Thông tin “Thổi giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai” và ông Nguyễn Quốc Anh, Giáo sư, Thầy thuốc Nhân dân, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bị cáo buộc liên quan vụ án nâng khống giá robot hỗ trợ điều trị phẫu thuật thần kinh khiến dư luận bất bình.
Kết quả xác minh của các cơ quan chức năng cho thấy, giá hệ thống robot 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy cho một ca bệnh là hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá bị nâng khống thành 39 tỷ đồng thì bệnh nhân phải chi trả chi phí khấu hao máy là 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng/ca.
Đã có từ 2% đến 7% doanh thu của các hệ thống máy trong các đề án liên doanh liên kết tại Bệnh viện Bạch Mai đã được chuyển về các khoa thụ hưởng. Chỉ tính 25 đề án triển khai thì các khoa thuộc Bệnh viện Bạch Mai đã thu được khoảng 209 tỷ đồng.
Hippocrates Asclepiades là bác sĩ có lời thề y đức được lưu truyền cho đến hôm nay. Lời thề Hippocrates được các bác sĩ tuyên thệ khi bắt đầu vào nghề để phấn đấu giữ gìn y đức.
Đọc xong bài viết thấy đau lòng và thương cho những hoàn cảnh nghèo khó không đủ chi phí phẫu thuật khi thiết bị kê khống quá nhiều. Họ bỏ qua lời thề Hippocrates để làm giàu trên nỗi đau của bệnh nhân nghèo, bệnh nhân ung thư. Việc làm này đã khiến nhiều người căm phẫn và cho rằng một số lãnh đạo của Bệnh viện lợi dụng chức vụ quyền hạn để câu kết với các đối tượng khác nhằm thổi giá thiết bị, chiếm đoạt cả chục tỷ đồng của những người bệnh phải được coi là “một tội ác”.
Người dân hoang mang, không biết phải tin ai bây giờ khi mà một con người đã trải qua chiến tranh, bỏ lại một phần xương máu nơi chiến trường, có nhiều công trạng được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận bằng những danh hiệu cao quý như: Giáo sư, Thầy thuốc nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Nhà lãnh đạo giỏi… và được tôn vinh trong Chương trình “Vinh quang Việt Nam” mà lại có thể dễ dàng đánh mất lương tâm đến vậy.
Những kẽ hở trong các quy định; cán bộ trong ngành y chuyên sâu, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải không biết, nhưng không ít người trong số họ đã lợi dụng lỗ hổng này để hình thành nhóm lợi ích trục lợi bằng nhiều cách như: Thông đồng trong đấu thầu cung cấp thuốc chữa bệnh, mua sắm thiết bị, liên kết với tư nhân đặt rất nhiều loại máy để thu tiền của người bệnh…
Không có tiền thì không phát triển được, nhưng nó chỉ là phương tiện chứ không nên là mục đích. Nếu trở thành mục đích, tất cả vì tiền thì xã hội sẽ gặp những vấn nạn không thể giải quyết được. Nước ta có nhiều vấn đề, theo tôi nghĩ là do ta phát triển trong những điều kiện không bình thường.
Tiền cũng có nhiều loại, có loại được làm ra nhọc nhằn từ mồ hôi, nước mắt, mưa nắng dãi dầu trên đồng sâu, ruộng cạn, trong các nhà máy, công xưởng, nhưng cũng có loại được tạo ra quá dễ dàng qua sự mua bán, đổi trao. Kiếm tiền bằng cách nào đây để khi cầm đồng tiền trên tay ta không hổ thẹn với lương tâm, tự tin ngẩng cao đầu mà không phải lảng tránh ánh nhìn của ai đó và nhân cách của mình không bị bán rẻ.
Trong xã hội hiện tại, một số người hoài cổ lại mong rằng “bao giờ trở lại ngày xưa”. Phải chăng vì ngày xưa mọi người đều khó khăn, thiếu thốn, cuộc sống đều như nhau, đều chung sống trong cộng đồng, tình yêu thương ấy gắn bó cho nên giúp được người là cứ phải giúp, không giúp được là thấy xấu hổ, áy náy vì không đúng với lương tâm, giá trị đạo đức con người rất được coi trọng. Còn thời nay tuy chả thiếu cái gì nhưng giá trị đạo đức lại xuống cấp đến mức báo động. Ngành y được xem là cao quý vì chữa bệnh, cứu người mà xảy ra việc ăn chặn, móc túi người bệnh trắng trợn thế này thì quả là hết chỗ nói.
Những ngày qua, không chỉ các y, bác sĩ, những người công tác trong ngành y, mà cả người dân đều nhắc đến sự tổn thương không gì bù đắp được, khi mặt trái y tế đã bị phơi bày trước xã hội. Đó là cả một quá trình chúng ta cùng làm ngơ cho nhau để… cùng tồn tại. Ngành y đã từ lâu đặt ra nhiều khẩu hiệu như: “Lương y như từ mẫu”, “Nói không với phong bì”, “Bệnh nhân khỏe – Thầy thuốc vui – Hạnh phúc cho mọi người”, “Y Đức hàng đầu – Nhiệm mầu sự sống”… nhưng những tiêu cực, thiếu minh bạch vẫn tràn lan trong các hoạt động và đã không được xử lý nghiêm minh đã tạo cho thầy thuốc được quyền cho phép mình làm những việc trái lương tâm, y đức. Những gương xấu trong ngành y đã tác động không tốt đến một bộ phận thầy thuốc trẻ khiến họ dần dần xa rời y đức, xói mòn lương tâm nghề nghiệp, chỉ biết lấy đồng tiền làm cứu cánh.
Thế nên với kẻ xấu, kẻ tham lam thì càng nhiều tiền, càng có hại, càng tha hóa và lôi kéo nhiều kẻ tha hóa theo. Còn với một người tốt, giàu nhân nghĩa, có nhiều mong ước tốt đẹp cho người khác và bản thân, đồng tiền dùng đúng mục đích và đem lại giá trị nhân văn, nhân tính, cứu giúp con người giải quyết khó khăn, đạt được thịnh vượng chung.
Còn có chuyện tiêu cực trong ngành y, ở nơi này, nơi kia, nhưng chỉ là một bộ phận nhỏ, họ đã không cưỡng được trước sức ép của “danh và lợi”. Nhưng đến mức cái thành trì “y đức” mà cũng đang dần bị đồng tiền đe dọa phá vỡ, quả thật đã đến lúc các nhà lãnh đạo nền y tế phải suy nghĩ “thấu tình, đạt lý”, đề ra cho được một quyết sách hòng chặn đứng dòng chảy tiêu cực này.
Cù Tất Dũng