Bộ Chính trị có trách nhiệm chuẩn bị và giới thiệu nhân sự để bầu Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, theo Quy định 80 vừa ban hành.
Quy định 80 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có hiệu lực từ ngày 18/8, thay thế Quy định 105 (ngày 19/12/2017).
Theo Quy định mới, trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Chính trị bổ sung một khoản (9 khoản thay vì 8 như quy định cũ), đó là “Ủy quyền cho Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (trừ các Ủy viên Trung ương, gồm cả dự khuyết)”. Một số thẩm quyền mới của Bộ Chính trị cũng được bổ sung, quy định chi tiết vào các điều khoản cũ.
Đơn cử như khoản 2, nếu như quy định cũ chỉ nêu ngắn gọn nhiệm vụ của Bộ Chính trị là “trình Ban Chấp hành Trung ương những vấn đề về cán bộ và công tác cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Chấp hành Trung ương”, thì quy định mới mở rộng hơn, nêu “trình Ban Chấp hành Trung ương những vấn đề lớn về công tác cán bộ, chiến lược cán bộ”.
Cụ thể, Bộ Chính trị chuẩn bị và giới thiệu nhân sự để Ban Chấp hành Trung ương xem xét, bầu Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.
Bộ Chính trị sẽ xin ý kiến Trung ương trước khi giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu, phê chuẩn đối với các chức danh: Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKS nhân dân tối cao, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, các thành viên Chính phủ; kỷ luật cán bộ và những vấn đề khác về công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương.
Cũng như Quy định cũ, Quy định 80 giữ nguyên trách nhiệm của Bộ Chính trị về quyết định phân công công tác đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương (cả chính thức và dự khuyết), nhưng bổ sung thẩm quyền phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Quy định 80 cũng bổ sung nội dung “Bộ Chính trị sẽ lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội trong việc giới thiệu nhân sự, phê chuẩn, miễn nhiệm hoặc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn”.
Đối với Quân đội, Công an, Bộ Chính trị quyết định các chức danh mới như Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ, bên cạnh các chức danh cũ là Ủy viên Quân ủy Trung ương và Đảng Ủy Công an Trung ương; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Bộ Chính trị xem xét, quyết định việc phong, thăng quân hàm đối với các nhân sự giữ chức vụ này (trừ người không giữ chức vụ diện Bộ Chính trị quản lý) và việc phong, thăng quân hàm đại tướng, thượng tướng, đô đốc Hải quân.
Theo quy định 80, trách nhiệm và quyền hạn của Ban Bí thư cơ bản giữ như quy định cũ. Theo đó, Ban Bí thư quyết định nhiều chức danh, ở các cơ quan Trung ương là Phó trưởng ban, cơ quan đảng ở Trung ương; Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phó tổng biên tập báo Nhân dân, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Phó chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Phó chánh án TAND tối cao; Phó viện trưởng VKSND tối cao.
Ban Bí thư cũng quyết định chức danh Thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Phó tổng Kiểm toán Nhà nước; Phó trưởng các tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương; Bí thư thường trực Trung ương Đoàn; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Chủ tịch các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương; trợ lý các lãnh đạo cấp cao.
Đối với quân đội, công an, Ban Bí thư quyết định các chức danh Thứ trưởng Quốc phòng; Thứ trưởng Công an; Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Chính ủy, tổng cục trưởng, chủ nhiệm tổng cục (trừ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam); Chính ủy, phó chính uỷ; tư lệnh, phó tư lệnh quân khu, quân chủng, Bộ đội Biên phòng; Chính ủy, Giám đốc Học viện Quốc phòng.
Ban Bí thư xem xét, quyết định việc phong hoặc thăng quân hàm đối với các nhân sự giữ các chức vụ nêu trên và phong hoặc thăng quân hàm trung tướng, thiếu tướng, phó đô đốc, chuẩn đô đốc Hải quân.
Bổ sung tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ cao hơn
Nếu như Quy định 105 nêu năm điều kiện bổ nhiệm cán bộ thì Quy định 80 tăng thêm hai điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn. Đó là cán bộ được giới thiệu từ nguồn nhân sự tại chỗ phải được quy hoạch vào chức danh bổ nhiệm hoặc được quy hoạch chức danh tương đương trở lên; đối với nhân sự từ nguồn ở bên ngoài phải được quy hoạch chức danh tương đương trở lên.
Bên cạnh đó, nhân sự phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất hai năm. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Việc bổ nhiệm sĩ quan trong lực lượng vũ trang do Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương quy định cụ thể, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Năm tiêu chuẩn còn lại cơ bản giống với quy định cũ: cán bộ phải đảm bảo tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể của chức danh bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử; có hồ sơ, lý lịch cá nhân, bản kê khai tài sản, thu nhập đầy đủ, rõ ràng và được cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định, xác minh; đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ (trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định); đủ sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Theo Quy định 80, cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn trong 12 tháng nếu bị khiển trách; 30 tháng nếu bị cảnh cáo; 60 tháng nếu bị cách chức. Quy định 105 trước đó nêu, cán bộ bị khiển trách trở lên thì không được quy hoạch, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất một năm; đảng viên bị kỷ luật cách chức trong vòng một năm không được bầu vào cấp ủy, không chỉ định, bổ nhiệm vào các chức vụ tương đương và cao hơn.
Bộ Chính trị nêu rõ, cá nhân, tập thể đề xuất cán bộ phải chịu trách nhiệm chính trước cấp có thẩm quyền về đánh giá, nhận xét, kết luận tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; năng lực công tác, ưu khuyết điểm; kê khai tài sản, thu nhập và ý kiến đề xuất. Cơ quan thẩm định chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, thẩm tra, rà soát thông tin đối với nhân sự được đề xuất. Tập thể quyết định bổ nhiệm cán bộ chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
* Toàn văn Quy định 80
Viết Tuân