Monday, October 14, 2024

Cảnh giác trước những trào lưu độc hại trên mạng xã hội TikTok

Thời gian gần đây, những trào lưu độc hại, phản cảm trên mạng xã hội TikTok ngày càng nở rộ và phát triển tràn lan, gây ra những hậu quả khó lường đối với chính người dùng và xã hội. Khác với Facebook và Youtube, người dùng không mất thời gian truy cập trang và gõ tìm kiếm, thay vào đó những nội dung trên TikTok sẽ tự động tìm đến người dùng. Do đó nếu không tỉnh táo, người sử dụng mạng dễ bị dẫn dắt, lôi cuốn vào các nội dung xấu độc, trào lưu nguy hiểm.

Cảnh giác trước những trào lưu độc hại trên mạng xã hội TikTok

Tính đến thời điểm hiện nay, mạng xã hội TikTok đang trở thành một nền tảng nổi bật và phát triển nhanh chóng, phổ biến rộng rãi, đặc biệt là trong giới trẻ. Theo số liệu trên trang Statista, nếu như năm 2017, mạng xã hội này chỉ có khoảng 65 triệu người dùng thì tính đến tháng 1/2022, số người sử dụng mạng xã hội TikTok đã lên tới hơn một tỷ tài khoản. Sau gần bảy năm phát triển, TikTok đã trở thành một trong những mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam, số người sử dụng mạng xã hội TikTok cũng tăng nhanh. Với đặc điểm là những video được đăng tải có nội dung ngắn gọn, dễ xem, dễ nhớ, TikTok trở thành một công cụ hiệu quả để lan tỏa những thông điệp tích cực đến cộng đồng, đặc biệt là trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, TikTok cũng đã và đang bộc lộ nhiều tiêu cực. Dạo một vòng TikTok, không khó để bắt gặp những trào lưu phản cảm, độc hại như: Sex jokes (trò đùa tình dục); nhảy múa khoe thân; quảng cáo phim 18+, thuốc kích dục; giả vờ nghiện ma túy; kỳ thị vùng miền,… gây ra làn sóng tranh cãi gay gắt trong dư luận.

Ðặc biệt, gần đây, trào lưu “săn mây” trên máy bay của một TikToker có đông người theo dõi đã mở màn cho hàng loạt trào lưu gây mất an ninh, an toàn hàng không. Cụ thể, một TikToker với gần 10 triệu người theo dõi, đã cố tình đặt chiếc điện thoại di động trên cửa sổ, bên tấm bảo vệ, rồi kéo tấm chắn che cửa sổ khi máy bay đang cất cánh để ghi lại khung cảnh bên ngoài trong suốt hành trình. Clip của TikToker này đã thu hút hơn 2 triệu lượt xem, và hàng trăm người bắt chước, khiến Cục Hàng không phải lên tiếng cảnh báo, vì hành động này gây ảnh hưởng đến an toàn chuyến bay và tính mạng của hành khách.

Sự việc chưa lắng lại thì chỉ một vài ngày sau, trên TikTok lại xuất hiện trào lưu “nhảy múa trên đường băng”. Khởi đầu trào lưu là việc một TikToker đăng tải video mình uốn éo trên đường băng khi máy bay đang di chuyển. Nối tiếp trào lưu đó, một nữ hành khách khác lại “gây bão” mạng xã hội khi thản nhiên ngồi xổm lên băng chuyền hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất khiến dư luận bất bình. Thậm chí, nhiều trào lưu trên TikTok còn đặt người tham gia vào nguy hiểm khi bày ra những thử thách chết người. Thí dụ như thử thách “Blackout”, là việc nín thở hoặc tự gây nghẹt thở cho chính mình càng lâu càng tốt, cho đến khi đạt được trạng thái choáng váng. Hành động này nguy hiểm đến mức nó có thể gây tổn thương não hoặc tử vong. Ðây là một vài trào lưu nổi bật trên TikTok, song qua đó khiến chúng ta không khỏi lo ngại đến những hệ lụy xấu có thể gây ra cho xã hội.

Câu hỏi đặt ra là tại sao thời gian gần đây, nhiều trào lưu độc hại trên TikTok lại nở rộ và phát triển mạnh mẽ trong giới trẻ, thậm chí là vượt qua cả Youtube và Facebook?

Ðiều này có thể lý giải bằng cơ chế hoạt động của TikTok. Khác với hai “đàn anh” là Youtube hay Facebook, TikTok cung cấp cho người dùng một chế độ xem tự do và đơn giản hơn, tư duy lý trí của người dùng không còn cần thiết khi các yếu tố kích thích như âm thanh, hình ảnh xuất hiện liên tục. Người dùng chỉ cần bật TikTok là có nội dung xem tức thì, mà không cần suy nghĩ lựa chọn. Nếu người dùng không thích nội dung đang phát, phần tiếp theo video đã sẵn sàng để xuất hiện.

Ngay cả việc lựa chọn nội dung xem của người dùng cũng là một quá trình được hình thành dựa vào đề xuất của thuật toán. Ðể hiểu nhu cầu của người dùng, TikTok thống kê chính xác xem người dùng có tích cực phản hồi về các video được hệ thống đề xuất hay không? Ðiều đó thể hiện qua thời gian xem, lượt tương tác, từ đó hệ thống sẽ dần dần làm rõ sở thích của người dùng, và hình thành một phong cách thống nhất. Người dùng sẽ tin tưởng chắc chắn vào các ý kiến, quan điểm đã được xác lập và thậm chí trở nên thỏa mãn, và mất đi khả năng suy nghĩ, phân tích, sàng lọc thông tin, mất đi cả quyền lựa chọn độc lập và tư duy lý trí trong quá trình tham gia TikTok.

Có thể thấy đối tượng sử dụng mạng xã hội TikTok đa phần là những người trẻ, thanh thiếu niên đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện nhận thức, dễ bị thu hút bởi những nội dung mới, “lạ”, “độc”, thậm chí là quái gở, phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức. Với cơ chế hoạt động của TikTok, clip càng thu hút nhiều người xem, những nội dung này lại càng được đề xuất, lên xu hướng, rồi nghiễm nhiên trở thành trào lưu.

Từ đây, giới trẻ lại tiếp thu và làm theo, đu theo xu hướng một cách mù quáng khiến cho những trào lưu vô thưởng vô phạt, thậm chí độc hại có cơ hội phổ biến nhiều hơn. Hậu quả là có không ít trẻ em là nạn nhân “nhiễm độc” thụ động từ chính những trào lưu nguy hiểm trên TikTok. Trong số các trường hợp này có thể kể đến trường hợp bốn học sinh Trường trung học cơ sở ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt chước video trên TikTok rồi rủ nhau lên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai ném đá vào xe ô-tô đang lưu thông; hay bé trai 10 tuổi ở Thành phố Hồ Chí Minh phải nhập viện trong tình trạng vẹo cổ, đầu nghiêng sang một bên sau khi bắt chước một trò chơi nguy hiểm trên mạng xã hội.

Những năm qua, để ngăn chặn những nội dung xấu độc tràn lan trên mạng xã hội, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát, hạn chế những thông tin xấu, độc hại trên mạng xã hội, và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, ngày 28/5/2021, căn cứ trên tình hình thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn số 1800/BTTTT-PTTH&TTÐT “Về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội” nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội những năm gần đây, đặc biệt là hai mạng xã hội Facebook và Youtube với “những tác động cả tiêu cực và tích cực đối với đời sống xã hội”, đồng thời khẳng định việc tăng cường công tác quản lý để hạn chế những tác động tiêu cực của mạng xã hội, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của người sử dụng; yêu cầu Google đóng nhiều kênh Youtube khác của người dùng trong nước có nội dung vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, Công văn chưa đề cập đến mạng xã hội TikTok, một mạng xã hội có cơ chế hoạt động khác biệt so với Youtube và Facebook, đã có từ năm 2016. Ðáng nói hơn, hiện nay chính Facebook và Youtube dường như cũng đã nhanh chóng học hỏi cơ chế hoạt động của TikTok, với sự ra đời của Facebook Stories và Youtube Shorts? Thực tế này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần tiếp tục bám sát sự dịch chuyển của xu thế mạng xã hội, để có những biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.

Nhiều ý kiến cho rằng, với mức xử phạt các hành vi vi phạm trên môi trường mạng xã hội hiện còn quá nhẹ, người vi phạm chủ yếu chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt vài triệu đồng là chưa đủ sức răn đe. So với món lợi “khổng lồ” từ quảng cáo, truyền thông trong một clip viral (phổ biến), thì mức phạt này chỉ là quá nhỏ.

Chính bởi hình phạt chưa thích đáng cho hành vi vi phạm cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng “ngập tràn rác” trên không gian mạng. Mà với TikTok, những rác mạng ấy chính là miếng mồi béo để các TikToker câu like, câu view, tăng tương tác. Do đó các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, rà soát, cân nhắc mức xử phạt các hành vi vi phạm trên môi trường mạng xã hội để đủ sức răn đe, ngăn chặn, đặc biệt, phải có chế tài đặc thù xử phạt đối với những hành vi vi phạm đã bị xử lý nhiều lần.

Về phía TikTok, trước phản ứng của dư luận, nền tảng xã hội này đã cố gắng xây dựng và cập nhật thường xuyên bộ Tiêu chuẩn cộng đồng, để từ đó thực hiện công tác kiểm duyệt nội dung, bảo đảm sức khỏe thể chất và tinh thần cho người sử dụng. Như từ tháng 3/2019, TikTok đã nâng cấp chế độ và dịch vụ dành riêng cho thanh thiếu niên. Người dùng có thể sử dụng ứng dụng để bật chế độ dành cho thanh thiếu niên theo yêu cầu, cho phép họ xem các video đã được sàng lọc để phù hợp với lứa tuổi.

Tuy nhiên, thực tế TikTok đang cho thấy có nhiều lỗ hổng trong cách thức kiểm duyệt nội dung dựa trên “Tiêu chuẩn cộng đồng”, cũng như cách vận hành các chế độ dành cho thanh thiếu niên không thật sự bám sát đối tượng. Chính vì vậy, TikTok cần phải siết chặt hơn trong khâu kiểm duyệt với những nội dung độc hại, nỗ lực tìm ra biện pháp cải thiện công nghệ thuật toán của mình để có khả năng phán đoán tốt hơn cho các nội dung kiểm duyệt, góp phần xây dựng một nền tảng mạng xã hội với những video giải trí sạch và chất lượng.

Và trên hết, người dùng TikTok cần phải cẩn trọng, có ý thức tự bảo vệ mình khi sử dụng mạng xã hội, thông qua việc tự tạo một “bộ lọc” phù hợp cho bản thân. Hiện nay, mạng xã hội TikTok đã có cơ chế ngăn chặn và báo cáo các nội dung phản cảm, vô bổ, thậm chí gây hại cho cộng đồng.

Do đó, để bảo vệ mình, người dùng cần sử dụng hiệu quả các tính năng này. Với những người sáng tạo nội dung trên TikTok cần phải lưu ý xây dựng những nội dung tuân thủ theo pháp luật, phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức và thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Riêng với đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên, gia đình và nhà trường cần phối hợp giáo dục nâng cao nhận thức của các em khi sử dụng mạng xã hội. Ðứng trước “ma trận” những trào lưu trên nền tảng TikTok, nếu không được trang bị những kiến thức cần thiết và các biện pháp sử dụng nền tảng một cách an toàn, đối tượng thanh thiếu niên rất dễ bị đầu độc bởi những nội dung xấu và thậm chí vô tình trở thành nạn nhân của những trào lưu độc hại.

TRẦN ÐỨC ANH (Nhân dân)

Nguồn:

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG