Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu, đến ngày 30/7, các địa phương hoàn thành dứt điểm giải phóng mặt bằng để bàn giao cho các nhà thầu, đơn vị thi công dự án cao tốc.
Ngày 30/6, phát biểu tại hội nghị trực tuyến về tình hình triển khai các dự án trên tuyến cao tốc Bắc Nam, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh “tinh thần là không được để chậm tiến độ”, nhất là đối với các hợp đồng đã ký.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, đến nay các Ban quản lý dự án đã triển khai, thực hiện đầy đủ thủ tục để lựa chọn xong nhà thầu, nhà đầu tư đối với toàn bộ 11 đoạn tuyến cao tốc Bắc Nam với tổng chiều dài 654 km (gồm 8 đoạn tuyến đầu tư công và 3 đoạn tuyến thực hiện theo hình thức BOT).
Đối với 7 đoạn tuyến đang triển khai thi công, khối lượng thực hiện hoàn thành đạt 16,6% tính theo giá trị hợp đồng.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nói cao tốc Bắc Nam là dự án trọng điểm quốc gia, “hoàn thành sớm ngày nào tốt ngày đó cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh Covid-19”. Ông cam kết coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành giao thông hiện nay, sẽ tập trung toàn lực chỉ đạo quyết liệt. Với các cơ quan thuộc Bộ, các ban quản lý dự án, nếu để chậm tiến độ thì sẽ xử lý ngay. “Vừa qua Bộ đã xử lý một giám đốc ban quản lý dự án”, ông Thể nói.
Theo Bộ trưởng, còn 2,2% chiều dài tuyến chưa bàn giao mặt bằng, đây là phần rất khó khăn, nếu các địa phương không tập trung giải quyết cụ thể từng vụ việc thì sẽ không xong.
Tại cuộc họp, các nhà thầu chủ yếu phản ánh hai nhóm vướng mắc về giải phóng mặt bằng và vật liệu xây dựng (nguồn cung, giá cả).
Nhu cầu về vật liệu đất đắp nền đường tại 10/11 dự án thành phần (trừ đoạn Cao Bồ – Mai Sơn đã hoàn thành đắp nền đường) khoảng 53,2 triệu m3, các mỏ đã cấp phép khai thác hiện nay (79 mỏ) mới đáp ứng được 57,2% nhu cầu. Khối lượng đất đắp còn thiếu nằm tại 116 mỏ chưa được cấp phép khai thác.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị, trước sự biến động nhanh của giá vật liệu, các địa phương cần công bố kịp thời giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo tháng, phù hợp giá cả thực tế thị trường nơi xây dựng công trình làm cơ sở cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện việc điều chỉnh giá hợp đồng khi đủ điều kiện theo quy định.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, đang có một “nghịch lý” là nguồn vốn có, công trình mang tầm quốc gia, được nhân dân mong chờ nhưng tiến độ lại chậm. Chính phủ rất quan tâm đến dự án, nên đã ban hành Nghị quyết 60 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho các tuyến cao tốc, do vậy cần làm rõ trách nhiệm chậm trễ là do đâu.
Ông đốc thúc Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì lập 5 đoàn kiểm tra công tác quản lý, cấp phép mỏ vật liệu phục vụ dự án, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc cũng như xử lý ngay các vi phạm; nếu không xử lý sớm, sẽ không có vật tư cho các công trình
Theo Phó thủ tướng nói nhìn tổng thể, việc triển khai dự án tuyến cao tốc Bắc Nam đang rất thuận lợi. Thứ nhất, kinh phí ngân sách đã bố trí, cân đối đủ. Thứ hai, hồ sơ thiết kế xây dựng, triển khai các thủ tục đầu tư…, đã cơ bản hoàn thiện. Thứ ba, giải phóng mặt bằng cho 654 km cao tốc này cơ bản xong (hiện đã giải phóng mặt bằng với tổng diện tích là 4.824 ha trong tổng số 4.927 ha cần giải tỏa, đạt 97,9%).
Đối với một số khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cả vật liệu xây dựng tăng; bất cập trong cấp phép, khai thác các mỏ cung cấp vật liệu xây dựng…, Phó thủ tướng cho rằng đều “trong tầm tay các bộ, ngành, địa phương có thể giải quyết được”.
Ông yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết số 60; rà soát việc cấp phép và khai thác mỏ vật liệu trên địa bàn, yêu cầu xử lý thật nghiêm minh nếu phát hiện sai phạm, trục lợi, găm hàng, ép giá.
“Đề nghị lãnh đạo các tỉnh cho rà soát và bằng giờ này tháng sau báo cáo lại”, Phó thủ tướng nói và cho rằng các địa phương có mỏ mà để công trình trọng điểm quốc gia thiếu vật liệu xây dựng thì không thể chấp nhận được.
Cùng ngày, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã kiểm tra thực địa đoạn cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn (Ninh Bình) và Mai Sơn – Quốc lộ 45 (Thanh Hóa). Đây là hai trong số 11 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc Nam, đi qua địa bàn 13 tỉnh, thành.
Hiện nay trên cả nước đang triển khai 17 đoạn tuyến cao tốc với tổng chiều dài 916 km, trong đó 11 đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam có chiều dài 654 km. Khi hoàn thành, hệ thống đường cao tốc của Việt Nam sẽ có chiều dài trên 2.000 km, góp phần kết nối đồng bộ các vùng miền, các trung tâm kinh tế lớn, tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội từng địa phương, mỗi vùng và cả nước.
Ngọc Anh
Theo: Cánh cò