Giới hạn của quyền tự do cá nhân theo kiểu phương Tây, một lần nữa, bị đặt trước những câu hỏi gay gắt, khi nó tạo nên những rắc rối tiềm ẩn đầy cạm bẫy, sau sự vụ một người tị nạn Iraq đốt bản sao cuốn kinh Koran – thánh kinh thiêng liêng tối thượng đối với bất cứ tín đồ Hồi Giáo nào. Một làn sóng căm phẫn nữa lại dấy lên và nó chẳng báo hiệu điều gì tốt lành đối với phương Tây.
Sự “xúc phạm và khiêu khích”
Ngày 28/6, ngày mở đầu kỳ thánh lễ Eid al-Adha của các tín đồ Hồi giáo, Salwan Momika – một người Iraq tị nạn hiện đang cư trú tại Thụy Điển – đã thực hiện hành vi đốt bản sao kinh Koran, ngay trước đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở thủ đô Stockholm.
Phản ứng từ khối các nước Hồi giáo dĩ nhiên là rất dễ đoán. Những cơn thịnh nộ – như đã từng xảy ra trong quá khứ gần, khi tờ tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở Pháp đăng tải những hình ảnh châm biếm Đức sứ giả Mohammed của đạo Hồi (vào các năm 2006, 2011 và 2013) hoặc xa hơn, như khi nhà văn gốc Ấn Độ Salma Rushdie phải chạy trốn suốt 3 thập kỷ bởi tác phẩm “báng bổ” mang tên “Những vần thơ của quỷ” (The Satanic Verses) – xuất hiện như điều hiển nhiên tất yếu.
Ngay sau khi tin tức về hành động “phạm thánh” của Salwan Momika được lan truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, lần lượt Bộ Ngoại giao của Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (U.A.E), Jordan, Kuwait, Iran, Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ… đồng loạt lên tiếng thể hiện sự phẫn nộ cùng cực.
Trong đó, ngày 29/6, Chính phủ Jordan triệu Đại sứ Thụy Điển tại Amman để phản đối hành động nói trên, cho rằng hành vi này là nguy hiểm và kích động bạo lực. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Kuwait nhấn mạnh: “Việc đốt kinh Koran là hành động xúc phạm người Hồi giáo trên toàn cầu”.
Gay gắt hơn, Iran xem đó là động “khiêu khích, thiếu cân nhắc và không thể chấp nhận”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani cho biết chính phủ và người dân Iran không dung thứ cho hành động xúc phạm như vậy, đồng thời cho rằng Chính phủ Thụy Điển sẽ phải nghiêm túc xem xét trách nhiệm và giải trình về vấn đề này.
Đáng lưu ý, trong công hàm của Bộ Ngoại giao Kuwait ngày 30/6 trao cho Đại sứ Thụy Điển tại Kuwait, có đoạn nêu rõ: Thụy Điển đã nhiều lần để xảy ra những sự vụ đáng tiếc tương tự, trong đó có vụ một phần tử cực đoan mang 2 quốc tịch Thụy Điển và Đan Mạch đốt bản sao kinh Koran gần Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm hồi tháng 1 năm nay.
Đến ngày 30/6, Bộ trưởng Ngoại giao Iran – ông Hossein Amir-Abdollahian đề xuất triệu tập một cuộc họp khẩn cấp ngoại trưởng các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), nhằm thảo luận về vụ việc “xúc phạm và khiêu khích” ở Thụy Điển này. Tehran thậm chí đã hoãn bổ nhiệm đại sứ tại Thụy Điển.
Trong khi đó, trong một cuộc điện đàm với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 1/7, Phó Tổng thống Iraq – ông Fuad Hussein lo ngại: Hành vi đốt kinh Koran sẽ làm gia tăng hiện tượng bài Hồi giáo, hệ tư tưởng cực đoan và khủng bố, gieo mầm cho những hành động thù hận và bạo lực trên thế giới.
Đáp lại sự công phẫn mà thế giới Hồi giáo đồng lòng thể hiện, Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định sự cần thiết phải tôn trọng cộng đồng người Hồi giáo. Ông cho biết Liên hợp quốc đang theo dõi sát sao vụ đốt kinh Koran ở Thụy Điển, cũng như các phản ứng liên quan ở Iraq và các nước Hồi giáo nói chung.
Trong một diễn biến song song, Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) cũng vội vã lên tiếng cho biết Liên minh châu Âu (EU) lên án hành vi đốt kinh và kêu gọi tránh làm leo thang tình hình. EEAS khẳng định: “Cùng với Bộ Ngoại giao Thụy Điển, Liên minh châu Âu phản đối mạnh mẽ việc một cá nhân ở Thụy Điển đốt kinh Koran. Hành động này hoàn toàn không phản ánh quan điểm của Liên minh châu Âu. Giờ là lúc để sát cánh vì sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau và để ngăn chặn tình hình leo thang”.
Chính trong lúc đó, hàng nghìn người dân Iraq vẫn tập trung gần Đại sứ quán Thụy Điển tại thủ đô Baghdad, để tiếp tục biểu tình phản đối hành vi báng bổ của Salwan Momika.
Cảnh sát Iraq đã phải phong tỏa các tuyến phố bao quanh Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad bằng các khối bê tông dày khiến người biểu tình chỉ có thể tập trung trên đại lộ gần khu vực đại sứ quán. Trước đó, ngày 29/6, đoàn người biểu tình đã tràn vào bên trong khuôn viên Đại sứ quán Thụy Điển và ở lại đó khoảng 15 phút trước khi bị lực lượng an ninh đưa ra ngoài. Thậm chí, theo một số nguồn tin, Iraq đã xem xét tìm cách dẫn độ Salwan Momika về nước để xét xử.
Lời đe dọa từ quá khứ
Một đám cháy đã bùng lên và ai cũng hiểu, việc dập tắt nó sẽ khó khăn đến nhường nào, đặc biệt là trong những diễn biến gấp gáp, chồng chéo và phức tạp của dòng chảy sự kiện quốc tế đương đại. Đơn cử, cũng trong lúc này, bạo lực giữa Israel với người Palestine đang gia tăng dữ dội trở lại ở Bờ Tây – cuộc xung đột tích tụ những hiềm hích nghìn năm giữa các tín đồ Hồi giáo vốn luôn ủng hộ quyền lợi chính đáng của Palestine, với người Do Thái luôn được Mỹ và phương Tây hậu thuẫn.
Tâm trạng bài phương Tây trong lòng thế giới Hồi giáo từng là nguyên nhân tạo nên không biết bao nhiêu hệ lụy tiêu cực trong quá khứ, đặc biệt là quanh sự mâu thuẫn về niềm tin tôn giáo. Ít nhất, ta có thể kể tới vụ xả súng vào trụ sở Tạp chí Charlie Hebdo năm 2015, tại thủ đô Paris của nước Pháp, khiến 12 người thiệt mạng, 11 người khác bị thương trong đó có 4 người bị thương nặng. Cuộc tấn công này được thực hiện bởi các phần tử cực đoan, nhằm “trừng phạt” những động thái giễu cợt Hồi giáo mà Charlie Hebdo đăng tải.
Tuy vậy, cũng phải đến tận ngày 2/7, Bộ Ngoại giao Thụy Điển mới “đăng đàn” tuyên bố: “Chính phủ Thụy Điển hoàn toàn hiểu rằng các hành vi bài Hồi giáo do các cá nhân thực hiện tại các cuộc biểu tình ở Thụy Điển có thể gây khó chịu cho người Hồi giáo. Chúng tôi lên án mạnh mẽ những hành động này, vốn không phản ánh quan điểm của Chính phủ Thụy Điển”. Bên cạnh đó, Stockholm cũng không quên lưu ý rằng hiến pháp nước này bảo vệ quyền tự do ngôn luận.
Không gì khác, đây chính là điểm khác biệt tiềm ẩn những nguy cơ chết chóc. Hệ giá trị phương Tây chấp nhận rằng việc đem các lãnh tụ quốc gia hay niềm tin tôn giáo ra đùa cợt một cách công khai, trên những phương tiện truyền thông đại chúng, là quyền tự do cá nhân, như Charlie Hebdo đã từng tô vẽ đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong những bức biếm họa mang tính sỉ nhục. Nhưng, đối với các hệ giá trị còn lại trên thế giới, thí dụ như đối với các tín đồ Hồi giáo, đó là sự xúc phạm không thể chấp nhận. Đối với họ, sự tôn trọng tối thiểu là một vấn đề then chốt.
Cùng ngày 2/7, truyền thông Saudi Arabia cho biết Bộ Ngoại giao quốc gia lãnh đạo khối Arab Hồi giáo này đã triệu Đại sứ Thụy Điển tại đây để phản đối. Chính quyền Riyadh hối thúc Stockholm “chấm dứt mọi hành động mâu thuẫn trực tiếp với các nỗ lực quốc tế đang cố gắng truyền bá các giá trị của lòng khoan dung, ôn hòa và bác bỏ chủ nghĩa cực đoan, đồng thời làm suy yếu sự tôn trọng lẫn nhau – vốn cần thiết đối với quan hệ giữa các dân tộc và các quốc gia”.
Những gì đã xảy ra suốt 20 năm quân đội phương Tây có mặt ở Afghanistan (để rồi phải vội vã triệt thoái trong hỗn loạn năm 2021), từng xảy ra ở Iraq, đang hiện hữu trong mối quan hệ đối đầu căng thẳng giữa Iran với phương Tây, hay cũng đã được thể hiện trong cách tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trỗi dậy và “làm mưa làm gió” mười năm về trước đều ít nhiều có liên quan đến cả những khác biệt về hệ giá trị lẫn sự xem nhẹ các hệ giá trị phi phương Tây – những điều mà các quốc gia phương Tây nắm quyền chủ đạo trong thế giới đơn cực đã thể hiện theo những cách khá “ngạo mạn”, để khơi cao thêm ngọn lửa thù hận và hiềm khích.
Quay trở lại hiện tại, khi bảo vệ quyền tự do ngôn luận cho công dân của mình, Thụy Điển đang khiến quan hệ giữa họ với Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng trở nên thêm phức tạp, trong khi tiến trình gia nhập khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển cũng chưa hoàn tất (mà những khó khăn lớn nhất đều đến từ Thổ Nhĩ Kỳ). Trong khi đó, những cuộc thương thuyết nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) với Iran có thể sẽ lún sâu thêm vào bế tắc. Và, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia dẫn dắt cũng lại sẽ càng thêm cứng rắn trong lập trường.
Nhưng, sâu xa hơn, sự vụ này cũng hoàn toàn có thể trở thành cái cớ để các nhóm Hồi giáo cực đoan (không loại trừ cả những tay khủng bố theo phong cách “sói đơn độc”) đẩy mạnh hoạt động trở lại, thậm chí là ngay trong lòng các xã hội phương Tây, khi được thúc đẩy và cổ vũ bởi cơn thịnh nộ chung của các tín đồ Hồi giáo. Một đốm lửa, nếu thuận gió, hoàn toàn có thể đốt cháy cả khu rừng…
MÂY LINH
Chép từ Hương Sen Việt
Nguồn: Tre làng
Nguồn: