Những góc khuất về sổ liên lạc điện tử (SLLĐT) với cái gật đầu trị giá 30% hoa hồng bị phanh phui khiến phụ huynh được dịp mở cờ trong bụng. Ước tính vào năm 2020, mỗi tháng phụ huynh bậc tiểu học Hà Nội phải bỏ ra trên 20 tỷ đồng từ thứ công nghệ này. Một con số giật mình!
Sổ liên lạc điện tử bị phụ huynh phản ứng từ năm 2014
SLLĐT vốn được giới thiệu là một ứng dụng dịch vụ truyền thông đa phương tiện giúp nhà trường có thể liên lạc, truyền tải thông tin về kết quả học tập, lịch học tập, làm việc và các thông tin khác như nghỉ lễ, Tết,… đến phụ huynh học sinh. Từ đó, giúp việc truyền đạt thông tin được dễ dàng hơn. Đặc biệt, SLLĐT còn có thể giúp phụ huynh quản lý và theo dõi thực đơn hàng ngày của con em mình trên lớp, từ đó có những kiến nghị phù hợp.
Thế nhưng, thực tế là tất cả các phụ huynh than phiền rằng đó là những tin nhắn SMS một chiều từ giáo viên đến phụ huynh học sinh. Không tương tác cũng chẳng thể phản hồi. Thậm chí, đó là những tin nhắn SMS còn không có dấu. Điều đáng nói hơn cả, có phụ huynh không đăng ký tham gia thì bị giáo viên gây khó bằng cách không thông tin cho phụ huynh về tình hình học tập của con tại trường chỉ vì phụ huynh không đóng 30.000 đồng/tháng tiền sổ liên lạc điện tử.
Thực tế cũng phải hiểu rằng, giáo viên bị áp lực hai chiều, cả nhà trường và phụ huynh chứ thực tế bản thân người đứng lớp cũng quá ác cảm với SLLĐT. Áp lực giảng dạy cả ngày mà vào cuối buổi giáo viên còn phải thêm công việc nhắn tin cho phụ huynh. Một số giáo viên thẳng thắn thừa nhận, sổ liên lạc điện tử đang lừa dối phụ huynh vì thực chất chỉ là những tin nhắn điện thoại SMS. Tham gia sổ liên lạc điện tử chỉ có lợi cho lãnh đạo nhà trường và đơn vị cung cấp dịch vụ. Bởi mỗi lớp học đều có các nhóm riêng trao đổi trên các nền tảng mạng xã hội, chẳng hạn Zalo nhưng giáo viên và phụ huynh vẫn bị ép tham gia thứ công nghệ này.
Đáng buồn là tỉ lệ chiết khấu 20-25% được bóc mẽ 2 năm trước, giờ đã lên tới 30% chỉ bằng một cái gật đầu của hiệu trưởng. Một tỉ lệ chiết khấu cực lớn mà các vị hiệu trưởng chẳng mất gì, chẳng phải làm gì, nhưng cho đến thời điểm này nó vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức sự chịu đựng của phụ huynh.
Cũng cần nói thẳng, SLLĐT không phải là chuyển đổi số mà nó làm lợi cho các nhà mạng và phần mềm. Chúng ta thấy gì ở đây, đó là lợi dụng tinh thần chuyển đổi số của Chính phủ để lách luật, trục lợi. Trong bối cảnh người dân chịu áp lực về kinh tế, Chính phủ gồng mình đảm bảo an sinh xã hội thì lại có những người vô cảm đứng bên lề ung dung hưởng lợi là điều không thể chấp nhận được. Rất cần một tiếng nói của các cơ quan chức năng để chấm dứt thực trạng này!
Công Luân
Nguồn: Cánh cò
Nguồn: