Monday, November 25, 2024

Bảo đảm quyền con người trong hoạt động tố tụng tại Việt Nam

Từ ngày 1/9/2022, Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng chính thức có hiệu lực. Ngay khi ban hành, Pháp lệnh đã nhận được ý kiến ủng hộ, đồng tình của đông đảo nhân dân bởi đây là những quy định cần thiết góp phần xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng và ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tham gia tố tụng.

Bảo đảm quyền con người trong hoạt động tố tụng tại Việt NamHọp báo công bố Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng ngày 29/8/2022. (Ảnh: nhandan.vn)

Từ năm 1989, Hội đồng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh Xử phạt hành chính và sau đó, từng bước hoàn thiện qua nhiều lần sửa đổi để phù hợp yêu cầu thực tiễn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống.

Ðể nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm hành chính, đáp ứng các yêu cầu về dân chủ, quyền con người; công khai, minh bạch hơn trong xử lý vi phạm hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý hành chính nhà nước, bảo đảm an toàn trật tự xã hội, ngày 18/8/2022 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 xử phạt vi phạm hành chính với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (Pháp lệnh). Ðây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn, thể hiện tính nghiêm minh và thực thi pháp luật trong hoạt động tố tụng.

Trả lời báo chí trong buổi họp báo, công bố Pháp lệnh sáng 29/8, Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết: Thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng cho thấy, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp. Trong khi đó, pháp luật nước ta chưa có văn bản quy định có hệ thống về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà chỉ có một số quy định chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng nằm rải rác trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Việc ban hành một văn bản pháp luật thống nhất và chi tiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng và ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra; nâng cao uy tín của cơ quan nhà nước, bảo đảm sự tôn nghiêm của Tòa án, bảo đảm sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật. Do đó, việc ban hành Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là cần thiết.

Sau khi Pháp lệnh được thông qua và có hiệu lực, một số tổ chức chống cộng, hay các kênh truyền thông cực đoan thiếu thiện chí đã lập tức dấy lên những ý kiến phê phán, công kích, đưa ra những thông tin bình luận tiêu cực, nhằm xuyên tạc, nhận định sai, phiến diện về Pháp lệnh.

Quy định tại Ðiều 23 về Hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp là nội dung được các đối tượng tập trung chỉ trích, đặc biệt là quy định: “Ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa hoặc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm lời nói, ghi hình ảnh trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự” (Ðiểm c, khoản 4, Ðiều 23).

Từ đây những đối tượng cực đoan, thiếu thiện chí cho rằng Pháp lệnh “vi phạm quyền con người”, “quyền tự do ngôn luận”, rồi kích động những người thiếu thiện chí, thiếu hiểu biết lên tiếng phản đối, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người.

Là nhà báo từ Mỹ về Việt Nam sống và làm việc, năm 2007, tôi còn nhớ sự kiện phiên tòa ngày 30/3/2007, tại Huế, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã xử Nguyễn Văn Lý và đồng bọn về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Khoản 1, Ðiều 88 – Bộ luật Hình sự của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Khi đó bị cáo Nguyễn Văn Lý đã có những hành vi gây rối trước vành móng ngựa, trong khi thực hiện hành vi này, một bức ảnh được chụp tại tòa, ghi hình “bịt miệng cha Lý” đã được đưa ra, phát tán trên mạng xã hội, là cơ sở cho các tổ chức chống cộng rêu rao, xuyên tạc là Việt Nam không có luật pháp, bịt miệng công lý.

Cũng vào thời điểm đó, ông Michael W.Marine, Ðại sứ Mỹ ở Hà Nội đã có bài viết và một cuộc họp báo về chuyện ông Nguyễn Văn Lý và bức ảnh “bịt miệng”. Ông Michael cho rằng, hình ảnh bị giới truyền thông, báo chí cắt ghép từ phiên tòa xử không phản ánh đúng bản chất sự việc. Việc bị cáo gây rối, mất trật tự trong phiên tòa cũng sẽ bị các nhân viên an ninh trấn áp, nhằm vãn hồi trật tự, bảo đảm an ninh cho phiên xử.

Trong bài viết về nhân quyền ở Việt Nam, ông cựu Ðại sứ Mỹ viết: “Về phần mình, Việt Nam có khát vọng được quốc tế công nhận hơn nữa, tăng cường hội nhập toàn cầu và đạt được tiêu chuẩn thế giới trong mọi lĩnh vực, từ kinh doanh cho đến giáo dục, cũng như từ y tế cho đến cơ sở hạ tầng kinh tế. Việc bảo đảm cho các công dân Việt Nam cũng có các quyền và sự tự do theo tiêu chuẩn thế giới sẽ phục vụ cho chính lợi ích phát triển và an ninh quốc gia của Việt Nam”. (Nguồn: website Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam).

Thực tế trên cho thấy, một số cá nhân, tổ chức chống cộng cực đoan, hay “truyền thông đen” ở ngoài nước luôn chĩa mũi vào những vấn đề nhạy cảm trong nước nhằm kích động, xuyên tạc, gây hoang mang, chia rẽ trong các chính sách mới được Chính phủ, nhà nước Việt Nam ban hành. Trong khi đó, quy định về “ghi âm, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử mà không được phép của chủ tọa đoàn” ở các nước đều áp dụng luật cấm rất nghiêm ngặt.

Tôi có tham khảo ý kiến với ông James McBride, một luật sư hành nghề luật hơn 50 năm (bang California, Hoa Kỳ) cho biết, theo Quy tắc số 1.150 tòa án California (Hiệu lực ngày 1/1/1997, sửa đổi ngày 1/1/2007), có quy định rõ về việc ghi hình, ghi âm, phát thanh, truyền hình trong tòa án. Theo đó, tất cả các cơ quan truyền thông khi muốn sử dụng tất cả các phương tiện để ghi hình, ghi âm với mục đích thông tin một phiên tòa, đều phải xin phép (theo mẫu đơn MC-500), thời gian tối thiểu là 5 ngày trước phiên xử. Ðơn xin sẽ gửi đến vị Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa và tùy thuộc vào sự quan trọng của vụ án, Thẩm phán có toàn quyền quyết định cho phép hay không cho phép.

Ðôi khi, Thẩm phán sẽ phải họp để lắng nghe lý do có chính đáng hay không trước khi ra quyết định. Một số lý do mà các Thẩm phán cần cân nhắc trước khi có quyết định như sau: Ðể bảo đảm hoàn toàn sự tín nhiệm của người dân với hệ thống tư pháp; tầm quan trọng của việc khuyến khích sự tiếp cận của công chúng với hệ thống tư pháp; sự ủng hộ hoặc phản đối của các bên với yêu cầu; bản chất của vụ việc; quyền riêng tư của tất cả những người tham gia tố tụng, gồm có: Bồi thẩm đoàn, nhân chứng và nạn nhân.

Bên cạnh đó Thẩm phán phải cân nhắc những yếu tố như: ảnh hưởng đối với trẻ vị thành niên, nhân chứng tương lai, nạn nhân hoặc những người tham gia tố tụng khác; ảnh hưởng đến việc lựa chọn bồi thẩm đoàn cho công bằng; ảnh hưởng đến mọi hoạt động thi hành pháp luật đang diễn ra; ảnh hưởng đến nhân chứng đang sẵn sàng hợp tác, bao gồm các mối đe dọa về sức khỏe hay sự an toàn cho nhân chứng; ảnh hưởng đến những nhân chứng bị loại trừ, những người có thể truy cập vào lời khai trên truyền hình của các nạn nhân trước đó; việc báo chí đưa tin một phần hoặc theo sự sắp đặt có thể đánh lạc hướng bồi thẩm đoàn…

Quy định những điều cấm truyền thông đưa tin trong tòa án ở California bao gồm: Các thủ tục được tổ chức trong các phòng; các kỷ yếu không công bố cho công chúng; việc lựa chọn bồi thẩm đoàn; bồi thẩm đoàn cùng người tham dự; các cuộc hội thoại giữa luật sư và thân chủ, nhân chứng, phụ tá, giữa các luật sư, giữa các cố vấn và thẩm phán tại băng ghế dự bị. Nếu giới truyền thông vi phạm quy định của tòa, sẽ bị hủy bỏ giấy phép hành nghề, bị phạt tội khinh thường tòa án. Hình phạt có thể bằng tiền hoặc những hình thức khác dựa theo luật đã ban hành.

Luật sư James McBride cho biết thêm, giới truyền thông Mỹ có thể cung cấp thông tin cho độc giả, khán giả của mình biết về các vụ xử án thông qua hình thức ký họa, tốc họa tại tòa. Các họa sĩ được phép chọn lựa, nắm bắt các tình huống, trạng thái, cảm xúc của các nhân vật trong phiên tòa, nhưng phải tuân thủ nhiều điều kiện bắt buộc để giữ an ninh, trật tự trong phiên tòa.

Hiện nay Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nhiều điều ước quốc tế khi gia nhập, Pháp lệnh cũng tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn, chặt chẽ hơn cho việc thực hiện các nghĩa vụ mà Việt Nam đã cam kết trong các điều ước như: Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của trẻ em, các điều ước về quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, văn hóa, xã hội…

Trước yêu cầu của thực tiễn của hoạt động thực thi pháp luật ở trong nước và quốc tế cho thấy Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là chủ trương lớn xuyên suốt trong nhiều nghị quyết về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, phù hợp với quy định chung của thế giới, thể hiện yêu cầu kịp thời, đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Ðảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do dân và vì dân, bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân./.

Nguyễn Quang Trường (nhandan.vn)

Nguồn:

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Stay Connected

863FansLike
44FollowersFollow
0SubscribersSubscribe

BÀI MỚI

Xem nhiều

Phản biện - Luận bàn

ĐỐI TƯỢNG