Trong phần phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10, khóa XII hôm qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở thảo luận hàng loạt vấn đề hóc búa, phức tạp.
Sau các cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt ngày 14-5, chủ trì họp Bộ Chính trị ngày 15-5, hôm qua (16-5), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Với tính chất hội nghị trung ương gần cuối nhiệm kỳ, hội nghị lần này tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, dự kiến khai mạc đầu năm 2021, cũng như đại hội đảng bộ các cấp. Theo đó, Trung ương sẽ thảo luận, cho ý kiến các đề cương của năm báo cáo: Báo cáo chính trị; Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011; Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược 2021-2030; Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm năm 2016-2020, kế hoạch 2021-2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng.
Từ đề cương này, sau khi tổng hợp ý kiến của Trung ương, các tiểu ban sẽ hoàn thiện, xây dựng dự thảo các báo cáo để trình Trung ương các kỳ họp tới, trước khi tổng hợp thành văn kiện trình Đại hội XIII.
“Nhìn lại cả quá khứ và hướng tới tương lai”
Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý mối quan hệ giữa các báo cáo này. Theo ông, báo cáo chính trị là trung tâm bởi phải nêu toàn diện tất cả vấn đề trên tất cả lĩnh vực, làm định hướng có tính đường lối, có tính chính trị để sắp tới triển khai các công việc. Kèm theo đó là Báo cáo tổng kết Cương lĩnh 2011 nhưng không phải để sửa đổi cương lĩnh.
Đi vào chi tiết hơn là nhóm báo cáo về kinh tế-xã hội. Khác với Đại hội XII, Đại hội XIII tới sẽ phải thảo luận, quyết định những vấn đề có tính chiến lược với tầm nhìn 10 năm, rồi kế hoạch năm năm của nhiệm kỳ tới. Các nội dung đề cập, mổ xẻ không trùng với báo cáo chính trị và phải cụ thể hơn. Nhóm thứ hai là các báo cáo về xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng cũng phải chi tiết, cụ thể hơn những gì mang tính định hướng, đường lối, chính trị ở báo cáo chính trị.
Hai nhóm báo cáo ấy cần phản ánh đúng tính chất hai nhiệm vụ của Đảng: Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý khi chuẩn bị nội dung cho Đại hội XIII, mặc dù tên các báo cáo chỉ nói tới mục tiêu, nhiệm vụ cho giai đoạn từ nay đến năm 2026 nhưng cần đặt trong tầm nhìn chiến lược dài hơn, nhìn lại cả quá khứ và hướng tới tương lai. Đó là mốc 100 năm thành lập Đảng (2030), 100 năm thành lập nước (2045).
“Hình dung lúc ấy thế nào là vô cùng khó. Nhưng họp Bộ Chính trị, họp lãnh đạo chủ chốt, tôi đã nói: Tất cả các địa phương phải theo cách này, không phải chỉ tập trung lo chuẩn bị nhân sự mà phải tập trung xây dựng văn kiện đại hội. Báo cáo trình ra đại hội không giống như báo cáo thành tích hằng năm mà cũng phải phân tích quá trình của địa phương, đơn vị mình hiện tại và sắp tới, hình dung xem địa phương ta đến năm 2030 sẽ ra sao, đến năm 2045 sẽ là như thế nào. Đây là việc khó lắm, không dễ, cho nên các đồng chí phải nghiên cứu, chuẩn bị hết sức công phu” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thảo luận hàng loạt vấn đề hóc búa, phức tạp
Gợi mở một số vấn đề thảo luận, người đứng đầu Đảng, Nhà nước đặt ra hàng loạt vấn đề: Thời kỳ quá độ là thế nào? Đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế là thế nào? Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không? Vừa qua kinh tế thị trường phát triển như thế được chưa? Có bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa không? Có lệch về phía nào không? Các thành phần kinh tế, các chế độ sở hữu như thế nào? Bây giờ chế độ sở hữu của ta như thế nào?
Từ thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội những năm qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt vấn đề: “Chúng ta cứ thu hút đầu tư nước ngoài vào thật nhiều, ký kết thật nhiều thì rất hoan nghênh nhưng đầu tư vào đây thì ta sẽ quản lý thế nào? Có phụ thuộc vào người ta không? Có giữ được độc lập tự chủ không? Trong khi đó, yêu cầu là hội nhập kinh tế nhưng phải độc lập tự chủ. Bây giờ kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt. Hôm qua tôi có nói đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân. Không kỳ thị nhưng đồng thời anh nào có sai thì yêu cầu họ sửa. Nhà nước cũng thế, không phải Nhà nước tất cả cái gì cũng đều tốt. Kinh tế nhà nước có mặt tốt nhưng vừa qua có rất nhiều thất thoát. Nhưng từ chỗ thất thoát như thế mà dẫn đến coi nhẹ kinh tế nhà nước, chuyển tất cả sang tư nhân thì có đúng không?”.
Phải thực sự cầu thị, đổi mới cách làm
Lần này, đối với Trung ương, tôi đề nghị cũng nên đổi mới, phải thực sự cầu thị, đổi mới cách làm. Khi họp với các đồng chí lão thành, tôi đã nói: Mời các đồng chí lão thành có kinh nghiệm, các đồng chí lãnh đạo dù tuổi cao nhưng còn trí tuệ, tận dụng tối đa trí tuệ của các đồng chí, các tầng lớp trí thức, nhà khoa học trong và ngoài nước. Hôm vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị lắng nghe ý kiến góp ý của một số chuyên gia, nhà khoa học. Cách làm đó rất tốt, nên làm nhiều hơn nữa, chia làm nhiều chủ đề, nhiều chuyên đề, nhiều đối tượng nghe, cọ xát, thảo luận.
(Trích phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư,
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng)
Đây đều là những vấn đề khó và phức tạp, đòi hỏi phát huy trí tuệ tập thể của Ban Chấp hành Trung ương, để từ hoàn thiện đề cương đến dự thảo các báo cáo làm nội dung thảo luận, quyết định ở Đại hội XIII.
Ủy viên trung ương đều là người đứng đầu các đảng bộ, các cơ quan nhà nước, đoàn thể. Chính họ chịu trách nhiệm triển khai nhiều công tác quan trọng cho đợt đại hội đảng bộ các cấp từ nay đến trước Đại hội XIII. Vì vậy trong Hội nghị lần thứ 10 này, Bộ Chính trị cũng báo cáo, xin ý kiến Trung ương về tổng kết thực hiện Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị khóa trước về đại hội đảng bộ các cấp và dự thảo chỉ thị mới cho đại hội đảng bộ các cấp của nhiệm kỳ này để hoàn chỉnh trước khi ban hành.
Tại hội nghị Trung ương 10, Trung ương sẽ nghe báo cáo các công việc quan trọng của Bộ Chính trị đã chỉ đạo và giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 9 đến nay; nghe báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng năm 2018 và những tháng đầu năm 2019.
Với các nội dung chính trên, có thể thấy nội dung Hội nghị Trung ương 10 ít hơn, thời gian họp ngắn hơn so với hội nghị cùng kỳ các khóa trước. Đó là do một số nội dung đã được san sẻ cho Hội nghị Trung ương 9, được bổ sung hồi tháng 12-2018. Tại đó, Trung ương đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư và cho ý kiến về danh sách quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Theo kế hoạch được phổ biến tới các tỉnh, thành ủy, tổ chức đảng tương đương thì danh sách quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải được Bộ Chính trị hoàn tất phê duyệt trong quý I vừa qua. Vậy nên đây được kỳ vọng là một nội dung mà Bộ Chính trị sẽ báo cáo Trung ương.
Ngày 16-5, sau phần phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ, thảo luận: Đề cương Báo cáo chính trị; đề cương Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011; đề cương Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm năm 2016-2020, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm 2021-2025; đề cương Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng. Chiều cùng ngày, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục thảo luận tại tổ về các nội dung trên.
NGHĨA NHÂN