Giữa vụ bê bối xâm hại tình dục của các linh mục và trước cuộc gặp quan trọng để bàn vấn đề này vào tháng 2, Giáo hoàng Francis mất đi hai chuyên gia truyền thông hàng đầu.
Đỉnh điểm mọi việc diễn ra vào đúng ngày cuối cùng của năm, một thời điểm mà tòa thánh đang đầy khủng hoảng.
Đúng ngày 31/12/2018, người phát ngôn của Vatican Greg Burke thông báo trên Twitter rằng ông và cấp phó là bà Paloma Garcia Ovejero sẽ không tiếp tục đảm nhận vị trí phụ trách truyền thông cho tòa thánh nữa. Việc hai người đứng đầu phòng báo chí của Vatican chọn thời điểm từ chức vào ngày cuối cùng trong năm được cho là để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức.
Tuy nhiên, sự việc vẫn diễn ra vào thời điểm vẫn bị coi là nhạy cảm, Vatican vào lúc này đang phải chịu nhiều sức ép từ bê bối xâm hại tình dục liên quan đến các linh mục tại ở Chile và Mỹ. Cùng với đó là cáo buộc tòa thánh đã cố tình che đậy thông tin và có dấu hiệu bao che cho các linh mục này.
Kể từ khi trở thành người đứng đầu Vatican, Giáo hoàng Francis đã đối mặt với những chỉ trích của những người bảo thủ, phản đối kế hoạch cải tổ nhà thờ và quan điểm cởi mở hơn của ông với các vấn đề như người đồng tính và ly hôn.
Nhưng đến nửa sau năm 2018, những chỉ trích này gia tăng trong bối cảnh các bê bối xâm hại tình dục của các linh mục dần lộ diện, khiến Giáo hoàng Francis phải đối mặt với cuộc khủng hoảng uy tín lớn nhất kể từ khi ông lên ngôi vào năm 2013.
Các hồng y và giám mục liên tục bày tỏ phản đối về cái cách Vatican, đứng đầu là Giáo hoàng, xử lý vụ bê bối này. Mọi thứ lên đến đỉnh điểm vào cuối tháng 8, khi Tổng giám mục Carlo Maria Viganò, người từng là đại sứ Vatican tại Mỹ, công bố bức thư dài 11 trang trong đó cho rằng Giáo hoàng Francis đã biết về những cáo buộc lạm dụng tình dục với Hồng Y Theodore McCarrick tại Mỹ vào năm 2013, nhưng đã không làm gì trước việc này.
Cựu đại sứ Vatican tại Mỹ từ năm 2011-2016 cũng nêu tên một loạt các hồng y và tổng giám mục khác mà ông cho rằng đã biết về những cáo buộc với Hồng y McCarrick. Tổng giám mục Vigano nhận định: “Sự mục nát đã chạm đến đỉnh trong hệ thống của nhà thờ”, và gợi ý Giáo hoàng Francis nên từ chức. Hồng y McCarrick trước đó đã từ chức vào tháng 7/2018 và tuyên bố mình vô tội, nhưng cuộc điều tra với người từng là tổng giám mục Washington vẫn đang được tiến hành bởi các công tố viên New York.
Lá thư của Tổng giám mục Vigano đến vào thời điểm Vatican đang phải đối mặt với vụ bê bối gây chấn động nhà thờ Công giáo. Ở Pennsylvania, tòa án công bố kết quả điều tra cho thấy 301 linh mục ở bang này đã lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên trong suốt 70 năm qua. Tại Australia, một tổng giám mục đã bị kết tội che dấu việc xâm hại trẻ em. Ở Chile, 34 giám mục từ chức vì che giấu các hành vi tương tự. Hiện 13 bang ở Mỹ đang mở cuộc điều tra chính thức về tình hình xâm hại tình dục trong các nhà thờ.
Trong khi đó, từ lâu các thành viên bảo thủ của giáo triều Roma (Curia) đã không hài lòng với những tham vọng cải cách của Giáo hoàng Francis. Người đứng đầu Vatican từng thẳng thắn chỉ trích những gì mà ông cho là đạo đức giả và tự kiêu của một số quan chức trong tòa thành trong bài phát biểu cuối năm 2014. Đến năm 2017, Giáo hoàng Francis lại tuyên bố cuộc cải cách giáo triều Roma đang bị tổn hại bởi âm mưu của một bộ phận thiểu số. Vì vậy Giáo hoàng cần phải giải quyết êm thấm những cáo buộc của Tổng giám mục Vigano, và cũng cần xử lý hiệu quả vụ bê bối hiện tại, để dập tắt những sự hoài nghi và chống đối của phe bảo thủ ở bên trong Vatican.
Trong khi đó từ bên ngoài, những ý kiến chỉ trích cũng cho rằng Giáo hoàng chưa thực hiện lời hứa mà ông đưa ra trong đó loại bỏ những kẻ xâm hại khỏi nhà thờ và trừng trị thích đáng những người đã che dấu hành vi này. Hơn 47.000 người đã ký tên vào một bức thư được gửi từ Diễn đàn Phụ nữ Công giáo, một tổ chức có trụ sở tại Mỹ, yêu cầu Giáo hoàng đưa ra câu trả lời về những tuyên bố của Tổng giám mục Vigano.
Trước những áp lực này, Giáo hoàng Francis tuyên bố triệu tập một cuộc gặp với các chủ tịch hội đồng giám mục trên khắp thế giới để bàn về vấn đề bảo vệ trẻ vị thành niên. Đây là lần đầu tiên một cuộc gặp như thế này được tổ chức tại Rome để thảo luận một vấn đề cụ thể. Hơn 100 chủ tịch hội đồng giám mục sẽ làm việc từ ngày 21-24/2 cùng với Giáo hoàng và kết quả cuộc gặp này sẽ được cả thế giới chú ý. Sẽ có rất nhiều kỳ vọng với người đứng đầu Vatican, Giáo hoàng, cần đưa ra những biện pháp cụ thể, có thể làm được, để bảo vệ trẻ em và người lớn trước những linh mục xấu xa.
Những người thân của nạn nhân bị lạm dụng cho rằng đây sẽ là cơ hội cuối cùng của Giáo hoàng Francis để lấy lại niềm tin của các tín đồ với Vatican và nhà thờ Công giáo. Đã có rất nhiều hy vọng khi Giáo hoàng lên ngôi vào năm 2013, nhưng những hy vọng đó đang lung lay trong lúc này. Nhiều người lo ngại Giáo hoàng thay vì đưa ra những mệnh lệnh từ Vatican, sẽ đề cao tình huynh đệ và sự chia sẻ quyền lực của các giám mục và tiếp tục để hệ thống phân cấp của nhà thờ tự quản lý.
Tại Mỹ, sự chỉ trích tập trung vào thất bại của nhà thờ trong việc kỷ luật các giám mục, dù là vì tội xâm hại tình dục hay che đậy tội ác này. Điều này khiến cho các tín đồ sụt giảm niềm tin nghiêm trọng vào nhà thờ Công giáo. Theo một khảo sát của hãng thống kê Gallup, số lượng tín đồ Công giáo Mỹ tin tưởng vào lòng trung thực và đạo đức của các linh mục đã giảm xuống con số kỷ lục, khi chỉ còn một phần ba số người được hỏi hoàn toàn tin vào điều này. Trong khi đó, ít hơn một nửa số người được hỏi thể hiện sự tin tưởng với hoạt động tôn giáo có tổ chức. Tín đồ Công giáo Mỹ cũng đến nhà thờ ít hơn trong năm 2018 so với giai đoạn từ năm 2014-2017.
