Trong những năm vừa qua, các chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, tạo dựng được tinh thần phấn khởi trong đồng bào tín đồ và các nhà tu hành. Các hoạt động tôn giáo được diễn ra bình thường và tuân thủ pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch và một số tổ chức thiếu thiện chí chưa từ bỏ âm mưu “diễn biến hòa bình”, chúng tìm mọi cách chống phá, tuyên truyền những luận điêu sai trái cho rằng, Việt Nam không có tự do tôn giáo, xuyên tạc trắng trợn về tình hình, đời sống tôn giáo ở nước ta, nhằm tạo sự hoài nghi, phá hoại khối đoàn kết tôn giáo.
Đơn cử như ngày 03 tháng 12 năm 2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã phát đi thông cáo về cái gọi là “Danh sách Giám sát Đặc biệt vì can dự vào hay dung thứ cho những vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo”, trong đó có 4 quốc gia là Algeria, Cộng hòa Trung Phi, Comoros và Việt Nam. Các nước có mức độ vi phạm nặng hơn bị liệt vào danh sách Quan tâm Đặc biệt (Countries of Particular Concerns- CPC) gồm Myanmar, Trung Quốc, Cuba, Eritria, Iran, Nicaragua, Bắc Triều Tiên, Nga, Ả Rập Xê út, Tajikistan và Turmekistan. Ngày 02/12, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) cũng công bố báo cáo mới về danh sách nạn nhân tự do tôn giáo hay niềm tin ở Việt Nam. Cùng với đó, Đài Á Châu tự do có đăng bài “Việt Nam thuộc nhóm các nước bị Hoa Kỳ giám sát đặc biệt về tự do tôn giáo”.
Vậy thực chất vấn đề này là gì? Có phải Việt Nam thực sự vi phạm quyền tự do tôn giáo như các tổ chức và báo chí hải ngoại đã “rêu rao”?
Trước hết, phải khẳng định rằng Đảng và Nhà nước CHXHCN Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân và quyền đó được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Đảng và Nhà nước ta cũng không bao giờ can thiệp vào nội bộ các tôn giáo, điều này đã được thực tiễn chứng minh, ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành sắc lệnh 234/SL xác định “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của Nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ Nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Các tôn giáo phải tuân theo pháp luật của nhà nước như mọi tổ chức khác”. Và từ đó đến nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo cơ sở pháp lý để các tôn giáo hoạt động ổn định, tăng cường củng cố mối quan hệ giữa nhà nước và Giáo hội.
Chính nhờ có những chủ trương, chính sách đúng đó nên hiện nay trên toàn quốc số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng tăng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân được đảm bảo tốt hơn, quan hệ quốc tế về tôn giáo được mở rộng, việc sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam được công khai theo đúng quy định của pháp luật. Các hoạt động tôn giáo lớn quy mô quốc tế và khu vực được tổ chức thường xuyên như đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc VESAK, Hội nghị Đại hội đồng Giám mục Á châu; Lễ 100 năm Tin Lành đến Việt Nam v.v…
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, năm 2022, chính quyền đã công nhận 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với trên 26,7 triệu tín đồ, trên 55 nghìn chức sắc, khoảng 135 nghìn chức việc; trên 29 nghìn cơ sở thờ tự, hàng năm có trên 8.000 lễ hội về tín ngưỡng, tôn gáo, với hàng vạn tín đồ tham gia. Các cơ sở thờ tự được cấp phép xây dựng đơn cử như Thành phố Hồ Chí Minh đã giao 7.500m2 đất cho Tổng Liên hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) xây dựng Viện thành kinh thần học; tỉnh Đắk Lăk giao hơn 11.000m2 đất cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột; thành phố Đà Nẵng giao hơn 9.000m2 đất cho Tòa Giám mục Đà Nẵng v.v…cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho183 điểm nhóm; cấp quyết định xuất bản cho 140 xuất bản phẩm, với 684.250 bản in.
Từ những con số biết nói nêu trên, có thể thấy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được đảm bảo rất tốt, mọi người, mọi tổ chức đều được tham gia sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng phù hợp với phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục và đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số cá nhân, tổ chức lợi dụng quyền tự do, dân chủ lén lút, tụ tập, tự mở các cơ sở thờ tự, các hội nhóm tín ngưỡng mê tín dị đoan, hệ phái tôn giáo tuyên truyền các luận điệu phản động, kích động quần chúng nhân dân vi phạm pháp luật, chống đối chính quyền. Do đó cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Dựa vào vấn đề đó, những phần tử phản động, bất mãn, cơ hội được dịp “rêu rao”, “la làng” rằng Nhà nước, chính quyền đàn áp tự do tín ngưỡng tôn giáo. Các tổ chức ở nước ngoài dựa trên các nguồn tin không chính thống, không được thẩm định, sử dụng thông tin tài liệu cũ từ các nhóm, phái tôn giáo chưa được Nhà nước công nhận, số chức sắc cực đoan bất mãn với chế độ, định kiến với Đảng, Nhà nước để tiếp nhận thông tin không chính xác đưa vào báo cáo đánh giá, cho rằng, Việt Nam không có tự do tôn giáo, xuyên tạc trắng trợn về tình hình, đời sống tôn giáo ở nước ta, nói mãi điều phi thực tế nhằm tạo sự hoài nghi, nhằm phá hoại khối đoàn kết tôn giáo.
Như vậy có thể khẳng định những thông tin, luận điệu sai lệch, xuyên tạc nêu trên là hết sức phi lý, không đúng với sự thật, đưa lên với ý đồ, mục đích xấu xa, nhằm tác động đến suy nghĩ, tình cảm của chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo, nhằm tạo sự hoài nghi về chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết lương – giáo. Tạo cớ xúi giục, kích động quần chúng nhân dân chống đối chính quyền, chống đối Đảng và Nhà nước. Đây chính là một âm mưu thâm độc nằm trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phản động nhằm xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vì vậy mỗi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kịp thời phát hiện và đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện, hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.
– Mạnh Hải –
Nguồn: Đấu trường Dân chủ
Nguồn: