Sau khi 5 người của đơn vị quản lý cao tốc Trung Lương bị bắt giữ vì gian lận trong thu phí, vẫn còn nhiều dự án khác cần được làm sáng tỏ…’
Ngay trong ngày đầu tiên của năm 2019, tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương đã diễn ra đồng thời 2 sự việc quan trọng là dừng thu phí và 5 cá nhân thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (Công ty Yên Khánh -đơn vị mua quyền thu phí tuyến cao tốc này) bị công an bắt giữ liên quan đến gian lận trong việc thu phí, nhiều tuyến BOT khác đã có những “lùm xùm”, nghi ngờ có sự gian lận trong việc thu phí khác cũng cần sớm được làm sáng tỏ.
Trạm thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương bị dừng thu phí do có nhiều sai phạm.
Cao tốc TP.HCM – Trung Lương dừng thu phí vô thời hạn
Theo đó, từ 0h ngày 1/1/2019, toàn bộ hoạt động thu phí trên tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương phải tạm dừng, do hợp đồng bán quyền thu phí tuyến đường này cho Công ty Yên Khánh hết hiệu lực. Trong khi đó, phương án thu phí mới thay thế vẫn chưa được thông qua.
Cùng ngày, các cơ quan của Bộ Công an cũng phát đi thông báo bắt giữ khẩn cấp Ngô Bá Thắng – Giám đốc Công ty Yên Khánh chi nhánh Long An và 4 người khác để điều tra về hành vi “Mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật nhằm che giấu doanh số thu phí, trốn thuế” tại các trạm thu phí trên cao tốc TP HCM – Trung Lương.
Trước sự việc chấn động trên, một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho hay, từ ngày 1/1/2019, tuyến đường này dừng thu phí do hết hợp đồng bán quyền thu phí. Hiện Tổng cục Đường bộ đang nâng cấp các trạm thu phí, và xây dựng các phương án báo cáo cấp trên, có bản quyền thu phí tiếp hay không, khi nào thu phí lại hoặc chốt phương án ra sao sẽ thông báo sau.
“Còn việc bắt các cá nhân của Công ty Yên Khánh là việc của công ty và công an thực hiện độc lập, không liên quan cơ quan nhà nước”, vị này cho hay.
Về khoản tiền 264,7 tỷ đồng mà Công ty Yên Khánh bị phạt do chậm thanh toán tiền mua quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương, theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, đây là việc giữa Tổng Công ty Cửu Long (Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (chủ đầu tư) và Công ty Yên Khánh.
Còn lãnh đạo Tổng Công ty Cửu Long cho hay, việc thu hồi khoản tiền 264,7 tỷ đồng hiện vẫn phải chờ phán quyết bằng văn bản của TAND quận Bình Thạnh (TPHCM).
Sau khi Công ty Yên Khánh hết hợp đồng về quyền thu phí và bàn giao các trạm thu phí trên tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương và 120 nhân sự, Tổng cục Đường bộ đã ký hợp đồng với Công ty CP 715 để thực hiện quản lý, bảo trì, đảm bảo an toàn giao thông trên toàn tuyến đường và các trạm thu phí, nhưng chưa thu phí.
BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, cổ đông nghi ngờ báo cáo doanh thu
Không phải sau khi công an bắt giữ 5 cá nhân thuộc Công ty Yên Khánh liên quan đến gian lận trong việc thu phí, trước đó tuyến BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ ngay giữa cửa ngõ huyết mạch ra vào thủ đô Hà Nội cũng đã bị “tố” có nhiều “bất minh”.
BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ bị kiểm tra và phát hiện chênh lệnh số tiền trên 500 triệu/ ngày nhưng vẫn không bị xử lý?
Đầu tháng 5/2016, một trong 3 cổ đông trong liên danh nhà đầu tư tuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 – Công ty Cổ phần (Cienco1) cho rằng có thất thoát phí và đề nghị thanh tra về hoạt động thu phí của tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Sau phản ánh của Cienco1, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiến hành kiểm tra, giám sát đột xuất công tác thu phí tại trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, do Công ty Cổ phần Pháp Vân – Cầu Giẽ khai thác và quản lý, từ 18 giờ ngày 10/7/2016 đến 18 giờ ngày 20/7/2016.
Kết quả doanh thu thu phí 10 ngày tại cao tốc này được công bố là 19,85 tỷ đồng, bao gồm doanh thu thu vé lượt 17,5 tỷ đồng; vé tháng của tháng 7 là 1,7 tỷ đồng và vé quý III là 640,7 triệu đồng. Chia bình quân một ngày trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ thu được hơn 1,9 tỷ đồng. Con số này cao hơn rất nhiều so mức thu phí bình quân hằng ngày của các tháng trước đó mà Công ty Cổ phần Pháp Vân – Cầu Giẽ đã báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cổ đông, chỉ ở mức 1,2 – 1,4 tỷ đồng/ngày.
Tuy nhiên, sau đó không thấy Tổng cục ĐBVN và Bộ GTVT “đả động” gì về con số chênh lệnh lên đến hơn 500 triệu/ ngày ở trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ nữa.
Cũng trong năm 2016, 2017, Tổng cục Đường bộ đã tiến hành giám sát đột xuất công tác thu phí tại nhiều trạm BOT, tuy nhiên không phát hiện chênh lệch nhiều về doanh thu thu phí tại các trạm.
Cao tốc Nội Bài – Lào Cai mất gần 140.000 thẻ thu phí đầu vào
Theo kết quả rà soát, từ tháng 1/2015 đến tháng 8/2015, tổng số lượng thẻ định danh phát ra là 3.451.787 thẻ (phát ra từ 11 trạm thu phí trên toàn tuyến), số lượng thẻ định danh không thu hồi được là 137.221 thẻ, chiếm 3,97% số lượng thẻ phát ra.
Giải thích cho sự việc này, VEC đưa ra nguyên nhân là do tuyến đường tồn tại các điểm mở chưa đóng khi khai thác đường cao tốc.
Nhiều người trong ban lãnh đạo của VEC đã từng nghi ngờ và có báo cáo gửi Bộ GTVT nghi ngờ về có sự tác động của công nghệ cao trong việc mất thẻ này.
Mặc dù việc mất hàng tram nghìn thẻ được đánh giá là rất nghiêm trọng nhưng đến nay VEC vẫn loạy hoay trong việc truy trách nhiệm và đưa ra giải pháp.
Trao đổi về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng do VEC buông lỏng quản lý trong thời gian dài nên mới có chuyện thất thoát hơn 137.000 thẻ thu phí. 37.000 thẻ sẽ tương ứng với bao nhiêu tiền bị thất thoát của nhà nước? Con số đó chắc chắn sẽ rất khổng lồ.
Liên quan tới vụ trốn thuế tại cao tốc TP.HCM-Trung Lương của công ty Yên Khánh, thất thu tại các trạm thu phí BOT giao thông, ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng “lợi ích nhóm” đầu tiên phải nói đến đơn vị khai thác (thu phí – PV) họ gian lận để thu về lợi nhuận nhiều hơn so với vốn đầu tư của họ, sau đó là có vai trò của một bộ phận công chức, những người quản lý.
“Chúng ta phải đặt câu hỏi, tại sao tiêu cực trong BOT lại tồn tại lâu dài? Ai cũng biết là có sự thông đồng. Đấy là một sự logic lắp ghép lại với nhau là có thể thấy, chỉ có cơ quan quản lý chưa có giải pháp thật mạnh mẽ để giải quyết triệt để các vấn đề. “Lợi ích nhóm” ở đây chắc chắn là có vai trò của một bộ phận công chức, những người quản lý”, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nói.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho biết, với những “lùm xùm” cảu các dự án BOT giao thông ngày càng “bùng phát”, nhiều bất cập như hiện nay, ông sẽ tiếp tục chấn vấn “tư lệnh” ngành giao thông tại kỳ họp Quốc hội tới.
Còn Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, những dự án BOT vốn ẩn chứa nhiều lợi ích, nhưng lại thiếu sự giám sát của cơ quan quản lý. Các trạm thu phí trên tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ với mức gian lận phí lên đến 500 triệu đồng/ngày. Số tiền đó hiện đang ở đâu và được xử lý ra sao?
Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho sự thất thoát “khủng” này? Câu hỏi này người dân và dư luận rất mong muốn Bộ GTVT sớm có câu trả lời thỏa đáng./.
Nguyễn Hoàng/VOV.VN