Hệ thống pháp luật Việt Nam đang ngày một hoàn thiện hơn. Trong quá trình hoàn thiện ấy, chúng ta không thể phủ nhận một thực tế bao lâu nay là tiến trình chấp pháp trong xã hội hiện nay đang có vấn đề. Và, những vấn đề đó đã lộ diện mạnh trong kỳ chống dịch COVID-19 hiện nay.
Hãy xem đây là cơ hội, là một cữ dợt để hoàn thiện quy trình chấp pháp song song với nâng cấp hệ thống pháp luật hiện hành.
CHỌN CÂY GẬY NÀO?
Khi cảnh sát Ấn Độ phải dùng gậy vụt người dân để bắt họ tuân thủ lệnh giới nghiêm chống dịch COVID-19, họ cũng đồng thời nhắc lại một khía cạnh đau đớn trong lịch sử đất nước này.
Chiếc roi của cảnh sát Ấn Độ
Gậy lathi làm từ nhựa và tre, được thực dân Anh trang bị cho cảnh sát tại Ấn Độ vào cuối thế kỷ 19 để đối phó với các cuộc phản kháng đông người tại thuộc địa lớn nhất của đế chế. Người Anh thậm chí còn phát một cuốn cẩm nang sử dụng, với hai đòn phổ biến là thọc (jabbing) và chém (cutting). Có bằng chứng cho thấy rằng chiến binh tự do Lala Lajpat Rai, một anh hùng trong phong trào giải phóng Ấn Độ, đã chết vì một cú đánh của lathi.
Ảnh: L.G. |
70 năm sau ngày độc lập, Ấn Độ vẫn dùng biện pháp này, như một thói quen đầy ẩn ức, trong việc duy trì hiệu quả của luật pháp. Ấn Độ đã viện dẫn Điều 144 Bộ luật Hình sự nước này, quy định các trường hợp cấm tụ tập từ 4 người trở lên, để ứng phó với sự lây lan của dịch COVID-19. Người Ấn Độ vi phạm Điều 144 có thể bị bắt và giam giữ, tuy nhiên, những cú vụt gậy lathi chưa bao giờ được luật hóa.
Nó giống như một tập quán xử lý mang cả những ẩn ức cá nhân, chứ không phải một phương thức thi hành luật pháp. Ngoài những cú vụt ngẫu hứng, cảnh sát Ấn Độ còn phạt người vi phạm phải nhảy cóc, đứng lên ngồi xuống liên tục, hoặc ngồi trong những vòng tròn có khoảng cách theo tiêu chuẩn cách ly để… suy ngẫm về ý thức của mình. Tóm lại là tùy theo sự “sáng tạo” của lực lượng hành pháp.
Hình phạt vụt roi vốn đầy tính ngẫu hứng và bất lực này lại được biến thành biểu tượng trong một nền luật pháp khác là Singapore. Có hơn 40 tội danh của nước này được quy định phạt tù kèm đánh roi. Năm 1966, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu có nói rằng đây là một hình phạt hiệu quả vì nó vừa đau đớn vừa đáng xấu hổ, có tác dụng ngăn chặn hành vi phạm luật hơn là phạt tiền, vì nhiều người sẵn sàng trả tiền ngay cả khi đã vào tù.
Khác biệt ở đây là gì?
Nếu như Ấn Độ thả nổi cho cách ứng xử này trở thành tập quán của ngành cảnh sát thì quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự Singapore là cực kỳ chi tiết, biến hình phạt thành một cuộc giải phẫu của những con số: số roi phạt tối đa là 24 (có thể hơn nếu gộp tội và chỉ là 10 với người dưới 18 tuổi); cây roi quất cho người trưởng thành sẽ dài 1,2 mét, có tiết diện 1,3 xen-ti-mét; roi phải được ngâm nước trước khi đánh, để dẻo hơn và không lưu lại dằm trên cơ thể người bị quất; người đánh roi phải đứng cách giá đỡ 1,5 mét, phải đủ sức khỏe, được đào tạo chuyên biệt để gây đau đớn nhưng không tạo ra thương tật vĩnh viễn, với tốc độ cú quất tối đa là 160km/h và tác động một lực tương đương 90 kg.
Đầu năm 2019, Singapore kết án một tay buôn ma túy người Anh 20 năm tù kèm hình phạt đánh 24 roi. Chính phủ Anh lên án hình phạt roi, cho đó là một sự “lạm dụng thể xác”. Tờ Daily Mail dẫn lời chị gái của tay buôn ma túy, cho rằng Chính phủ Singapore “vi phạm nhân quyền”. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt thậm chí đã trực tiếp đề cập việc này trong cuộc gặp chính thức Bộ trưởng Ngoại giao Singapore.
Kết quả? Bộ Nội vụ Singapore trả lời phỏng vấn Channel News Asia rất kiên quyết: “Yuen (tên tay buôn ma túy) đã phạm tội ở Singapore và anh ta phải chịu hậu quả theo quy định của luật pháp chúng tôi”. Tội phạm nhận đủ 24 roi kèm 20 năm tù và không còn tranh cãi gì hết.
Sức mạnh của luật pháp, bao gồm việc đi từ văn bản đến thực tế, là năng lực định tính: người chấp pháp lẫn người chấp hành đều không phải bối rối khi hành xử (vì đã có những con số và chi tiết quy định làm thay) và quan trọng hơn, họ hiểu rằng những gì đã được định tính trong pháp luật là lằn ranh không thể bước qua.
Nếu như cảnh sát Ấn Độ phải quất lathi vào người vi phạm vì họ đã bước qua 2 mét tối thiểu giãn cách xã hội, thì cú quất ấy không thể là hệ quả của ẩn ức cá nhân và tập quán xử lý mà phải được cụ thể hóa chi tiết trong luật.
Định tính hình phạt
Trong dịch COVID-19 hiện nay ở Việt Nam, chúng ta thấy con dâu bệnh nhân số 34 (bản thân cô này là bệnh nhân số 38) ban đầu không chịu để đưa đi cách ly, thế là lực lượng cưỡng chế phải gọi điện cho… sếp của cô ta nhờ thuyết phục.
Tình huống này na ná những cuộc giằng co đấu khẩu rất tốn thời gian giữa lực lượng hành pháp và người vi phạm được ghi lại và phát tán không ít trên mạng. Tôi đã từng xem một clip mà người vi phạm giao thông mặt đỏ tía tai (vì say rượu) nhắc đi nhắc lại câu “em không làm gì cả, các anh đang làm sai luật đấy” đúng 10 phút đồng hồ, trong khi diễn dịch sự việc vốn rất đơn giản: anh ta vi phạm (rõ ràng), CSGT lập biên bản, anh ta nộp phạt. Luật pháp, trong trường hợp này, đã bị câu giờ, thậm chí thách thức.
Gọi điện nhờ sếp của người vi phạm thuyết phục là một tập quán xử lý, không phải là phương thức thi hành luật pháp. Luật pháp không phải là bảo mẫu và cũng không thể bị khinh nhờn.
Kể từ đầu dịch COVID-19 đến giờ, chúng ta chứng kiến không ít trường hợp cần gấp bảo mẫu như thế, như là bệnh nhân số 17 khai báo y tế gian dối, hay quán bar Buddah vẫn điềm nhiên mở cửa dù đã có quyết định của TP Hồ Chí Minh yêu cầu đóng cửa toàn bộ quán bar, nhà hàng, karaoke từ 15-3. Sự phẫn nộ đến ngay sau đó. Các phương tiện công cộng và đại chúng đa số yêu cầu phải xử lý “nghiêm”, “nặng”, “có tính răn đe” với các trường hợp này, vì rõ ràng hành động của họ là vi phạm và đã gây ảnh hưởng đến cộng đồng.
Nhưng, từ vựng của công chúng và truyền thông chỉ có thể dừng ở đó. Việc định tính là nghiêm hay có tính răn đe thuộc về Nhà nước. Sức mạnh của những con số là rất đáng kể: Nghị định 100 với quy định chỉ cần vượt mức 0mg/1 lít khí thở là đã bị phạt, cùng mức tiền phạt 6-8 triệu đồng, có tác dụng rất mạnh mẽ. Những người vi phạm hiểu rằng họ đã vượt qua ranh giới đó và phải chịu trách nhiệm cho sự vi phạm của mình. Tranh cãi là vô ích.
Khi chưa có sự định tính chi tiết, cộng đồng buộc phải hài lòng với các tập quán xử lý, vốn dựa nhiều vào hy vọng đạo đức của hai bên chấp pháp lẫn chấp hành. Điều này rất thất thường, giống như cây roi cầm lỏng lẻo. Chúng ta cần những cây roi “dài 1,2 mét, có tiết diện 1,3 xen-ti-mét, cách giá đỡ 1,5 mét, có thể tạo ra cú vụt với tốc độ 160km/h và một lực tương đương 90kg”. Càng chi tiết càng tốt.
Phạm An
BÀN TAY SẮT PHÁP TRỊ
Mức độ thảm họa đối với quốc gia hay quốc tế, đều cân nhắc 3 hiện tượng: thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh. Để kiểm soát tình hình trật tự và hạn chế mất mát sinh mạng khi xảy ra thảm họa, phải dùng đến bàn tay sắt. Nghĩa là pháp luật được triển khai một cách nghiêm khắc và toàn diện trong toàn dân, không khác gì kỷ cương quân đội. Sự lan tràn của COVID-19 là một thảm họa và Việt Nam đã thực hiện nhiều tiêu lệnh pháp luật nhất quán, hiệu quả.
Ngày 1/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành quyết định về việc công bố dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 16 yêu cầu cách ly xã hội trên cả nước trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4, mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người nơi công cộng…
Ảnh: L.G. |
Đây là lần đầu tiên người Việt Nam biết đến khái niệm cách ly xã hội. Có chút bối rối và có chút hoang mang nhưng ai cũng nhanh chóng hiểu ra giá trị của việc tuân thủ pháp luật giữa đại dịch toàn cầu. Bởi lẽ, chỉ có những hành động pháp luật mạnh mẽ nhất mới có thể ngăn ngừa sự lây nhiễm khó lường của virus Corona trong cộng đồng.
Dĩ nhiên, cách ly xã hội sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế và dịch vụ nhưng sức khỏe của mỗi người là điều quan trọng nhất. Nếu chủ quan và thờ ơ với COVID-19 thì tai ương sẽ ập đến cho chính mình và những người xung quanh. Những chiếc khẩu trang có thể lạnh lùng che kín gần hết khuôn mặt mỗi cá nhân nhưng vẫn hiển lộ đôi mắt ấm áp và tin cậy cho hôm nay và ngày mai.
Sòng phẳng mà nói, người Việt Nam xưa nay rất ít quan tâm đến pháp luật. Phần lớn chỉ nghĩ đến pháp luật khi cần tranh giành hoặc kiện tụng. Ngay cả Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm được Quốc hội thông qua từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn không mấy ai thấu đáo để tuân thủ mạch lạc. Thói quen phóng túng và xuề xòa trong các mối quan hệ làng xã khiến đám đông hình thành tâm lý dễ dãi kiểu vớt vát “trăm cái lý không bằng một tý cái tình”.
Bây giờ, mọi chuyện đã khác, COVID-19 chưa có vaccine điều trị nên loại virus này không nể “tình” bất kỳ đối tượng nào, người giàu lẫn người nghèo, thượng lưu lẫn bần hàn, quan chức lẫn thường dân… Vì vậy, sự bình đẳng của mỗi người trước pháp luật, càng có thêm ý nghĩa suốt hành trình đẩy lùi đại dịch.
Con gái của đại gia được máy bay riêng đưa từ London về TP Hồ Chí Minh vẫn phải nghiêm chỉnh làm theo mọi quy định của khu cách ly tập trung như những thành viên chân lấm tay bùn khác. Và, lợi ích của pháp luật chặt chẽ trong đại dịch đã chia đều thành quả cho mỗi người, với những kết quả xét nghiệm âm tính đầy hoan hỉ.
Tuy nhiên, trước một khái niệm mới mẻ như cách ly xã hội thì ngay cả chính quyền cơ sở ở nhiều nơi cũng mơ hồ và hành động lúng túng. Vài địa phương đã dựng hàng rào để chặn lối giao thông từ xã nọ sang xã kia, từ thôn nọ sang thôn kia. Đây là một sự thiển cận vì cách ly xã hội không phải chủ trương ngăn sông cấm chợ, mà phương tiện cá nhân và hàng hóa vẫn được lưu thông bình thường. Sự lúng túng ấy ở vùng sâu vùng xa đã được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời.
Vấn đề tồn tại đáng lo ngại nhất, chính là ý thức chấp hành của một số kẻ tự cho mình khôn ngoan hơn thiên hạ và bản lĩnh hơn thiên hạ. Ví dụ, khi đã có lệnh cấm tụ tập trên 20 người nhưng ông Phó Giám đốc bệnh viện ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vẫn tổ chức đám cưới cho con trai với đoàn xe rước dâu trên 20 chiếc ô tô. Một người công tác trong ngành y tế mà lại có thái độ xem thường sự nguy hiểm của bệnh dịch thì thật khó để tìm được sự bào chữa nào.
Hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước được hoàn thiện. Chúng ta cũng có những văn bản dưới luật để hướng dẫn thực thi rộng khắp và cụ thể. Thế nhưng, biểu hiện tự tung tự tác vẫn diễn ra ở một số nơi và ở một số người.
Điều đáng băn khoăn khi triển khai pháp luật trong đại dịch toàn cầu chính là tâm lý ngạo mạn và ích kỷ của cá nhân. Những kẻ không đeo khẩu trang khi ra đường hoặc những kẻ ung dung nhậu nhẹt đều có chung ý nghĩ là… COVID-19 sẽ chừa mình ra. Đành rằng, SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn với những người lớn tuổi nhưng những trường hợp thanh niên bị lây nhiễm cũng đâu phải ít ỏi gì. Tự đem sinh mạng mình ra đánh cược với COVID-19 không chỉ là hành vi xem thường pháp luật mà còn xem thường nỗ lực chung của cộng đồng.
Sự quan trọng của pháp trị nghiêm minh trong công cuộc khống chế COVID-19 không còn là câu chuyện để hoài nghi hay bàn cãi. Triệu con người một tấm lòng sẽ có hun đúc sức đề kháng cho cả dân tộc trước thảm họa đang gieo rắc khắp hành tinh. Thượng tôn pháp luật là kim chỉ nam cho mọi người trong ngày thường bình yên và là chọn lựa đúng đắn cho mọi người trong thử thách đại dịch.
Điểm yếu về tính khả thi của pháp luật Việt Nam thường nằm ở sự cả nể và chủ quan, mà hệ lụy nhãn tiền là xuất hiện 2 ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và quán bar Buddha (TP Hồ Chí Minh). Một người bất cẩn đã làm khổ vạn người là bài học cay đắng và xót xa. Khi câu cảm thán “giá như” thốt ra thì mọi sự đã muộn màng.
Tinh thần cốt lõi của pháp luật là “bất vị thân”. Đứng trên pháp luật hoặc đứng ngoài pháp luật trong đại dịch toàn cầu đều dẫn đến bi kịch. Nếu pháp luật bị buông lỏng thì nước mắt không thể an ủi tất cả chúng ta. Ngược lại, nếu pháp luật được phát huy tích cực trước thảm họa COVID-19 thì nền tảng ấy cũng tạo dựng lối sống văn minh cho cộng đồng sau khi xóa sổ COVID-19. Nói cách khác, thượng tôn pháp luật hôm nay là đợt diễn tập cho chúng ta bước vào tương lai tươi sáng và phồn vinh.
Lê Thiếu Nhơn
CÔNG LÝ PHẢI ĐƯỢC THỰC THI
Người xưa có nói, đại ý, khi pháp luật hà khắc quá thì cần lấy nhân từ mà trị quốc, còn khi xã hội hỗn loạn, kỷ cương lỏng leo thì phải lấy pháp trị để lập lại trật tự. Đó là cái thuật trị quốc mềm dẻo dựa trên căn tính của cộng đồng. Và gương mặt của cộng đồng xã hội Việt hôm nay đang cần gì? Nếu được trả lời, tôi sẵn sàng lựa chọn pháp trị nghiêm minh.
Sở dĩ tôi muốn lựa chọn một cách quả quyết như thế cũng bởi việc thiếu tinh thần tuân thủ pháp luật đã thành một thói quen xấu trong đời sống người Việt, bất chấp trình độ, giàu nghèo. Ngay ở trong mùa chống dịch COVID-19 này, chúng ta càng nhận ra rằng cái thói quen xấu ấy bộc lộ mạnh mẽ đến thế nào.
Từ câu chuyện trốn cách ly cho tới việc ngang nhiên mở hàng phục vụ dù đã có lệnh cấm (Buddha Bar), tất cả đều đến từ thói quen “chắc chẳng sao cả đâu” của mỗi người Việt. Và khi mà Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải dùng ví dụ về chuyện một người Nga vi phạm quy định về dịch tễ của nước Nga và bị xử phạt 5 năm tù, chúng ta đủ hiểu chính quyền đang căng thẳng ra sao với tình trạng ngang nhiên vi phạm pháp luật ở thời điểm nước sôi lửa bỏng.
Khi nhắc tới cụm từ “ngang nhiên vi phạm pháp luật”, tôi ngẫu hứng gõ nó trên thanh công cụ tìm kiếm của Google. 42 triệu 400 ngàn kết quả chỉ sau 0,39 giây là đáp số. Có thể trong số hơn 42 triệu kết quả kia có nhiều kết quả cùng nói về một sự vụ nhưng điều đó cũng đủ cho thấy tình trạng ngang nhiên vi phạm pháp luật ở Việt Nam phổ biến tới mức độ nào.
Nếu chúng ta rảo bộ quanh phố phường nơi ta sống trong vòng nửa ngày và ghi lại những gì chứng kiến, tôi chắc ở mỗi phố chúng ta qua đều xuất hiện ít nhất một hành vi phạm pháp trắng trợn. Và cái đáng nói là những hành vi phạm pháp ấy đều không có ảnh hưởng xấu ngay lập tức nên người ta dễ dàng lướt qua nó. Song, cái hậu quả khôn lường là nó tạo thành một tập quán chung khiến xã hội trở nên hỗn tạp.
Căn nguyên tất nhiên là nhiều. Từ sự thiếu am hiểu pháp luật cho tới thiếu văn hóa nền tảng. Từ sự bất tuân cho tới sự khinh khi, xem thường. Và ở trong một bối cảnh xã hội mà vi phạm pháp luật đã thành thói quen xấu như vậy, tăng cường tính nghiêm minh trong hoạt động chấp pháp là rất cần thiết. Đã đến lúc phải khép vào khuôn khổ một cách chặt chẽ với những chế tài nghiêm khắc để người ta phải biết sợ mà tập một thói quen tuân thủ cho mình.
Nói đến chấp pháp, có một câu tiếng latin rất hay là “Fiat justitia ruat caelum”, dịch nôm na là “Công lý phải được thực thi dù cho thiên đường có sụp đổ”. Đúng là công lý phải được thực thi thì mới mong đưa xã hội trở về với trật tự cần có. Pháp luật được đặt ra để điều chỉnh các hành vi trong xã hội. Việc một cá thể trong xã hội không tuân thủ các quy định pháp luật có nghĩa là công lý (bước đầu) đã không được thực thi. Vậy thì khi đó, công lý (bước hai) phải được tiếp nối. Đó chính là những hành động cụ thể để xử phạt, nói thẳng ra là trừng phạt. Để sự trừng phạt ấy không là một hành vi trái với công lý, người thực thi nó phải nghiêm-chính. Đáng tiếc, cái phần nghiêm-chính này đang mờ nhạt trong các sự vụ chấp pháp ở Việt Nam hôm nay.
Đúng là có quá nhiều ràng buộc ngoài pháp luật đối với những người chấp pháp và khiến cho bàn tay công lý của họ bị trói lại. Đơn cử là chuyện xóm giềng thôi chẳng hạn. Xóm giềng ở gần nhau thành thân, nảy sinh tình cảm quý mến, sẻ chia, nhường nhịn. Điều gì sẽ xảy ra nếu người chấp pháp là hàng xóm thân thiết của người vi phạm. Nghĩ đến việc sau khi chấp pháp còn phải sống thế nào với xóm giềng cũng đủ trói tay người chấp pháp rồi. Cái khó nảy sinh từ những điều nhỏ bé kia chứ đừng nói đến những thứ xa vời hơn như tham nhũng, tha hóa…
Nhiều nước trên thế giới vẫn nhìn nhận Việt Nam chúng ta như một quốc gia ít tự do hơn, ít dân chủ hơn nhưng thực tế đời sống lại không hẳn như vậy. Khá nhiều người nước ngoài khi sang Việt Nam đã ngạc nhiên vì những gì mà họ có thể làm tại đất nước chúng ta. Vốn dĩ, những hành vi đó là không được phép ở nước ngoài.
Vậy thì rõ ràng đang tồn tại một thứ tự do quá trớn trong xã hội, một thứ dân chủ vô tổ chức và thiếu ý thức trong cộng đồng. Dường như người Việt không có một cơ chế thích ứng với quy phạm pháp luật trong ý thức của mình nên tính tự phát đã lấn át và dẫn tới nhiều hỗn loạn trong xã hội. Trong khi đó, việc mạnh tay xử lý nhiều khi dễ bị quy chụp thành vi phạm nhân quyền để rêu rao đây đó.
Cái khó thực sự nằm ở đây. Song cái khó này có thể giải quyết được nếu lực lượng chấp pháp dám hi sinh, dám chấp nhận bị chỉ trích trong thời gian đầu để thực thi tính nghiêm-chính của mình. Cơ bản, sự chống đối sẽ luôn tồn tại khi có thay đổi đột ngột song khi việc nghiêm minh chấp pháp đã được tập thành tập quán chung, sự chống đối sẽ không còn nữa.
Đơn cử như Nghị định 100 chẳng hạn. Lúc mới được đưa ra, cũng lắm ý kiến điều ra tiếng vào. Khi mới thực thi, cũng đầy những hình ảnh chống đối của người vi phạm. Xem những hình ảnh đó, tôi luôn nghĩ mình không thể là một chiến sĩ CSGT được bởi cái tính nóng nảy của mình.
Trước những hành vi kiểu như thóa mạ chiến sĩ CSGT và bỏ mặc phương tiện ở đó nghênh ngang bước ra giữa đường của mấy người say, ở các quốc gia khác sẽ có những hình phạt cực nặng. Nhưng, người Việt thì lại chưa nếm trải cảm giác bị xử phạt nặng nề là như thế nào.
Chỉ đến khi những bản án phạt vi phạm Nghị định 100 được công bố với con số có thể bằng cả năm lương của một người lao động, công lý bắt đầu được thực thi theo đúng cách của nó. Thói quen mới của dân nhậu bây giờ là dùng phương tiện giao thông công cộng. Rõ ràng, khó khăn ban đầu (chống đối, chỉ trích) đã không còn là nan đề nữa. Mà bây giờ, chỉ còn tồn tại một thói quen duy nhất: tuân thủ quy định.
Đợt dịch COVID-19 này qua đi, cuộc sống sẽ trở lại bình thường nhưng chắc chắn chúng ta cần phải nhìn vào hàng loạt vi phạm thời dịch giã này để nhận diện tính phi lý của xã hội hiện tại để từ đó siết chặt bàn tay thực thi công lý. Người Việt muốn trở nên văn minh, trước tiên phải tập quen với công lý trước đã. Chúng ta chưa đủ nghiêm khắc lắm đâu nên đừng ngại, đừng sợ những chỉ trích ban đầu.
Không quốc gia nào gánh chịu hậu quả thay cho chúng ta cả nên chúng ta phải tự thiết lập kỷ cương xã hội cho riêng mình. Tất nhiên, điều cần nhất vẫn là một lực lượng chấp pháp chính đính, nghiêm minh, chí công vô tư, vị pháp quên thân để chứng minh rằng “Công lý phải được thực thi dù thiên đường có sụp đổ”.
Hà Quang Minh
Phạm An – Lê Thiếu Nhơn – Hà Quang Minh