Heinrich Schlieman sinh năm 1822, sống trong một cửa hàng thực phẩm khô ở một một ngôi làng hẻo lánh đâu đó của nước Đức. Vừa mới biết đọc, cậu đã say mê Homère. Cuộc chiến tranh ở Troie, chuyện về Hoàng hậu Hy Lạp bị một hoàng tử Troie bắt cóc, cuộc vây hãm thành phố, chuyện “con ngựa gỗ” nổi tiếng… tất cả đã trở thành “Kinh thánh” của cậu.
Mười bốn tuổi, Heinrich đã phải chia ly với “Hélène” xinh đẹp của nó, một cô bé tên là Mina, cùng tuổi, sống cùng làng. Trò giải trí chính của chúng là sưu tầm những đồ vật cũ và đi tham quan những viện bảo tàng hiếm hoi trong vùng. Một dự định tương lai đến rất tự nhiên: khi trưởng thành, chúng sẽ đi tìm thành phố Troie.
Gặp lại Mina sau năm năm xa cách, họ òa khóc và ôm lấy nhau. “Tôi đã tin tưởng là từ nay Mina yêu tôi và niềm tin đó kích thích tham vọng của tôi – Schlieman viết sau này – Tôi chỉ cầu trời sao cho cô chưa lấy chồng, trước khi tôi có một địa vị trong xã hội”. Sau đó Heinrich tìm được một việc làm trong văn phòng của một người lái buôn ở Amsterdam. Ở đây anh trau dồi văn hóa và học ngoại ngữ. Hai mươi tuổi anh đã biết bảy thứ tiếng. Điều lạ lùng là anh không học tiếng Hy Lạp. Anh sợ rằng quá hăng say học tập môn đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của mình.
Heinrich Schliemann.
Hai mươi tuổi, anh bắt đầu việc chuyên buôn bán về các chất nhuộm, nhất là chàm. Nhanh chóng anh có những đối tác từ ở khắp nơi trên thế giới và có được một khoản tiền tiết kiệm. Nhưng Mina đã đi lấy chồng. Đó là một đòn đau với Schlieman, anh không thể nghĩ đến việc tìm kiếm phế tích Troie mà không có “Hélène xinh đẹp” của mình.
Sau đó, trong ba tuần lễ, anh học tiếng Nga và đến sinh sống tại Saint – Péterbourg. Anh trở thành “vua chàm” và bắt đầu làm giàu. Ba mươi lăm tuổi, anh sử dụng được mười lăm thứ tiếng. Cuối cùng, anh quyết định học tiếng Hy Lạp (việc nào cũng có thời điểm của nó). Anh đi đây đi đó và trở thành một người có thế lực đến nỗi Nhà Trắng phải tổ chức đón tiếp. Anh có nhiều dinh cơ rải rác ở khắp mọi nơi trên thế giới. Còn hơn thế, con người tự học này đã đạt được một trình độ văn hoá siêu đẳng.
Nhưng cứ mỗi lần Heinrich giãi bày ý định đổi gia sản thành tiền để đi tìm phế tích Troie, người ta lại mỉm cười mỉa mai: “Con người chín chắn, nghiêm túc trong công việc kinh doanh lại đi tin vào một truyền thuyết vu vơ!”.
Schlieman kết hôn, nhưng vợ anh không cùng chung sở thích với anh. Thế là anh xê dịch khắp nơi trên thế giới, trừ Hy Lạp, vì lúc đó anh chưa đủ tài chính. Tìm kiếm Troie là mục đích của đời mình nên ngay khi đặt chân đến Hy Lạp, anh sẽ không thể dứt ra khỏi nó nữa. Vậy nên, anh muốn trước hết là tìm hiểu phần còn lại của thế giới. Lý do cuối cùng: để đi tìm thành Troie, anh muốn mình phải có một nàng Hélène xinh đẹp trong cuộc đời. Đó là tất cả.
Vào tuổi năm mươi lăm, Schlieman đã viết thư cho một người bạn cũ, người đã dạy anh học tiếng Hy Lạp ở Saint-Pétersbourg, lúc đó đã trở thành Tổng giám mục ở Athènes. Anh yêu cầu giới thiệu cho mình một thiếu nữ Hy Lạp để lấy làm vợ. “Cô ta có thể nghèo nhưng phải được giáo dục tốt. Cô ta phải đầy nhiệt tình về vấn đề Homère và vấn đề phục hưng nước Hy Lạp yêu dấu. Tôi sẽ rất thích nếu cô ta thuộc kiểu người Hy Lạp có mái tóc đen và xinh đẹp. Nhưng điều tôi mong muốn hơn cả ở cô ta là lòng thương người…”.
Vài tháng sau, ông Tổng giám mục gửi cho ông bức ảnh một cô gái mười sáu rất xinh tên là Sophia. Tháng tám, Schlieman đến Athènes và gặp Sophia. Đó là một thiếu nữ có sắc đẹp hiếm có, tóc nâu, với những nét tiêu biểu của người Hy Lạp, vẻ mặt nghiêm trang, hài hòa một cách cổ điển. Những câu hỏi cô ta đặt cho ông thường là: “Ông thuộc lòng đoạn nào của Homère? Hoàng đế Adrine đến Altrines vào năm nào?”.
Chẳng còn do dự gì nữa, Schlieman ly hôn và cưới Sophia, bắt tay vào việc thực hiện mơ ước của mình. Ông đã chuyển đổi tất cả gia sản thành tiền, từ bỏ việc quản lý hãng buôn và đến bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ mà ông cho rằng thành Troie trước kia là ở đó. Làm cho mọi người phải sững sờ, khi chỉ dựa trên truyền thuyết, Schlieman đã phát hiện ra phế tích dưới đồi Hissarlik. Trên thực tế, quả đồi hoàn toàn bao phủ những phế tích của thành phố.
Nàng Sophia và chiếc vương viện cùng trang sức Helene tìm được.
Ngay lập tức, Schlieman điều ngay đến một trăm năm mươi công nhân và bắt đầu cho đào. Ông đã tạo ra một cuộc tàn sát thực sự, về phương diện khảo cổ học. Cái ông tìm kiếm là Troie chứ không phải là cái gì khác. Thế mà ông phát hiện ra một, rồi hai, rồi ba và mãi cho đến bảy thành phố chồng lên nhau! Vì những thành phố đầu tiên không khiến ông lưu tâm đến, ông cho đào một đường hào xuyên qua tất cả những cái đã gặp. Những bức tường nghìn năm, những lăng, mộ, tất cả đều bị cắt đứt ở độ sâu mười một mét. Trong cơn sốt khao khát tìm ra thành Troie, ông hoàn toàn không chú ý đến phế tích của những thành phố khác. Trong đầu óc của ông, sau sáu thành phố đó dĩ nhiên phải đến Troie – thành phố ở sâu nhất.
Nhiều nhà nghiên cứu chuyên nghiệp đã chống đối kịch liệt cuộc đào bới này. Hơn một thế kỷ nay, họ chỉ quen làm khảo cổ học ở trong bốn bức tường. Đối với họ, ông chỉ là một nhà buôn táo tợn, hấp tấp, vô nguyên tắc, tàn phá dã man những di tích còn sót lại, trong sự tìm kiếm điên rồ một thành phố chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng.
Thế mà, Schlieman bỗng tuyên bố là đã phát hiện ra cửa Scee và cung của vị vua già Priam! Phế tích cháy đen, đã bị thủy tinh hoá vì hỏa hoạn mà Homère tả trong LIliađe làm các nhà bác học hết sức ngạc nhiên. Như vậy, tên tự học tự phụ này, tên tỷ phú khờ khạo này đã chế giễu môn khảo cổ học chính thống! Kẻ xuất thân là người bán thực phẩm khô đã chứng minh là LIliade đã nói đúng, hắn đã tìm ra thành phố Troie!
Schlieman tiếp tục đào bới quả đồi thêm ba năm. Một hôm, ông đứng cùng Sophia và vài công nhân ở gần bức tường vây quanh được cho là cung của vị vua già Priam. Đột nhiên, ông nhìn thấy một điểm lóng lánh trong chỗ đất vừa mới xới lên. Linh cảm mách ông bảo vợ tìm cớ để cho những người công nhân tản ra xa.
Khi trở lại, cô nhìn thấy ông đang bò dưới những phế tích lung lay, dùng tay cào vào đất để moi ra những vật bằng vàng và bạc đã xỉn màu. Sau này Schlieman viết:
“Bức tường thành mà tôi đang lúi húi đào ở dưới luôn có thể đổ sập vào đầu tôi bất cứ lúc nào. Nhưng việc nhìn thấy nhiều đồ vật như thế, mà thứ nào cũng có một giá trị khảo cổ học vô giá, làm cho tôi trở lên liều lĩnh và không còn thấy một sự nguy hiểm nào. Thế nhưng, tôi đã không thể đưa báu vật ra mà không có sự giúp đỡ của người vợ thân yêu. Tôi đã phải cắt khăn choàng vai của nàng để mang những thứ đó đi”.
Gói lại đến vật quý cuối cùng, cả hai thong thả đi trở lên cái lều mà họ đã dựng lên ở đỉnh đồi. Họ cẩn thận đóng cửa lại và đổ các vật quý, rực rỡ lên giường: Những cái xuyến, những lọ và cốc bằng vàng, một bình bạc lớn đựng sáu mươi cái khuyên tai, hàng nghìn chiếc nhẫn nhỏ bằng vàng, những viên đá đục lỗ, những cúc bằng vàng, v.v…
Nhưng độc đáo nhất là có những chiếc mũ miện mà Schlieman tin chắc là còn thuộc về ai nữa, nếu không phải là Hélène xinh đẹp? Chiếc lớn nhất trong số đó gồm một dây chuyền vàng mà treo vào đó là bảy mươi dây chuyền ngắn và mười bảy dây chuyền dài khác, mỗi cái được làm bằng những miếng vàng nhỏ hình trái tim. Diềm của những dây chuyền nhỏ chắc chắn được đặt lên lông mày nàng Hélène. Những dây chuyền dài hơn, mỗi cái tận cùng có một biểu tượng nhỏ của Troie, sẽ rủ xuống hai vai nàng. Tất cả đều được viền vàng.
Lúc đó Schlieman, “chàng trai” sáu mươi tuổi đã có một nữ hoàng của đời mình: Sophia – lúc này đã hai mươi tuổi, quỳ xuống để ông đặt chiếc mũ miện lên trán, ông chậm rãi sắp xếp các sợi dây chuyền vàng chung quanh khuôn mặt cô và nhìn cô với ánh mắt trìu mến, mãn nguyện…
Dĩ nhiên các nhà khảo cổ học “chính thống” từ chối công nhận đó là mũ miện của Hélène ở Troie. Dẫu vậy, Troie vẫn cứ là một trong bảy thành phố chồng lên nhau, đã được Schlieman phát hiện và người từng bán thực phẩm khô ở Hambourg không chỉ là người đã tìm lại được cái thành phố nổi tiếng của thời văn minh cổ đại, mà còn là người đã thực hiện được mơ ước ấp ủ cả đời: đặt vương miện của Hélène xinh đẹp của thành Troie lên đầu nữ hoàng của mình.
Dương Thắng