Saturday, November 23, 2024

WHO: ‘Việt Nam cần huy động tổng lực để hệ thống y tế không quá tải’

Tiến sĩ Kidong Park, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đánh giá dịch tại Việt Nam đang ở “giai đoạn rất nghiêm trọng”, cần huy động nhân lực, vật lực nhằm đảm bảo hệ thống y tế không quá tải.

Ngày 24/7, ông Kidong Park đánh giá số ca nhiễm đang gia tăng ở nhiều nơi trên cả nước, cho thấy “dịch bệnh đang ở giai đoạn rất nghiêm trọng”.

Từ ngày 27/4 đến sáng 24/7, tổng số ca nhiễm tại Việt Nam là hơn 83.000. Dịch xuất hiện ở 62 tỉnh thành, chỉ còn Cao Bằng là chưa ghi nhận ca nhiễm trong đợt dịch này. 5 tỉnh thành ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất là TP HCM 52.544, Bình Dương 6.499, Bắc Giang 5.735, Long An 3.856, Đồng Nai 1.864.

Bộ Y tế hôm 14/7 thay đổi phác đồ điều trị Covid-19, theo hướng tập hợp mọi nguồn lực để điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, giảm thiểu tỷ lệ tử vong. Thời gian điều trị Covid-19 được rút ngắn đối với các F0 không triệu chứng, cách ly F0, F1 tại nhà.

“Giai đoạn dịch hiện nay, nhằm đảm bảo hệ thống y tế không quá tải, Việt Nam cần thận trọng lập kế hoạch, huy động đủ nhân lực, vật lực và tài chính tùy theo bối cảnh của từng địa phương”, ông Park khuyến nghị.

Bài học chung thế giới rút ra từ đại dịch thời gian qua là mỗi quốc gia cần có một hệ thống y tế mạnh, nguồn lực bền vững để xử lý các thách thức từ công tác chống dịch, bao gồm khả năng giảm thiểu ca tử vong, điều trị người bệnh và chăm sóc người đang cách ly, theo ông Park.

Các chuyên gia cho rằng, theo kinh nghiệm điều trị, bệnh Covid chia thành nhiều giai đoạn tiến triển, cần có phác đồ điều trị phù hợp với từng giai đoạn. Phần lớn người bệnh có triệu chứng nhẹ hoặc trung bình; rất nhiều người thậm chí không có biểu hiện gì. Tỷ lệ nhỏ bệnh nhân phát triển thành bệnh nặng, cần nhập viện và có thể cần phải thở oxy, thở máy.

Trong đó, oxy là một trong những nguồn cứu sinh cần thiết đối với bệnh nhân Covid-19 bị khó thở hoặc viêm phổi. “Điều đáng mừng là Việt Nam đang chuẩn bị cho kịch bản cần cung cấp nhiều oxy hơn”, ông Park nói.

WHO: ‘Việt Nam cần huy động tổng lực để hệ thống y tế không quá tải’
Tiến sĩ Kidong Park, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: WHO cung cấp

Về chiến lược chống dịch hiện nay của Việt Nam, tiến sĩ Park cho rằng các biện pháp xã hội và y tế công cộng toàn diện, cộng với việc tiêm chủng cho các nhóm dân cư dễ tổn thương, rất quan trọng để ngăn chặn virus lây lan, làm giảm tỷ lệ tử vong. Thực hiện kết hợp các biện pháp mạnh mẽ, xác định nhanh những ca dương tính, cách ly và kiểm dịch là chìa khóa quản lý các ổ dịch.

Các biện pháp giãn cách xã hội cần được áp dụng dựa trên đánh giá nguy cơ và tình hình thực tế ở địa phương, xem xét tác động đối với nền kinh tế, phúc lợi chung của xã hội và của mỗi cá nhân.

Mọi người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cần thiết, ở cấp độ cá nhân và cộng đồng, ví dụ như thông điệp 5K.

Vaccine là chìa khóa để kiểm soát đại dịch. Nhân viên y tế và lao động tuyến đầu, người già, người dễ tổn thương, cần được ưu tiên tiêm vaccine, bảo vệ họ khỏi triệu chứng nặng và nguy cơ tử vong.

“Cơ chế Covax đang nghiêm túc xem xét Việt Nam là một trong những quốc gia cần được phân bổ nhiều vaccine Covid-19 hơn”, ông Park cho biết.

Tính đến ngày 23/7, Covax đã chuyển hơn 138 triệu liều vaccine Covid-19 đến 136 quốc gia và nền kinh tế. Việt Nam nhận được 4.493.240 liều từ Covax. Dự kiến thêm 3 triệu liều về Việt Nam vào cuối tuần này, từ lượng vaccine do Chính phủ Mỹ tài trợ thông qua Covax.

Minh Trà

Theo: Cánh cò

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG