Thursday, March 28, 2024

Tham gia mạng xã hội có văn hoá, đúng pháp luật: Tin giả – ‘thuốc độc’ thật trên không gian ảo

Đã có rất nhiều trường hợp bị xử lý, phạt tiền về việc lan truyền thông tin giả mạo, thất thiệt trên không gian mạng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp thì thông tin giả mạo không chỉ gây hoang mang dư luận mà còn tạo ra những khó khăn trong công tác phòng chống dịch.

Giả mạo cả Bộ Công an, Bộ Y tế…

Ngày 16.7, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam VAFC – Bộ TTTT – đã phát hiện tên miền https://11384vn.com có hình ảnh giao diện giả mạo Cổng thông tin của Bộ Công an. Cổng thông tin điện tử chính thức của Bộ Công an là website tại tên miền https://bocongan.gov.vn. VAFC khuyến cáo cộng đồng mạng không tiếp nhận và chia sẻ thông tin từ website giả mạo này. VAFC sẽ chuyển vụ việc tới cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đây không phải là lần đầu cổng thông tin Bộ Công an bị giả mạo. Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng cũng đã giả mạo thông tin từ Bộ Y tế gây hoang mang dư luận.

Cụ thể, nhiều cá nhân đã lan truyền thông tin gắn với Bộ Y tế: “Hiện nay đang lan truyền trên mạng xã hội đoạn tin nhắn được cho là của Bộ Y tế cung cấp thông tin về một nghiên cứu của Singapore, cho rằng COVID-19 là một loại vi khuẩn bị nhiễm phóng xạ gây ra đông máu và làm chết người.

Tham gia mạng xã hội có văn hoá, đúng pháp luật: Tin giả - 'thuốc độc' thật trên không gian ảoCổng thông tin Bộ CA giả mạo mới bị phát hiện. Ảnh: VAFC

Nội dung tin nhắn nói rằng đây là nghiên cứu của các nhà khoa học Singapore sau khi tiến hành khám nghiệm tử thi của các bệnh nhân tử vong do COVID-19. Không những thế, tin nhắn còn khẳng định có thể điều trị COVID-19 bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm và chống đông máu…”.

Chiều 15.7, Bộ Y tế đã chính thức lên tiếng bác bỏ thông tin sai sự thật về COVID-19 gắn mác “Bộ Y tế” đang phát tán trên mạng xã hội. ”Đây là thông tin sai sự thật. Bộ Y tế không đưa ra thông tin và khuyến cáo như vậy” – Bộ Y tế khẳng định.

Trong lúc cả nước căng mình phòng chống dịch thì nhiều đối tượng do thiếu hiểu biết, hoặc thích câu “like”, câu “view” đã tung tin thất thiệt.

Ngày 14.7, Công an Đắk Mil (Đắk Nông) đã phát hiện tài khoản Facebook “TV” đăng tải thông tin liên quan đến dịch bệnh COVID-19 tại Đăk Mil. Bài viết sau khi đăng tải gây hoang mang, lo lắng cho người dân trên địa bàn. Công an huyện Đắk Mil sau đó xác minh và mời hai cá nhân là chủ tài khoản Facebook “TV” “GDTĐM” để xử lý.

Ngày 13,7, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng đã phối hợp Công an huyện An Lão tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng đối với ông L.V.T (quản trị viên trang Fanpage có tên “Hải Phòng”) về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên trang Fanpage.

Gần nhất, ngày 19.7, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam – VAFC thông tin hình ảnh lan truyền được cho là xác chết của bệnh nhân COVID-19 tại TPHCM là thông tin giả mạo. Theo VAFC, hiện nay, trên mạng xã hội đang tràn lan hình ảnh xác chết ở Indonesia nhưng bị một số tài khoản Facebook tung tin đây là hình ảnh xác chết của bệnh nhân COVID-19 tại TPHCM, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch COVID-19. VAFC khuyến cáo người dân và cộng đồng mạng không chia sẻ tin giả trên. Vụ việc sẽ được VAFC chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Siết chặt thông tin, tạo môi trường văn hoá lành mạnh trên không gian mạng

Ngày 18.7, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi các khu cách ly y tế, bệnh viện dã chiến, bệnh viện đang điều trị COVID-19 và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở về việc chụp hình, quay phim và đưa tin trên mạng xã hội.

Do thời gian qua, nhiều thông tin từ các trang mạng không chính thức, không rõ nguồn cung cấp và chưa được thẩm định từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền, có nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 không đúng, gây hoang mang dư luận xã hội.

Sở Y tế yêu cầu các khu cách ly y tế, Bệnh viện dã chiến, Bệnh viện đang điều trị COVID-19 và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở thực hiện tuyên truyền, quán triệt, nhắc nhở người dân và cán bộ, nhân viên ngành y tế không thực hiện phát tán hình ảnh, bài viết không đúng sự thật, không rõ nguồn cung cấp gây bức xúc, hoang mang dư luận xã hội.

Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng khuyến cáo người dân và cán bộ, nhân viên y tế chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về quyền bảo vệ hình ảnh cá nhân, quyền được tôn trọng bí mật riêng tư của người bệnh và các quy định về cung cấp, đăng tải thông tin trên mạng xã hội để tạo ổn định tình hình an ninh trật tự, tránh tâm lý bất an cho đội ngũ nhân viên y tế đang đảm nhiệm công tác phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết phòng, chống dịch của người dân thành phố trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội.

Hiện, đã có những quy định xử lý tin giả như Nghị định 15 năm 2020 có 3 điều (khoản 3, điều 100; khoản 1, điều 101 và khoản 3, điều 102) liên quan tới xử phạt hành chính liên quan đến tin giả, với các mức phạt dao động từ 10-70 triệu đồng.

Tuy nhiên việc phòng chống tin giả phải làm từ gốc. Trong đó ý thức của người tham gia mạng xã hội là điều rất quan trọng. Người dân phải biết cách tránh bẫy thông tin, biết tìm kiếm thông tin từ nguồn chính thống, phân biệt “thật – giả” là “gốc rễ” để giải quyết vấn đề trong dài hạn. Khi phát hiện tin giả có thể báo ngay tới cơ quan chức năng hoặc Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam ở website:https://tingia.gov.vn.

Cơ quan chức năng, báo chí chính thống cũng cần có trách nhiệm cung cấp thông tin kịp thời, lấy “tin thật” đẩy lùi tin giả, tạo niềm tin cho người dân để loại trừ tin giả – thứ “thuốc độc” thật trên không gian mạng.

Công Thành (Báo Lao động điện tử)

Nguồn: Đấu trường Dân chủ

Theo: Hội Cờ đỏ

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG