Friday, November 22, 2024

18 lần vỡ ống nước Sông Đà: Đùn đẩy trách nhiệm

Trong 4 năm, tuyến ống sông Đà vỡ tới 18 lần khiến hàng trăm nghìn hộ dân bị mất nước sinh hoạt. Từ năm 2014, cơ quan chức năng đã phải vào cuộc để xác minh nguyên nhân gây vỡ ống cũng như xác định trách nhiệm cá nhân.

18 lần vỡ ống nước Sông Đà: Đùn đẩy trách nhiệm

Việc vỡ ống nước sông Đà dẫn tới 177.000 hộ dân bị mất nước sinh hoạt trong 386 giờ.

Ngày 5/3, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã đưa 9 bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước sông Đà ra xét xử về tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài trong 10 ngày.

9 bị cáo hầu tòa

Tuyến ống sông Đà nằm trong Dự án Cấp nước sông Đà – Hà Nội, do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư và được triển khai xây dựng từ năm 2004 đến 2009. Sau khi đi vào hoạt động, từ tháng 2/2012 đến tháng 10/2016, tuyến ống của hệ thống cấp nước sông Đà đã 18 lần bị vỡ với 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh bị vỡ.

Cơ quan điều tra xác định việc vỡ ống dẫn tới 177.000 hộ dân bị mất nước sinh hoạt trong 386 giờ với lưu lượng nước bị ngừng trệ lên tới hơn 1,7 triệu m3, làm ảnh hưởng xấu tới đời sống sinh hoạt của người dân. Đơn vị khai thác, kinh doanh phải bỏ ra hơn 16,6 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Theo kết quả giám định, tuyến ống sông Đà nhiều lần xảy ra việc vỡ ống là do chất lượng ống composite cốt sợi thủy tinh không bảo đảm yêu cầu thiết kế và độ bền đạt thời gian 50 năm. Sai phạm xảy ra cả ở Ban Quản lý dự án (QLDA), nhà thầu cung cấp vật tư và đơn vị tư vấn giám sát.

Cụ thể, tại Ban QLDA, đã xảy ra việc không tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình dẫn đến việc nghiệm thu các ống composite không bảo đảm chất lượng. Nhà thầu cung ứng vật tư Viglafico đã không tuân thủ các quy định về chất lượng hàng hóa dẫn đến sản xuất, cung cấp các ống composite không đạt chất lượng. Đơn vị tư vấn giám sát không kiểm soát được chất lượng vật tư, không lấy mẫu vật liệu thí nghiệm kiểm tra xác định chất lượng vật liệu.

Cơ quan công tố truy tố các bị cáo gồm Hoàng Thế Trung (SN 1960, nguyên Giám đốc Ban QLDA); Nguyễn Văn Khải, Trương Trần Hiển – từng giữ chức Phó Giám đốc và Trưởng phòng Vật tư của Ban QLDA; Trần Cao Bằng, Vũ Thanh Hải – nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty CP Ống sợi thủy tinh Viglafico; Đỗ Đình Trì – cựu Trưởng đoàn Tư vấn giám sát của Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam (Viwase); Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống và Bùi Minh Quân, đều từng là cán bộ của Viwase.

Đã làm hết trách nhiệm?

Tại phiên tòa, một số bị cáo cho rằng họ đã làm hết trách nhiệm, đúng quy định, quy kết của cơ quan công tố là không đúng. Bị cáo Hoàng Thế Trung cho rằng kết luận điều tra, giám định cho rằng chiều dày ống là do nhà sản xuất quyết định nhưng lại vẫn quy kết trách nhiệm của Ban QLDA là không đúng.

Bị cáo Trung cho rằng, cá nhân bị cáo không vi phạm quy định về xây dựng. Bị cáo Trung trình bày đối với 94 ống không đạt tiêu chuẩn, khi phát hiện Ban QLDA đã đề nghị sửa chữa, nếu không sửa chữa được thì thay thế, đạt yêu cầu mới cho thi công. Theo bị cáo này, 94 ống không đạt yêu cầu đã được sửa chữa xong và nghiệm thu. Đến nay, số ống này không bị làm sao.

Bị cáo Trung còn cho rằng vỡ ống là do đơn vị thi công. Được biết, thi công đường ống sông Đà có nhiều đơn vị như Vinaconex 1, Vinaconex 2, Vinaconex 3, Vinaconex 6, Vinaconex 7, Vinaconex 12, Vinaconex 16, Vinaconex 34… Đây là các đơn vị thuộc Vinaconex được chỉ định thầu thi công xây lắp tuyến ống của Dự án.

Còn bị cáo Nguyễn Văn Khải cho rằng kết luận giám định chưa thật sự thuyết phục. Nếu phân định rạch ròi các bên, thì có trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà chế tạo sản phẩm, người thiết kế.

Đối với việc sản phẩm ống chỉ đạt 5/7 chỉ tiêu cơ lý theo tiêu chuẩn ANSI/AWWA của Hiệp hội Công trình thủy Hoa Kỳ, bị cáo Hoàng Thế Trung cho rằng không thiếu, bởi chỉ cần 5 phiếu thí nghiệm là đủ. Về việc thí nghiệm sản phẩm ở phòng thí nghiệm không hợp chuẩn là vì hợp đồng không yêu cầu phòng thí nghiệm hợp chuẩn.

Bị cáo Khải thì cho rằng 2 chỉ tiêu còn lại là tính chất vật liệu, không phải chỉ tiêu cơ lý, ống vỡ không phải do chất lượng ống. Được biết, hai chỉ tiêu này là độ biến dạng uốn hướng vòng dài hạn và áp suất thiết kế thủy tinh dài hạn thực hiện trong 10.000 giờ.

Bị cáo Trần Cao Bằng trình bày, tiêu chuẩn ANSI/AWWA là do nhà sản xuất và bên mua áp dụng tự nguyện. Tiêu chuẩn không chứng thực bất kỳ loại sản phẩm nào. Bị cáo Bằng khẳng định không thể thí nghiệm được trong điều kiện hiện nay.

Theo http://baodauthau.vn

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG