Nhóm chuyên gia Australia và Mỹ phát triển một liệu pháp kháng virus giúp tiêu diệt 99,9% lượng nCoV trong chuột nhiễm bệnh, mở đường điều trị Covid-19 hiệu quả.
Các nhà khoa học từ Viện Y tế Menzies tại bang Queensland, Australia, và viện nghiên cứu City of Hope của Mỹ bắt đầu hợp tác nghiên cứu liệu pháp này từ tháng 4/2020.
Nigel McMillan, giáo sư tại Đại học Griffith của Australia và là trưởng nhóm nghiên cứu, gọi liệu pháp mà họ hướng đến là “nhiệm vụ tìm và diệt”, tức là tấn công trực tiếp vào nCoV, truyền thông Australia hôm qua đưa tin.
Các nhà khoa học sử dụng phương pháp virus “thế hệ tiếp theo”, với công nghệ bất hoạt gene RNA, để tấn công trực tiếp vào bộ gene của virus, từ đó ngăn chúng lây lan. “Nó phá hủy bộ gene và khiến virus không thể phát triển được nữa”, McMillan cho biết, nói thêm rằng đây là lần đầu tiên họ phát triển thành công các hạt nano và truyền vào cơ thể qua đường máu, để chúng tấn công virus.
“Chúng tìm và diệt virus giống như tên lửa tầm nhiệt”, McMillan nói.
“Các hạt nano di chuyển đến phổi và sẽ xâm nhập thực sự vào toàn bộ tế bào phổi, nhưng chỉ tiêu diệt virus bên trong các tế bào. Những tế bào bình thường hoàn toàn không bị tổn hại với liệu pháp này”, giáo sư giải thích.
“Mặc dù không phải phương pháp chữa bệnh, liệu pháp này có thể giúp giảm tới 99,9% lượng virus trong phổi. Do đó, nó có hiệu quả gần như một cách điều trị và thực sự dành cho những người đang phải chịu đựng trong phòng chăm sóc tích cực (ICU), khi vaccine đã là quá muộn”, McMillan nói.
Giáo sư này còn dẫn lời cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci rằng kể cả khi đã có vaccine Covid-19, vẫn thiếu những phương pháp điều trị trực tiếp giúp chống lại virus. “Đây thực sự là một trong những liệu pháp đầu tiên liên quan đến điều trị trực tiếp, nên chúng tôi vô cùng vui mừng”, ông cho hay.
Theo liệu pháp này, bệnh nhân Covid-19 trong phòng ICU sẽ được tiêm một mũi mỗi ngày, trong vòng 4 hoặc 5 ngày, hoặc một mũi tiêm duy nhất cho người mới nhiễm nCoV. McMillan cho biết liệu pháp có thể được ra mắt sớm nhất vào năm 2023, tùy thuộc vào kết quả giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
“Hãy nhớ rằng virus này sẽ không biến mất. Chúng ta sẽ phải chung sống với nó mãi mãi”, giáo sư nói thêm.
Ánh Ngọc
Theo: Cánh cò