Gallup nhận định: “Với quy mô của các cáo buộc xâm hại và số trường hợp được xác nhận, việc người Công giáo mất niềm tin vào các tiêu chuẩn đạo đức của các giáo sĩ là điều dễ hiểu. Cách nhà thờ xử lý nhiều vụ việc chắc chắn đã ảnh hưởng tới tâm trí của người Công giáo, và đóng vai trò hình thành quan điểm ngày càng tiêu cực của họ về nhà thờ và tôn giáo có tổ chức”.
Đây cũng là lúc Giáo hoàng Francis cần truyền tải thông điệp của mình một cách hiệu quả nhất trước thềm cuộc họp của các chủ tịch hội đồng giám mục này ở Vatican
Năm 2006, người tiền nhiệm của Giáo hoàng Francis là Giáo hoàng Benedict từng có bài phát biểu được cho là có trích dẫn chống lại đạo Hồi tại thành phố Regensburg, phía nam nước Đức khiến cho cộng đồng Hồi giáo trên thế giới nổi giận. Nhưng đó không phải là tai nạn truyền thông duy nhất của Vatican trong giai đoạn này, tòa thánh đã nhiều lần phải giải thích về các tuyên bố gây tranh cãi khác của Giáo hoàng Benedict, và cũng từng đối mặt chỉ trích của cộng đồng Do Thái vào năm 2009 khi dỡ bỏ hình phạt với một linh mục được cho là người chối bỏ tội ác diệt chủng Do Thái.
Chuỗi những sự kiện không mấy tích cực này dẫn đến việc Vatican, trong một động thái hiếm hoi, chấp nhận sự thiếu sót về mặt truyền thông và mang về Greg Burke, một phóng viên kỳ cựu của kênh Fox News và từng có thời gian làm việc ở tạp chí Time trước đây. Khi đó ông Burke đang là phóng viên thường trú của Fox tại Rome, và chính thức trở thành cố vấn truyền thông cho Vatican.
Việc Giáo hoàng Francis lên ngôi vào năm 2013 mang đến tín hiệu tốt cho ông Burke và văn phòng truyền thông của Vatican. Người đứng đầu Vatican từng phát biểu sau chuyến thăm Brazil: “Nếu một người đồng tính có thiện chí và tìm đến Chúa, thì tôi là ai mà phán xét họ?”. Với tinh thần cởi mở và những phát ngôn khéo léo như vậy, vị Giáo hoàng đến từ Argentina nhận được phản ứng tích cực của giới truyền thông và ngay cả những người không theo đạo.
Greg Burke chính thức trở thành người phát ngôn của Vatican vào năm 2015 và vào năm 2016 ông trở thành bộ mặt truyền thông của tổ chức này. Sự xuất hiện của một người Mỹ như ông Burke với rất nhiều kinh nghiệm truyền thông toàn cầu, và sau đó là bà Garcia từ đài truyền hình Tây Ban Nha Cadena Cope, cho thấy xu hướng cải cách của Vatican trong lĩnh vực này. Đây cũng là một phần trong nỗ lực của Giáo hoàng Francis nhằm thay đổi bộ máy cồng kềnh chỉ sử dụng tiếng Italy của nhà thờ, phản ánh tốt hơn tính toàn cầu của tổ chức.
Trong thời gian làm việc, ông Burke và đội ngũ truyền thông của mình đã bổ sung các buổi báo cáo thông tin, cố gắng không dựa vào những bài phát biểu được soạn thảo từ trước và mang tới những người có khả năng trả lời các phóng viên bằng ngôn ngữ được hỏi. Ông Burke cũng tự học thêm tiếng Tây Ban Nha và áp dụng công nghệ để cho phép các phóng viên không cần phải có mặt ở văn phòng báo chí của Vatican. Những bước đi này tưởng chừng nhỏ nhưng đã giúp thông tin từ tòa thánh được lan truyền nhanh hơn trên toàn cầu, tránh sự phụ thuộc vào báo chí Italy.
