Thời gian gần đây, Bộ Công an đã chính thức công bố dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh Mạng, đồng thời có nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về luật, khiến dư luận chú ý.
Cụ thể, ngày 31/10/2018, Bộ Công an trả lời báo chí rằng “lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng chỉ được phép tiếp cận thông tin cá nhân của người sử dụng có hoạt động vi phạm pháp luật, với trình tự, thủ tục nghiêm ngặt (bằng văn bản), được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu lực lượng này lạm dụng, làm lộ thông tin cá nhân của người sử dụng sẽ bị xử lý theo pháp luật”.
Ngày 02/11, Bộ chính thức công bố dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh Mạng, để lấy ý kiến dư luận trong vòng 2 tháng.Dự thảo mới bao gồm 30 điều, lược bớt một số điều khoản gây tranh cãi có trong bản thảo cũ, vốn xuất hiện lên mạng xã hội từ ngày 10/10.
Hôm sau, ngày 03/11, Chánh văn phòng Bộ Công an Lương Tam Quang đã nói trong cuộc họp báo rằng: “…Có 18 quốc gia trên thế giới đã có văn bản luật quy định các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu quan trọng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, như Mỹ, Canada, Trung Quốc. Ngày 25/05, quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của liên minh châu Âu cũng chính thức có hiệu lực, cho phép cá nhân kiểm soát dữ liệu của mình khi tham gia các diễn đàn, mạng xã hội. Các công ty phải cam kết không chuyển dữ liệu cá nhân cho bên thứ 3; nếu bị phát hiện sẽ bị phạt 20 triệu euro hay 4% doanh số toàn cầu…”.
Trong suốt tuần qua, một số tổ chức, cá nhân chống đối cũng ráo riết tuyên truyền phản đối Luật An ninh Mạng, chủ yếu tập trung vào 2 điểm.
Thứ nhất, họ phản bác các hoạt động, phát ngôn mới của Bộ Công an xoay quanh Luật An ninh Mạng. Cụ thể, ngày 05/11, nhân viên Google Dương Ngọc Thái viết rằng dù dự thảo Nghị định đã có một số sửa đổi, nó vẫn buộc mọi công ty cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam kiểm duyệt nội dung và cung cấp dữ liệu cho Bộ Công an. Vì việc chuyển dữ liệu cho bên thứ 3 mà không có sự đồng ý của Nhà trắng hay Bộ Tư pháp là phạm luật Mỹ, Luật An ninh Mạng sẽ buộc các công ty Mỹ như Facebook và Google “rút khỏi Việt Nam”. Cùng ngày, Thái cũng phản bác phát biểu hôm 03/11 của ông Lương Tam Quang. Thái viết rằng trong “18 quốc gia yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài lưu trữ dữ liệu quan trọng ở trong nước” mà ông Quang nêu ra, Canada chỉ yêu cầu lưu trữ dữ liệu của những tổ chức hành chính công, còn Mỹ chỉ yêu cầu lưu trữ dữ liệu tài chính và thuế. Trong khi đó, quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của EU không buộc các công ty phải lưu trữ dữ liệu trong phạm vi EU, hoặc cung cấp dữ liệu cho các chính phủ.
Một trong các quan điểm của Dương Ngọc Thái bị bác bỏ vào ngày 06/11, khi Bộ Công an khẳng định rằng Luật An ninh Mạng sẽ không khiến Facebook và Google rời khỏi Việt Nam. Trong thực tế, Google đã thuê khoảng 1.781 máy chủ, Facebook đã thuê khoảng 441 máy chủ tại 8 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước. Đáp lại, Hoàng Ngọc Diêu viết rằng thông tin mà Bộ Công đưa ra là không khả tín, vì Facebook chỉ có 3 trung tâm dữ liệu ở Mỹ, Thụy Điển, Singapore, nếu có thuê máy chủ ở Việt Nam thì cũng chỉ dùng làm chỗ lưu trữ trung gian. Đài RFA tiếng Việt hỏi công ty Facebook về vấn đề này, và được trả lời rằng Luật An ninh Mạng không làm ảnh hưởng đến cam kết bảo vệ người sử dụng của Facebook.
Trong hướng tuyên truyền thứ 2, các tổ chức, cá nhân chống đối nhắc lại các lập luận cũ mà họ từng dùng để phản đối Luật An ninh Mạng. Cụ thể, Trương Huy San nói luật này vi phạm quyền tự do ngôn luận, Trần Vũ Hải nói luật sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nói luật này được sao chép từ luật Trung Quốc, Lã Việt Dũng nói Trung Quốc sẽ nắm được dữ liệu của người dùng Internet Việt Nam thông qua các mạng xã hội Việt Nam dùng công nghệ Trung Quốc…
Nhìn tổng thể, phong trào phản đối Luật An ninh Mạng trong năm nay đã chịu ảnh hưởng lớn từ Trương Huy San, Diễn đàn Xã hội Dân sự, Luật khoa Tạp chí, Hate Change, và nhân viên Google Dương Ngọc Thái. Trong các trang tin nước ngoài có bản tiếng Việt, VOA và RFA theo đuổi chủ đề này liên tục hơn BBC.
Trong thời gian còn lại của năm 2018, người dùng Internet Việt Nam có thể thoải mái góp ý về dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An ninh Mạng. Tuy nhiên, trước khi phát biểu quan điểm của mình, có 3 điểm họ nên lưu ý.
Thứ nhất, không có chuyện Luật An ninh Mạng khiến Facebook rời Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam vào ngày 14/09/2018, đại diện Facebook là ông Simon Milner đã cam kết xây dựng nhóm làm việc chung giữa Facebook với cơ quan quản lý Việt Nam, đồng thời hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để giải quyết các vấn đề còn tồn tại. Thêm nữa, từ nhiều tháng nay, nhiều nhà chống Cộng đã phàn nàn rằng Facebook đang xóa bài, khóa tài khoản của họ theo đề nghị từ chính phủ Việt Nam. Các nhà chống Cộng nên chấp nhận sự thật rằng Facebook đang hy sinh thứ nhân quyền thần thánh của họ vì lợi nhuận.
Thứ hai, quan điểm quản lý thông tin mà Việt Nam đang áp dụng không phải là hiếm trên thế giới. Ở Đức, hành vi đăng tải lên báo chí hoặc Internet các nội dung sai sự thật, phỉ báng tổng thống, phỉ báng nhà nước, phỉ báng tôn giáo, các nội dung có tác động phá hoại trật tự công cộng, kích động hận thù… đều bị xem là phạm tội hình sự. Ngày 30/06/2017, Đức đã ban hành “Đạo luật Chế tài Mạng”, cho phép chính phủ Đức yêu cầu các mạng xã hội gỡ bỏ những nội dung trái luật vừa nêu, nếu không muốn phải nộp khoản tiền phạt lên đến 50 triệu Euro.
Thứ ba, theo tiết lộ của cựu nhân viên CIA Edward Snowden, thì Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) được quyền truy cập trực tiếp vào server của một loạt các hãng lớn – như Facebook, Google, Microsoft, Apple, Yahoo, PalTalk, YouTube, Skype, AOL – để theo dõi hoạt động Internet toàn cầu. Nói cách khác, chính phủ Mỹ có thể theo dõi dữ liệu của mọi người Mỹ và Việt Nam, mà không cần yêu cầu các công ty lưu trữ dữ liệu trên lãnh thổ Mỹ. Thêm nữa, các hoạt động theo dõi này diễn ra trong bí mật, chứ không được điều chỉnh bằng Luật An ninh Mạng như ở Việt Nam.
Như vậy, dù có hay không Luật An ninh Mạng của Việt Nam, thì nhân quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của bạn cũng đang bị chính phủ Mỹ vi phạm.
LĂNG PHONG