Monday, December 9, 2024

Phân biệt đúng sai: Chính đạo với Tà đạo

Phân biệt đúng sai: Chính đạo với Tà đạo

Liệt kê những hành vi chính đạo, rồi liệt kê tiếp những hành vi đối nghịch với nó là tà đạo thì khá đơn giản, nhưng trình bày nguyên lý nền tảng để phân biệt nẻo chính đường tà thì không phải dễ. Ngoài ra trên đời còn có những hành vi giả ngụy, bên ngoài có vẻ chính đạo nhưng thực chất là tà đạo mà chúng ta phải biết phân biệt nữa. Nhầm lẫn chính tà sẽ vô tình khích lệ cho loại người ngụy quân tử vốn đã bùng phát lan tràn khắp xã hội hiện nay. Vì thế, tôi muốn nói dông dài một chút trước khi liệt kê ra các hành vi cho mọi người thẩm định.

Mục đích của loài người là đạt tới sự văn minh (bạn nào còn lăn tăn về điều này thì tôi sẽ viết thêm một bài khác để giải thích, bây giờ chúng ta cần đi tiếp đã) và con đường phát triển của nhân loại chính là hành trình đi đến hình thái văn minh đó. Trên con đường thiên lý gian nan này, đôi khi có những khu vực hay những cộng đồng muốn trì hoãn, muốn đứng yên, nhưng cuối cùng những khu vực đó, những cộng đồng đó cũng bị cuốn theo và đi cùng chiều với nhân loại. Điều này cũng giống như tất cả nước trong dòng sông cuối cùng đều phải chảy ra biển. Nhiều lúc ta thấy gần bờ có những dòng nước xoáy tròn, quanh đi quẩn lại trong bờ nhưng chắc chắn là sau đó nó phải được đưa ra giữa dòng để xuôi về biển.

Chính đạo là con đường đưa nhân loại đi về phía văn minh, là con đường giúp cho loài người đạt được mục tiêu tối thượng của nó. Đỉnh của văn minh là khi mỗi cá thể trong nhân loại đều đạt được hạnh phúc viên mãn nhất của đời người: đó là sự TỰ DO THỂ XÁC VÀ TINH THẦN.

Để có được sự tự do thể xác và tinh thần thì phải có 2 điều phối hợp: nỗ lực hoàn thành trách nhiệm của mỗi cá nhân, và những quy định chuẩn mực đúng đắn của cộng đồng.

Thiếu một trong hai nhân loại sẽ không đạt tới được mục đích tối thượng của mình nên người ta mới phải có luật giáo dục và quyền con người.

– Giáo dục để mỗi cá nhân có thể hiểu biết và đủ năng lực chịu trách nhiệm cho việc làm của mình đồng thời giúp người khác hiểu biết và hoàn thành trách nhiệm của họ (đây là giá trị của lòng vị tha);

– Quyền con người là để bảo đảm những người cầm quyền không vì bị quyền lực tha hóa mà có xu hướng vi phạm quyền tự do của mỗi cá nhân (bạn nào chưa hiểu câu “quyền lực làm tha hóa con người” thì tôi sẽ viết thêm sau, bây giờ mình đi tiếp đã).

Chúng ta tạm thời đã nói xong phần căn bản. Sau đây là những liệt kê hành vi chính đạo và tà đạo cho mọi người thẩm định. Ai có ý kiến khác thì xin cứ comment rồi chúng ta cùng tìm hiểu thêm.

1. Để hiểu một người, có thể là người thân trong gia đình hay một nhân viên trong công ty, hành vi chính đạo là trao đổi thẳng thắn và tôn trọng; hành vi tà đạo là thuê thám tử theo dõi hay cài máy nghe lén.

2. Để được một người nghe lệnh của mình, hành vi chính đạo là giải thích, thuyết phục cho người ấy; hành vi tà đạo là cài bẫy nó để nó không thể không nghe lời sau khi mắc bẫy.

3. Để được nhiều tiền, có nhà cửa, xe cộ, đồ đạc tiện nghi, hành vi chính đạo là nai lưng ra làm việc; hành vi tà đạo là lừa đảo, trốn thuế, chiếm đoạt của công v.v…

4. Để có chút danh trong xã hội, hành vi chính đạo là cật lực học tập và nghiên cứu thi lấy bằng tiến sĩ; hành vi tà đạo là chạy chọt, đạo văn, chôm sản phẩm của người khác làm thành quả của mình.

5. Để được mọi người ủng hộ, hành vi chính đạo là trung thực, chí công vô tư, công khai minh bạch; hành vi tà đạo là nói dối, bưng bít thông tin, điều hướng dư luận theo phía có lợi cho mình.

Các bạn có thể tự kể ra nhiều hành vi đối lập nhau nữa cho hai bên. Ở đây tôi xin lưu ý một điểm rất quan trọng: giữa chính đạo và tà đạo có một vùng xám, vùng mơ hồ khiến nhiều người nhầm lẫn, ta gọi đó là vùng giả trá, vùng hoạt động của kẻ ngụy quân tử.

Vùng mơ hồ đó được thiết lập và tồn tại dựa trên những ngụy biện của người nói (logical fallacies) và sự u tối của người nghe (ignorance). Trong xã hội văn minh, đa số mọi người đều hiểu và quyết định không dùng ngụy biện. Ngược lại, kém văn minh thì phần lớn mọi người không hiểu nên tin theo lời ngụy biện một cách hồn nhiên.

Điều may mắn là trên tất cả những kiến thức khi thiếu khi thừa đó, nhân loại đang được vận hành bởi “Luật Phản Phục” và “Luật Nhân Quả” một cách tuyệt đối, không sai sót mảy may. Nghĩa là dù trong hoàn cảnh nào thì cuối cùng cái thiện cũng thắng cái bất thiện và dòng chảy của nhân loại vẫn đi về phía văn minh. Nếu dòng chảy đó là do con người chủ động thì mọi chuyện sẽ êm xuôi như nước giữa dòng, ngược lại thì hơi gập ghềnh thác đổ, và dù nhẹ êm hay gập ghềnh thác đổ thì cuối cùng nước cũng chảy về xuôi…

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG