Bài 1: Có phận mà không có danh
Trong các văn bản pháp quy, không có trường THCS chuyên. Nhưng trên thực tế, bên cạnh hệ thống các trường THCS đào tạo đại trà vẫn tồn tại một số các trường THCS tạo nguồn cho các trường THPT chuyên. Nhiều người ví tình trạng trên của các trường “chuyên” cấp THCS này là “có phận mà không có danh”.
Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM. Ảnh: PV
Các sở đang phải “lách luật”?
Năm nào đến mùa tuyển sinh, phụ huynh lại đôn đáo mong có một suất vào lớp 6 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam hoặc trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa TPHCM. Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT không công nhận hệ THCS của hai trường này là chuyên nhưng xã hội và phụ huynh nghiễm nhiên mặc định đó là trường chuyên, tạo nguồn cho hệ chuyên cấp THPT. Nghị quyết T.Ư 2 khóa VIII, đã khẳng định rõ là không có trường chuyên lớp chọn ở trường THCS để đảm bảo giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, trong khi các trường THCS công lập khác của Hà Nội, TPHCM đều tuyển sinh theo tuyến thì riêng hai trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam và trường THPT Trần Đại Nghĩa hệ THCS được tuyển sinh tràn tuyến toàn thành phố. Việc tuyển sinh này không khác gì với hệ chuyên THPT. Khi được hỏi, đại diện phía hai Sở GD&ĐT TPHCM và Hà Nội đều khẳng định, THPT chuyên Hà Nội Amsterdam và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa là trường liên cấp, trường chuyên và không chuyên. Tuy nhiên trước câu hỏi của phóng viên nếu là hệ THCS không chuyên tại sao lại không tuyển sinh theo tuyến và tại sao lại được quyền chọn học sinh trong khi cấp THCS là cấp phổ cập giáo dục, hai Sở GD&ĐT cho rằng đây là nơi tạo nguồn cho trường THPT chuyên của thành phố.
Ở các tỉnh thành phố khác, tuy không có hệ THCS trong trường THPT chuyên của tỉnh nhưng ở cấp thành phố, cấp huyện thậm chí cấp tỉnh cũng đều có một trường THCS được “quyền” lựa chọn đầu vào tuyển sinh và tuyển sinh tràn tuyến. Những trường này được gắn mác trường chất lượng cao.
Năm học 2017-2018, năm đầu tuyển sinh, Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Bắc Giang) dự kiến tuyển khoảng 550 chỉ tiêu. Với khối 6, trường xét tuyển 4 lớp, 120 học sinh. Đối tượng là học sinh thuộc các trường tiểu học toàn tỉnh. Đối với học sinh trên địa bàn TP, xét tuyển theo thứ tự ưu tiên: Học sinh đoạt giải Ba cấp TP trở lên trong cuộc thi giao lưu các môn văn hóa (Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh), lấy theo thứ tự cấp quốc gia, tỉnh, TP và giải từ cao xuống thấp; tiếp theo là học sinh đang học tại các câu lạc bộ lớp 5, bậc tiểu học. Riêng học sinh ở các huyện phải đoạt giải Nhì cấp tỉnh trở lên trong cuộc thi giao lưu các môn văn hóa (Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh) năm học 2016-2017. Ở các khối lớp 7, 8, 9 tuyển thẳng 332 học sinh tại lớp chất lượng cao (đang học tại các trường THCS Ngô Sĩ Liên, Trần Phú, Lê Lợi). Tại các huyện của Bắc Giang đều có những lớp mũi nhọn ở các trường điểm được chỉ đạo bồi dưỡng học sinh giỏi của địa phương. Huyện Yên Dũng có Trường THCS thị trấn Neo; Việt Yên có Trường THCS Thân Nhân Trung; Lạng Giang có Trường THCS thị trấn Vôi… Ở các trường này, ngoài lớp học đại trà còn có các lớp mũi nhọn chọn học sinh xuất sắc trong toàn huyện. Những năm học trước, có nhiều cuộc thi học sinh giỏi ở bậc tiểu học, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương lựa chọn học sinh đạt kết quả cao của cả huyện vao đây.
Xóa hay điều chỉnh?
Một chuyên gia từng làm việc tại Phòng Khảo thí thi và Kiểm định chất lượng giáo dục của Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, dù Bộ GD&ĐT có công nhận hay không công nhận thì trong tâm thức của người dân Hà Nội, trường Hà Nội – Amsterdam là trường đào tạo học sinh chuyên từ lớp 6 đến lớp 12. “Về hình thức, hệ THCS của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam không phải đào tạo học sinh chuyên, là đào tạo toàn diện. Nhưng về bản chất, vẫn là nơi đào tạo nguồn cho các trường THPT chuyên trên địa bàn Hà Nội, trong đó có chuyên THPT Hà Nội – Amsterdam” – vị chuyên gia này khẳng định.
Đồng quan điểm này, nguyên hiệu trưởng một trường THCS của Hà Nội cho rằng nếu không có chuyên từ cấp THCS, thì khó có được nguồn học sinh có tố chất tốt ở cấp THPT. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực chất lượng cao sau này. “Những giáo sư tên tuổi của Việt Nam đang sống và làm việc tại các nước trên thế giới họ đều từng học chuyên từ cấp THCS. Ngày đó, có thể không phải là trường chuyên nhưng là lớp chuyên trong trường” – vị nguyên hiệu trưởng khẳng định.
Có con đang học tại lớp 9 tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, chị H.T.T cho biết con chị vào trường khi chưa có lệnh cấm thi tuyển lớp 6, lớp 1 của Bộ GD&ĐT. Chính vì vậy, con chị thi hai môn Toán, Tiếng Việt. Chị cũng như nhiều phụ huynh đều mặc định hệ THCS của trường cũng chuyên, mong con thi đỗ vào trường để có cơ hội tiếp tục thi đỗ chuyên cấp 3.
Trong khi đó, ông Vũ Đức Thọ, nguyên hiệu trưởng trường THPT Lê Hồng Phong Hà Nội cho rằng không nên có trường chuyên từ cấp 2. Vì giáo dục hiện nay hướng đến giáo dục toàn diện. “Trước đây, chúng ta có hệ thống trường phổ thông năng khiếu nhưng dư luận kêu học sinh học lệch nên xóa bỏ. Giờ nếu quay lại mô hình THCS chuyên tôi nghĩ sẽ dễ “gãy” và dư luận sẽ lại phản ứng. Tất nhiên, các trường THPT chuyên cần phải có nguồn từ cấp học dưới. Tuy nhiên, hình thức đào tạo nguồn này phải như thế nào cho hợp lý là vấn đề cần phải bàn” – ông Thọ nói.
NGHIÊM HUÊ
Bỏ chuyên THCS, vì sao? – Bài 2: Nháo nhào chạy vào trường chuyên, ‘nhân tài’ chỉ như vỏ mít
TP – GS.VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, việc giới hạn quy mô trường chuyên mỗi tỉnh một trường ở bậc THPT đã không còn phù hợp, cần mở rộng. Tuy nhiên, Nghị quyết T.Ư II khóa 8 quy định hạn chế trường chuyên và chỉ tồn tại ở bậc THPT. Bây giờ, phải có cuộc vận động tạo ra được sự đồng thuận để điều chỉnh quy định không còn phù hợp.
Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, nơi thu hút những học sinh xuất sắc nhất của thủ đô trong suốt hàng chục năm qua.
Thưa ông, xã hội rất mong muốn có nhiều cơ sở trường chuyên, lớp chọn để gửi gắm con em, tại sao lâu nay mô hình trường chuyên bị cấm ở bậc THCS và hạn chế cả ở bậc THPT?
Cách đây hàng chục năm, trường chuyên được xuất phát từ lớp Toán đặc biệt của trường ĐH Tổng hợp Hà Nội rồi phát triển ra theo mô hình lớp Toán của ĐH Lomonoxop (Nga). Sau một thời gian, lớp Toán đem lại hiệu quả lớn rồi lan ra mạnh mẽ các môn khác như Lý, Hóa, Sinh, thậm chí các môn xã hội đồng thời mở rộng phạm vi ra nhiều trường chuyên ở các tỉnh. Sau đó, lại đẻ ra trường chuyên lớp chuyên THCS, tiểu học. Thậm chí, trong hệ thống trường chuyên, không chuyên lại hình thành các lớp chọn tập hợp em giỏi của trường. Tiếp theo, có một thời gian nảy sinh hiện tượng phụ huynh, học sinh tìm mọi cách như “chạy trường”, luyện lò để được vào lớp chọn, trường chuyên làm biến tướng mục đích ban đầu và hình thức hoạt động của nó.
Năm 1996, T.Ư họp hội nghị ban hành nghị quyết T.Ư II khóa 8 bắt đầu thảo luận vấn đề này. Và khi đó, chúng ta chủ trương phải kiểm soát sự phát triển trường chuyên trong giới hạn hẹp để đáp ứng mục tiêu ban đầu của mô hình và đi đến quyết định: trường chuyên chỉ chấp nhận ở mức THPT và mỗi tỉnh chỉ có một trường, trừ các tỉnh về sau như Hà Nội sáp nhập Hà Tây vào thì có nhiều hơn. Ngoài ra, tất cả trường chuyên dưới cấp THPT đều phải bỏ hết, từ đó cũng không được phép tổ chức thi cử, lựa chọn để lập ra lớp chọn nữa.
Vậy tại sao, trên thực tế vẫn tồn tại trường THCS trong mô hình trường chuyên như THPT chuyên Hà Nội Amsterdam chẳng hạn, thưa ông?
Trước đây, nguồn học sinh để tuyển chọn vào trường chuyên thường thông qua các cuộc thi học sinh giỏi các cấp. Sau khi mô hình trường chuyên bị hạn chế, một số trường đã có cách “lách” luật. Ví dụ như Trường Chu Văn An là chuyển đổi sang chuyên từ một trường chất lượng cao hay như Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam đào tạo cả học sinh từ THCS với mục tiêu là lấy nguồn cho khối THPT. Khi đi giám sát, mọi người cứ gọi THCS là chuyên nhưng tôi khẳng định: đó là cấp học bình thường, chấp hành nội quy, quy chế đào tạo của một trường bình thường nhưng thực chất lại đào tạo nguồn cho trường chuyên.
GS.VS Đào Trọng Thi.
Thưa ông, trường chuyên hoạt động có ý nghĩa như thế nào mà thu hút học sinh, phụ huynh đến vậy?
Trước khi bị biến tướng, mô hình trường chuyên ở các cấp bậc đều rất có ý nghĩa. Đặc biệt đối với những nước có điều kiện kinh tế khó khăn như Việt Nam. Chúng ta chưa có điều kiện để đầu tư, bồi dưỡng cho đông đảo học sinh giỏi, học sinh có năng khiếu ở tất cả các trường thì chúng ta lựa chọn ra những em đặc biệt xuất sắc, có năng lực học tập nổi trội để tập trung nguồn lực, thầy giỏi, cơ sở vật chất tốt bồi dưỡng, đào tạo các em trở thành nhân tài. Những nhân tài được đào tạo chuyên sâu về Toán, Lý, Hóa, Sinh… sau này trở thành những nhà khoa học, nhà nghiên cứu phục vụ đất nước. Mà đào tạo nhân tài là trách nhiệm của quốc gia. Hồi đó, chúng tôi đấu tranh đặc biệt để đưa được câu đó vào hiến pháp. Như vậy, nhiệm vụ đào tạo nhân tài của nhà nước được ghi trong hiến pháp, và nhà nước có trách nhiệm đầu tư kinh phí để đào tạo để sau này phục vụ xã hội.
Phải nói rằng, những em học trường chuyên, có năng lực thực sự, sau này đều thành đạt rất rõ. Còn thời điểm bùng phát trường chuyên, lớp chọn, luyện thi, chạy chọt để vào chuyên thì không phải ai cũng tài năng. Nhiều phụ huynh cứ nghĩ, “chạy” cho con vào học trường chuyên là thành nhân tài. Mà nhân tài có ít thôi, phải chọn lọc chứ đỉnh cao mà nhiều thì chỉ như vỏ mít.
Theo ông, với quy mô học sinh như hiện nay có cần nghĩ đến bài toán mở rộng quy mô đào tạo theo xu hướng chuyên không?
Trước đây, chúng ta phải kiểm soát vì mô hình bị phát triển biến tướng nhiều quá. Nhưng đến thời điểm này, tôi nghĩ đã có nhiều thay đổi về quy mô, điều kiện học tập. Khuôn khổ trường chuyên với quy mô chặt chẽ như hiện nay có thể không còn đáp ứng được nhu cầu phát hiện, bồi dưỡng những em thực sự có năng khiếu, thực sự có tài. Như hiện nay, mỗi tỉnh một trường chuyên, mỗi môn một lớp chuyên tôi nghĩ là nhiều em dù có năng khiếu cũng không có điều kiện để vào trường chuyên.
Ví dụ, quy mô trường chuyên ở các trung tâm lớn như Hà Nội, TPHCM có thể phải lớn hơn hiện nay. Không thể đánh đồng một thành phố có hơn 8 triệu dân như TPHCM lại đánh đồng với tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn. Có lẽ chúng ta nên phải cân nhắc lại quy mô trường chuyên, không rầm rộ, ồ ạt quá song cũng phải đảm bảo tuyển chọn được những em thực sự có tài năng để đầu tư bồi dưỡng. Những em này nếu được đầu tư, bồi dưỡng đúng cách, sau này cực kỳ cần thiết cho đất nước.
Vậy chúng ta cần sắp xếp, quy hoạch lại như thế nào? Nếu triển khai, có khó khăn, vướng mắc gì không?
Theo tôi, nếu địa phương nhỏ thì mỗi tỉnh một trường chuyên là tập hợp đủ “hạt giống đỏ” rồi. Còn địa phương lớn, hoặc địa phương có nhiều trung tâm đô thị nên có 2-3 trường. Các trường chuyên hiện nay được đầu tư rất tốt, đặc biệt là trường chuyên ở tỉnh.
Tôi nghĩ, lâu nay đã có ý tưởng mở rộng quy mô trường chuyên, tuy nhiên chuyện mở rộng hiện nay đang vấp phải một điều cần phải khắc phục là Nghị quyết T.Ư II khóa 8 quy định hạn chế trường chuyên và chỉ tồn tại ở bậc THPT. Bây giờ, phải có cuộc vận động tạo ra được sự đồng thuận để điều chỉnh quy định không còn phù hợp. Nếu muốn, Bộ GD&ĐT có kiến nghị lên Chính phủ, sau đó Chính phủ sẽ chuyển sang Ban Tuyên giáo T.Ư để đưa vào chương trình làm việc T.Ư. Sau đó, đánh giá lại chương trình, điều gì không phù hợp mới được sửa.
Cảm ơn ông.
“Nhiều phụ huynh cứ nghĩ, “chạy” cho con vào học trường chuyên là thành nhân tài. Mà nhân tài có ít thôi, phải chọn lọc chứ đỉnh cao mà nhiều thì chỉ như vỏ mít”.
GS.VS Đào Trọng Thi
NGUYỄN HÀ (THỰC HIỆN)
Theo Tiền phong Online