Sunday, April 28, 2024

Cái chết của George Floyd phơi bày thất bại cải cách cảnh sát Mỹ

Sự lạnh lùng của Derek Chauvin, cảnh sát có nhiều tai tiếng, khi ghì cổ Floyd đến chết cho thấy cải cách đã thất bại trong lực lượng hành pháp Mỹ.

Cái chết của Floyd, người đàn ông da màu 46 tuổi, lần nữa thổi bùng lửa giận về bạo lực cảnh sát đối với người da màu ở Mỹ. Biểu tình bạo loạn nổ ra khắp đất nước để đòi công bằng cho Floyd và cộng đồng người da màu. Họ phản đối các giải pháp mà giới chức đề xuất như điều tra, xử phạt cảnh sát vi phạm hay hứa hẹn cải cách, bởi quá khứ cho thấy chúng đều không mang lại kết quả.

Thực tế này có thể thấy rõ ràng nhất ở Minneapolis. Nhiều cuộc điều tra và báo cáo của chính phủ chỉ ra các cải cách tương tự từng liên tục được đề xuất trong hơn 20 năm qua, như tăng trách nhiệm cho cảnh sát, hạn chế vi phạm sử dụng vũ lực, xây dựng niềm tin với cộng đồng, nhưng chúng dường như đều ít được thực hiện.

Đối với nhiều cư dân da màu ở Minneapolis, chiếm 1/5 dân số thành phố, sự phẫn nộ về cái chết của Floyd đã trở nên quen thuộc đến đáng sợ. Mỗi phút trong đoạn video ghi lại cảnh Floyd bị ghì gáy đều nhắc nhớ về các vụ bạo lực với người da màu trước đây.

Năm 2002, Christopher Burns, người đàn ông da màu 44 tuổi, chết ngay trước mặt các con vì bị cảnh sát kẹp cổ. Năm 2010, David Smith, chàng trai da màu 28 tuổi bị bệnh tâm thần, chết sau 4 phút bị cảnh sát ghì xuống đất. Nạn nhân tiếp theo là Jamar Clark, 24 tuổi, bị cảnh sát bắn chết năm 2015. Philando Castile, nhân viên một quán cà phê ở Minneapolis, cũng bị cảnh sát bắn chết trước mặt bạn gái và đứa con 4 tuổi vào năm 2016.

Cái chết của George Floyd phơi bày thất bại cải cách cảnh sát Mỹ

Cảnh sát chống bạo động đi qua đám khói xanh trong cuộc biểu tình ở Minneapolis, hôm 30/5. Ảnh: AP.

Một ngày sau cái chết của Floyd, sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin, người trực tiếp ghì cổ anh, bị sở cảnh sát thành phố sa thải và đối mặt với tội giết người cấp độ hai, tức cố ý giết người nhưng không suy tính từ trước, trong khi 3 sĩ quan còn lại bị cáo buộc hỗ trợ và tiếp tay giết người.

Vanita Gupta từng là người đứng đầu Cục Dân quyền thuộc Bộ Tư pháp dưới thời Obama. Cùng với nhóm nhà lập pháp và ủng hộ dân quyền, bà đã kêu gọi mở cuộc điều tra về Sở Cảnh sát Minneapolis (MPD), trong đó tập trung vào các vấn đề rộng hơn tồn tại ở cơ quan này, ngoài hành động của Chauvin.

“Việc này rất quan trọng, bởi chỉ truy tố hình sự cá nhân không đủ để giải quyết các vấn đề mang tính hệ thống tồn tại từ lâu trong các sở cảnh sát”, bà Gupta, hiện là người đứng đầu tổ chức Hội nghị lãnh đạo về Nhân quyền và Dân quyền, ở thủ đô Washington, cho hay.

Trong khi Bộ Tư pháp Mỹ cân nhắc mở rộng điều tra, một số quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Donald Trump tỏ ra hoài nghi. Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien ngày 31/5 nói ông “không cho rằng phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống” tồn tại trong các cơ quan hành pháp của quốc gia này. “Đó chỉ là vài con sâu làm rầu nồi canh”, ông nói.

Khi được hỏi liệu Trump có đồng quan điểm với O’Brien, Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany nói trong cuộc báo hôm 1/6 rằng Tổng thống cơ bản phủ nhận ý tưởng cho rằng hành động của Chauvin và cảnh sát khác ở Minneapolis là đại diện cho cả lực lượng cảnh sát Mỹ.

Hơn ba năm qua, chính quyền Trump đã loại bỏ nhiều biện pháp cải cách cảnh sát mà chính quyền Obama để lại. Jeff Sessions, cựu bộ trưởng tư pháp Mỹ, năm 2017 dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao thiết bị quân sự cho cảnh sát. Lệnh cấm trên được Obama ban hành sau khi cảnh sát Mỹ dùng xe bọc thép đối phó biểu tình tại Ferguson, bang Missouri, liên quan tới vụ cảnh sát bắn chết thiếu niên 18 tuổi. Sessions sau đó khôi phục Chương trình 1033, cho phép Lầu Năm Góc nối lại việc chuyển giao thiết bị, vũ khí hạng nặng cho lực lượng hành pháp.

Cựu bộ trưởng Sessions cũng xem xét lại nhiều sắc lệnh khác của chính quyền Obama, nhằm cải cách các sở cảnh sát bị cáo buộc vi phạm dân quyền hoặc có hành vi bạo lực, tạo ra rào cản khiến chúng khó được thực hiện hoặc chỉ cho thực hiện trong thời hạn nhất định.

Sau khi lên thay Sessions từ năm 2019, William Barr tập trung nhiều hơn vào cuộc điều tra công tố viên đặc biệt Robert Mueller hơn là cải cách hệ thống tư pháp hình sự. Tuy nhiên, quan điểm của ông về cải cách khá tương đồng với người tiền nhiệm. “Nếu các cộng đồng không ủng hộ và tôn trọng cảnh sát, họ sẽ khó nhận được sự bảo vệ khi cần”, Barr hồi tháng 12/2019 cảnh báo.

Khi được hỏi về những điều chính quyền Trump làm để giải quyết bạo lực cảnh sát, Thư ký báo chí Nhà Trắng McEnany hôm 1/6 chỉ đề cập tới các cuộc điều tra dân quyền về cái chết của Floyd và Ahmaud Arbery, người đàn ông da màu bị bắn chết hồi tháng 2. “Tổng thống nhận ra có tình trạng bất công ở nơi họ sống”, McEnany nói.

Quan điểm bảo vệ cảnh sát khiến Trump nhận được sự ủng hộ từ nhiều cảnh sát ở Mỹ, trong đó có Minneapolis. Tháng 10 năm ngoái, Bob Kroll, chủ tịch Công đoàn Cảnh sát Minneapolis, tới sự kiện vận động tranh cử của Trump với một chiếc áo có dòng chữ “Cảnh sát ủng hộ Trump”.

“Điều đầu tiên Tổng thống Trump đã làm khi nhậm chức là cho phép cảnh sát được làm công việc của họ, tra còng vào tay tội phạm thay vì tự còng tay mình”, ông nói.

Cái chết của George Floyd phơi bày thất bại cải cách cảnh sát Mỹ

Cảnh sát bắt một người biểu tình ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, hôm 31/5. Ảnh:NYTimes.

Rất lâu trước khi Floyd chết, Sở Cảnh sát Minneapolis (MPD) nhận ra các chiến thuật họ đang sử dụng rất nguy hiểm và thường dẫn tới kết cục bi thảm. Cơ quan Quan hệ Cộng đồng thuộc Bộ Tư pháp Mỹ đã giám sát quá trình hòa giải liên bang giữa sở cảnh sát thành phố và lãnh đạo cộng đồng năm 2003. Họ đã cùng ký “bản ghi nhớ thỏa thuận” đưa ra một số biện pháp khắc phục, trong đó MPD đồng ý cấm sử dụng động tác kẹp cổ trừ trường hợp cảnh sát bị đe dọa tính mạng.

Dù nhiều sở cảnh sát ở Mỹ đã hạn chế siết cổ nghi phạm kể từ đó, 17 năm sau, đây vẫn là nguyên nhân gây ra cái chết của Floyd. Nhiều sĩ quan cảnh sát và chuyên gia cho biết đó là do lỗ hổng trong hướng dẫn sử dụng vũ lực của MPD, chưa được cập nhật từ năm 2012. Hướng dẫn nêu rõ động tác siết cổ có thể được dùng với “đối tượng có hành động gây hấn hoặc cố tình chống cự”. Cảnh sát Minneapolis đã 44 lần khiến đối tượng bất tỉnh vì động tác siết cổ kể từ năm 2015, theo dữ liệu của NBC News.

Các biện pháp nhằm tăng trách nhiệm cho cảnh sát cũng được cho là khó thực hiện. Kể từ khi làm việc tại sở năm 2001, Chauvin đã 17 lần bị khiếu nại về hành vi sai phạm, nhưng chỉ có 2 trường hợp phải chịu kỷ luật. Tou Thao, sĩ quan cảnh sát chứng kiến cảnh Floyd bị ghì chết, đã nhận ít nhất 6 đơn khiếu nại nhưng chưa từng bị kỷ luật. Các trường hợp như họ không hiếm gặp ở MPD.

Báo cáo năm 2015 của Bộ Tư pháp Mỹ chỉ ra chỉ 21% đơn khiếu nại ở MPD từng được điều tra. Gần một nửa trong số đó bị bác bỏ cáo buộc, trong khi các trường hợp còn lại chỉ phải tham gia “khóa huấn luyện” về chính sách của sở, thay vì bị đình chỉ công tác.

Nỗ lực thành lập hội đồng đánh giá cảnh sát cũng thất bại. Cơ quan đánh giá cảnh sát dân sự, do hội đồng thành phố thành lập năm 1990, đã bị đóng cửa vào năm 2012, sau khi có nhiều khiếu nại rằng đánh giá của họ thường bị cảnh sát trưởng bỏ qua. Cơ quan này sau đó được thay thế bằng Văn phòng đánh giá hành vi của cảnh sát, nhưng cũng vấp phải nhiều cáo buộc phớt lờ hầu hết đơn khiếu nại.

Chỉ có 13 trong gần 1.200 trường hợp cảnh sát bị khiếu nại từ tháng 10/2012 đến tháng 9/2015 phải chịu kỷ luật. Hầu hết trường hợp còn lại chỉ được yêu cầu tham gia khóa huấn luyện chính sách.

“Thống kê về các biện pháp kỷ luật đã nói lên tất cả. Hình thức kỷ luật nặng nhất mà chúng tôi biết là đình chỉ công tác 40 tiếng. Đó là mức độ trách nhiệm mà bạn có thể chấp nhận được sao?”, Dave Bicking, thành viên Liên minh cộng đồng chống lại bạo lực cảnh sát, viết trong email gửi Hội đồng thành phố Minneapolis hồi tháng 4/2018.

Trong dữ liệu đính kèm về những sĩ quan bị khiếu nại nhưng không phải chịu hình thức kỷ luật, tên của Chauvin xuất hiện 8 lần.

Cái chết của George Floyd phơi bày thất bại cải cách cảnh sát Mỹ

Người biểu tình lấy tay lau nước mắt cho nhau ở Lake Street, thành phố Minneapolis, cuối tháng 5. Ảnh:NYTimes.

Nhiều cơ quan khác của chính quyền bang Minnesota cũng tỏ ra không mấy ủng hộ cải cách. Đây là bang có tỷ lệ thu hồi chứng chỉ cảnh sát thấp nhất ở Mỹ. Cuộc điều tra năm 2017 của Star Tribune phát hiện hơn 20 năm qua, hàng trăm cảnh sát ở Minnesota bị cáo buộc nhiều tội danh nghiêm trọng, như tấn công người khác, nhưng không bị tước chứng chỉ.

Cơ quan lập pháp của bang cũng phản đối cải cách cảnh sát. Hồi tháng 2, nhóm hoạt động do tổng chưởng lý Keith Ellison dẫn đầu đã đưa ra 28 khuyến nghị, gồm tiêu chuẩn đào tạo mới và điều tra độc lập về sử dụng vũ lực ở MPD, nhưng không được thông qua.

Nhưng khi phong trào biểu tình đã kéo dài hơn hai tuần và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhiều người vẫn hy vọng cái chết của Floyd có thể dẫn tới những cải cách lâu dài trong lực lượng cảnh sát ở Minneapolis và trên khắp nước Mỹ.

Thanh Tâm (báo Vnexpress theo Times)

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG