Nhắc đến nhà văn trinh thám Anh nổi tiếng Ian Fleming, độc giả nhớ ngay đến loạt tiểu thuyết về điệp viên điển trai, hào hoa Jame Bond (còn gọi là Điệp viên 007). Được viết từ năm 1953 cho tới những năm 1960, bộ tiểu thuyết về chàng điệp viên 007 đã được nhiều thế hệ độc giả say mê.
Ít người biết rằng, ngoài tiểu thuyết trinh thám, ông còn viết cả truyện giả tưởng “Chiếc xe thần kỳ Chity chity bang bang” dành cho thiếu nhi. Nhân dịp nhà xuất bản Clever của Nga lần đầu tiên cho ra mắt cuốn sách bằng tiếng Nga, xin trân trọng giới thiệu vài nét về sự ra đời của tác phẩm này.
“003 rưỡi”
Con trai đầu lòng và duy nhất của Ian Fleming – Caspar – ra đời năm 1952, cùng năm với cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông về James Bond – “Casino Royale” (Sòng bạc Hoàng gia). Bản thân Fleming không thích “Sòng bạc Hoàng gia” lắm, ông nói rằng một trong những lý do sáng tác cuốn tiểu thuyết là để xua tan những ý nghĩ về cuộc hôn nhân sắp tới với Ann Charteris, mẹ của đứa bé.
Nhưng khi Caspar chào đời, Fleming đã viết một bức thư cho Ann: “Em thật can đảm và anh rất tự hào về em” (Ann phải mổ tử cung khi sinh con). Về con trai, ông viết: “Đây là một thiên thần. Anh biết Caspar lớn lên sẽ trở thành một con người tuyệt vời, bởi vì em đã trả giá cho sự sinh thành bằng một nỗi đau như vậy”.
Hồi nhỏ, phần lớn thời gian Caspar sống với cô bảo mẫu ở Kent. Cậu không được phép đến thăm trang ấp nổi tiếng Golden Eye ở Jamaica, nơi Fleming sáng tác. Fleming cho rằng mặt trời nhiệt đới và biển nhung nhúc cá mập không có lợi cho cậu bé.
Tuy nhiên, Fleming không quên con trai mình. Hoặc gần như vậy. Những người thân kể rằng một lần nhà văn đến Kent và tặng cô bảo mẫu cuốn sách “Chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ em” của bác sĩ nhi khoa người Mỹ Benjamin Spock trong một nỗ lực vụng về để thể hiện sự quan tâm. Cô bảo mẫu từ chối món quà, nói rằng cô biết đủ về trẻ em để không cần đọc bất cứ điều gì về chúng. Fleming tiếp tục nài nỉ, để đáp lại, cô bảo mẫu đề nghị ông quấn tã lót cho em bé, nói rằng tốt hơn hết là bắt đầu từ việc này.
Bạn bè và người thân mô tả con trai của Fleming là một cậu bé thông minh, đồng thời cũng thích được chú ý. Chẳng hạn, một lần đi ăn tối với gia đình tại một nhà hàng ở Oxford, cậu bé dõng dạc tuyên bố với toàn bộ thực khách rằng cậu “sẽ không bao giờ lấy vợ vì không được quan tâm như James Bond”. Một lần khác, năm lên 8 tuổi, Caspar nói với Ian Fleming: “Bố ơi, bố yêu James Bond hơn con!”.
Lúc bấy giờ, nhà văn quyết định chứng minh tình cảm của mình với đứa con trai duy nhất mà ông gọi đùa là “003 rưỡi”, và tự tay viết một cuốn sách thiếu nhi, được gọi là “Chiếc xe thần kỳ Chity chity bang bang”.
Nhiều người nói rằng Fleming không quan tâm lắm đến con cái, nhưng Fiona, cô con gái riêng của nhà văn đảm bảo rằng ông rất yêu cả con trai và cô: “Tôi là người hoàn toàn khách quan – Fleming là người bố tận tụy của Caspar mà ông gọi đùa là 003 rưỡi. Và, tất nhiên, chính ông đã viết cuốn ” Chity chity bang bang” cho Caspar”.
Trò chơi độc đáo
Ian Fleming đã nghĩ ra cuốn sách về nhà sáng chế kỳ quặc Caratacus Pott và chiếc xe thần kỳ duy nhất của ông trên thế giới “Chity chity bang bang”. Ông hài hước viết về tác phẩm mới cho chủ xuất bản của mình: “Tôi đang viết một cuốn sách thiếu nhi mới, hãy tin rằng tôi không lãng phí một phút nào, và ngay cả khi sắp chết, tôi vẫn tiếp tục làm việc cho ông như một kẻ nô lệ trên cánh đồng”.
Tác phẩm là câu chuyện về chuyến phiêu lưu của gia đình Trung tá Caratacus Pott và chiếc xe siêu phàm “Chity chity bang bang”. Trung tá Pott vốn là một nhà thám hiểm kiêm sáng chế gia gàn dở. Ông luôn phát minh ra những thứ chẳng giống ai. Một lần, trung tá Pott mua một chiếc xe hơi cũ han gỉ và đặt tên nó là “Chity chity bang bang”. Ông không biết rằng mình đã vô tình mua được một chiếc xe thần kỳ.
Về hình dáng bên ngoài, “Chity chity bang bang” giống một chiếc Mesceded 75 mã lực, nhưng khi cần nó có thể “mọc” thêm cánh để trở thành máy bay, khi xuống nước lại có thể chạy bon bon như thuyền buồm. Nhưng “tính cách” của chiếc xe khá đỏng đảnh, nó không chịu sự điều khiển của một ai và luôn lái theo ý mình. Khi cặp song sinh của vợ chồng trung tá Pott bị bắt cóc, “Chity chity bang bang” đã dẫn chủ nhân tới hang ổ của bọn tội phạm và còn hỗ trợ phá án.
Ngoài tiếng cười, sự hài hước và dí dỏm, câu chuyện của Fleming đầy những tình tiết bất ngờ, chẳng khác gì một câu chuyện trinh thám dành cho độc giả nhí.
Nhân tiện cũng xin nói, Caractacus Pott, nhân vật chính của cuốn sách, rất giống nhà sáng chế thực sự, nhà điêu khắc và nhà làm phim hoạt hình Roland Emmett. Ông trở thành giám đốc kỹ thuật của bộ phim “Chiếc xe thần kỳ Chity chity bang bang”. Cùng với Ken Adams, ông đã chế tạo cho bộ phim tới sáu chiếc “Chity chity bang bang”, về sau được trưng bày tại Bảo tàng ô tô quốc gia ở Beaulieu, Anh.
Có lẽ, sáng chế đáng nhớ nhất của ông cho bộ phim là máy tráng trứng, nó đập trứng ngay trên chảo, sau đó ngọn lửa dưới chảo bốc lên ngay. Thiết bị này gây ra rất nhiều phiền toái, đôi khi nó hất chảo xuống sàn nhà hoặc làm trứng bắn tung tóe ra khắp phòng.
Bản thân chiếc xe thần kỳ cũng có nguyên mẫu – đó là chiếc xe đua cũ “Paragon Panthe” màu xanh lá cây. Tên gọi tiếng Anh của nó “Chity chity bang bang” được lấy cảm hứng từ thương hiệu xe hơi cùng tên có thật do nhà chơi ô tô lập dị Louis Zborowski chế tạo vào những năm 1920.
Ian Fleming đã mô tả khá chi tiết chiếc xe để họa sĩ vẽ minh họa cho cuốn sách. Chỉ ba năm sau khi ra đời, cuốn sách mới được họa sĩ nổi tiếng John Birmingham vẽ minh họa.
Theo các nhà phê bình, việc sáng tác tiểu thuyết “Chiếc xe thần kỳ Chity chity bang bang” là một trò chơi độc đáo của Ian Fleming, người không thể từ bỏ các đề tài và cốt truyện yêu thích của mình, nó giống như phóng tác câu chuyện về James Bond theo cách mới. Không phải ngẫu nhiên mà phương châm của cuốn sách là tư tưởng về chủ nghĩa phiêu lưu rất phù hợp với điệp viên vĩ đại: “Không bao giờ nói “không” với các cuộc phiêu lưu! Hãy luôn trả lời “có”, bằng không bạn có nguy cơ phải sống một cuộc đời rất buồn tẻ”.
Di cảo cổ điển
Ngày 11 tháng 8 năm 1964, Ian Fleming bị một cơn đau tim sau khi được gia nhập Câu lạc bộ golf Hoàng gia St. George ở Kent. Ông mất vào sáng hôm sau, đúng ngày sinh nhật thứ 12 của con trai mình. Thế là Fleming không kịp nhìn thấy phiên bản in của cuốn sách dành cho thếu nhi của mình, được xuất bản vào tháng 10 năm đó.
Từ khi ra đời, cuốn sách được tái bản nhiều lần. Nó được xuất bản với minh họa của Joe Berger, ba lần chính thức được viết tiếp, và luôn luôn có mặt trên các quầy hàng sách.
Ở Anh, cuốn sách viết cho thiếu nhi của Ian Fleming được công nhận là tác phẩm cổ điển, còn ấn bản có minh họa của John Berningham được coi là mẫu mực. Ngay sau khi cuốn sách được xuất bản, nhà sản xuất phim người Mỹ Albert R. Broccoli đã quyết định chuyển thể thành phim cuốn “Chiếc xe thần kỳ Chity chity bang bang” của Fleming. Ông đã thuê nhà văn Anh Roald Dahl viết kịch bản.
Roald Dahl có quen biết Fleming vì họ cùng hoạt động tình báo trong Thế chiến thứ hai. Nhưng ông ta chỉ nhận viết kịch bản vì nhuận bút cao, chứ thực chất rất ghét công việc này. Kết quả là Broccoli gọi kịch bản của Dahl là “rác rưởi” và yêu cầu ông ta viết lại hoàn toàn. Ông cũng quyết định không mời Dahl đến dự buổi ra mắt bộ phim tại rạp chiếu phim Odeon ở Quảng trường Leicester, London vào ngày 16 tháng 12 năm 1968 mà đích thân Nữ hoàng Anh đã đến dự.
Trái tim bị tổn thương
Caspar mất năm 23 tuổi. Nhiều người nói rằng anh được di truyền từ bố bệnh trầm cảm, tính đa sầu. Lần đầu tiên anh suýt mất mạng khi vừa được thừa kế gia tài do Fleming để lại. Chính tại trang ấp Golden Eye nổi tiếng, anh ta đã dùng ma túy và bơi ra biển. Caspar thoát chết nhờ Blanche Blackwell, tình nhân của bố anh, cứu.
Ngày 2 tháng 10 năm 1975, Caspar tự tử – anh chết vì dùng thuốc an thần quá liều tại ngôi nhà mẹ anh ở Chelsea. Bức thư tuyệt mệnh trong túi áo pijama của anh viết: “Nếu không phải lần này, thì lần sau”. Đến lượt mình, mẹ của Caspar, viết: “Trái tim con bị tổn thương, vì không ai có thể giúp đỡ. Mẹ sẽ nhớ con suốt đời”.
“Chiếc xe thần kỳ Chity chity bang bang” được các độc giả nhí ở Vương quốc Anh rất yêu thích. Cuốn sách đã được tái bản nhiều lần và chuyển thể thành phim hoạt hình, được trình diễn nhiều lần trên sân khấu kịch. Một điều thú vị là tên của cặp song sinh Jeremy và Jemima trong truyện được lấy ý tưởng từ Jamaica, nơi hai vợ chồng Ian Fleming tổ chức lễ cưới. ln Trần Hậu (tổng hợp)Nhà văn trinh thám Ian Fleming.
Trần Hậu (tổng hợp)