Gần như toàn bộ kho vũ khí của quân đội Nga được thiết kế có tính đến điều kiện khí hậu trong các khu vực hoạt động quân sự khác nhau.
Vũ khí và thiết bị quân sự của Nga được thiết kế cho nhiệt độ từ -50 đến +50 độ C. Ngoài ra, để thực hiện chiến dịch trong điều kiện giá lạnh vùng cực, cần phải đưa ra những thay đổi vào chiến thuật và chiến lược.
Thiệt hại nặng vì thời tiết khắc nghiệt
Theo Sputnik, các chuyên gia quân sự đánh giá, mùa hè luôn là thời điểm thuận lợi cho các chiến dịch quân sự ở vùng khí hậu ôn đới và cận cực. Mặt đất khô ráo hoặc đóng băng, địa hình có thể vượt qua cho quân đội. Chiến đấu vào mùa xuân và mùa thu khó khăn hơn: đường lầy lội cản trở. Đôi khi ngay cả những chiếc xe bánh xích mạnh mẽ cũng bị mắc kẹt trong bùn ướt.
Tuy nhiên, vào mùa Đông, việc thực hiện các chiến dịch tấn công quy mô lớn là vô cùng khó khăn. Sau đây là những lý do:
Thứ nhất, thời gian ban ngày luôn ngắn hơn ban đêm gây ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định thời điểm tác chiến của người chỉ huy.
Thứ hai, thời tiết băng giá không thuận lợi khiến đội hình tác chiến bị kéo dài dễ bị bọc sườn, bao vây, chia cắt.
Thứ ba, những trận bão, tuyết rơi gây cản trở khả năng cơ động và tầm nhìn.
Thứ tư, vào mùa đông, các đơn vị dễ bị đối phương phát hiện khi di chuyển qua các khu rừng – cây rụng lá và ngay cả một đội nhỏ dễ bị phát hiện từ trên không.
Căn cứ quân sự “Cỏ ba lá Bắc cực”.
Thứ năm, hoạt động tác chiến vào mùa đông đòi hỏi nỗ lực tối đa của hậu phương quân đội. Cần phải cung cấp quân phục mùa đông cho tất cả quân nhân, cung cấp thức ăn nóng cho họ, đảm bảo cung cấp kịp thời đạn dược và các loại nhiên liệu và chất bôi trơn đặc biệt dùng cho mùa đông.
Quân phục mùa đông là một nhiệm vụ quan trọng nhất. Nếu binh sĩ ăn mặc không đúng với mùa đông thì không có khả năng chiến đấu trong thời tiết băng giá. Điều này đã được thấy rõ trong cuộc xung đột Liên Xô – Phần Lan vào mùa Đông năm 1939 – 1940. Ngay ở giai đoạn đầu của cuộc chiến, Hồng quân đã chịu tổn thất nặng nề do thiếu sự chuẩn bị để đối phó với mùa đông giá rét. Trong tuần đầu của cuộc chiến, hàng nghìn chiến sĩ Hồng quân đã bị bỏng lạnh, hoại tử chi do giá rét và mất khả năng chiến đấu. Tỷ lệ mất khả năng chiến đấu ở các đơn vị tuyến đầu do giá rét lên tới 8% quân số. Các chuyên gia đã rút kinh nghiệm và sửa sai.
Đúng một năm sau, điều tương tự đã xảy ra với quân Đức ở Mặt trận phía Đông. Hitler đã lên kế hoạch kết thúc cuộc chiến chống Liên Xô trước khi mùa Đông đến, vì vậy chỉ huy của Wehrmacht không quan tâm đến quân phục ấm hay nhiên liệu dành cho mùa đông. Và khi vào đầu tháng 12-1941, một đợt băng giá thực sự xảy ra – dưới -20 độ C, lính và sĩ quan Đức lần lượt mất khả năng chiến đấu (theo dữ liệu từ các nguồn mở, vào mùa Đông 1941-1942, gần 230.000 binh lính Đức bị tê cóng và bệnh dịch do thời tiết lạnh). Ô tô và xe tăng không nổ máy do xăng tổng hợp từ than đá của Đức không phù hợp cho thời tiết giá lạnh. “Tướng Moroz” đã đóng một vai trò quan trọng bảo đảm thành công cho cuộc phản công của Hồng quân gần Moskva. Mặc dù, tất nhiên, đóng góp quyết định vào thành công là do các sư đoàn Siberia và Viễn Đông kịp thời được chuyển ra mặt trận, các đơn vị đã được trang bị tốt cho chiến tranh vào mùa Đông.
Một tình huống còn thảm khốc hơn đã xảy ra với quân Đức và các đồng minh của họ trên thảo nguyên gần Stalingrad vào mùa đông năm 1942-1943. Tại đây, tỷ lệ người Đức, Romania và Ý chết vì lạnh cóng và hạ thân nhiệt lên tới 50% tổng số mất mát và thiệt hại về người.
Chiến tranh Liên Xô – Phần Lan 1939-1940, Hồng quân bắn tỉa trong trận phục kích Karelia.
Biến thời tiết khắc nghiệt thành lợi thế phòng thủ
Theo quan điểm chiến thuật, phòng thủ vào mùa Đông dễ hơn rất nhiều so với tấn công. Ngay cả một đơn vị quân đội được trang bị tốt cùng với các tuyến đường hào, các đầu mối trang bị quân dụng và tiếp tế là một lực lượng đáng gờm. Và kẻ thù phải tấn công trực diện vào pháo đài này dưới hỏa lực súng máy và pháo binh, đồng thời dễ bị mắc kẹt trong lớp tuyết hoặc bị thương do vấp phải mìn.
Các chiến sĩ Liên Xô đã chiến đấu anh dũng khi bảo vệ vùng Bắc Cực trong Thế chiến thứ hai. Quân Đức và quân Phần Lan đã cố gắng chọc thủng tuyến phòng thủ của Hồng quân trên Phương diện quân Karelia và Vùng cực từ năm 1941 đến năm 1944, nhưng không đạt được thành công nào đáng kể. Vào mùa đông, nhiệt độ có lúc xuống -30 độ C, Hồng quân đã chuẩn bị tốt hơn cho những đợt băng giá khắc nghiệt.
Khách quan mà nói, còn có một chiến dịch phòng thủ mùa Đông thành công trong Thế chiến thứ hai. Đây là Trận Bastogne trên Mặt trận phía Tây (12/1944 – 17/1/1945). Tại đó, 23.000 binh sĩ Mỹ từ Sư đoàn Dù 101, Sư đoàn Cơ giới số 10 và Sư đoàn Pháo binh dã chiến 463 đã bảo vệ thị trấn Bastogne nhỏ bé của Bỉ, ngã ba đường chiến lược quan trọng. Quân Đức đã tung 7 sư đoàn xông vào thị trấn, tạo ra lợi thế hơn hai lần về quân số, có ưu thế về xe tăng và pháo binh. Thời tiết mùa Đông làm chậm trễ việc không yểm và các binh sĩ Mỹ đã phải chịu đựng rất nhiều khó khăn vì thiếu quân phục mùa đông, họ không có sự yểm trợ của không quân chiến thuật và không có nguồn cung cấp thường xuyên. Tuy nhiên, tuyến phòng vệ được tổ chức tốt đã cho phép người Mỹ đẩy lùi mọi cuộc tấn công của đối phương. Thiệt hại của Mỹ vào khoảng 3.000 người, trong khi Đức là hơn 12.000 người.
Huấn luyện trượt tuyết cho quân nhân ở vùng Kemerovo.
Vũ khí và trang thiết bị cho Bắc Cực
Quân đội Nga hiện đại sẵn sàng chiến đấu trong điều kiện thời tiết cực lạnh. Đội hình “chịu được băng giá” tốt nhất là Hạm đội Phương Bắc. Kể từ ngày 1-1-2021, Hạm đội này là một quân khu. Trong các bài diễn tập thực tế, đơn vị đặc biệt này chịu trách nhiệm bảo vệ khu vực từ Murmansk đến Anadyr (dài khoảng 5.000km) tiếp giáp Bắc Cực. Một mạng lưới căn cứ quân sự đặc biệt được tạo ra ở đây để các đơn vị quân đội có thể đồn trú lâu dài tại các khu vực giá lạnh. Ví dụ, căn cứ Shamrock nổi tiếng trên quần đảo Franz Josef ở vùng Bắc Cực là một điển hình rõ ràng. Căn cứ nằm ở khu vực vành đai vùng cực này có duy trì hoạt động của 150 binh sĩ, cùng đầy đủ trang bị quân sự trong thời gian dài bất chấp băng giá. Các binh sĩ tham gia lực lượng tác chiến vùng cực cũng được tuyển chọn kỹ từ cư dân sinh sống ở phương Bắc nước Nga, vốn đã quen với khí hậu giá rét.
Lực lượng đặc nhiệm của Hạm đội Phương Bắc, Hải quân Nga tập luyện tại Bắc Cực.
Trang bị quân sự hoạt động tại vùng Bắc Cực cũng được chuyên biệt hóa. Ví dụ, các đơn vị xe tăng của lực lượng ven biển thuộc Hạm đội phương Bắc nhận được xe tăng T-80BVM với động cơ tuốc bin khí có khả năng hoạt động tốt hơn so với các dòng động cơ đốt dùng nhiên liệu diesel trong điều kiện giá lạnh. Tất cả các thiết bị khác trong các đơn vị Bắc Cực của quân đội Nga cũng được điều chỉnh để thích nghi với nhiệt độ thấp. Các phương tiện giao thông truyền thống ở Bắc Cực cũng không bị lãng quên – các đơn vị tác chiến vùng cực có thể sử dụng các phương tiện động vật như chó và tuần lộc để tác chiến cơ động dài ngày tại Bắc Cực.
Trong bộ quân phục mùa Đông cho tất cả quân nhân Nga – từ binh nhì đến tướng lĩnh – ngoài trang bị hiện đại, còn có đôi giày bằng len nỉ (valenki) từng được sử dụng trong Thế chiến II, quần dài chần bông, áo khoác bằng lông cừu, găng tay ba ngón rất tiện khi bắn, mũ che tai ấm áp.
Ông Mikaa Mered, giảng viên Trường Đại học Sciences Po ở Paris (Pháp) và là tác giả cuốn “Les Mondes polaires” (tạm dịch: Thế giới hai cực) cho rằng, chỉ có người Nga mới có thể triển khai ở bất cứ đâu tại Bắc Cực trong vòng 48 đến 72 giờ, thậm chí còn giảm xuống 24 giờ vào năm 2030.
Theo ông Mikaa Mered, sở dĩ người Nga chịu được cái lạnh thấu xương ở Bắc Cực bởi lẽ họ đã quen với nhiệt độ cực thấp ở một số khu vực của lục địa Siberia. “Nếu quân đội đóng quân được ở Siberia, có nhiệt độ xuống tới -70oC thì đương nhiên họ sẽ hoạt động được ở Bắc Cực, nơi có nhiệt độ khoảng -30oC. Thậm chí, một lữ đoàn của Nga đã nhảy dù xuống Bắc Cực, một chiến công vượt xa tầm với của quân đội các nước khác”, ông Mikaa Mered nhấn mạnh.
Nhưng đó chưa phải là “con át chủ bài” của Nga. Với 77 tàu phá băng đang hoạt động, trong đó bao gồm 6 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, binh lính Nga có thể di chuyển tự do ở Bắc Cực. Dự kiến, số lượng tàu phá băng của Nga sẽ vượt qua con số 100 vào năm 2030, đặc biệt khi Nga đưa tàu lớp Arktika mới có khả năng xuyên qua 3m băng đi vào hoạt động.
Ngoài ra, Điện Kremlin đang tài trợ cho dự án xây dựng căn cứ không quân nổi ở Bắc Băng Dương. Với giá 100 triệu euro, rẻ hơn 8 lần so với việc đóng một con tàu phá băng, căn cứ nổi này trở thành tiền đồn bảo vệ các công trình quân sự của Nga ở Bắc Cực.
Minh Trang (Tổng hợp)