiểu đoàn chủ công của QGP chiếm lĩnh xong thì tiểu đoàn dự bị mới cơ bản chiếm lĩnh được trận địa. Mặc dù vậy, đến 5 giờ 30 phút, QGP cơ bản làm chủ cứ điểm, lính Hàn Quốc buộc phải co cụm về khu 3 để chống trả. Sau khi đạt mục đích gây hoang mang cho đối phương, QGP tiến hành rút quân để đảm toàn lực lượng và rút bỏ một số chốt điểm ở Khánh Mỹ, Hòn Ngang, Hòn Dọc.
Chỉ số chiến thuật khi tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc ít nhất phải là 3 – 1. Tuy nhiên, trong trận này, Quân Giải phóng chỉ dùng 2 tiểu đoàn, không có chi viện pháo binh vẫn có thể đánh bật được 1 tiểu đoàn Đại Hàn được trang bị đầy đủ, có pháo binh hỗ trợ, phòng ngự trong công sự vững chắc. Nói cho cùng thua là thua! Hơn cả chỉ số chiến thuật, hơn cả điều kiện chiến đấu nhưng vẫn phòng ngự thất bại. Vậy thì rốt cuộc lính Hàn có thể coi là “thiện chiến” hơn Quân giải phóng hay không, 1 lính Hàn có thể hạ được 20 thậm chí là 100 lính Giải phóng hay không? Xét cho cùng, “đếm xác” chỉ là thủ đoạn “hạ đẳng” của những kẻ “ngu dốt” thường dùng để “lấp liếm” đi thất bại của của lính Mỹ và chư hầu trong chiến tranh Việt Nam mà thôi. Với logic “đần độn” của chúng, chẳng lẽ cũng có thể khẳng định việc quân Mỹ chỉ chết 58.000 lính so với gần 900.000 liệt sĩ phía Quân Giải phóng thì có thể khẳng định Mỹ đã chiến thắng trong chiến tranh Việt Nam hay sao? Đó là càng thể hiện sự ngu dốt của những kẻ cay cú với lịch sử, phỉ báng xương máu của cha ông trong sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước mà thôi. Bài viết của Dương Quốc Chính chỉ hành động của kẻ “điếc mà hay hóng, ngọng mà hay nói”, ngu dốt và táng tận lương tâm mà thôi!
Còn nhớ giai đoạn 2017- 2018, Tổng thống Moon Jae-in của Hàn Quốc từng có phát biểu bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với những người tham gia chiến tranh Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, không ngần ngại gọi lính đánh thuê Hàn Quốc là “những tên sát nhân đồ tể đã tàn sát bao dân lành vô tội” ở Việt Nam…
Giá trị của lịch sử nằm ở chính những sự thật không thế lực nào có thể thay đổi được. Và cho đến tận bây giờ, dù là dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, rất bao dung, luôn gác lại quá khứ đau thương để hướng về phía trước nhưng người Việt Nam vẫn cần một lời xin lỗi chính thức và thành thật từ Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc trước những tội ác mà lính đánh thuê Đại Hàn đã gây ra. Và với tư cách là những người yêu thích, tôn trọng lịch sử thì mỗi người Việt Nam đều cần phải nhận định chính xác và có chính kiến nhất định trong việc lên tiếng phản đối những chi tiết bôi nhọ sự thật của bộ phim này, đồng thời đấu tranh với những luận điệu phản động để bảo vệ thành quả có được từ xương máu của cha ông!
NINH HOÀNG
Nguồn: Đấu trường Dân chủ
Nguồn: