Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cứ kêu gọi là xã hội phải tin vào ngành giáo dục trong khi sự chuyển biến lại không có thì đó chỉ là khẩu hiệu.
Những vụ việc được ví như những con sâu bỏ rầu nồi canh, luôn khiến xã hội phẫn nộ. Năm 2019 này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang có những thay đổi đáng kể trong dạy và học, thi cử, chương trình mới… để hạn chế các vụ việc tương tự. Nhiều người cũng kỳ vọng, giáo dục – đào tạo năm 2019 sẽ có những bước chuyển thực sự làm thay đổi bộ mặt của ngành.
Ngay những ngày đầu năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo phương án thi THPT quốc gia năm 2019 với nhiều điểm thay đổi theo hướng tổ chức thi khoa học hơn, nghiêm ngặt hơn. Bộ cũng tổ chức hội nghị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới để các địa phương, nhà quản lý giáo dục, giáo viên chuẩn bị các điều kiện để triển khai trong thực tế.
Là người đã gắn bó với ngành giáo dục 65 năm, Giáo sư- Tiến sỹ Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, ông rất thông cảm với ngành Giáo dục- Đào tạo bởi những áp lực và kỳ vọng quá lớn từ xã hội trong việc dạy và học. Nhiều lần ông lên tiếng phản biện, đóng góp ý kiến cho các vấn đề của ngành đều với một mục đích mong ngành khởi sắc và đi đúng hướng, bởi những bước tiến của xã hội đều có dấu ấn của giáo dục- đào tạo. Trong năm 2019 này, ông vẫn bày tỏ sự lo lắng về chương trình giáo dục phổ thông mới và kỳ thi THPT quốc gia 2019: “Chương trình giáo dục sắp tới mà chúng ta đưa ra để có thể làm ở các trường phổ thông cũng vẫn phải đổi mới nó, vừa làm vừa điều chỉnh, vừa bổ sung để sát hợp với tình hình. Những đổi mới thì có thể ý tưởng là rất hay, nhưng thực hiện như thế nào thì phải rất chú ý đến việc nó vào cuộc sống ra sao. Tôi nghĩ thi cử chúng ta cải tiến nhiều quá, đổi mới nhiều quá nhưng vẫn tốn kém, vẫn sai sót và nếu chúng ta không có một giải pháp cơ bản hơn thì tôi sợ rằng sang năm lại phải đổi mới nữa”.
Một số ý kiến cho rằng, năm 2018, ngành Giáo dục- Đào tạo đã tập trung vào xây dựng hai dự án Luật là Luật Giáo dục (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục Đại học. Trong đó Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục Đại học đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực vào tháng 7 năm nay được coi là điểm sáng đáng hy vọng sẽ thay đổi phần nào diện mạo của giáo dục đại học 2019.
Tiến sỹ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo nói: “Nếu so sánh Luật mới với luật 2012 thì thấy luật mới đưa ra được và cụ thể hóa được một loạt các quan điểm, thậm chí các giải pháp theo hướng là trao quyền tự chủ cho các trường. Quyền tự chủ đó cụ thể phải như thế nào, có lộ trình từng bước tiến tới tự chủ đó, có trường tiến tới trước, có trường tiến tới sau và đưa ra những tiêu chí cụ thể để trường nào thì đạt được mức trao quyền tự chủ đến mức độ nào chứ không phải đồng loạt. Thứ 2 là khẳng định là quyền tự chủ phải trao cho Hội đồng trường chứ không phải cá nhân ông hiệu trưởng”.
Trao đổi với phóng viên VOV, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, ngành giáo dục đang đứng trước rất nhiều thách thức bởi đây là lĩnh vực liên quan đến từng người, từng nhà, được rất nhiều người quan tâm. Tuy vậy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, những thách thức này cũng chính là cơ hội để tạo được sự chia sẻ hơn đối với xã hội trong năm 2019. Toàn ngành GD-ĐT vẫn đang tiếp tục sửa những cái sai để các hoạt động của ngành trong năm 2019 và những năm tiếp theo dần tốt lên: “Ngành giáo dục phải rà soát những gì mà không phù hợp, tạo ra bất cập, thậm chí yếu kém là phải xử lý. Cứ làm tốt thì tôi tin là xã hội sẽ ủng hộ. Bây giờ cứ kêu gọi là xã hội phải tin vào ngành giáo dục trong khi sự chuyển biến và những vấn đề của ngành giáo dục lại chưa được giải quyết hay là những công việc của ngành giáo dục mà người dân không biết thì việc kêu gọi ấy là khẩu hiệu. Tôi nhấn mạnh đến hành động”
Năm 2019, xã hội đều mong đợi sẽ nghe được nhiều hơn những thông tin tốt lành từ ngành giáo dục – đào tạo chứ không phải một bức tranh nhiều màu tối của năm 2018./.
Câu này phải để người ngoài ngành nói mới phù hợp hoặc ông Nhạ phải nói ngược lại mới đúng….Đúng là câm hay ngóng mà ngọng thì hay nói