Friday, November 22, 2024

Đã đến lúc chuẩn bị cho sự xuất hiện của biến chủng mới

Ngay cả trước khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố vào ngày 26/11 rằng biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2 là “đáng lo ngại”, hàng loạt nước đã phản ứng.

Trong một vài ngày, Nhật Bản, Morocco và Israel đóng cửa với toàn bộ khách quốc tế. Australia trì hoãn kế hoạch mở cửa trở lại. Hà Lan và Đan Mạch yêu cầu tất cả du khách đến từ các quốc gia miền Nam châu Phi phải cách ly trong vài ngày, và có xét nghiệm âm tính với Covid-19. Slovenia yêu cầu người nhập cảnh phải cách ly trong mười ngày, theo Economist.

Trong khi đó, Mỹ đã cấm đi lại từ 8 quốc gia miền Nam châu Phi. Từ ngày 6/12, nước này bắt đầu yêu cầu du khách quốc tế phải xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 24 giờ trước khi khởi hành. Chính quyền cũng đã gia hạn yêu cầu về khẩu trang thêm hai tháng, tức đến tháng 3/2022.

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky, biến chủng Omicron đã được báo cáo ở hơn 50 quốc gia.

Dù các quan chức và chuyên gia y tế lo ngại về khả năng lây truyền của biến chủng Omicron, họ cũng đồng ý rằng còn quá sớm để biết được biến chủng này nguy hiểm như thế nào để đưa ra phản ứng phù hợp nhất.

“Tuy nhiên, ngay cả khi biến chủng này không gây ra tỷ lệ tử vong cao, nếu nó lây lan mạnh và tràn vào các bệnh viện như virus cúm, thì đó là một rắc rối”, Arthur L. Caplan, giáo sư Đạo đức Sinh học tại Trung tâm Y tế Langone thuộc Đại học New York, cảnh báo.

Cho đến nay, đã có một số tranh cãi cho rằng Mỹ phát hiện biến chủng Omicron muộn hơn nhiều nước châu Âu vì nước này kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn, trong các ý kiến khác đổ lỗi cho sự thiếu sót trong hệ thống giải mã trình tự bộ gene.

Tiến sĩ William Schaffner, Giám đốc y khoa của Quỹ Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm (NFID) của Mỹ, cho rằng khó có thể xác định đúng sai. Tuy nhiên, ông nêu ra một số yếu tố mà Mỹ, cũng như các nước khác, cần lưu ý để chuẩn bị cho kịch bản biến chủng mới xuất hiện trong tương lai, cũng như ngụ ý rằng Mỹ cần làm tốt hơn trong việc giải mã trình tự bộ gene.

“Có hai yếu tố cần được đánh giá trong phản ứng với một biến chủng mới là khả năng phát hiện và khả năng giảm thiểu sự lây lan”, vị chuyên gia nói.

“Cần cải thiện khả năng giải mã trình tự bộ gene”

Về phản ứng của Mỹ đối với biến chủng Omicron, giáo sư Caplan cho rằng cho đến hiện tại thì Mỹ vẫn đang làm tốt trong việc xác định biến chủng này cũng như thúc đẩy mạnh hơn việc tiêm chủng.

Nhiều bang ở Mỹ đang tăng cường các biện pháp khuyến khích người dân tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: New York Times.

Tiến sĩ Schaffner bày tỏ cùng quan điểm, nhưng lưu ý: “Mỹ có năng lực phát hiện đủ tốt, nhưng chưa phải là tối ưu. Khả năng giải mã trình tự bộ gene của virus để xác định vị trí và sự lây lan của Omicron cần được cải thiện”.

“Hầu hết sẽ hài lòng nếu Mỹ có thể giải mã trình tự bộ gene rộng rãi hơn, và năng lực đó của Mỹ rõ ràng đang tăng lên”, ông nói thêm.

Về mặt giảm thiểu khả năng lây lan của virus, “vaccine tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng và Mỹ vẫn đang thúc đẩy mạnh mẽ việc tiêm phòng Covid-19”, theo tiến sĩ.

Tính đến ngày 8/12, Mỹ đã tiêm chủng cho 237,1 triệu người, tương đương với 71% dân số. Trong số đó, 200,4 triệu người (khoảng 60% dân số) đã nhận đủ hai mũi vaccine. Bên cạnh đó, khoảng 48,9 triệu người đã được tiêm liều thứ ba.

Vermont, Rhode Island, Maine, Connecticut và Massachusetts đang là các bang có tỷ lệ tiêm đủ hai mũi vaccine đạt trên 71% dân số, theo New York Times.

Trong khi đó, các địa phương khác cũng đang tích cực đẩy mạnh chương trình tiêm chủng, cũng như tăng cường các biện pháp hạn chế đối với người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ hai mũi vaccine.

