Friday, November 22, 2024

Sợ bị kỷ luật, khiển trách đã thành “căn bệnh” của cán bộ, công chức

Thời gian qua, nỗi lo sợ bị kỷ luật, sợ bị xử lý bằng pháp luật đã trở thành “căn bệnh” phổ biến trong cán bộ, công chức.

Nỗi sợ trách nhiệm biểu hiện trong công tác phòng, chống dịch

Chiều 9/11, phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội, ĐBQH Hoàng Anh Công cho biết: Tôi xi tham gia việc phòng chống dịch bệnh nhưng là một dịch bệnh khác đã xuất hiện từ lâu, hiện vẫn đang âm thầm lây lan trong đội ngũ cán bộ các cấp, len lỏi trong mỗi người chúng ta và đang trở thành nguy cơ cho sự phát triển của đất nước, đó là căn bệnh sợ trách nhiệm.

Vì nguyên nhân gì mà cán bộ lãnh đạo đứng đầu lại sợ trách nhiệm? - Ảnh 1.
ĐBQH Hoàng Anh Công nêu vấn đề: Vì nguyên nhân gì mà cán bộ lãnh đạo đứng đầu lại sợ trách nhiệm?. Ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội

Vì nguyên nhân gì mà cán bộ, kể cả cán bộ giữ cương vị lãnh đạo đứng đầu lại sợ trách nhiệm?

Có những người khi thực hiện nhiệm vụ đúng căn cứ, đúng quy định pháp luật nhưng khi thực hiện thì lại luôn sợ và không quyết định những vấn đề chỉ vì mục đích an toàn cho mình.

Nỗi lo bị sợ kỷ luật, sợ xử lý bằng pháp luật vào một thời khắc nào đó đã trở thành một nỗi sợ phổ biến trong cán bộ, công chức. Nhất là trong đợt phòng dịch Covid-19 vừa qua, tình trạng nhiều địa phương có tâm lý ngại mua sắm thiết bị máy móc, thiết bị, vật tư y tế do sợ bị xử lý kỷ luật, sợ bị xử lý hành chính, hình sự. Nỗi sợ trách nhiệm này còn biểu hiện trong công tác phòng, chống dịch, điều hành, phòng, kiểm dịch tại nhiều địa phương.

Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 nhưng các địa phương vẫn áp dụng những biện pháp “ngăn sông cấm chợ”, áp dụng những biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, hạn chế giao thông, giao lưu hàng hóa, nhằm tránh phát sinh F0, vì sợ rằng nếu để dịch bùng phát sẽ bị ảnh hưởng đến công tác và có thể bị phê bình kỷ luật.

Hay như trong lĩnh vực đầu tư công cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi căn bệnh này. Đa số các công trình trọng điểm đều bị chậm tiến độ, đội vốn, tốc độ giải ngân tại các địa phương, các bộ, ngành đa số đều đạt tỷ lệ rất thấp, mặc dù Chính phủ đã phải áp dụng nhiều biện pháp để khắc phục vấn đề này. Theo báo cáo của Chính phủ trong năm 2021 có tới 36/50 bộ cơ quan trung ương, 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40%, trong đó có 20 bộ, ngành và 2 địa phương đạt dưới 20%.

Có thể thấy căn bệnh này xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, nguyên nhân khách quan và chủ quan. Theo tôi, một trong những nguyên nhân chính đó là sự chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập trong các quy định của pháp luật đã đẩy cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ vào tâm trạng lo lắng, né tránh, sợ không dám quyết định.

Theo tài liệu tại Tờ trình số 423 của Chính phủ về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2026 thì qua rà soát kiến nghị tại 36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy các quy định của pháp luật hiện hành chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tế, gây vướng mắc, khó khăn cho đầu tư sản xuất, kinh doanh có liên quan tới 79 luật, 3 nghị quyết của Quốc hội, 188 nghị định của Chính phủ, 20 quyết định của Thủ tướng, 153 thông tư của bộ, ngành. Đây là số liệu rất lớn.

Vì nguyên nhân gì mà cán bộ lãnh đạo đứng đầu lại sợ trách nhiệm? - Ảnh 3.
Quốc hội dành 2 ngày thảo luận về kinh tế -xã hội, ngân sách nhà nước và công tác phòng, chống dịch. Ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội

Cần luật hóa chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung

Hệ quả của sự bất cập nêu trên dẫn đến tình trạng hạn chế năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ, công chức, chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám vì lợi ích chung, cản trở sự phát triển chung của địa phương, cơ quan, đơn vị và sự phát triển chung của đất nước. Tác động tiêu cực của hiện tượng này, đó là có một bộ phận không nhỏ cán bộ không năng động, sáng tạo, không vì lợi ích chung, dĩ hòa vi quý, thấy đúng không dám làm, thấy sai không dám đấu tranh, có biểu hiện vô cảm với nhân dân. Người năng động, sáng tạo, trung thực thấy đúng thì dám làm, thấy sai dám đấu tranh vì lợi ích chung, đôi khi lại bị xử lý trách nhiệm, không được bảo vệ.

Để kịp thời sửa chữa, khắc phục những hạn chế nêu trên, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Trong đó có đề cập khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại, nếu thực hiện đúng chủ trương có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn giảm trách nhiệm.

Tinh thần này cũng được khẳng định tại Quy định số 22 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng. Tại khoản 3 Điều 2 về nguyên tắc trong kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng có quy định công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đột phá vì lợi ích chung. Đây là một chủ trương mới, có hướng tới khuyến khích sự sáng tạo, năng động của cán bộ, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Tuy nhiên, để kịp thời đưa chủ trương đúng đắn của Đảng vào cuộc sống thì cần phải sớm thể chế hóa các chủ trương này vào pháp luật, nếu không sớm thể chế hóa quy định này về mặt pháp lý sẽ đi đến việc xử lý tùy tiện. Luật hóa quy định cụ thể, quy định này sẽ không cho phép bất cứ ai được đưa ý kiến chủ quan và làm thay đổi sự thật, sự công bằng của pháp lý. Nếu không luật hóa thì sẽ không bảo vệ được người dám nghĩ, dám làm mà có thể dẫn đến bị trù dập, bị oan sai. Nếu không sớm luật hóa sẽ vô tình mở thêm thị trường cho tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực thanh tra, điều tra, xét xử, kiểm sát…

Đình Toàn

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG