Vaccine giúp nền kinh tế và cuộc sống quay trở lại nhưng đồng thời tạo nên quan ngại về đạo đức và phân biệt đối xử giữa người với người.
Điểm nóng tiếp theo trong một thế giới hậu Covid-19 đã xuất hiện. Đó là cuộc tranh cãi về sự phân biệt đối xử ở Anh, các cuộc biểu tình ở Đan Mạch, thông tin sai lệch trên không gian mạng ở Mỹ, và xung đột địa chính trị trong Liên minh châu Âu, bài báo của New York Times miêu tả.
Tất cả tranh cãi xoay quanh một thứ giấy tờ mới: “Hộ chiếu vaccine” – một loại thẻ hoặc huy hiệu do chính phủ cấp, chứng minh rằng chủ nhân của nó đã được tiêm phòng virus corona.
Ý tưởng này cho phép các gia đình đoàn tụ, khởi động lại nền kinh tế, và giúp hàng trăm triệu người đã được tiêm vaccine trở lại cuộc sống bình thường. Một số phiên bản của các tấm thẻ này có thể cho phép chủ nhân của chúng đi du lịch quốc tế. Những người đã tiêm chủng cũng sẽ được phép sử dụng các không gian như phòng tập thể dục, địa điểm hòa nhạc và nhà hàng.
Nhưng cũng những tấm thẻ như vậy đang có nguy cơ phân chia nhân loại thành hai nửa, và nới rộng hố sâu ngăn cách giàu – nghèo.
“Khó tránh khỏi”
Vào cuối tháng 2, Israel đã trở thành quốc gia đầu tiên triển khai hộ loại “hộ chiếu” này, tận dụng tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Một số quốc gia châu Âu đang xem xét khả năng tạo các giấy tờ tương tự.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu các cơ quan liên bang nghiên cứu các lựa chọn. Một số hãng hàng không, ngành công nghiệp và điểm đến phụ thuộc vào du lịch dự kiến sẽ yêu cầu có các loại “hộ chiếu” này.
Việc phân chia thế giới giữa những người đã được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng đặt ra những câu hỏi sâu sắc về mặt chính trị và đạo đức. Vaccine hiện tràn ngập tại các quốc gia giàu có và các nhóm chủng tộc đặc quyền.
Người đã tiêm chủng – vốn tập trung nhiều hơn ở những nhóm có đặc quyền – lại nhận được đặc quyền so với những người không được tiêm chủng. Việc này sẽ nới rộng bất công trong xã hội.
Các đặc quyền dành cho người đã tiêm chủng sẽ dồn về những khu vực nhân khẩu học với tỷ lệ tiêm chủng cao hơn. Ở các nước phương Tây, những cộng đồng này có xu hướng là người da trắng và khá giả.
Hình ảnh tưởng tượng trong bài viết của New York Times là những người da trắng trung lưu thoải mái ra vào các cửa hàng, sân bóng chày, và nhà hàng, trong khi người da màu và tầng lớp lao động bị loại ra.
Nicole Hassoun và Anders Herlitz, những người nghiên cứu về đạo đức sức khỏe cộng đồng, viết trên Scientific American: “’Hộ chiếu miễn dịch’ hứa hẹn sẽ mang cuộc sống xã hội và kinh tế quay trở lại bình thường. Nhưng các loại vaccine được phân phối không đồng đều theo chủng tộc, giai cấp và quốc tịch tạo nên sự rào cản về mặt đạo đức”.
Tuy nhiên, “hộ chiếu vaccine” vẫn có những mặt tích cực rõ ràng: ông bà đoàn tụ với những đứa cháu ngoại tỉnh; thể thao, buổi hòa nhạc và các sự kiện khác có thể trở lại một cách an toàn; du lịch quốc tế được nối lại; các doanh nghiệp mở cửa trở lại mà không gây rủi ro quá mức cho người lao động.
Theo tiến sĩ Hassoun và Herlitz, tất cả những điều trên chỉ dấu rằng giấy chứng nhận đã tiêm vaccine là thứ “khó mà tránh khỏi”.
Bà Nicole A. Errett, chuyên gia sức khỏe cộng đồng tại Đại học Washington, nhận định: “Nếu vaccine trở thành giấy thông hành… những cộng đồng vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 bị bỏ lại phía sau”.
Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, các chính sách phát hành “hộ chiếu vaccine” sẽ giúp kiểm soát đại dịch nói chung. Điều này giúp giảm thiểu các bệnh lây nhiễm và gián đoạn kinh tế chủ yếu rơi vào các nhóm yếu thế.
Tiến sĩ Errett nói, cách duy nhất để gỡ rối tình thế tiến thoái lưỡng nan đó là “giải quyết sự bất bình đẳng”, thu hẹp sự chênh lệch về chủng tộc và giai cấp.
Tiêu chuẩn quốc tế cho “hộ chiếu vaccine”?
Một số quốc gia yêu cầu giấy tờ chứng minh về việc đã chích ngừa mới cho phép nhập cảnh. Các trường học và cơ sở giữ trẻ ban ngày ở nhiều bang của Mỹ cũng vậy.
Tuy nhiên, trước khi giới hạn các dịch vụ – chỉ cho những người có “hộ chiếu vaccine” tiếp cận, các chính phủ buộc phải triển khai vaccine hiệu quả. Ngoài ra, nếu nơi làm việc yêu cầu giấy chứng nhận đã tiêm vaccine, điều này cũng có thể làm giảm việc làm.
Ở góc độ quốc tế, sự bất bình đẳng giữa các quốc gia chủ yếu liên quan tới việc đi lại.
Các loại vaccine Covid-19 đã được phê duyệt thường được phân phối giữa các quốc gia đủ giàu để mua hoặc sản xuất chúng. Những người nghèo nhất thế giới có thể phải đợi hai hoặc ba năm nữa, mặc dù những người thuộc nhóm này cũng có ít có khả năng đi qua biên giới hơn.
Tuy nhiên, có hàng tỷ người ở nhóm trung lưu, họ cũng cần di chuyển và có nhu cầu cần thiết cho cuộc sống, nhưng không có khả năng tiếp cận vaccine.
“Nếu chúng ta chỉ mở cửa cho những người từ các nước có thu nhập cao, chúng ta đang tạo ra rất nhiều sự bất bình đẳng. Chúng ta đang cắt đứt mọi người khỏi các nguồn lực và các kết nối giúp nền kinh tế và cộng đồng phát triển”, bà Errett chia sẻ.
Một số chuyên gia đang thúc giục các chính phủ chờ đợi các tiêu chuẩn quốc tế đối với “hộ chiếu vaccine” trước khi mở cửa du lịch. Theo họ, các tiêu chuẩn không thống nhất có thể làm mất an toàn trong xã hội hoặc kéo theo trò chơi địa chính trị giữa các nước.
“Một thách thức kể từ khi đại dịch bắt đầu là khuyến khích các nước làm những gì tốt nhất cho toàn thế giới thay vì chỉ làm những gì tốt nhất cho người bên trong biên giới của họ”, tiến sĩ Errett nói.
Tại EU, 27 quốc gia có chung đường biên giới dài nhưng có nhu cầu kinh tế và tỷ lệ tiêm chủng khác nhau.
Các quốc gia Nam Âu như Tây Ban Nha và Hy Lạp, vốn phụ thuộc vào du lịch, đang thúc đẩy khối thông qua các tài liệu liên quan đến “hộ chiếu vaccine”. Quan chức Đức và Pháp bày tỏ sự dè dặt, ít nhất là vào lúc này. Các quốc gia này có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn. Điều này có nghĩa rằng việc hạn chế đi lại sẽ khiến cư dân của họ gặp nhiều bất lợi.
Tại châu Á, các nhà chức trách của Thái Lan đã nói rằng nước này hy vọng sẽ ban hành chính sách chấp nhận “hộ chiếu vaccine” vào mùa hè này.
Thanh Lam
Theo: Cánh cò