Từ ngày 27/12, toàn bộ người làm việc trong lĩnh vực tư nhân tại thành phố New York bắt buộc tiêm vaccine ngừa Covid-19. Quy định này đã được áp dụng đối với những người làm việc trong lĩnh vực công từ trước đó.

Trong khi đó, thành phố Baltimore, bang Maryland hôm 8/12 tuyên bố thưởng 1.000 USD cho những người làm việc trong lĩnh vực công tiêm đủ hai mũi vaccine trước ngày 14/1/2022, theo US News.

Giải mã trình tự gene và vaccine là công cụ cơ bản

Các chuyên đồng ý rằng sự xuất hiện của biến chủng Omicron ở châu Phi, kết hợp với những thách thức về tiêm chủng cho toàn cầu cũng đã để lộ nguy cơ về một biến chủng mới có thể nguy hiểm hơn và lây truyền dễ dàng hơn.

“Đó là một kịch bản rất nguy hiểm. Nếu chủng virus này dễ dàng gây tử vong, nhiều người sẽ chết cho đến khi tìm ra vaccine hoặc liệu pháp kháng virus mới”, giáo sư Caplan lo ngại.

Phân loại các mẫu xét nghiệm Covid-19 để giải mã trình tự bộ gene tại Đại học Duke. Ảnh: New York Times.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Schaffner tin rằng việc giám sát quá trình giải mã trình tự gene liên tục là công cụ cơ bản nhất để chuẩn bị cho kịch bản như vậy.

“Khi một biến chủng mới xuất hiện, chúng ta phải chuẩn bị để đánh giá khả năng lây truyền của nó, liệu nó có thể gây ra bệnh nặng hay không, và các loại vaccine hiện tại cung cấp khả năng bảo vệ chống lại nó ở mức độ nào”.

“Có khả năng một biến chủng kháng lại các loại vaccine hiện hành sẽ xuất hiện. Giám sát toàn diện bộ gene, cũng như nhanh chóng cải thiện hoặc tạo ra vaccine mới là cần thiết để phát hiện sớm các biến chủng như vậy và đối phó với chúng”.

Dẫu vậy, tiến sĩ Schaffner cho rằng khó mà đưa ra lời khuyên chính xác cho các nước trong việc phản ứng với biến chủng virus mới, đặc biệt là khi vẫn chưa có nhiều thông tin và dữ liệu về nó. Tuy nhiên, ông cho rằng các nước vẫn nên có một số phản ứng và hạn chế theo những mức độ khác nhau tùy vào ưu tiên và quan điểm của từng quốc gia.

Trong khi đó, giáo sư Caplan tin rằng các nước không nên quá vội vã thay đổi chiến lược mở cửa của họ mà nên chờ thêm thông tin, vì việc ngăn chặn virus xâm nhập gần như là điều không thể.

“Đằng nào thì virus cũng đã ở đây rồi, vì vậy cố gắng tìm cách ngăn chặn chúng xâm nhập cũng không ích gì”, ông nói.

“Thách thức về mặt đạo đức”

Việc biến chủng Omicron ở châu Phi – nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp – đã gây ra không ít tranh cãi cho rằng đây là kết quả của việc các nước giàu không chia sẻ đủ vaccine với các quốc gia đang phát triển.

“Nhiều khu vực rộng lớn trên thế giới có tỷ lệ tiêm vaccine thấp đến mức không thể chấp nhận được”, theo Andrea Taylor, trợ lý giám đốc tại Viện Y tế Toàn cầu Duke.

Một người phụ nữ nhận liều vaccine Pfizer/BioNTech thứ hai ở Katlehong, phía đông Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: AP.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chưa đầy 8% người dân ở các nước thu nhập thấp nhận được liều vaccine đầu tiên. Trong khi đó, 63,9% người dân ở các nước có thu nhập cao đã được tiêm ít nhất một mũi. Một số nước, như Anh, thậm chí đã đặt hàng thêm hàng trăm triệu liều vaccine để tiến hành tiêm tăng cường cho người dân trong năm 2022 và 2023.

Điều này một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược tiêm chủng cho các quốc gia nghèo hơn để ngăn chặn sự xuất hiện của bất kỳ biến chủng tiềm năng nào có khả năng kéo dài đại dịch.

“Kế hoạch tốt nhất là tiêm chủng cho dân số thế giới một cách nhanh chóng và toàn diện”, tiến sĩ Schaffner khẳng định.

“Các quốc gia trên thế giới vẫn chưa phát triển một kế hoạch thành công để chia sẻ vaccine thiết yếu với các nước đang phát triển. Đây vẫn là một thách thức về mặt đạo đức”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Khai Tâm

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG