Tuesday, May 14, 2024

Nỗ lực giải mã Kim Jong-un trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều

Tình báo Mỹ thu thập thông tin từ nhiều nguồn về Kim Jong-un nhằm giúp Trump hiểu rõ đối phương và có lợi thế khi đàm phán.

Nỗ lực giải mã Kim Jong-un trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều

Mỹ có truyền thống cung cấp cho tổng thống hồ sơ chứa thông tin hành vi, cá tính và phong cách của lãnh đạo nước ngoài trước các cuộc đàm phán quan trọng. Trong bối cảnh Tổng thống Trump dự kiến gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, các nhà phân tích chính phủ Mỹ đang thu thập mọi thông tin về ông Kim và điều chỉnh các đánh giá trước đó.

Tình báo Mỹ đã dành nhiều năm để kiểm tra lịch sử gia đình họ Kim, xem các bài phát biểu, hình ảnh và video về ông Kim. Họ đang phân tích kỹ càng lời nói và ngôn ngữ cơ thể của ông trong cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng ba và Tổng thống Hàn Moon Jae-in hôm 27/4.

Họ sẽ dựa một phần vào những cảm nhận của giám đốc CIA vừa được bổ nhiệm làm ngoại trưởng, Mike Pompeo, người gặp ông Kim vào đầu tháng tư. Pompeo mô tả lãnh đạo Triều Tiên là “thông minh và đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng” cho các cuộc họp, theo Reuters.

Hồ sơ cũng sẽ bao gồm thông tin tình báo thu thập được qua phỏng vấn những người từng tương tác với ông Kim, trong đó có cựu sao bóng rổ Dennis Rodman, bạn học cũ của ông Kim tại trường nội trú Thụy Sĩ và phái viên Hàn Quốc. Giới chức Mỹ còn phỏng vấn những người đào tẩu khỏi Triều Tiên hay nghiên cứu hồi ký của đầu bếp sushi từng làm việc cho gia đình họ Kim.

Những thông tin này nhằm giúp Trump và phụ tá phát triển chiến lược đối phó với ông Kim tại cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ và Triều Tiên. Tuy nhiên, kiến thức trực tiếp của Mỹ về ông Kim vẫn còn hạn chế vì khan hiếm gián điệp và người cung cấp thông tin tại thực địa, cũng như khó khăn của gián điệp mạng vì Internet được sử dụng rất ít ở Triều Tiên. Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats hồi đầu tháng này nói rằng giới lãnh đạo Triều Tiên là “những người khó thu thập thông tin tình báo nhất”.

Không chỉ vậy, một thách thức khác cho các quan chức Mỹ là tìm cách truyền đạt thông tin hiệu quả cho Trump, người ít kiên nhẫn đối với các cuộc họp quá chi tiết hoặc tài liệu dài. Họ cũng phải thuyết phục ông không hành động hoàn toàn theo bản năng như ông thường làm với các lãnh đạo nước ngoài khác.

Những người trình thông tin cho Tổng thống được cho là sẽ cung cấp một phiên bản hồ sơ rút gọn, kèm theo hình ảnh, bản đồ, bản vẽ và video. Đây sẽ không phải là lần đầu tiên tình báo Mỹ dựa vào các công cụ trực quan để giúp Trump nhanh chóng nắm bắt tình hình Triều Tiên. Khi mới nhậm chức, Trump được cho xem mô hình điểm thử hạt nhân ở Triều Tiên cùng với mô hình tượng Nữ thần Tự do để ông có thể hiểu được kích thước của cơ sở.

Các quan chức Nhà Trắng nói Trump rất giỏi trong việc tiếp thu thông tin trực quan. “Ông ấy đã rất thành công trong ngành xây dựng. Điều đó có nghĩa là ông ấy giỏi nghiên cứu bản vẽ kiến trúc và sơ đồ mặt bằng. Ông ấy là người tiếp thu thông tin qua thị giác”, một người nói.

Không hoàn hảo

Trong nhiều thập niên, chính quyền Mỹ đã yêu cầu lập hồ sơ về các nhà lãnh đạo nước ngoài, đặc biệt là những đối thủ như Saddam Hussein của Iraq, Muammar Gaddafi của Libya và Fidel Castro của Cuba. Cựu tổng thống Jimmy Carter viết trong hồi ký rằng hồ sơ về Thủ tướng Israel Menachem Begin và Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat đã giúp ông làm cầu nối để hai nước đạt được hòa ước năm 1978.

Nhưng thực tế, phương pháp này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Chẳng hạn, những đánh giá được đưa ra ngay sau khi ông Kim lên nắm quyền năm 2011 cho rằng ông quá thiếu kinh nghiệm nên khó có thể đứng vững qua những cuộc đấu đá nội bộ. Họ còn cho rằng nếu ông Kim trụ vững được thì ông có thể quan tâm đến cải cách kinh tế hơn là theo đuổi vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, thực tế hoàn toàn trái ngược suy đoán này. Dưới thời ông, Triều Tiên đã tiến hành một loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa, trong đó có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

“Các đánh giá này không bao giờ hoàn hảo”, Jerrold Post, bác sĩ tâm lý từng thành lập trung tâm nghiên cứu chính trị cho CIA, nói. “Nhưng chúng ta cần phải cố gắng hết sức để hiểu ông Kim nhìn thế giới ra sao”.

Wendy Sherman, cựu quan chức Mỹ từng đàm phán với Triều Tiên năm 2000 nói rằng tiếp xúc trực tiếp là cách tốt nhất để đưa ra đánh giá. “Tôi chắc chắn Mike Pompeo, người đã đến Triều Tiên với một đội ngũ tình báo, mang về rất nhiều thông tin hữu ích”, bà nói.

Phương Vũ

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG