Thursday, December 12, 2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Công tác thống kê có ý nghĩa vô cùng quan trọng

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Thống kê toàn quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh công tác thống kê phải đảm bảo trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch, qua đó đưa ra dự báo, hoạch định chính sách cho Đảng, Nhà nước. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Nói có sách, mách có chứng', bám sát thực tiễn trong chỉ đạo, điều hành - Ảnh 1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian phân tích, nhấn mạnh vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thống kê và tác động, ảnh hưởng của hoạt động thống kê với kinh tế-xã hội đất nước.

Sáng 17/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thống kê toàn quốc với chủ đề “Tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả”.

Cùng dự hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) tổ chức có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Tham dự hội nghị tại các điểm cầu địa phương có lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bảo đảm thông tin thường xuyên và đột xuất cho công tác quản lý, điều hành

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thông tin thống kê đóng vai trò hết sức quan trọng, là nguồn thông tin chính thống, có tính pháp lý, là cơ sở để đánh giá, phân tích, dự báo tình hình kinh tế-xã hội cả nước và của từng ngành, lĩnh vực, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Với quyết tâm xây dựng một bộ máy thống kê vững mạnh nhằm cung cấp thông tin hiệu quả phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước, phục vụ người dân, hội nghị lần này có một ý nghĩa rất quan trọng, nhằm mục đích tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thống kê tập trung, thống kê bộ, ngành và địa phương thông qua việc đánh giá lại kết quả triển khai thực hiện Luật Thống kê và các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Đồng thời, hội nghị cũng sẽ đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới để năm 2030 thống kê Việt Nam đạt trình độ tiến tiến trong khu vực ASEAN và đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới như mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Nói có sách, mách có chứng', bám sát thực tiễn trong chỉ đạo, điều hành - Ảnh 2.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thông tin thống kê đóng vai trò hết sức quan trọng, là nguồn thông tin chính thống, có tính pháp lý, là cơ sở để đánh giá, phân tích, dự báo tình hình kinh tế-xã hội cả nước và của từng ngành, lĩnh vực.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê và các ý kiến tại hội nghị đánh giá thời gian qua, hệ thống các văn bản pháp luật về thống kê được sửa đổi kịp thời, sát với điều kiện thực tế và được triển khai có hiệu quả. Mô hình tổ chức của Tổng cục Thống kê được kiện toàn, trình độ nhân lực ngày càng được nâng cao đáp ứng nghiệp vụ chuyên môn thống kê.

Nhiệm vụ chuyên môn được thực hiện nghiêm túc, bài bản với quy trình và phân công cụ thể từ hoạt động thu thập, tổng hợp, xử lý đến công bố, lưu trữ thông tin thống kê. Hoạt động thu thập thông tin thống kê được ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong các khâu. Đặc biệt, trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Tổng điều tra kinh tế năm 2021 đã rút ngắn và tiết kiệm một nửa thời gian xử lý và  kinh phí so với các kỳ tổng điều tra trước.

Thống kê Nhà nước đã bảo đảm thông tin thường xuyên và đột xuất cho công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành và chính quyền địa phương thông qua báo cáo tình hình kinh tế-xã hội; các báo cáo chuyên đề; các kịch bản tăng trưởng kinh tế; kịch bản điều hành giá của một số mặt hàng thiết yếu. Số liệu thống kê đã được sử dụng thống nhất trong việc đánh giá, tổng kết và xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở Trung ương và địa phương, trong lập quy hoạch tổng thể quốc gia và từng địa phương…

Bên cạnh đó, hoạt động thống kê cũng còn những hạn chế như chưa có cơ sở dữ liệu tập trung về thống kê,  việc phối hợp, chia sẻ thông tin thống kê giữa hệ thống thống kê của bộ, ngành Trung ương và sở, ngành địa phương với Tổng cục Thống kê còn nhiều hạn chế, nhiều khi chưa kịp thời, đặc biệt vào những thời điểm gấp rút, cần thông tin nhanh, chi tiết.

Công tác phân tích và dự báo được tăng cường nhưng chủ yếu vẫn là mô tả số liệu. Thông tin thu được qua các cuộc điều tra nhiều, nhưng các báo cáo phân tích chuyên đề, chuyên sâu còn hạn chế về số lượng và chất lượng; chủ yếu dừng lại ở việc cung cấp số liệu. Chưa sử dụng nhiều các công cụ, mô hình phân tích trong công tác phân tích và dự báo thống kê. Một số chỉ tiêu thống kê trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia chưa được thu thập, tổng hợp và công bố.

Cùng với đó, phương pháp luận thống kê chưa theo kịp sự đổi mới và nhu cầu thực tế trong quá trình chỉ đạo, điều hành ở các cấp. Cơ sở vật chất cần thiết và kinh phí cho công tác thống kê còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện công việc.

Thời gian tới, Thống kê Việt Nam tập trung hoàn thiện các văn bản pháp luật phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. Cùng với đó, hiện đại hóa hoạt động thu thập, xử lý và quản trị dữ liệu thống kê; tăng cường công tác bảo đảm và phổ biến thông tin thống kê; xây dựng, hoàn thiện, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy trình, mô hình thống kê; hoàn thiện mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường cơ sở vật chất và huy động các nguồn lực tài chính phục vụ công tác thống kê; tăng cường tuyên truyền; kiểm tra, giám sát, thanh tra chuyên ngành thống kê.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Nói có sách, mách có chứng', bám sát thực tiễn trong chỉ đạo, điều hành - Ảnh 3.
Hội nghị Thống kê toàn quốc với chủ đề “Tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả”

Muốn bám sát thực tiễn phải có số liệu thống kê

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian phân tích, nhấn mạnh vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thống kê và tác động, ảnh hưởng của hoạt động thống kê với kinh tế-xã hội đất nước.

Tại Việt Nam, cơ quan thống kê quốc gia được thành lập sớm với bề dày truyền thống hơn 70 năm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Thống kê là tai, là mắt của Đảng và Nhà nước”. Người xưa cũng tổng kết “nói có sách, mách có chứng”. Ngày nay, công tác thống kê với những “con số biết nói” có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong việc hoạch định chính sách.

Thủ tướng nhấn mạnh, công tác lãnh đạo chỉ đạo phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, thực tiễn được thể hiện rất rõ qua các con số thống kê, những thông tin quan trọng được hình thành từ công tác thống kê. Việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng phải dựa trên cơ sở dữ liệu lớn.

Do đó, 3 công việc gồm thống kê số liệu, phân tích, đánh giá số liệu và sử dụng số liệu có mối quan hệ rất chặt chẽ. Trong đó, số liệu thống kê là nền tảng, là trung tâm, phân tích, đánh giá, dự báo là động lực cho thống kê phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững và bao trùm, phục vụ người dân với vai trò là trung tâm, là chủ thể, người dân phải được thụ hưởng những kết quả từ công tác thống kê, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành thống kê, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước trong năm 2021 và thời gian qua.

Theo đó, ngành thống kê đã cơ bản hoàn thành vai trò “là tai, là mắt”, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin thống kê phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các cấp. Ngành cũng đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về thống kê; Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê vào cuối năm 2021. Chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực, năm 2019, Tổng cục Thống kê nhận danh hiệu “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”.

Tổ chức ngành thống kê từ Trung ương đến địa phương được kiện toàn theo hướng chuyên môn hóa. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thống kê được đẩy mạnh; từng bước vững chắc áp dụng các tiêu chuẩn thống kê quốc tế. Thủ tướng nhấn mạnh, phải so sánh với chính mình, với cơ quan, địa phương khác và so sánh với các quốc gia khác thì mới biết mình đang ở chỗ nào, xếp hạng thế nào.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cơ bản đồng tình với những bất cập, hạn chế được nêu trong báo cáo và các ý kiến. Đặc biệt, nhận thức ở các cấp chính quyền, đặc biệt là của người đứng đầu, nhìn chung còn chưa xứng tầm vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thống kê. Đầu tư cho công tác thống kê còn chưa tương xứng. Nhân lực làm công tác thống kê chưa được coi trọng. Sự phối hợp của các cơ quan còn hạn chế. Việc phân tích, đánh giá, sử dụng số liệu thống kê chưa có hiệu quả cao. Cải cách hành chính, chuyển đổi số còn chậm dù đã được chỉ đạo rất quyết liệt.

Từ kinh nghiệm qua nhiều vị trí công tác tại nhiều cơ quan, nhiều cấp khác nhau, Thủ tướng cho biết trong nhiều trường hợp còn thiếu các số liệu, dữ liệu để đưa ra các quyết định, chính sách.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Nói có sách, mách có chứng', bám sát thực tiễn trong chỉ đạo, điều hành - Ảnh 4.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Phòng truyền thống của ngành thống kê.

Làm tốt hơn nữa công tác thống kê, phân tích và sử dụng số liệu

Thủ tướng nêu rõ, năm 2022, dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, chúng ta tiếp tục thực hiện “đa mục tiêu”, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phục hồi nhanh và phát triển bền vững về kinh tế-xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, là bạn, đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra, với phương châm hành động của Chính phủ là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, các cấp, các ngành, các địa phương phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực nhiều hơn nữa, trong đó việc triển khai đẩy mạnh công tác thống kê có ý nghĩa quan trọng.

Đánh giá cao chủ đề “Tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả” của ngành thống kê, Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Theo đó, suy nghĩ phải kỹ, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó. Đối với những vấn đề đã “chín, đã rõ”, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, tiếp tục phát huy; những vấn đề chưa rõ, còn ý kiến khác nhau, chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn đổi mới, làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Về nhiệm vụ, Thủ tướng yêu cầu trước hết, phải nâng cao nhận thức về thống kê, đặc biệt là người đứng đầu ở các cấp chính quyền. Thống kê phải toàn diện, đầy đủ, khách quan, trung thực, chính xác, kịp thời, thường xuyên, liên tục, phải được lưu trữ và công tác thống kê phải hội nhập. Làm tốt hơn nữa công tác phân tích số liệu để đánh giá sát tình hình và sử dụng số liệu, phân tích đó có hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu phải đầu tư hơn nữa cho công tác lãnh đạo chỉ đạo trong lĩnh vực thống kê, người đứng đầu các cấp chính quyền phải trực tiếp chỉ đạo công tác thống kê để có dữ liệu, số liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành, “nói có sách, mách có chứng”.

Thủ tướng yêu cầu tinh giản biên chế phải đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng bộ máy hiệu lực hiệu quả gắn với xây dựng vị trí việc làm. Tiếp tục xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.

Công tác đầu tư phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm; đầu tư hơn nữa cho chuyển đổi số, xây dựng các nền tảng dùng chung; tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng, trình ban hành nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng để thi hành Luật Thống kê sửa đổi, bổ sung; tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các cấp, các ngành; đẩy mạnh hợp tác quốc tế sâu rộng.

Thủ tướng lưu ý phải giảm chi phí hành chính trong công tác thống kê và người dân phải được thụ hưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau nhờ công tác thống kê.

Về các đề xuất, kiến nghị, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan xem xét, xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng sau hội nghị này, sẽ có chuyển biến trong nhận thức và hành động về công tác thống kê.

Tùng Lâm 

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG