Thursday, November 21, 2024

Không thể xuyên tạc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cách đây 70 năm, ngày 7-5-1954, dân tộc Việt Nam đã lập nên kỳ tích “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ – đập tan “Pháo đài bất khả xâm phạm”, niềm kiêu hãnh của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

Chiến thắng Điện Biên Phủ góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Với chiến thắng Điện Biên Phủ, dân tộc Việt Nam đã đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược, những nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneve, cam kết chấm dứt chiến tranh, tôn trọng độc lập, chủ quyền của 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia.

Kể từ ngày 7-5-1954 đến nay, cả thế giới nhắc đến “Việt Nam – Hồ Chí Minh, Việt Nam – Điện Biên Phủ” với tất cả sự tôn trọng và ngưỡng mộ, là điển hình cho bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.

Không thể xuyên tạc về Chiến thắng Điện Biên PhủĐêm 25-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa ra quyết định chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, sang “đánh chắc, tiến chắc”, đánh dài ngày theo kiểu bóc vỏ từng cứ điểm đối phương – Ảnh tư liệu

Thế nhưng ở đâu đó, nhằm hạ thấp giá trị kỳ tích của dân tộc Việt Nam, nhằm chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam, một nhóm thế lực thù địch đã cố tình xuyên tạc cho rằng: “Chiến thắng Điện Biên Phủ có được là nhờ vũ khí và chuyên gia cố vấn Trung Quốc, là chiến thắng của Trung Quốc chứ không phải của Việt Nam”.

Không khó để chứng minh được Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của dân tộc Việt Nam, trong đó có vai trò lãnh đạo tối quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thực tế lịch sử cho thấy, một chút xíu nữa, nếu thực hiện theo phương án cố vấn Trung Quốc đưa ra, kết cục Điện Biên Phủ hoặc là không đánh được phải rút lui, lực lượng tổn thất nặng nề không biết khi nào mới phục hồi được, hoặc là sẽ bị rơi vào cái bẫy “cối xay thịt” như quân Pháp từng tuyên bố. Trong khuôn khổ một bài viết, tác giả cố gắng ngắn gọn nhất có thể, nêu lên vấn đề này.

CHIẾN THUẬT “OA TÂM TẠNG”

Kế hoạch ban đầu được đoàn cán bộ tiền phương chiến dịch và cố vấn Trung Quốc xây dựng theo phương án đánh 2 ngày 3 đêm. Chuyên gia Mai Gia Sinh, là cố vấn của Trung Quốc, giới thiệu phương châm chiến thuật “Oa tâm tạng” (chiến thuật moi tim). 

Đây là chiến thuật dùng mũi nhọn thọc sâu, như một gươm đâm thẳng vào tim, tạo nên sự rối loạn ở trung tâm phòng ngự địch ngay từ đầu, rồi từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào, tiêu diệt địch trong thời gian tương đối ngắn (“Thay đổi cách đánh, một nhân tố trực tiếp quyết định thắng lợi trận Ðiện Biên Phủ”, Báo Nhân Dân ngày 19-4-2004, https://nhandan.vn/thay-doi-cach-danh-mot-nhan-to-truc-tiep-quyet-dinh-thang-loi-tran-dien-bien-phu-post465811.html).

Đây là phương châm chiến thuật đánh tấn công tập trung với hướng tấn công chính yếu nhằm vào sở chỉ huy đối phương, sau đó tấn công từ trong ra ngoài, phối hợp các cuộc tấn công đánh từ ngoài vào trong. Chiến thuật này còn có tên gọi khác là chiến thuật “Đầu nhọn đuôi dài” hay “Nở hoa trong lòng địch”.

“Đầu nhọn” là tổ chức các đơn vị đột kích thật mạnh để xuyên thủng tuyến phòng ngự của địch. “Đuôi dài” là bố trí nhiều thê đội (đội hình chiến đấu) để khi đơn vị đột kích khoan thủng tuyến phòng ngự của đối phương, quân ta liên tục nối nhau tràn vào. “Nở hoa trong lòng địch” là lực lượng đột kích tấn công liên tục vào đến tận sở chỉ huy đầu não của tập đoàn cứ điểm, rồi từ đó đánh tỏa ra các cứ điểm xung quanh sở chỉ huy.

Phương châm chiến thuật này, sau được lịch sử ghi lại là “Ðánh thắng nhanh”, do cố vấn Trung Quốc Mai Gia Sinh đưa ra, được Trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh củng cố. Và lịch sử cũng ghi lại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khó khăn như thế nào khi thay đổi tác chiến ở Điện Biên Phủ.

“TƯỚNG QUÂN TẠI NGOẠI” VỚI QUYẾT ĐỊNH LỊCH SỬ

Phương châm “Đánh nhanh thắng nhanh” đã được Ðảng ủy mặt trận và cố vấn Trung Quốc nhất trí tán thành, toàn quân đang trong khí thế và quyết tâm cao. Thời gian gấp rút, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không thể báo cáo xin ý kiến ngay Bác Hồ và Bộ Chính trị do không dùng điện đài được vì sợ lộ bí mật. 

Sau khi nhận định tình hình thực tế, Ðại tướng đã lập tức trao đổi với cố vấn và triệu tập Ðảng ủy mặt trận thảo luận về thay đổi phương châm tác chiến. Khi mọi người nhận ra vấn đề và nhất trí, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển phương châm “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc” và ra lệnh toàn mặt trận hoãn cuộc tiến công, các đơn vị lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Ngay chiều hôm đó, Ðại tướng đã viết thư hỏa tốc cho cán bộ cầm về báo cáo với Bác và Ban Thường vụ Trung ương.

Trận Nà Sản cuối năm 1952 ta đánh từng cứ điểm. Ta đánh cứ điểm nào địch tập trung quân vào cứ điểm đó, kết quả quân ta không hạ được tập đoàn cứ điểm Nà Sản, phải rút quân để giảm tổn thất. Một phần nguyên nhân thất bại khác là do hỏa lực địch tập trung quá mạnh, trình độ cũng như kinh nghiệm tấn công một tập đoàn cứ điểm của bộ đội ta còn hạn chế rất nhiều so với địch.

Thế nhưng sau bài học này, đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, căn cứ vào tình hình thực tế, về cách đánh, thay vì phương án dự kiến tiến công toàn bộ tập đoàn cứ điểm, quân ta vẫn chọn cách xây dựng trận địa bao vây chia cắt quân địch, đưa pháo vào những vị trí an toàn. Đặt các cứ điểm trong tầm bắn khống chế sân bay. Tiếp đến tấn công tiêu diệt từng trung tâm đề kháng. Bắt đầu từ cánh đồng Mường Thanh với sân bay Mường Thanh là trung tâm.

Lý do mấu chốt được xác định là bởi toàn bộ tăng viện và tiếp tế của địch đều phải dựa vào đường không. Và khống chế sân bay hoặc cắt đứt sân bay Mường Thanh đã không còn là khó khăn với bộ đội ta lúc này. Nếu đường hàng không bị hạn chế hay cắt đứt, địch sẽ nhanh chóng mất sức chiến đấu. Cắt đứt sân bay Mường Thanh, sẽ tiến tới bóp nghẹt “con nhím” Điện Biên Phủ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thực hiện đúng tư tưởng của Bác Hồ căn dặn “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” và cũng đúng quyền Bác Hồ trao “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền”. 

Quyết định thay đổi phương châm chiến thuật “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”, sau này Đại tướng coi là “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy” của mình. 

Phương châm chiến thuật này phù hợp với trình độ của bộ đội Việt Nam thời điểm đó. Đồng thời đánh sâu vào nhược điểm của địch, biến ưu thế về vũ khí, kỹ thuật của địch trên chiến trường thành ưu thế của ta trong từng trận đánh để giành thắng lợi.

BẢN SẮC VIỆT NAM

Khi bước vào chiến dịch, bộ đội Việt Nam đã vận dụng chính xác phương châm “Đánh chắc” như Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Sau khi tấn công sân bay Mường Thanh, bộ đội ta tập trung binh lực đánh chiếm từng cứ điểm. Vậy mà khi gặp cứ điểm Đồi A1, Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) vẫn đánh không thành công, phải đưa Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) lên thay vẫn không dứt điểm được. Sau đó, cuộc tiến công phải dừng lại để củng cố bộ đội, cấu trúc lại trận địa trong mấy tuần, rồi mới tiêu diệt được cứ điểm này.

Như vậy, nếu áp dụng “Đánh nhanh” theo phương châm chiến thuật “Oa tâm tạng” của cố vấn quân sự Trung Quốc ban đầu đưa ra với dự kiến 2-3 ngày chắc chắn sẽ thất bại. Việc thay đổi đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc” không chỉ đơn thuần là thay đổi một phương án, mà còn là một cuộc đấu tranh về tư duy quân sự giữa một bên là áp dụng tư duy kinh nghiệm Trung Quốc với một bên là cách đánh phù hợp với trình độ và điều kiện của bộ đội Việt Nam.

Vì vậy, quyết định chuyển từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”, cũng đồng nghĩa Quân đội nhân dân Việt Nam đánh bại Pháp bằng bản sắc của mình, trên cơ sở học hỏi một phần kinh nghiệm của quân đội Trung Quốc về “Chiến tranh chiến hào” (một loại chiến thuật sử dụng trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất) và ở chiến trường Triều Tiên.

Sự giúp đỡ chí tình nào của bạn bè quốc tế với dân tộc Việt Nam cũng đáng quý. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam không bao giờ quên điều đó. Thế nhưng, lợi dụng kỳ tích “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc Việt Nam, chống phá lại chính Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, xuyên tạc cho rằng Chiến thắng Điện Biên Phủ là nhờ vào vũ khí và chuyên gia cố vấn Trung Quốc, là chiến thắng của Trung Quốc chứ không phải của Việt Nam, là không đúng sự thật.

* Bài viết có sử dụng thông tin của một số nhà nghiên cứu, ghi chép lịch sử.

Trần Phương (Báo Bình Phước)

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG