Ngày 17/6, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bà Ngụy Thị Khanh (sinh năm 1976, trú tại số 41 Hồ Tùng Mậu, Nam Từ Liêm, Hà Nội), là giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) 24 tháng tù giam với tội danh trốn thuế theo Điều 200 Bộ luật Hình sự. Những tưởng đó là câu chuyện hết sức bình thường khi Tòa án ở Việt Nam xét xử công dân Việt Nam vi phạm pháp luật Việt Nam về tội danh hình sự hết sức thông thường là “trốn thuế”, không dính dáng gì đến dân chủ, tự do hay nhân quyền gì cả. Vậy nhưng, người ta lại ngạc nhiên vì sao đồng loạt các cơ quan ngoại giao Mỹ, Anh, Canada, các tổ chức nhân quyền, môi trường, truyền thông phương Tây lại rầm rộ xuyên tạc bản án, viên lý do bà ta là người “chống biến đối khí hậu”, rồi gán ghép bản án với sự vu cáo chính quyền Việt Nam đàn áp tổ chức xã hội dân sự, kết án oan “người bảo vệ môi trường”, đàn áp “tự do ngôn luận” và đòi trả tự do “vô điều kiện” cho bà ta. Vì sao có chuyện lạ đời như vậy?
Bình luận về sự can thiệp và lập luận vô lý xuyên tạc bản án này, khá nhiều blogger, facebooker Việt bày tỏ phẫn nộ, xin trích dẫn một số ý kiến như:
1. Lâu nay, việc những người nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực bị bắt, bị phạt về tội trốn thuế không phải là chuyện lạ. Đơn cử như trường hợp năm 2017, một công tố viên tại Tây Ban Nha đã cáo buộc Cristiano Ronaldo 4 tội trốn thuế về tiền bản quyền hình ảnh trong khoảng thời gian gắn bó với Real Madrid từ năm 2011 tới 2014 với tổng số tiền lên tới 14,7 triệu euro; Lionel Messi cũng bị kết án 21 tháng tù treo do 3 lần trốn thuế từ khoản thu nhập 4,1 triệu euro bản quyền hình ảnh từ năm 2007 đến 2009; HLV Jose Mourinho của Manchester United vào đầu tháng 9/2018 cũng dính cáo buộc vì hành vi trốn thuế 3,3 triệu euro; Nữ diễn viên Trái tim mùa thu Song Hye Kyo, minh tinh Võ Tắc Thiên là Lưu Hiểu Khánh hay diễn viên nổi tiếng Phạm Băng Băng của Trung Quốc… cũng dính dáng đến tội danh trốn thuế. Điều đó cho thấy rằng, không phải cứ là người nổi tiếng thì không có hành vi vi phạm pháp luật. Vậy thì liệu một người nổi tiếng như bà Nguỵ Thị Khanh có thể trốn tội khi đang sinh sống tại một Nhà nước pháp quyền hay không!? Câu trả lời là không, và dù bà Khanh có là ai, có nổi tiếng như thế nào thì ra trước pháp luật đều bình đẳng như bao công dân khác.
2. Cần lưu ý rằng, Ngụy Thị Khanh đang bị kết án về tội trốn thuế, là tội danh mà bất cứ nước nào cũng xử lý nghiêm khắc, trong đó có pháp luật Mỹ. Vậy tại sao Bộ Ngoại giao Mỹ lại kêu gọi Việt Nam trả tự do cho bà ta chỉ với lý do bà ta là “người hoạt động vì môi trường”. Không biết bà Khanh hoạt động được gì cho môi trường, nhưng tất nhiên điều đó không có liên quan gì đến tội trốn thuế.
Nếu cho rằng cơ quan pháp luật của Việt Nam kết án về tội trốn thuế oan cho bà Khanh, Hoa Kỳ hay mấy nước, tổ chức quốc tế trên nên đưa ra chứng cứ để chứng minh, thay vì cứ tung ra những thông tin lập lờ nhằm đánh lận bản chất vụ án.
Việc đưa ra một luận cứ chẳng có chút liên quan nào để hướng lái, thêm bớt yếu tố chính trị vào chuyện này là không thể chấp nhận được. Bất chấp thực tế Ngụy Thị Khanh có hành vi trốn thuế, Mỹ cùng các “nhà dân chủ” lại xuyên tạc vấn đề, tô vẽ ra các “thuyết âm mưu”, hướng lái người đọc lầm tưởng cho rằng đây là việc chính quyền cố tình “bắt bớ người vô tội” để “ngăn chặn các tổ chức xã hội dân sự”.
Không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác trên thế giới cũng có những quy định hết sức chặt chẽ liên quan đến thuế. Khi vi phạm, tuỳ theo tính chất, mức độ, hậu quả thì người vi phạm sẽ phải chịu những chế tài tương ứng, từ xử lý hành chính cho đến xử lý hình sự. Liên quan đến lĩnh vực thuế, cơ quan quản lý thuế sẽ có đầy đủ các số liệu liên quan, vì vậy nếu không có hành vi trốn thuế thì chẳng ai có thể làm oan cho người vô tội.
3. Điều dễ thấy ở đây là bà Khanh từ một tội danh mang tính cá nhân, của riêng bà ta bỗng chốc được nâng tầm, gắn với những toan tính chính trị của nhà nước đối với bà. Trong khi họ – những nhà vận động môi trường được nêu tên hoàn toàn không đưa ra được một bằng chứng cụ thể để chứng minh cho điều mình nói.
Nghiêm trọng hơn, mặc dù tội chứng sờ sờ ra đó nhưng các nhà vận động này hoàn toàn bỏ quên cái tội danh khiến bà này bị kết án 24 tháng tù giam mà đi thao thao bất tuyệt nói đến những điều khác.
Trước bà Khanh từng có một nhà dân chủ bị tuyên án cũng với tội danh trốn thuế đó là Lê Quốc Quân. Ở thời điểm đó, vụ án hình sự bình thường này cũng nhanh chóng được chính trị hóa một cách bất chấp. Những người nêu vấn đề đã cố gắng gán ghép vào đó những thuyết âm mưu mà như thể họ chính là người dựng lên và thực hiện đến cùng. Và từ một hành vi phạm tội có tính cá thể, có bằng chứng đàng hoàng, Lê Quốc Quân khi đó được “vinh danh”, được các tổ chức bên ngoài để ý đến. Đương nhiên, với cách PR đã thành bài của đám dân chủ trong nước, đài báo quốc tế cùng hàng loạt các tổ chức nhân quyền nọ kia, tên tuổi của Lê Quốc Quân được nhiều người biết đến. Quân cũng nằm trong danh sách những cái tên được vận động ra nước ngoài sinh sống. Và đến nay, kịch bản một lần nữa lại lặp đến với bà Ngụy Thị Khanh.
…
Các ý kiến tiêu biểu nêu trên cho thấy rõ, dư luận Việt Nam không lạ gì chiêu trò “chính trị hóa” tội phạm hình sự thông thường nhằm có cớ can thiệp, xuyên tạc vô lối việc thực thi pháp luật tại Việt Nam không cần biết đúng sai, logic. Chỉ có thể cắt nghĩa được rằng, bà Ngụy Thị Khanh phải chăng là con cờ công phu được dày công tạo dựng, nay bỗng dưng bị chặt phăng khiến cho các thế lực hậu thuẫn nó không thể kiềm chế được phát ngôn?!?
Nguồn: Loa phường