Lực lượng Nga tiến vào thành phố Berdyansk ở miền nam Ukraine, bao vây Chernihiv và căn cứ Vasylki gần thủ đô Kiev, khiến quân đội Ukraine thừa nhận đối mặt “ngày khó khăn”.
Lực lượng Nga tiến vào thành phố Berdyansk ở miền nam Ukraine, bắt đầu bao vây Chernihiv và căn cứ không quân Vasylki ở ngoại ô thủ đô Kiev, khi chiến dịch quân sự đặc biệt bước sang ngày thứ năm. Nga có thể đổi chiến thuật sau khi đà tiến quân chậm lại vì vấp phải “kháng cự dữ dội từ quân đội Ukraine”, cũng như đối mặt thách thức về hậu cần.
Đáp lại, EU tuyên bố cung cấp thêm nhiều vũ khí hạng nặng, trong đó có cả tiêm kích, cho Ukraine, đồng thời cấm toàn bộ máy bay Nga vào không phận. Nga lần đầu tiên thừa nhận quân đội nước này hứng chịu thương vong trong chiến dịch quân sự, song không công bố con số chi tiết.
Tình hình xung đột ở Ukraine sau khi Nga tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt đến nay tiếp tục diễn biến phức tạp khi liên tiếp nổ ra các đợt giao tranh dữ dội giữa lực lượng hai bên. Các mũi tấn công của Nga hướng về phía thủ đô Kiev vẫn đang di chuyển, tuy có chậm lại đáng kể do sức kháng cự mạnh mẽ từ phía quân đội Ukraine. Các giải pháp ngoại giao chưa được các bên tham chiến sử dụng, trong khi ngày càng nhiều nước đề nghị làm trung gian hòa giải cho Moscow và Kiev.
Nga tấn công thêm nhiều thành phố Ukraine
Theo ghi nhận của đài CNBC, quân đội Nga ngày 27-2 (giờ địa phương) đã tiến vào Kharkiv – TP lớn thứ hai Ukraine với hơn 1,5 triệu dân ở vùng đông bắc. Cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine – ông Anton Gerashchenko cho biết lực lượng phòng thủ của TP đã đụng độ với quân Nga, phần nhiều là bộ binh được yểm trợ bằng một số thiết giáp và xe tăng. Hiện con số thương vong của hai bên chưa được công bố, song các hình ảnh từ hiện trường do đài BBC thu được cho thấy ít nhất hai xe tăng đã bị bắn cháy.
Quân Nga cũng đã bắn tên lửa trúng đường ống dẫn khí đốt lớn trong TP, gây ra một vụ nổ kinh hoàng với cột khói hình nấm cao khiến người dân trong vùng ban đầu tưởng là nổ bom hạt nhân. Trước đó cùng ngày, cư dân trong vùng đã được khuyến cáo tìm nơi trú ẩn khẩn cấp, đồng thời nên đóng kín cửa sổ và đeo khẩu trang ẩm nếu thấy có mùi lạ đề phòng ảnh hưởng độc hại từ môi trường chiến sự xung quanh.
Song song với đợt tấn công vào Kharkiv, hãng thông tấn TASS dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga – ông Igor Konashenkov tuyên bố các lực lượng Nga cũng đã bao vây hoàn toàn hai TP khác của Ukraine là Berdyansk ở phía đông nam và Kherson ở phía nam, gần biên giới với Nga và bán đảo Crimea trong suốt 24 giờ qua.
Vẫn chưa rõ tình hình bên trong Berdyansk, trong khi ở Kherson, CNN cho biết cây cầu Antonovskiy nối TP với vùng trung tâm Ukraine đang trở thành mục tiêu chính của lực lượng phòng thủ và tấn công bởi Nga cần mở một cửa ngõ mới để số quân từ Crimea có thể đi vào Ukraine an toàn. Phía Nga nhiều lần chiếm được cầu nhưng vẫn bị quân Ukraine đánh bật ra, cả hai bên chịu tổn thất nặng nề. Nguồn tin từ thực địa cho biết thi thể binh sĩ Nga, Ukraine nằm la liệt bên cạnh những chiếc thiết giáp, xe tăng bị bắn cháy và vẫn chưa được thu hồi vì giao tranh nổ ra không ngớt.
Kiev vẫn an toàn
Về phía Kiev, thủ đô của Ukraine tính đến ngày 27-2 vẫn chưa bị chọc thủng như nhiều dự đoán của cả giới quan sát Nga và phương Tây. PV các hãng truyền thông quốc tế tại đây đều mô tả bầu không khí ở trung tâm thủ đô tương đối lạnh và yên tĩnh do một bộ phận lớn cư dân đã di chuyển xuống các khu vực trú ẩn tập trung và các ga tàu điện ngầm. Tâm lý người dân nhìn chung căng thẳng và liên tục nghe ngóng các thông tin về khả năng Nga tiến vào TP. Trên đường phố, nhiều nhóm phòng vệ tự phát mang vũ khí tuần tra bên cạnh các binh sĩ và cảnh sát Ukraine.
Đến nay cũng chưa có thông tin Nga sẽ mở một cuộc pháo kích hoặc không kích quy mô lớn nhằm vào Kiev nhưng các khu vực ngoài rìa thủ đô vẫn ghi nhận bị dính pháo tấn công làm hư hại nhiều khu dân cư và trường học; tuy vậy nhiều khả năng chúng chỉ là các quả đạn lạc từ các khu vực giao tranh khác xung quanh Kiev. Rạng sáng 27-2 (giờ địa phương), chính quyền Kiev bất ngờ bật còi báo động yêu cầu người dân Ukraine di tản khẩn cấp sau khi quân Nga tấn công, gây ra hai vụ nổ lớn khu vực Vasylkil cách thủ đô 30 km – nơi có sân bay quân sự lớn và nhiều khu dự trữ nhiên liệu.
Hãng tin AP dẫn lời một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết hơn một nửa lực lượng chiến đấu của Nga tập trung dọc theo biên giới Ukraine đã tiến vào Ukraine và Moscow được cho là đang gặp khó khăn khi nhu cầu nhiên liệu cho các đơn vị tấn công chủ lực và các đơn vị hỗ trợ khác bên trong Ukraine cao hơn so với tính toán ban đầu. Giao tranh ở vùng ngoại ô Kiev cho thấy các đơn vị nhỏ của Nga đang cố gắng dọn đường cho các lực lượng chính. Nhiều đơn vị nhỏ của quân đội Nga được báo cáo xuất hiện bên trong Kiev nhưng Mỹ và Anh cho biết phần lớn lực lượng Nga vẫn cách trung tâm Kiev khoảng 30 km tính đến cuối ngày 26-2.
Nhiều nước muốn làm trung gian cho Nga, Ukraine
Trong bài phát biểu ngày 27-2, Tổng thống Ukraine – ông Volodymyr Zelensky đã chính thức lên tiếng từ chối đề nghị đàm phán của Nga tại Belarus với lý do chính quyền Minsk đã đứng về phía Moscow trong cuộc tấn công nước của ông, theo hãng tin Reuters. Người đứng đầu Kiev khẳng định Ukraine vẫn muốn đàm phán với Nga về việc chấm dứt chiến tranh nhưng việc đàm phán nên được tổ chức ở các quốc gia không thể hiện sự thù địch đối với Kiev như thủ đô Warsaw của Ba Lan hoặc TP Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.
Lãnh đạo Cộng hòa Chechnya thuộc Nga – ông Ramzan Kadyrov ngày 26-2 tuyên bố đã điều nhiều đặc nhiệm tham gia hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, theo hãng tin Al Jazeera. Ông đồng thời tuyên bố các lực lượng Nga hoàn toàn đánh chiếm các TP lớn của Ukraine bao gồm thủ đô Kiev một cách nhanh chóng nhưng nhiệm vụ của họ là tránh thiệt hại về nhân mạng.
Một ngày trước đó, phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov trong buổi tiếp xúc với báo chí đã khẳng định Ukraine là bên cố tình kéo dài chiến tranh vì đã từ chối đàm phán với Nga.
“Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25-2 đã ra lệnh đình chỉ cuộc tiến công của các lực lượng Nga. Nhưng do Ukraine từ chối đàm phán nên sau đó cuộc tiến công của các lực lượng Nga tiếp tục vào ngày 26-2, phù hợp với kế hoạch của chiến dịch” – ông Peskov nói, đồng thời cho biết Moscow đã thể hiện thiện chí bằng cách chủ động gửi trước một đoàn đàm phán tới TP Gomel của Belarus. Đài CNN cuối ngày 27-2 (giờ VN) đưa tin Ukraine đã đồng ý cử đoàn đàm phán đến Gomel.
Phía Mỹ cũng có phản ứng tiêu cực về lời đề nghị đàm phán của Nga. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định Nga phải cho thấy cam kết theo đuổi con đường ngoại giao bằng cách rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine. “Chúng tôi thấy Nga đang đề nghị ngoại giao ngay từ nòng súng và đây không phải là ngoại giao thật sự” – ông Price nhấn mạnh.
Một số nước cũng đã chủ động đứng ra hoặc được Ukraine đề nghị làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột với Nga. Ông Zelensky trong bài phát biểu ngày 27-2 cho biết Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ – ông Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Azerbaijan – ông Ilham Aliyev đã đánh tiếng đề nghị đứng ra tổ chức các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.
Đại sứ Ukraine tại Israel – ông Yevgen Korniychuk trước đó chia sẻ với CNN rằng Tổng thống Zelensky cũng đã đề nghị Thủ tướng Israel – ông Naftali Bennett chủ trì và làm trung gian. Ông Korniychuk cho biết Jerusalem thích hợp hơn Minsk và khẳng định Ukraine luôn xem Israel là một trong những bên trung gian nổi bật nhất trong cuộc đàm phán với Nga.
Hungary ngày 25-2 cũng cho biết nước này đã ngỏ ý trở thành quốc gia trung gian trong cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Ngoại trưởng Hungary – ông Peter Szijjarto chia sẻ đã điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và trợ lý tổng thống Ukraine – ông Andriy Yermak về vấn đề này. Ông cho biết cả Moscow và Kiev “đều không từ chối đề xuất của Hungary và sẽ xem xét theo tình hình”. Nhiều ý kiến cho rằng Hungary là quốc gia phù hợp nhất ở thời điểm hiện tại để tổ chức hòa đàm Nga – Ukraine bởi nước này dù là thành viên Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng vẫn giữ được quan hệ tốt đẹp với Nga.•
Ukraine ngày 27/2 đã đồng ý bước vào bàn đàm phán với Nga sau 4 ngày chiến sự, tuy nhiên Tổng thống Ukraine cho biết ông không kỳ vọng nhiều vào kết quả của cuộc gặp này.
Thiệt hại Nga, Ukraine tính đến thời điểm hiện tại
Trong cuộc họp báo ngày 27-2, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga – ông Igor Konashenkov cho biết quân đội Nga đã phá hủy tổng cộng 975 mục tiêu của quân đội Ukraine sau ba ngày giao tranh, trong đó đáng chú ý nhất là 23 sở chỉ huy và trung tâm liên lạc; 31 hệ thống tên lửa phòng không S-300, Buk M-1 và Osa cùng 48 trạm radar, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã.
Ông còn liệt kê thêm là Nga phá hủy của Ukraine tám máy bay chiến đấu, bảy trực thăng, 11 máy bay không người lái, hai hệ thống tên lửa chiến thuật Tochka-U, 223 xe tăng và phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 39 bệ phóng tên lửa, 86 khẩu pháo dã chiến và súng cối, 143 ô tô quân sự của Ukraine đã bị bắn trúng.
Về phía Ukraine, hãng tin AFP ngày 27-2 dẫn lời trợ lý tổng thống Ukraine – ông Mykhailo Podolyak khẳng định trong 36 giờ đầu tiên kể từ lúc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24-2, có khoảng 2.800 binh sĩ Nga thiệt mạng và gần 200 người khác bị bắt làm tù binh. Tuy nhiên, không rõ con số thương vong của binh sĩ Ukraine, cũng như số lượng các khí tài quân sự Nga bị tiêu diệt.
Tùng Anh
Theo: Cánh cò