Nhưng tất cả chỉ có vậy. Ông Burke và các phụ tá không thể tiếp cận gần hơn với các cấp dưới thân cận của giáo hoàng, thậm chí là những người vòng ngoài. Điều này khiến cho chuyên gia truyền thông này không thể đưa ra những lời khuyên trực tiếp cho người đứng đầu Vatican về nội dung mà giáo hoàng muốn đưa ra, hoặc chí ít là cách truyền tải nội dung đó.
Hơn nữa, ông Burke được cho là không hài lòng với quan điểm bảo thủ của những người đứng đầu Vatican về truyền thông. Báo đài và các phương tiện truyền thông khác của Vatican được cho là công cụ để lan truyền các bài phát biểu của Giáo hoàng và những nội dung liên quan đến giáo hội Công giáo, nhưng ông Burke và các phụ tá cho rằng trong thời đại truyền thông tương tác, văn phòng báo chí Vatican phải có vai trò nhất định trong việc định hình, hoặc ít nhất là bảo vệ thông điệp của Giáo hoàng trên mặt trận mạng xã hội.
Họ đã tìm cách nói với Giáo hoàng Francis và các lãnh đạo giáo hội rằng khi thông điệp của ông được mang tới một thế giới rộng lớn và tương tác nhanh, sẽ luôn có chỗ cho sai lầm.
Những cảnh báo của họ đã không được quan tâm. Vào tháng 10/2018, giáo hoàng và các lãnh đạo Vatican đã không thảo luận với văn phòng báo chí về quyết định ca ngợi Hồng y Donald Wuerl khi ông này từ chức vì bị chỉ trích đã che dấu bê bối lạm dụng tình dục trong thời gian làm giám mục Pittsburgh.
Bức thư dài của Giáo hoàng Francis trong đó có đoạn nhắc đến sự “cao thượng” của Hồng y Donald Wuerl được Tổng giáo phận Washington công bố, phải nhận nhiều chỉ trích và có ý kiến còn cho rằng Giáo hoàng Francis không hiểu được quy mô tổn hại mà vụ bê bối này có thể gây ra cho nhà thờ.
Các chuyên gia cho rằng việc hai chuyên gia truyền thông với tư tưởng hiện đại bất ngờ rời khỏi Vatican vào thời điểm này không phải là một dấu hiệu tốt lành, nhất là khi có cuộc gặp quan trọng diễn ra vào tháng 2 tới. Ông Rocco Palmo, một nhà bình luận tình hình Vatican ở Philadelphia, cho rằng: “Quy tắc cơ bản trong kiểm soát khủng hoảng truyền thông đó là bạn không rời đi khi ở giữa cơn bão, mà phải điều khiển cơn bão rời đi, việc để mất hai người đứng đầu báo chí của Vatican giữa một vụ bê bối là dấu hiệu cho thấy có gì đó đã không thể sửa chữa được”.
Kể cả sau khi cuộc gặp tháng 2 kết thúc, vẫn còn nhiều khó khăn chờ đợi Giáo hoàng Francis trong năm 2019, bao gồm những phát hiện dự kiến được công bố về cuộc điều tra với Hồng y Theodore McCarrick, người bị buộc tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Việc ông Burke và bà Garcia ra đi sẽ tạo thêm áp lực cho người đứng đầu Vatican, trong bối cảnh Giáo hoàng Francis vốn đang phải đối mặt những chỉ trích đến từ nhiều hướng.
Sau ba thập kỷ chờ đợi, Vatican sẽ bắt buộc phải giải quyết vụ bê bối xâm hại tình dục của các linh mục như là một vấn đề toàn cầu có hệ thống, chứ không còn là một vi phạm riêng rẽ của một quốc gia hay khu vực. Đây là lý do cuộc gặp vào tháng 2 tại Rome sẽ được cả thế giới quan tâm, Giáo hoàng Francis sẽ có nhiều việc phải làm để lấy lại niềm tin của các tín đồ với nhà thờ Công giáo, cũng như dập tắt những sự phản đối bên trong Vatican và tiếp tục quá trình cải tổ đầy tham vọng của mình.
Theo newzing